Cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta nên dũng cảm đối mặt với mọi khó khăn, nhưng nếu những cảm xúc tiêu cực xuất hiện với lý do vô cớ, ám ảnh tâm trí, níu kéo tinh thần và khiến hiệu suất công việc giảm sút, thì chúng ta nên làm gì?

Khi cảm thấy căng thẳng và lo lắng, nguyên tắc cơ bản là phải đối mặt với nó, bạn không được trốn tránh những thứ này.

Ví dụ, khi một kỳ thi đang đến gần, chúng ta sẽ cảm thấy bất an và lo lắng. Nhưng thay vì né tránh, chúng ta phải đối mặt với những cảm xúc này bằng cách chăm chỉ học tập hơn để có được sự tự tin.

Sẽ rất nguy hiểm nếu bạn giữ thái độ né tránh thay vì đối mặt. Có rất nhiều học sinh chơi điện tử để giải tỏa lo lắng trước kỳ thi, nhưng thói quen này sẽ chỉ khiến tình hình xấu hơn.

Một số người uống rượu hoặc sử dụng điện thoại quá mức nhằm trốn tránh thực tế khi họ gặp khó khăn. Tuy nhiên, lảng tránh vấn đề sẽ không khiến sự việc được giải quyết.

Đôi khi, việc quá chú ý đến những bất an sẽ khiến cảm xúc tiêu cực ngày càng lớn dần, cuộn lên như một quả cầu tuyết, và cuối cùng trở nên tồi tệ hơn.

Về cơ bản, nếu đó là những lo lắng vô căn cứ thì tốt nhất là bạn nên tránh chúng, không cần thiết phải đối mặt.

Ví dụ, khi có những lo lắng kiểu như: "Tôi lo sẽ không thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn ngày mai", "Có vẻ thứ gì đó tồi tệ sắp xảy ra", v.v. thì không cần thiết phải đối mặt với chúng.

Cách này cũng có thể áp dụng cho những chuyện đã xảy ra, chẳng hạn như buồn bã và hối hận là những cảm xúc vô nghĩa khi nghe tin người yêu cũ kết hôn. Tốt nhất bạn không nên để ý quá nhiều đến những cảm xúc này.

Mark Dombeck, Tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng tại Mỹ từng khẳng định rằng, việc chuyển hướng chú ý có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc thay đổi tâm trạng.

Đánh mất tập trung khỏi những cảm xúc tiêu cực về bản chất là chuyển hướng chú ý đến những nơi khác.

Nói một cách đơn giản, đó là "nhìn về phía khác", chẳng hạn khi sự lo lắng, nỗi sợ hãi vô căn cứ và không giải thích được tăng lên, tập nhìn về phía khác có thể mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc, và có thể nhanh chóng thay đổi tâm trạng của bạn.

Mark Donbeck khuyên bạn nên tập trung vào hai thứ khi cảm thấy lo lắng và buồn bã:

1. Những việc đòi hỏi sự tập trung

Làm những việc đòi hỏi sự tập trung, tức là những việc không có thời gian cho những suy nghĩ khác, chẳng hạn như viết, dọn phòng, chơi nhạc cụ, sắp xếp hồ sơ, chạy bộ, v.v.

2. Làm việc yêu thích

Làm những việc bạn yêu thích, chẳng hạn như xem các chương trình tạp kỹ hoặc phim truyền hình dài tập, phim ảnh, mua sắm trực tuyến, đọc sách, nghe nhạc, trò chuyện với bạn bè, v.v.

Cảm xúc tiêu cực giống như hố đen, chúng sẽ nhanh chóng bao trùm và níu kéo tinh thần của con người. Chúng thậm chí còn trở nên nguy hiểm hơn nếu bạn không biết cách chống lại. Bạn càng lo lắng, bạn sẽ càng khó chịu và buồn bã hơn.

Sự tội lỗi và hối hận sẽ được tiếp thêm sức mạnh và tàn phá tâm trí của bạn như một cơn bão. Lúc này, phương sách tốt nhất là thoát khỏi cảm xúc tiêu cực này càng sớm càng tốt.

Tóm lại, khi cảm giác hối tiếc, tội lỗi và bất an vô nghĩa nổi lên trong tâm trí, hãy ngay lập tức chuyển sự chú ý sang những thứ khác, tốt nhất là những thứ yêu cầu khả năng tập trung.

Viết lách và khiêu vũ rất tốt, dọn dẹp phòng cũng có thể khiến suy nghĩ lãng xẹt biến mất nhanh chóng, tán gẫu với những người bạn có cùng chí hướng, xem phim và làm những thứ bổ ích khác đều có tác dụng loại bỏ suy nghĩ tiêu cực hiệu quả.

Hoàng Tuấn
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực