Biến chủng Ấn Độ lây trong không khí khiến số ca ở Việt Nam tăng vọt?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong 3 ngày liên tiếp vừa qua, Việt Nam ghi nhận hàng trăm ca Covid-19 mỗi ngày. Nguyên nhân là do biến chủng Ấn Độ lây lan nhanh trong không khí?

Chỉ trong 3 ngày, số ca nhiễm tại Công ty Hosiden (tỉnh Bắc Giang) từ 12 tăng lên 158, chiếm 38% tổng số mẫu xét nghiệm. Các chuyên gia đánh giá tốc độ lây nhanh do công nhân làm việc trong môi trường kín.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 10/5 nhận định "biến chủng Ấn Độ lây rất nhanh trong không khí, đặc biệt ở môi trường kín, song không khiến bệnh nhân nặng hơn". Kết quả giải trình tự gene virus mẫu bệnh nhân đợt dịch lần này phần lớn là nhiễm biến chủng virus Ấn Độ.

Theo Bộ trưởng Long, biến chủng virus từ Anh lây lan nhanh gấp 170% (1,7 lần), nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn. Thực tế cho thấy trong đợt dịch này, những trường hợp tiếp xúc trong không khí, đặc biệt môi trường kín, lây nhiễm rất nhanh.

Cụm dịch ở Công ty Hosiden tại khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Ninh là một điển hình. Với cụm dịch ở Công ty Cổ phần Dịch vụ Trường Minh tại khu công nghiệp An Đồn, Đà Nẵng (33 nhân viên trực tổng đài mắc Covid-19), tỉnh Đà Nẵng cho rằng tốc độ lây nhanh do môi trường làm việc trong phòng kín, máy lạnh.

Cách thức lây truyền

Cách thức lây truyền của Covid-19 được biết là thông qua giọt bắn, tức là mầm bệnh nằm trong các giọt bắn từ đường hô hấp tiết ra. Đây là phương thức lây truyền được khuyến cáo từ khi khởi phát đại dịch vào đầu năm 2020.

Kích thước mỗi giọt bắn thông thường là trên 5 micromet. Người tiếp xúc gần (trong vòng khoảng cách một mét) với người mang virus có thể mắc Covid-19 khi các giọt bắn này thâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt. Ở khoảng cách tiếp xúc tối thiểu hai mét, giọt bắn càng lớn thì tốc độ rơi xuống đất càng nhanh, số lượng giọt bắn sẽ rơi bớt đi khi tiếp xúc, khả năng lây truyền mầm bệnh ít hơn. Ngược lại, hạt càng nhẹ thì rơi lâu, khả năng lây truyền nhanh hơn.

Virus corona còn lây truyền gián tiếp qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh. Những giọt bắn khi rơi sẽ không hoàn toàn xuống đất và biến mất, chúng có thể bám vào các bề mặt như quần áo, đồ vật... Con người chạm tay vào các bề mặt đó, vô tình đưa tay lên mũi, miệng, mắt thì virus xâm nhập vào cơ thể.

Covid-19 còn có khả năng lây truyền qua không khí. Đây là phương thức lây truyền mới được khẳng định từ đầu năm nay. Chuyên gia phân tích, những giọt bắn nhỏ hơn 5 micromet (gọi là aerosol hay hạt khí dung) sẽ treo lơ lửng trong không khí. Về nguyên lý, khi trọng lượng nhỏ, những hạt này nằm lại trong không khí lâu, phát tán xa hơn, và những người ở xa có thể hít phải các hạt đó rồi nhiễm bệnh.

Trong môi trường lưu thông không khí kém như phòng kín, khoang máy bay, ôtô, phòng tại bệnh viện, hội trường, quán bar, karaoke..., những hạt nhỏ này bay lơ lửng trong không khí, không có lối thoát. Chúng có thể tích tụ nhanh chóng, tương tự khói thuốc lá, thành nồng độ đặc dần, hệ quả là người trong môi trường đó có khả năng nhiễm bệnh rất cao.

Theo nghiên cứu của Đại học Cambridge, đăng tải trên tạp chí Proceedings of the Royal Society A, virus corona có thể lây lan ngay khi người bệnh chỉ nói chuyện mà không ho, hắt hơi. Trong không gian nhỏ, tổng lượng khí dung chứa virus lơ lửng trong một giờ (sau khi người bệnh nói chuyện khoảng 30 giây) có thể nhiều hơn một lần ho.

Các vũ trường, quán karaoke, các phương tiện ôtô, khoang máy bay, phòng bệnh, khu công nghiệp... là môi trường kín, tạo điều kiện thuận lợi tạo hạt khí dung tích tụ, dễ lây bệnh nhanh.

Biện pháp phòng tránh

Vì vậy theo các chuyên gia y tế, các biện pháp lưu thông khí rất quan trọng, và đó là biện pháp ngăn chặn Covid-19 về lâu dài.

Tại bệnh viện, tất cả phòng khám ngoại trú, buồng bệnh đều phải mở toang cửa sổ, cửa chính, lắp quạt máy xoay... Ở các siêu thị, shop bán hàng, quán cà phê, quán ăn, lớp học cũng vậy.

Đối với các khu săn sóc đặc biệt, phòng cấp cứu cần làm thông gió. Đóng cửa các dịch vụ trong phòng kín như karaoke, quán bar, rạp chiếu phim... Taxi, xe buýt, xe khách... không được đóng kín cửa và phải dùng quạt.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Biến chủng Ấn Độ lây trong không khí khiến số ca ở Việt Nam tăng vọt?