Các loại thảo mộc có giúp cân bằng đường huyết?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mất cân bằng lượng đường trong máu có ảnh hưởng không chỉ tức thời mà còn lâu dài với cơ thể. Khi lượng đường trong máu được kiểm soát tốt, chúng ta cũng sẽ kiểm soát tốt hơn năng lượng, tâm trạng, cảm giác thèm ăn, cân nặng và hiệu suất tổng thể của mình.

Trong ngắn hạn, lượng đường trong máu được kiểm soát kém có thể gây ra sương mù não (trạng thái lơ mơ về tinh thần) và năng lượng thấp. Nó còn khiến chúng ta trở nên gắt gỏng. Theo thời gian, lượng đường trong máu ngoài tầm kiểm soát có thể dẫn đến tiền tiểu đường, tiểu đường tuýp II và nhiều biến chứng sức khỏe liên quan đến bệnh tiểu đường.

Có rất nhiều thông tin và lời khuyên sinh hoạt cho điều trị và ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Khi được chẩn đoán mắc bệnh tiền tiểu đường hoặc tiểu đường tuýp II, thì việc áp dụng các lời khuyên và thông tin về bệnh càng trở nên nhiễu loạn. Người bệnh có thể phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi lượng đường, kiểm soát thức ăn… Thậm chí sẽ cảm thấy khó khăn với sinh hoạt thường ngày khi mắc căn bệnh này.

Tuy nhiên có những cách rất đơn giản với giá cả phải chăng giúp chúng ta quản lý lượng đường máu để phòng ngừa và cải thiện các vấn đề liên quan đến bệnh tiểu đường. Cho dù chúng ta mới bắt đầu có các triệu chứng của lượng đường trong máu cao hay thấp, hay bị tiểu đường trong nhiều năm, thì một số loại thảo mộc và gia vị phổ biến có thể giúp chúng ta điều chỉnh.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có những loại thảo mộc và gia vị an toàn, dễ kiếm mà giá thành rẻ có thể giúp giữ cân bằng lượng đường trong máu.

Cơ thể con người cần duy trì lượng mức đường huyết trong khoảng từ 70 miligam mỗi decilit (mg/dl) đến 140 mg/dl.

Tuyến tụy làm nhiệm vụ sản xuất hormone điều chỉnh lượng đường trong máu. Từ đó, não và cơ thể nhận được lượng glucose phù hợp cho các hoạt động bình thường. Việc bổ sung các loại thảo mộc và gia vị có thể hỗ trợ chức năng cho các cơ quan, hệ tiêu hóa và tuyến tụy.

Các triệu chứng mất cân bằng đường huyết

Mất cân bằng lượng đường trong máu với mức đường huyết cao được gọi là tăng đường huyết, hoặc mức đường huyết thấp được gọi là hạ đường huyết. Dù là ở trạng thái nào thì chúng đều có các triệu chứng phổ biến như đau đầu, mờ mắt, suy nhược, mệt mỏi, khó chịu và sương mù não. Ngoài ra tăng đường huyết còn có biểu hiện khác là hay có cảm giác khát nước và đi tiểu thường xuyên.

5 nguyên tắc vàng để duy trì cân bằng đường huyết

Trong sinh hoạt hàng ngày, khi chúng ta ăn uống thì lượng đường trong máu sẽ thay đổi theo nhu cầu của chúng ta. Việc giữ mức đường huyết cân bằng giúp cơ thể hoạt động hiệu quả hơn. Mặc dù có vô số thông tin và cả những lời khuyên trái ngược nhau về việc duy trì sự cân bằng lượng đường trong máu, thì có 5 nguyên tắc vàng phổ biến sau:

  • Giữ cơ thể đủ nước.
  • Có một giấc ngủ tốt.
  • Quản lý căng thẳng.
  • Tập thể dục thể thao.
  • Duy trì cân nặng.

Ngoài ra, việc bổ sung các loại thảo mộc và gia vị phù hợp trong thói quen hàng ngày của chúng ta giúp cân bằng tích cực đến việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Nguyên nhân gây mất cân bằng lượng đường huyết

Một số người tiềm ẩn nguy cơ về mất cân bằng đường huyết, hoặc có tình trạng sức khỏe kém khiến việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn.

Lối sống, sự vận động và chế độ ăn uống cũng đóng một vai trò quan trọng để duy trì sự cân bằng này. Hoặc ngay cả môi trường cũng có ảnh hưởng nhiều đến lượng đường trong máu của chúng ta.

Dù chúng ta không thể kiểm soát tất cả yếu tố trên, nhưng nếu mọi thứ đều được cải thiện tích cực thì sẽ có lợi cho lượng đường trong máu.

Ví dụ, cắt giảm thức ăn nhanh, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn. Hay như việc học cách quản lý căng thẳng, đều có thể giúp ta kiểm soát lượng đường trong máu.

Bên cạnh đó, duy trì vận động hàng ngày không chỉ giúp kiểm soát đường huyết mà còn góp phần mang lại chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Giấc ngủ ngon có thể cải thiện sự cân bằng đường trong máu.

Có thể thêm các loại thảo mộc và gia vị có tác dụng cân bằng đường huyết vào thói quen ăn uống hàng ngày là một chiến thuật đơn giản, an toàn, giá cả phải chăng và mọi người đều đạt được lợi ích.

Quế - Thảo dược trị mất cân bằng đường huyết

Quế là một loại gia vị thơm ngon nhiều công dụng và phổ biến trong mọi nhà. Người ta thường sử dụng vỏ lấy từ thân cây quế.

Hương vị ấm áp và ngọt ngào của quế thường được dùng trong các món nướng ngày lễ. Nó cũng dễ dàng kết hợp vào chế độ ăn kiêng bằng cách đơn giản là rắc lên thức ăn. Ngoài ra, có thể thêm vào đồ uống hoặc trộn vào các loại phết như mật ong hoặc mứt.

Quế có các hợp chất hóa học thực vật giúp chống viêm. (Ảnh: pexels.com)

Quế không chỉ là một loại gia vị tốt cho sức khoẻ mà đã được sử dụng trong y học từ hàng ngàn năm.

Hơn 20 năm qua, nghiên cứu về các hợp chất hoạt tính sinh học của quế và tác dụng của nó đối với lượng đường trong máu đã chứng minh một số đặc tính trị đái tháo đường. Quế có các hợp chất hóa học thực vật giúp chống viêm. Các polyphenol trong quế cho thấy tác dụng chống oxy hóa.

Các nghiên cứu dẫn chứng thành phần và tác dụng có trong quế

Các bằng chứng chứng minh quế có các hợp chất hoạt tính sinh học hữu ích với lượng đường trong máu.

Quế cho thấy khả năng điều chỉnh quá trình chuyển hóa glucose trong các mô bắt chước tác dụng chuyển hoá của insulin. Trong 16 nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy quế làm giảm đáng kể lượng đường trong máu lúc đói và tình trạng kháng insulin.

Cách sử dụng quế

Một lượng nhỏ quế cũng cho tác dụng đáng kể. Chỉ cần một nhúm quế là đủ để ổn định lượng đường máu trong một ngày. Ngoài ra, việc bổ sung thực phẩm chức năng có quế cũng có tác dụng lâu dài lên đến 12 giờ.

Thêm quế vào thói quen buổi sáng của bạn có thể giúp giữ lượng đường huyết ổn định suốt cả ngày. Bạn có thể thêm chút quế vào trà hoặc cà phê buổi sáng, rắc lên bánh mì nướng, ngũ cốc hoặc bột yến mạch, hay một chút trong sinh tố bữa sáng là đủ.

Buổi tối, bạn cũng có thể bổ sung lượng nhỏ quế trong đồ uống hoặc rắc vào trái cây. Món ăn sẽ tăng thêm hương vị ấm áp tuyệt vời và còn giữ cân bằng đường huyết của bạn.

Với những bổ sung hợp lý trong một thời gian dài thì hiệu quả sẽ ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý tránh sử dụng nhiều hơn một thìa cà phê quê mỗi ngày. Vì liều lượng cao có thể gây ra tác dụng phụ bởi cái gì quá cũng không tốt.

Quế, đặc biệt là quế Cassia (hay còn gọi là quế Trung Quốc với vỏ nâu thẫm và dày hơn các loại khác), có thể gây loãng máu nên cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu.

Gừng

Gừng là một trong những loại gia vị phổ biến và được dùng rộng rãi nhất trên thế giới. Nó là một loại cây thân rễ phát triển ở vùng nhiệt đới.

Gừng có vị cay tính ấm và được dùng trong nhiều món ăn với nhiều cách chế biến. Gừng khá phổ biến và dễ tìm ở bất cứ cửa hàng tạp hóa hay thực phẩm nào. Nó có thể được bán dưới dạng củ tươi và bột khô. Hãy tìm các sản phẩm gừng hữu cơ nếu có.

Từ xưa đến nay, gừng đã được dùng như một thảo dược cho nhiều vấn đề sức khỏe như chóng mặt, buồn nôn và nôn. Nó cũng hỗ trợ tiêu hóa và táo bón. Ngoài ra, gừng cũng có tác dụng chống ung thư, chống đông máu, chống oxy hóa và chống viêm.

Từ xưa đến nay, gừng đã được dùng như một thảo dược cho nhiều vấn đề sức khỏe. (Ảnh: unsplash.com)

Gừng chứa một loạt các chất có hoạt tính sinh học đã được chứng minh phòng chống bệnh tiểu đường như: gingerol, shogaol, zingerone và paradol. Nó cũng chứa các loại dầu dễ bay hơi bao gồm sesquiterpenes có tác dụng phòng bệnh cho con người. Một số sesquiterpen trong gừng là beta-bisabolene, zingiberene và monoterpen.

Các nghiên cứu dẫn chứng thành phần và tác dụng có trong gừng

Gừng đã được biết đến từ lâu với các hợp chất hoạt tính sinh học phong phú. Nó cũng được nghiên cứu để chứng minh có tác dụng với lượng đường trong máu.

Một nghiên cứu về gừng thực hiện vào năm 2015 cho thấy lượng đường trong máu và huyết sắc tố A1c, cũng như các protein lipid khác bị giảm đáng kể lúc đói.

Những người tham gia chỉ nhận được 2g bột gừng (ít hơn nửa thìa cà phê) bổ sung mỗi ngày. Tuy nhiên, họ đã cải thiện được lượng đường trong máu và huyết sắc tố A1c lúc đói. Nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung bột gừng bằng đường uống làm giảm nguy cơ biến chứng mãn tính do bệnh tiểu đường.

Cách sử dụng gừng

Vì gừng có hương vị thơm ngon lại dễ kiếm nên việc sử dụng gừng trong thói quen hàng ngày rất dễ dàng, an toàn, không tốn kém mà còn mang lại lợi ích. Gừng có thể bổ sung vào cả món ngọt và món mặn.

Gừng tươi và tỏi là một kết hợp tuyệt vời có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Để thuận tiện, gừng tươi xay ra (có thể thêm tỏi) trữ đông trong tủ lạnh. Sau đó, thêm nó vào các món như súp, nước sốt salad, cơm trộn, sinh tố và đồ uống.

Gừng tươi hoặc khô đều có thể thêm vào trà vì hương vị cay, ấm giúp cân bằng đường huyết. Bạn cũng có thể làm một loại nước uống nhẹ nhàng ấm áp từ gừng và chanh rất ngon.

Bồ công anh

Bồ công anh là thảo dược lâu đời đến từ vùng cao nguyên mát mẻ. Nó có thể chịu được cả hạn hán và sương giá.

Bồ công anh được sử dụng trong y học dân gian với các phương thuốc cổ truyền trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Châu Âu, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nó là một nguồn giàu vi chất dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin. Bồ công anh thường được dùng làm thực phẩm. Nó được thu hoạch và trồng hoang dã ở nhiều nơi trên thế giới cho đến ngày nay. Hiện tại, nó chủ yếu được sản xuất ở các nước Đông Âu như Bulgaria, Romania, Hungary và Ba Lan.

Nếu bạn muốn tìm kiếm một loại thuốc thay thế rẻ tiền chống lại bệnh tiểu đường tuýp 2 thì bồ công anh là một giải pháp hấp dẫn.

Bồ công anh khá dễ trồng và phổ biến nhiều nơi trên thế giới. Nó cũng giàu các hoạt tính sinh học giúp chống lại bệnh tiểu đường và nhiều loại bệnh khác nhau.

Nếu bạn muốn tìm kiếm một loại thuốc thay thế rẻ tiền chống lại bệnh tiểu đường tuýp 2 thì Bồ công anh là một giải pháp hấp dẫn. (Ảnh: unsplash.com)

Trong việc giúp cân bằng đường huyết để điều trị và phòng ngừa tiểu đường tuýp 2, các thành phần hoạt tính sinh học của bồ công anh rất hữu dụng. Chúng bao gồm một lượng lớn axit chicoric, taraxasterol, axit chlorogenic và sesquiterpene lactones.

Các nghiên cứu dẫn chứng thành phần và tác dụng có trong bồ công anh

Nghiên cứu đăng trên thư viện y dược quốc gia Hoa kỳ đã chứng minh công dụng của bồ công anh trong phòng chống bệnh tiểu đường.

Cùng với giá trị về dinh dưỡng, bồ công anh còn là dược liệu quý với các thành phần có hoạt tính sinh học giúp cân bằng đường huyết. Những tác dụng dược lý này là do các chất như sesquiterpene lactones, axit chicoric, taraxasterol, phenol, axit phenolic và flavonoid.

Các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục thực hiện để khám phá hết các cơ chế tiềm năng và thành phần hoá học của bồ công anh đối với cân bằng đường huyết.

Cách dùng bồ công anh

Hầu hết mọi người đều chỉ biết bồ công anh là một loại cỏ dại mọc trong vườn nhà hay bãi đất hoang, mà không hề biết rằng mỗi bộ phận của cây đều có những công dụng chữa bệnh tuyệt vời.

Lá non vào mùa xuân rất ngon khi dùng làm salad hoặc nấu chín. Những bông hoa vào cuối mùa xuân và mùa hè có mùi thơm đáng kinh ngạc giúp trang trí cho trà hoặc món salad xinh xắn.

Rễ có vị đắng và thu hoạch tốt nhất vào đầu mùa thu. Rửa sạch rễ, sao khô làm trà uống như một loại cà phê không chứa caffein. Chúng cũng có thể được cắt nhỏ, sấy khô và dùng chung với một số thành phần khác trong các loại trà thảo dược hoặc thuốc bổ. Ngoài ra, rễ bồ công anh còn có thể sắc lên như thuốc để chiết xuất được nhiều hơn dược tính của nó.

Thu hoạch bồ công anh cần chú ý các khu vực có độc tố từ thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu. Mặc dù loại cây này có thể mọc tràn lan trên bãi cỏ, mương rãnh, cánh đồng và đất bỏ hoang, nhưng bạn hãy tìm nguồn bồ công anh từ những nơi sạch sẽ. Điều này sẽ cải thiện chất lượng của các công thức bạn làm với bồ công anh.

Nếu không có bồ công anh từ các khu vực an toàn, bạn có thể tìm nguồn bồ công anh hữu cơ trong các cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự trồng vì loại cây này rất dễ mọc ngay cả trong chậu. Hãy cung cấp đất sạch không độc tố, bồ công anh phát triển dễ dàng từ hạt. Ngay cả một mảnh rễ nhỏ cũng sẽ nhân giống ra những cây bồ công anh mới.

Nước tăng lực giúp cân bằng đường huyết từ thảo dược

Một cách tuyệt vời để bắt đầu ngày mới là bổ sung nước tăng lực từ thảo dược. Công thức bao gồm giấm táo và một số thảo mộc, gia vị giúp cân bằng đường huyết và cấp nước cho cơ thể.

Nguồn cảm hứng cho công thức này là từ một loại đồ uống truyền thống chứa gừng giúp bổ sung chất điện giải và cân bằng lượng đường huyết.

Thành phần

2 cốc nước lọc

1/2 thìa cà phê bột gừng khô

1/16 thìa cà phê bột quế khô (1 nhúm nhỏ)

1/2 thìa cà phê cánh hoa bồ công anh khô

1/4 thìa cà phê rễ bồ công anh khô

1 thìa canh giấm táo (để thêm vào cuối)

Các loại thảo mộc và gia vị có hương vị tùy chọn khác để thêm vào:

1/4 thìa cà phê hạt thì là

1/4 thìa cà phê cỏ cà ri

1/4 thìa cà phê hương thảo

1/4 thìa cà phê húng tây

Cách làm

Cho nước và các nguyên liệu vào nồi bắc lên bếp. Đun sôi, tắt lửa để 10’ trong nồi. (Việc đun sôi kỹ giúp chiết xuất được nhiều dược tính hơn). Lọc bỏ cặn bã và thêm vào ½ đến 1 muỗng canh giấm táo.

Thưởng thức vào buổi sáng hoặc trong suốt cả ngày giúp cải thiện năng lượng, tâm trạng, cảm giác thèm ăn, cân nặng và hiệu suất tổng thể.

Ban đầu, nếu chưa quen bạn có thể sử dụng nửa muỗng canh giấm táo. Đây là một loại thức uống có tác dụng mạnh mẽ đáng kinh ngạc với một số người. Vì vậy, bạn hãy thử công thức này vào một ngày rảnh rỗi, nhưng hãy chú ý khi thử lần đầu vì nó có thể khó uống với một số người mẫn cảm.

Hãy nhớ luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu dùng các loại thảo dược mới. Đặc biệt là khi bạn đang dùng thuốc. Một số loại thảo dược có thể bị chống chỉ định với một số loại thuốc. Hãy tham vấn chuyên gia chăm sóc sức khỏe về các loại thuốc và phản ứng với thảo dược của bạn.

Theo The Epoch Times - Epoch Health tiếng Anh

Cát Mộc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Các loại thảo mộc có giúp cân bằng đường huyết?