Các chuyên gia kêu gọi: “Hãy ngừng che giấu dịch bệnh” viêm phổi bí ẩn tại Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoài Đại Lục, các chuyên gia sức khỏe cộng đồng đang kêu gọi Bắc Kinh công khai thông tin về dịch viêm phổi mới. Tính đến 05/01, Vũ Hán đã xuất hiện 59 trường hợp mắc bệnh do một loại virus bí ẩn gây ra, trong đó có 7 ca “nghiêm trọng”...

Các chuyên gia cho biết, những “nỗ lực” che giấu thông tin đang diễn ra sẽ dẫn đến hệ quả khôn lường, việc kiểm soát dịch bệnh tại các khu vực lân cận Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Hồng Kông là một ví dụ.

Tại trung tâm tài chính lớn nhất châu Á, các bệnh viện đã thông báo về trường hợp của 5 bệnh nhân đã từng ở Vũ Hán, họ đều có những triệu chứng của viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp, bao gồm cả sốt.

Theo The Straits Times vào thứ 7 vừa qua, Singapore đã phát hiện trường hợp đầu tiên bị nghi ngờ lây nhiễm thứ virus bí ẩn. Bệnh nhân này cũng đã từng đi qua Vũ Hán.

Tính thêm cả Hàn Quốc, dịch bệnh lạ đã buộc cả 4 con rồng châu Á phải lo lắng. Đầu tuần qua, họ đã tăng cường các biện pháp kiểm tra để phát hiện bất cứ du khách nào xuất hiện triệu chứng viêm phổi.

Một nhân viên giám sát sức khỏe sử dụng máy quét thân nhiệt để kiểm tra hành khách tại sân bay quốc tế Hồng Kông, vào 04/01/2020... (AP/Andy Wong)

Che giấu bệnh dịch

Theo nguồn tin từ Epoch Times, Bắc Kinh không hề có dự định công khai loại dịch bệnh “viêm phổi do virus”. Thông tin bị rò rỉ và các tin đồn đã lan truyền trên mạng hơn một tháng, trước khi thông báo chính thức được đưa ra. Cư dân mạng đã so sánh tình trạng này với dịch SARS vào năm 2003 với 8000 người bị lây nhiễm và 775 đã người tử vong.

Ngày 03/01, Sở Y tế thành phố Vũ Hán cho biết: nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi còn chưa rõ. Đến ngày 05/01, họ tuyên bố đã loại trừ SARS, MERS, và cúm gia cầm là nguyên nhân của dịch bệnh, việc nhận diện virus bí ẩn vẫn được tiến hành.

Quan chức Trung Quốc cũng không cung cấp thời điểm phát hiện ra trường hợp bệnh đầu tiên từ Vũ Hán. Mãi đến ngày 05/01, họ mới cho biết ca bệnh đầu tiên xuất hiện vào ngày 12/12; Ngoài ra, họ tuyên bố: chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy bệnh lây từ người sang người.

Trong khi đó, Hồng Kông và Singapore đã phát hiện một số trường hợp nghi ngờ. Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán là nơi điều trị một số ca bệnh, đã từ chối trả lời khi được truyền thông trong nước cũng như nước ngoài liên hệ.

“Trước tình hình dịch bệnh hiện nay và phản ứng của Trung Quốc, mối quan tâm của tôi là những thông tin quá ít ỏi từ chính quyền Vũ Hán hay Bắc Kinh” - theo nhận định của nhà phân tích chính sách y tế toàn cầu Laurie Garrett, qua email trả lời Đài truyền hình NTD vào 03/01. Garrett cũng là nhà báo khoa học từng đoạt giải Pulitzer

Vũ Hán nằm ở khu vực giữa Trung Quốc, là địa bàn có vị trí giao thông trọng điểm với dân số 11 triệu người...(Google Maps)

Trước đó vào hôm 01/01, cảnh sát Trung Quốc đã triệu tập tám người vì lý do “lan truyền tin đồn” trên mạng về dịch viêm phổi. Garrett cho rằng: “Trung Quốc dường như chú trọng vào duy trì sự kiểm soát hơn là tuân thủ các Quy định quốc tế về Y tế (IRH)” - mà Trung Quốc đã ký kết.

Năm 2005, diễn đàn khoa học Quốc tế (WHA) đã thông qua các nguyên tắc của IRH - các nguyên tắc có tính ràng buộc cao với pháp luật, yêu cầu mọi dịch bệnh lớn phải nhanh chóng thông báo với WHO.

Bác sĩ chuyên khoa phổi Đài Loan Kuo Hsu-Tah nói với Epoch Times Hoa Ngữ: “Vấn đề cấp bách là phải ngay lập tức công khai thông tin về vụ dịch hiện nay”. Trong vụ dịch SARS năm 2003, Bác sĩ Kuo cũng từng là Giám đốc Trung tâm về dịch bệnh SARS thuộc bệnh viện Mackay Memorial tại Đài Bắc.

“Chính quyền càng cố gắng che đậy thì càng khó kiểm soát bệnh dịch”.

Các quan chức có lẽ đã biết nhiều hơn...

Sean Lin là một chuyên gia vi sinh làm việc trong quân đội Hoa Kỳ, chuyên về mảng bệnh do virus. Ông cho biết: chính quyền Trung Quốc có lẽ đã biết chủng virus gây bệnh, hoặc ít nhất là một vài “ứng viên” tiềm năng.

“Không chỉ là mới hai ba ngày...có lẽ đã kéo dài hơn một tháng rồi”, ông nói với đài truyền hình NTD hôm mùng 03/01.

Mọi người phải đeo khẩu trang trên đường phố để phòng chống căn bệnh gây chết người do virus gây viêm phổi tại Hồng Kông... (Peter Parks/AFP/Getty Images)

Theo ông Lin, Trung tâm kiểm soát bệnh của Trung Quốc vốn là “hình mẫu” chỉ xếp sau CDC Hoa kỳ, trung tâm được đánh giá cao nhờ chương trình giám sát bệnh nhiễm trùng hiệu quá; nếu các mẫu bệnh phẩm đã được xét nghiệm tại cơ quan này, thì thông tin thu được sẽ không chỉ hạn chế như trong công bố của các quan chức.

Ông cho biết thông tin bị chậm trễ hoặc là do nhiều đột biến xảy ra ở virus nên cần thời gian để nhận diện, hoặc “chính quyền nắm nhiều thông tin hơn, nhưng không cho phép công chúng biết thêm về tình hình chi tiết ”.

Ông Lin đề xuất: chính quyền Trung Quốc ít nhất nên cho phép truyền thông theo sát tình hình các bệnh nhân và bệnh viện, phỏng vấn các nhà khoa học, và thông tin cho công chúng về các biện pháp phòng ngừa.

Nhưng “tại Trung Quốc, vấn đề là chính phủ có ‘uy tín rất kém’ trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng”, chuyên gia vi sinh của quân đội Hoa Kỳ cho hay.

Che giấu dịch SARS vào 2003

Có một sự tương đồng về việc chậm trễ thông tin giữa vụ dịch tại Vũ Hán với dịch SARS 2003. Điều này đã tạo ra nỗi hoang mang lo sợ tại Trung Quốc và các vùng lân cận. Thời điểm năm 2002-2003, chính quyền Trung Quốc đã che đậy dịch SARS trong nhiều tuần trước khi số trường hợp tử vong gia tăng đến mức báo động, và các tin đồn đã buộc chính quyền nước này phải công bố sự thật.

Công nhân nhập cư đeo mặt nạ bảo vệ trên đường đến ga xe lửa khi rời khỏi thành phố, lo lắng về dịch SARS ở Quảng Châu, Trung Quốc vào năm 2003... (Christian Keenan/Getty Images)

Chính phủ không hề cảnh báo WHO cũng như các vùng lãnh thổ lân cận. Một bệnh nhân đã lợi dụng kẽ hở này để chạy sang Hồng Kông. Vào 2003, virus lây truyền khắp nơi đã khiến 774 bệnh nhân tại 37 nước tử vong.

Garrett đã có mặt tại Hồng Kông và Trung Quốc trong đại dịch năm 2003, ông cũng đã từng quay trở lại để thăm các bệnh viện, thăm các đài tưởng niệm ở Việt Nam, Singapore, và Hồng Kông - nơi các nhân viên y tế đã chiến đấu và tử vong vì bệnh SARS.

“Bài học đã quá rõ ràng cho cả thế giới: đừng tiếp tục che giấu bệnh dịch nữa”.

“Chiến đấu với bệnh dịch rất cần sự thật, và sự thật yêu cầu sự công khai. Cộng đồng y tế trên thế giới đang mất dần niềm tin vào những thông tin của chính phủ Trung Quốc”, bà nói.

Đại Hải (biên dịch)
- Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Các chuyên gia kêu gọi: “Hãy ngừng che giấu dịch bệnh” viêm phổi bí ẩn tại Trung Quốc