Bộ trưởng Y tế Úc nhập viện vì nhiễm trùng sau khi tiêm vaccine AstraZeneca, và thêm một số quốc gia ngừng sử dụng vaccine này

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt đã nhập viện sau khi tiêm vaccine COVID-19 thử nghiệm của hãng AstraZeneca. Ngoài ra, thêm nhiều quốc gia trong khối EU đã ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca sau khi có báo cáo về thương tật và tử vong do đông máu. Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 8/3 với 117.600 liều vaccine AstraZeneca và hiện chưa ghi nhận trường hợp nào bị đông máu sau tiêm.

Bộ trưởng Y tế Australia nhập viện

Theo abc Australia, vừa qua Bộ trưởng Y tế Greg Hunt đã nhập viện với tình trạng nghi ngờ nhiễm trùng. Tuy nhiên, bản tin đã đề cập hai lần rằng tình trạng của ông Hunt "không được cho là có liên quan đến vaccine COVID-19”.

Ông Hunt đã tiêm vaccine AstraZeneca vào cuối tuần nhưng văn phòng Bộ trưởng cho biết tình trạng nhiễm bệnh của ông được cho là không có liên quan đến việc tiêm chủng.

Một thông báo từ Văn phòng Bộ trưởng cho biết, ông Hunt sẽ ở lại bệnh viện qua đêm để theo dõi và đang được truyền thuốc kháng sinh và dịch: "Bộ trưởng dự kiến ​​sẽ phục hồi hoàn toàn".

Ngày 28/2, Australia tiếp nhận lô vaccine đầu tiên gồm 300.000 liều của hãng AstraZeneca để tăng cường chiến dịch tiêm chủng trên cả nước. Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho biết, lô vaccine được Cơ quan quản lý sản phẩm trị liệu (TGA) kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào sử dụng từ ngày 8/3.

Trước đó ngày 7/2, Nam Phi đã quyết định ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca và chờ đợi khuyến cáo của các nhà khoa học cho các bước tiếp theo.

Quyết định của Nam Phi dựa trên kết quả thử nghiệm do Đại học Witwatersrand tại Johannesburg (Nam Phi) thực hiện, cho thấy vaccine của AstraZeneca chỉ có hiệu quả phòng ngừa ở mức 22% đối với biến thể mới B1351 tại Nam Phi.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi, ông Zweli Mkhize, cho biết “nước này sẽ tạm thời ngừng triển khai vaccine theo kế hoạch cho đến khi có thêm thông tin về hiệu quả của vaccine”, và Nam Phi đã triển khai vaccine thay thế của hãng Johnson & Johnson.

Tuy nhiên, phản ứng với quyết định trên, phát biểu với báo giới tại thủ đô Canberra, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt nhấn mạnh rằng cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy hiệu quả kém của vaccine AstraZeneca cũng như vaccine Pfizer/BioNTech, trong việc phòng ngừa các trường hợp đổ bệnh nặng hoặc hạn chế nguy cơ tử vong. Ông nêu rõ nhiệm vụ cơ bản của vaccine là bảo vệ sức khỏe của con người.

Dự kiến trong vài ngày tới, Australia sẽ phê chuẩn vaccine của AstraZeneca và đã đặt mua 53 triệu liều vaccine của hãng này. Tháng trước, Australia đã cấp phép sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech.

Thêm nhiều quốc gia ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca

Theo euronews.com, ngày 11/3, Đan Mạch, Na Uy và Iceland cùng với các nước EU khác đã ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca, sau khi có báo cáo về các trường hợp đông máu và một phụ nữ 60 tuổi ở Đan Mạch tử vong sau khi tiêm vaccine này.

Theo Reuters, Đan Mạch đã đình chỉ tiêm vaccine AstraZeneca cho đến khi có thông báo mới, sau khi một phụ nữ 60 tuổi đã tử vong vì xuất hiện cục máu đông khi tiêm chủng ngừa.

Theo Reuters, quyết định của Đan Mạch được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các nhà chức trách Áo thông báo họ đình chỉ một lô vaccine AstraZeneca trong khi điều tra một người tử vong và một người khác đổ bệnh sau khi tiêm vaccine. Được biết, Áo và Đan Mạch cùng nhập một lô vaccine AstraZeneca.

Tại Áo, một phụ nữ 49 tuổi tử vong vì rối loạn đông máu nghiêm trọng và một phụ nữ 35 tuổi bị thuyên tắc phổi –– một bệnh phổi cấp tính do cục máu đông gây ra.

Truyền thông Áo đưa tin rằng cả hai người phụ nữ trên đều là y tá tại phòng khám Zwettl, nơi thực hiện hàng loạt các vụ tiêm chủng vaccine AstraZeneca. Hãng AstraZeneca cũng cho biết “không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được xác nhận liên quan đến vaccine” trong quá trình thử nghiệm, đồng thời cho biết họ đang làm việc với các nhà chức trách Áo để điều tra vụ việc.

Theo France 24, bốn quốc gia khác gồm Estonia, Latvia, Lithuania và Luxembourg cũng ngừng toàn bộ hoặc một phần việc triển khai vaccine AstraZeneca, trong khi điều tra những lo ngại liên quan đến các trường hợp đông máu sau khi tiêm chủng ngừa.

Theo Reuters, ngày 11/3, Ý cũng quyết định cấm một lô vaccine AstraZeneca sau cái chết của hai người đàn ông tại đảo Sicily vừa được tiêm vaccine này. Một người là sĩ quan hải quân (43 tuổi) tử vong vì nghi ngờ lên cơn đau tim chỉ một ngày sau khi tiêm chủng. Người còn lại một sĩ quan cảnh sát (50 tuổi) có triệu chứng đổ bệnh trong vòng 24 giờ sau khi tiêm vaccine, và qua đời 12 ngày sau khi tiêm. Cả hai người đàn ông trên đều được tiêm liều vaccine từ lô ABV2856 của hãng AstraZeneca.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm Aifa của Ý cho biết lệnh cấm này là một biện pháp "phòng ngừa", đồng thời nói thêm rằng không có mối liên hệ nào giữa vaccine và "các tác dụng phụ nghiêm trọng" sau đó.

Theo EMA.europa, tính đến ngày 10/3, đã có 30 trường hợp xảy ra Huyết khối tắc mạch, mà biến chứng nguy hiểm nhất chính là tắc mạch phổi dẫn đến tử vong. Theo Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA), hiện đã có 5 triệu người tiêm vaccine AstraZeneca và EMA cho biết chưa có bằng chứng vaccine gây ra tình trạng này.

Tuy nhiên, 12 bác sĩ và nhà khoa học nổi tiếng đã gửi một bức thư ngỏ yêu cầu các cơ quan quản lý của EU giải quyết 7 vấn đề an toàn quan trọng liên quan đến vaccine AstraZeneca, Pfizer và Moderna, hoặc rút lại phê duyệt vaccine được sử dụng ở EU.

Vào tháng 2, tại Thụy Điển, 2 trong số 21 khu vực chăm sóc sức khỏe của nước này đã tạm dừng tiêm vaccine AstraZeneca cho nhân viên, sau khi 100/400 người đã gặp phản ứng phụ như mệt mỏi, ốm, và không thể tiếp tục làm việc được.

Theo CBS News, vaccine của hãng AstraZeneca vẫn chưa được chấp thuận sử dụng ở Mỹ, nhưng nhà sản xuất thuốc có kế hoạch nộp hồ sơ cho phép sử dụng khẩn cấp với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ trong những tuần tới để chờ kết quả thử nghiệm lâm sàng.

Việt Nam bắt đầu tiêm chủng từ ngày 8/3

Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 8/3 với 117.600 liều đầu tiên của hãng AstraZeneca. Sau 5 ngày triển khai tiêm vaccine AstraZeneca, khoảng 1.600 người ở 9 tỉnh thành, thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID-19 gồm nhân viên y tế, truy vết dịch tễ, xét nghiệm... đã được tiêm mũi một. Hiện chưa ghi nhận trường hợp nào bị đông máu sau tiêm.

Sáng 12/3, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng, Giáo sư Đặng Đức Anh cho biết Việt Nam chưa ghi nhận hiện tượng đông máu ở người sau tiêm vaccine AstraZeneca.

Trước đó, Bộ Y tế Việt Nam chính thức phê duyệt có điều kiện vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong nước.

Đơn vị nhập khẩu vaccine là Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) cho biết lô hàng này nằm trong hợp đồng đã ký từ tháng 11/2020 giữa AstraZeneca và VNVC. VNVC đặt mua 30 triệu liều vaccine AstraZeneca trong năm 2021, và số vaccine này được giao thành nhiều đợt. Lô đầu tiên gồm 117.600 liều vaccine đã tới Việt Nam ngày 24/2 vừa qua.

Quốc Hưng



BÀI CHỌN LỌC

Bộ trưởng Y tế Úc nhập viện vì nhiễm trùng sau khi tiêm vaccine AstraZeneca, và thêm một số quốc gia ngừng sử dụng vaccine này