Xuất hiện biến chủng mới của Covid-19 ở Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việt Nam xuất hiện biến chủng virus mới, lai tạo giữa biến chủng Ấn Độ và Anh, có tốc độ lây nhanh, phát tán rộng trong không khí.

Hiện nay, dư luận trong nước và thế giới đang rất quan tâm về biến chủng mới của Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam. NTD Việt Nam cập nhật thông tin về biến thể mới ở Việt Nam như sau.

Sáng 29/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện nay giải trình tự gene virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng đang phổ biến là chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh. Trong đó, chủng từ Ấn Độ phổ biến nhất ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội... Chủng Anh xuất hiện ở Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế phát hiện một chủng mới có sự lai tạo giữa chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh. Cụ thể, trên chủng Ấn Độ có những đột biến gene của chủng Anh, theo Vnexpress.

"Tới đây Bộ Y tế sẽ tiến hành công bố chủng này trên bản đồ gene thế giới", ông Long nói.

Như vậy, hiện biến chủng mới này chưa được đặt tên.

Theo Bộ trưởng Long, đặc điểm của đợt dịch lần này là lây nhanh, phát tán rộng trong không khí, phát tán mạnh trong không khí. Mức độ đào thải mầm bệnh cũng rất nhanh.

Khi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và môi trường ngoài cho thấy nồng độ virus trong dịch hầu họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh trong môi trường không khí. Do đó, số ca mắc đợt này tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn.

Ví dụ, tại công ty Hosiden Bắc Giang, môi trường nhỏ hẹp, thông khí kém, đông người nên đã có gần 1.000 công nhân trong số 4.800 người nhiễm Covid-19. Đây là ví dụ điển hình của lây lan nhanh.

Vòng lây nhiễm của chủng này cũng chỉ 1-2 ngày đã có thể xuất hiện thêm vòng lây nhiễm nữa. Số ca nhiễm có thể lây theo cấp số nhân.

"Đây là một trong những lý do dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh khó kiểm soát dù đã thực hiện nhiều biện pháp chống dịch rất quyết liệt", Bộ trưởng Long nhấn mạnh.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng của nCoV, gồm: B.1.222, B.1.619, D614G, B.1.1.7, B.1.351, A.23.1 và B.1.617.2.

Theo các chuyên gia, đặc tính của virus SARS-CoV-2 là liên tục biến đổi. Virus có thể biến đổi khi chúng tạo ra các bản sao của chính mình sau khi lây nhiễm. Trong số những biến thể được ghi nhận, các chuyên gia y tế chủ yếu lo ngại về 3 biến thể được phát hiện lần đầu tiên ở Anh, Nam Phi và Brazil vì tốc độ lây lan nhanh và dễ hơn.

Phản ứng của dư luận

Nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự ngạc nhiên và lo lắng trước việc xuất hiện biến chủng (biến thể) mới của Covid-19 ở Việt Nam.

  • Hoàng: "Trời ơi, sao càng ngày càng nguy hiểm hơn vậy. Khi nào mới trở lại cuộc sống bình thường đây".
  • HHuy: "Hy vọng sự lai tạo này làm con virus yếu đi".
  • Thydnm95: "Điều mình sợ cuối cùng cũng xảy ra. Đã biến chủng rồi mà lại còn lai tạp".
  • Minh Duc Le: "Làm ơn lockdown hoặc yêu cầu các cơ quan, công ty cho làm online đi. Hàng ngày tôi vẫn đi làm 20 người chen chúc nhau trong 1 cái thang máy bé tí. Ai cũng nói phải thực hiện 5K nhưng 5K như thế nào trong điều kiện ấy? Tốt nhất nên lockdown ở những tỉnh thành đang có dịch".
  • Phan Van Minh: "Chủng mới lây lan nhanh nhưng có thể ít nguy hiểm (biến chứng) hơn chăng? Lây lan nhanh thì vòng đời có thể ngắn hơn và dần trở thành cúm mùa?"

Tình hình tại Bắc Giang và Bắc Ninh

Tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, mật độ công nhân đông, không gian nhà máy hẹp, khép kín, dùng chung nhà vệ sinh, ăn uống tập trung, đi xe chung, ở chung khu nhà trọ. Vì vậy, Bộ Y tế nhận định tỉnh sẽ kiểm soát được dịch nhưng không thể trong thời gian ngắn.

Tại Bắc Ninh, Bộ trưởng Long quan ngại việc lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp có xu hướng phức tạp hơn.

Bộ Y tế cho rằng, tỉnh Bắc Giang cần xây dựng phương án ứng phó với tình huống có 5.000 ca nhiễm, còn Bắc Ninh là 3.000 ca nhiễm. Một số địa phương, đặc biệt tại các đô thị tập trung đông người như Hà Nội, TP. HCM có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch, các chùm ca bệnh trong cộng đồng.

Có lây nhiễm Covid-19 khi đi chung thang máy?

Giáo sư Teo Yik Ying, Trưởng khoa Y tế công cộng Saw Swee Hock, cho biết quá trình lây truyền Covid-19 chủ yếu xảy ra qua các giọt bắn và bề mặt. Do đó đeo khẩu trang đúng cách và sát khuẩn tay rất quan trọng, đặc biệt là trong môi trường kín như thang máy.

Không nói chuyện trong thang máy cũng sẽ giảm thiểu đáng kể việc tiếp xúc với các giọt bắn và giảm khả năng lây nhiễm đáng kể, theo Straits Times.

Đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4 đến nay. Tổng số ca nhiễm cộng đồng là 3.595, ghi nhận ở 33 tỉnh thành.

5 tỉnh nhiều ca nhiễm nhất là Bắc Giang (1881 ca), Bắc Ninh (736), Hà Nội (356), Đà Nẵng (155), Vĩnh Phúc (89).

Bạn đang đọc bài viết Xuất hiện biến chủng mới của Covid-19 ở Việt Nam tại chuyên mục Sức khoẻ của NTD Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư [email protected].

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Xuất hiện biến chủng mới của Covid-19 ở Việt Nam