Bỏ thuốc lá có giúp phổi trắng lại và giảm khả năng ung thư không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng nếu một người sẵn sàng từ bỏ thuốc lá, phổi bị đen của họ có thể khôi phục lại trạng thái nguyên vẹn không? Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh ung thư liệu có giảm xuống?

“Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe của bạn.” Câu nói quen thuộc này dường như đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều người. Nhưng thực tế, trước sức cám dỗ của thuốc lá, vẫn có không ít người bị nó “đầu độc”.

Điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy tổng số người hút thuốc trên toàn thế giới là hơn 1 tỷ người, trong đó mỗi năm có khoảng 6 triệu người chết vì thuốc lá.

Nghiên cứu y học phát hiện trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 loại chất hóa học, bao gồm hàng trăm chất có hại và hơn 69 loại chất có khả năng gây ung thư.

Tạp chí y khoa có thẩm quyền CA: A Cancer Journal for Clinicians cũng xác nhận mối tương quan giữa hút thuốc và 17 loại bệnh ung thư khác nhau.

Ngoài ra, dữ liệu lâm sàng cũng cho thấy hút thuốc lá gây ra 10% bệnh tim mạch, 42% bệnh hô hấp và 70% ung thư phổi.

Cách một điếu thuốc có thể làm tổn thương bạn

Thuốc lá rất phổ biến, đến mức chúng ta đã quá quen thuộc và không còn bận tâm đến sự xuất hiện của nó, nhưng bạn có biết thuốc lá có thể gây ra những tác hại như thế nào không?

1. Thuốc lá gây co thắt mạch máu

Hút thuốc trong thời gian dài có thể gây co thắt mạch máu, làm tăng độ nhớt của máu, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến mạch máu.

2. Nicotin tác động tiêu cực đến đường tiêu hóa

Nicotin và các chất độc hại khác trong thuốc lá có thể đi vào dạ dày qua nước bọt, gây viêm loét dạ dày.

Ngoài ra, sự tiếp xúc giữa nicotin và niêm mạc dạ dày sẽ kích thích sự co bóp của các mạch máu dưới niêm mạc dạ dày, gây co thắt, dẫn tới tình trạng thiếu oxy, thiếu máu cục bộ và làm tăng tổn thương niêm mạc dạ dày.

3. Thuốc lá gia tăng mức độ nghiêm trọng của viêm gan

Hút thuốc lá lâu dài có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm gan và là một yếu tố nguy cơ cao của bệnh gan.

4. Khói thuốc gây hại cho phổi

Các chất độc hại trong thuốc lá xâm nhập vào phổi qua đường hô hấp, gây kích ứng đường hô hấp và phổi, làm giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là ung thư phổi.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng nhận thấy rằng, hút 20 điếu thuốc mỗi ngày làm tăng nguy cơ ung thư phổi gấp 7 lần.

5. Hút thuốc làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus

Trong những thời điểm đặc biệt, hút thuốc lá sẽ khiến con người mất đi sự bảo vệ và tăng nguy cơ phơi nhiễm giữa người với người.

Quan trọng nhất, các nhà nghiên cứu từ Đại học Nam Carolina (Hoa Kỳ) và dự án nghiên cứu của Li Guoping từ Viện Sức khỏe Hô hấp Thành Đô đã xác nhận rằng, hút thuốc làm tăng biểu hiện của gen ACE2, là thụ thể được coronavirus sử dụng.

Qua đó suy ra rằng, hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại bệnh do virus, mà COVID-19 là một trong số đó.

Ngoài 5 nguy cơ trực tiếp kể trên, hút thuốc lá còn có thể làm tăng khả năng sinh khó, dẫn đến nguy cơ sẩy thai, suy giảm chức năng tình dục, loãng xương và các nguy cơ tiềm ẩn khác.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, một điếu thuốc sẽ làm giảm 11 phút tuổi thọ của người hút. Do đó có thể nói rằng, người hút thuốc đang tự kết liễu mạng sống của mình.

Phổi bị đen có thể trắng trở lại sau khi bỏ thuốc lá không?

Nghiên cứu phát hiện, sau khi khói thuốc đi vào cơ thể, hơn một tỷ hạt bụi, bao gồm dung môi hữu cơ, hắc ín, nicotin, kim loại nặng, chất gây ung thư... sẽ được hấp thụ theo chất nhầy do phế nang tiết ra. Sau đó chúng được đào thải ra ngoài nhờ hoạt động của các lông mao trong phổi.

Hút thuốc lá lâu ngày sẽ làm tăng gánh nặng và gây tổn thương cho phổi. Khi lông mao bị tổn thương, nó sẽ khiến các chất sinh ra do hút thuốc không thể đào thải hết, chúng sẽ tích tụ lại và quyện lại với các mô phổi.

CCTV từng đưa một bản tin và cho biết, so sánh phổi giữa những người khỏe mạnh, 15 năm hút thuốc và 30 năm hút thuốc với nhau, sự khác biệt là cực kỳ rõ ràng. Tất cả đều có thể quan sát bằng mắt thường.

Bề mặt phổi của người khỏe mạnh có màu trắng, hồng và đỏ; do hít phải khói bụi trong không khí tạo nên những đường vân đen xám.

Ngược lại, những người đã hút thuốc trong 15 năm có rất nhiều chất đen bám trên bề mặt phổi. Đối với người hút thuốc 30 năm, các chất màu đen này sẽ hoàn toàn hợp nhất với phổi. Lúc này, bề mặt phổi đen như mực, vô cùng đáng sợ.

Nghiên cứu cho thấy nếu một người bình thường hút 20 điếu thuốc mỗi ngày, phổi sẽ chuyển sang màu đen sau 3 năm, và việc phổi bị đen là một quá trình không thể đảo ngược!

Từ cơ chế hoạt động mà xét, sau khi bỏ thuốc lá, phổi sẽ dần phục hồi các mô và chức năng bị tổn thương. Các chất đen trên bề mặt phổi sẽ giảm theo quá trình trao đổi chất, các triệu chứng và bệnh lý về phổi cũng được cải thiện.

Đồng thời, tuổi thọ của bệnh nhân thậm chí còn kéo dài tương ứng, nhưng cần lưu ý rằng, phổi vĩnh viễn không thể quay trở lại nguyên vẹn như người không hút thuốc!

Bỏ thuốc lá có giảm nguy cơ ung thư không?

Trong các cuộc điều tra dịch tễ học và nghiên cứu y tế trước đây, hút thuốc có liên quan đến ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư miệng, ung thư gan, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư cổ tử cung, ung thư thực quản, ung thư thanh quản, ung thư vòm họng và những bệnh khác.

Theo số liệu lâm sàng, 75% ung thư miệng, 12% ung thư vòm họng và 30 - 50% ung thư bàng quang có liên quan đến hút thuốc.

Nghiên cứu khoa học đã phát hiện rằng sau 2 giờ bỏ thuốc lá, các chất độc hại xâm nhập vào cơ thể do hút thuốc như nicotin, hắc ín… sẽ giảm dần.

Mặc dù người hút sẽ xuất hiện một số biểu hiện khó chịu do thiếu nicotine vào thời điểm này, nhưng môi trường trong cơ thể đang phục hồi dần dần.

Từ góc độ này, việc cai thuốc lá trước hết sẽ làm giảm các chất độc hại trong cơ thể, phục hồi chức năng của các mô và cơ quan bị tổn thương, cuối cùng giảm nguy cơ ung thư một cách tự nhiên.

Ngoài ra, việc tăng cường khả năng miễn dịch còn có thể nâng cao sức đề kháng của cơ thể đối với các chất gây ung thư.

Vì vậy, nếu bạn có ý tưởng bỏ thuốc lá, bao lâu để thành công?

Một nghiên cứu chung của Đại học Columbia và Viện Y tế Quốc gia (Hoa Kỳ) khẳng định rằng, không bao giờ là quá muộn để bỏ hút thuốc, bất kể bạn đang ở giai đoạn nào.

Hút thuốc lá tạo ra sự phụ thuộc mạnh mẽ về thể chất và tâm lý, và nhiều người từ bỏ nỗ lực chỉ vì điều này.

Xiao Dan, Giám đốc Trung tâm Cai nghiện Thuốc lá và Bệnh tật thuộc Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật cho biết, việc bỏ thuốc lá trong 5 năm được coi là thành công.

14 ngày đầu cai thuốc lá là thời điểm “cơn nghiện” mạnh nhất, nhiều người không thể vượt qua ngưỡng này. Vì vậy cách thức và phương pháp cai thuốc là vô cùng quan trọng.

Yang Xinyan tại Bệnh viện trực thuộc Đại học Y Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết, nhiều người thiếu hiểu biết đúng đắn về việc cai thuốc lá, và lầm tưởng rằng bỏ thuốc lá không cần đến sự trợ giúp của y tế, nên cách cai thuốc lá phổ biến nhất là bỏ thuốc bằng ý chí, nhưng tỷ lệ thành công chỉ 3 - 4%.

Ngược lại, các phòng khám hỗ trợ cai thuốc lá có tỷ lệ thành công cao hơn và hữu ích hơn cho người hút.

Ai cũng biết thuốc lá có hại nhưng ít ai biết tác hại của thuốc lá như thế nào, hy vọng bài viết này có thể giúp bạn hiểu được tác hại của việc hút thuốc lá đối với sức khỏe, đồng thời xây dựng lại niềm tin trong việc cai thuốc.

Nói chung, bạn nên chú ý đến các cách thức và phương pháp cai thuốc lá, tốt hơn hết là nhờ đến sự trợ giúp của người nhà và bác sĩ!

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Bỏ thuốc lá có giúp phổi trắng lại và giảm khả năng ung thư không?