Cách đối phó với các bệnh ngoài da thường gặp trong mùa hè

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, kết hợp với những ảnh hưởng của khí hậu, môi trường… làn da của con người trở nên nhạy cảm và dễ mắc một số bệnh.

Đặc biệt với những người làm việc ngoài trời, phơi nắng lâu và ra nhiều mồ hôi… thì càng trở thành nhóm bị tổn thương nhiều nhất. Dưới đây là một số bệnh ngoài da dễ mắc phải vào mùa hè và biện pháp đối phó:

Rối loạn tiết mồ hôi trên da

Mùa hè nắng nóng khiến cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi. Khi môi trường xung quanh ẩm ướt, mồ hôi không dễ bay hơi làm các ống tuyến mồ hôi biểu bì giãn nở và vỡ ra, kích thích mô xung quanh hình thành các nốt sần, viêm như mụn nước.

Đồng thời, số lượng vi khuẩn trên bề mặt da, nhất là số lượng cầu khuẩn tăng lên, sản sinh độc tố và làm nặng thêm phản ứng viêm, gây nổi mẩn ngứa, mụn nhỏ, u nang tuyến mồ hôi.

Trong đó, rôm sảy là phổ biến nhất. Rôm sảy là tình trạng bít tắc tuyến mồ hôi khiến mồ hôi ứ đọng, gây viêm da và xuất hiện các mụn nhỏ.

Sau khi xuất hiện rôm sảy, bạn nên hạn chế gãi để tránh nhiễm trùng thứ phát. Bạn có thể dùng kem dưỡng da tại chỗ, chẳng hạn như Calamine Lotion 1% và cồn (thuốc) bạc hà 1%, để làm mát và giảm ngứa.

Thuốc kháng histamine dạng uống được khuyên dùng cho trường hợp ngứa nghiêm trọng.

Viêm da do ánh nắng mặt trời

Đây là một bệnh ngoài da nhạy cảm thường gặp. Nó thường biểu hiện bằng các triệu chứng như ban đỏ, nốt sần và mụn nước trên các bộ phận như mặt, cổ, cẳng tay hay mu bàn tay.

Tổn thương có liên quan mật thiết với tình trạng tiếp xúc với ánh nắng. Thời gian tiếp xúc càng lâu, thì tổn thương da sẽ nặng lên rõ rệt và cảm giác ngứa càng trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, bệnh sẽ nhanh chóng cải thiện khi bạn hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời đúng cách.

Hiện tượng phát ban này thường tái phát và chúng có thể tăng sắc tố theo thời gian.

Nhiều bệnh nhân làm việc trong nhà lâu, khi ra ngoài trời nắng, tia cực tím chiếu vào trong thời gian dài rất dễ gây viêm da.

Nói chung, tình trạng sẽ giảm dần sau mùa thu và có thể kéo dài trong nhiều năm. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ trung niên, người lao động ngoài trời và công nhân.

Ngoài ra, một số thực phẩm (như rau muối, rau dền) và thuốc có thể chứa các chất nhạy cảm với ánh sáng. Vậy nên, làn da của những người dị ứng với các chất này rất dễ phản ứng sau khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh.

Bệnh nhân bị viêm da mặt ở mức độ nhẹ có thể dùng thuốc kháng histamine, còn những bệnh nhân có triệu chứng nặng có thể dùng glucocorticoid liều thấp để kiểm soát triệu chứng, đồng thời dùng aspirin hoặc indomethacin để giảm đau.

Viêm da do côn trùng cắn

Tình trạng này thường xảy ra do vết cắn của các loại côn trùng độc khác nhau như muỗi, sâu bướm, bọ ve, cũng có thể là do tiếp xúc với nọc độc hoặc lông độc trên cơ thể côn trùng.

Khi bệnh ở giai đoạn đầu, tại vùng da tổn thương có thể xuất hiện các sẩn, nốt phỏng, ban đỏ, mụn nước.

Các triệu chứng thường là ngứa, đau rát, nói chung không có khó chịu toàn thân, nhưng những trường hợp nặng có thể có các biểu hiện nhiễm độc toàn thân như ớn lạnh, sốt, nhức đầu, tức ngực, v.v.

Nó có thể xảy ra ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, kèm theo ngứa ở nhiều mức độ khiến người bệnh muốn gãi liên tục.

Việc gãi quá nhiều có thể dễ làm da bị rách, đối với người bình thường, vùng da bị trầy xước có thể không lành trong vài tuần, đồng thời dẫn đến tăng sắc tố da. Tuy nhiên, rách da đặc biệt nguy hiểm đối với hai nhóm sau:

  • Một, trẻ em gãi nhiều sẽ gây lở loét da, có thể biến chứng thành chốc lở, tức là nhiễm trùng có mủ. Do thời tiết nóng nực, nhiễm trùng có thể nhanh chóng phát triển khắp cơ thể, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
  • Hai, đối với bệnh nhân đái tháo đường, một khi da bị rách, vết thương không dễ lành, dễ bị nhiễm khuẩn và có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Vậy bạn phải làm gì nếu ngứa ngáy không thể chịu đựng được?

Nếu mẩn ngứa chưa nhiều và da chưa bị rách, bạn có thể dùng một lượng thuốc trị ngứa thích hợp như dầu gió. Tuy nhiên, nếu mẩn ngứa nhiều hơn, hoặc da đã bị rách thì không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc gây kích ứng nào, kể cả dầu gió…

Bạn nên đến bệnh viện, theo lời khuyên của bác sĩ và sử dụng các loại thuốc chống dị ứng bên trong và bên ngoài để điều trị.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Cách đối phó với các bệnh ngoài da thường gặp trong mùa hè