Bùng phát dịch virus mới tại Trung Quốc phơi bày những hiểm hoạ của nạn buôn bán động vật hoang dã quý hiếm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thượng Hải/Bắc Kinh—Chủng Coronavirus khởi phát từ Vũ Hán đã gây chú ý của mọi người về sự quản lý yếu kém của chính quyền Đại Lục, không chỉ trong quản lý dịch bệnh mà còn cả trong buôn bán động vật hoang dã - thứ nguyên liệu vẫn được Trung Quốc hiện đại cho là món ăn ngon và dược liệu Trung Y quý báu.

Chợ hải sản Hoa Nam tại Vũ Hán không chỉ bán hải sản, mà còn đóng gói và buôn bán động vật hoang dã bị săn trộm; và cũng là nơi bắt nguồn của dịch bệnh, nơi virus phát triển và lây truyền sang con người.

Từ khu chợ này, chính quyền hiện đã thông báo hơn 500 ca nhiễm virus mới và 18 người tử vong. Con số dự kiến vẫn sẽ tiếp tục gia tăng.

Ông Gao Fu, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết: “Nguồn gốc của Coronavirus mới là động vật hoang dã được bán bất hợp pháp tại chợ hải sản ở Vũ Hán”.

Nghiên cứu ban đầu cho thấy: trong giai đoạn lây lan gần đây nhất, chủng virus tại Vũ Hán đã được truyền sang người từ rắn. Cố vấn y tế của chính phủ Trung Quốc, ông Trung Nam Sơn cũng xác định nguồn lây nhiễm có thể là lửng và chuột.

Các nhà bảo tồn và chuyên gia y tế từ lâu đã tố cáo việc buôn bán động vật hoang dã, vì tác động của nó đối với đa dạng sinh học và khả năng tạo thành dịch bệnh và lây lan trong chợ.

Christian Walzer, giám đốc điều hành của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã có trụ sở tại New York cho rằng “Lợi nhuận từ những động vật này quá rõ ràng, nhưng ẩn phía sau đó là việc nhốt chung tất cả các loài vật với nhau trong một không gian nhỏ hẹp làm dịch tiết và nước tiểu bị trộn lẫn”.

Các thành viên của Tổ vệ sinh khẩn cấp lái xe rời khỏi chợ bán buôn hải sản Hoa Nam sau khi bị đóng tại Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 11/01/2020... (NOEL CELIS/AFP qua Getty Images)

Các khu chợ Đại Lục đã bị quy trách nhiệm cho sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm khác xảy ra ở Trung Quốc và Đông Nam Á, bao gồm cả dịch SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) - dịch SARS đã giết chết gần 800 người trên toàn thế giới vào 2003.

Walzer nói: “Một điều khác mà chúng ta phải xét đến là: những con vật này bị căng thẳng cực độ bên trong lồng nên hệ thống miễn dịch của chúng bị hạ gục rất nhanh.”

Nói về môi trường thích hợp tạo ra virus tại các khu chợ, ông Walzer nói: “Đó là một hệ thống hoàn hảo. Không đâu có thể làm điều đó tốt hơn”.

Hình ảnh chụp tại chợ Vũ Hán trước khi bị đóng cửa vào cuối năm ngoái cho thấy những chiếc lồng chứa đầy rắn, nhím và cáo. Truyền thông cho biết khoảng 50 loại động vật hoang dã đã được bán tại chợ, bao gồm cả tê tê có nguy cơ tuyệt chủng.

Tạp chí Kinh Doanh Trung Quốc - tờ báo thuộc sở hữu nhà nước, đã phỏng vấn chị gái của một người bán hàng tại chợ và bị nhiễm virus, thì rắn, vịt, và thỏ hoang rất phổ biến trong chợ.

Phía đông nam của Quảng Đông, nơi buôn bán nhiều loại động vật hoang dã, từ lâu đã được coi là nguồn gốc chủ yếu của các căn bệnh mới.

Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, chính quyền ở Vũ Hán và các nơi khác đã đóng cửa các chợ, vườn thú và công viên rừng, đình chỉ việc buôn bán gia cầm sống và buôn bán vận chuyển động vật hoang dã; người dân ở một số khu vực cho biết các biện pháp này chủ yếu mang tính tượng trưng.

CDC Hoa Kỳ nghi ngờ động vật là nguồn lây nhiễm bệnh do điểm xuất phát của dịch bệnh từ chợ hải sản Hoa Nam tại Vũ Hán, nơi này đã đóng cửa vào ngày 01/01/2020... (CDC)

Đối với dịch SARS xảy ra vào 2002-2003, các nhà khoa học tin rằng SARS-CoV được tạo ra bởi sự lây truyền chéo giữa các loài trong tỉnh, ban đầu cho rằng bắt nguồn từ cầy hương, món ăn vốn được coi là đặc sản. Nhà chức trách đã giết hàng ngàn con vật, dù sau đó dơi được cho mới là nguồn gốc của SARS.

Sau đại dịch SARS, Trung Quốc đã cố gắng cải thiện luật lệ buôn bán động vật. Đồng thời, các nhà chức trách đã cố gắng kiềm chế việc săn bắt trái phép các loài động vật quý hiếm; đã có một danh sách dài để chính thức bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Nhưng những nỗ lực để bảo vệ động vật thường thua cuộc trước những tục lệ truyền thống.

Các nhà môi trường từ lâu đã vận động thông qua các luật mới để hạn chế việc sử dụng động vật hoang dã trong y học Trung Quốc và phát triển các lựa chọn thay thế từ nguyên liệu tổng hợp. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm từ động vật vẫn luôn sẵn có dễ dàng.

Rắn, chim công, và thậm chí cả cá sấu vẫn đang được bán qua Taobao, một nền tảng thương mại điện tử trực tuyến của Trung Quốc được điều hành bởi Alibaba.

Reuters đã liên lạc với một người Nội Mông tên Gong Jian, chuyên bán thịt rắn, lạc đà, cá sấu, và thịt hươu thông qua WeChat. Công việc kinh doanh của ông đang vô cùng khởi sắc, và "doanh nhân này" đang có ý định mở rộng tiếp thị trực tuyến.

“Khách hàng thực sự thích cá sấu, họ hầm nó”.

Thùy Trang (biên dịch)
- Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Bùng phát dịch virus mới tại Trung Quốc phơi bày những hiểm hoạ của nạn buôn bán động vật hoang dã quý hiếm