Cách đối phó với những khoảnh khắc khó chịu trong cuộc sống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tôi (tác giả bài viết) tức giận đến mức giật tung cửa tủ ra khỏi tường và dùng búa đập chúng thành từng mảnh. Tại sao tôi lại cảm thấy khó chịu với những điều nhỏ nhặt như vậy? Làm thế nào để tôi thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực này?

Trước đó hai tiếng, vợ nhờ tôi sửa lại cửa trượt tủ quần áo trong phòng bọn trẻ, vốn đã bị lệch khỏi đường ray suốt mấy tháng qua. Tôi vốn chuẩn bị cho mình một số kế hoạch khác để tránh phải thực hiện điều này, nhưng lần này tôi không có lý do gì để bào chữa.

Sau khi lái xe đến cửa hàng kim khí, đánh rơi một con ốc ở bãi đậu xe, rồi loay hoay với cửa tủ quần áo trong một giờ, về cơ bản, tôi vẫn chưa sửa được chút nào. Có lẽ tôi đã làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Tôi có thể cảm thấy sự thất vọng và căng thẳng dâng lên khắp cơ thể sau mỗi lần thất bại.

Sau đó, khi ăn trưa, tôi tiếp tục bực bội và cư xử khó chịu với gia đình mình.

Tại sao tôi lại để một điều quá tầm thường khiến bản thân khó chịu như vậy?

Tìm ra nguồn gốc của sự thất vọng

Khi bạn cảm thấy thất vọng, đó là thời điểm tốt để suy ngẫm và quan sát những gì đang diễn ra bên trong chính mình. Những cảm xúc mạnh mẽ là manh mối cho biết bạn coi trọng điều gì nhất, nhưng bạn cần lưu ý rằng không phải lúc nào bạn cũng thích những gì mình nhìn thấy.

Khi đã đủ bình tĩnh để tự kiểm điểm lại bản thân, hãy tự hỏi chính mình: “Suy nghĩ nào khiến tôi cảm thấy thất vọng đến thế?”

Dưới đây là một vài tư tưởng nổi lên mà tôi đã tìm thấy trong quá trình nhìn vào nội tâm:

  • “Tôi thậm chí không đủ năng lực để sửa một cánh cửa trượt”.
  • “Tôi có thể sẽ phải chi hàng trăm đô la để thuê ai đó sửa lỗi này”.
  • “Tôi đã lãng phí hai giờ và sẽ không bao giờ lấy lại được”.

Nhờ đó, tôi nhận thấy mình quá coi trọng về năng lực cá nhân, tiền bạc và thời gian của bản thân, đến nỗi bất kỳ thứ gì trong đó bị ảnh hưởng đều có thể khiến tôi nổi cơn thịnh nộ.

Đây không phải là một điều đáng tự hào đối với tôi, nhưng tất cả chúng ta đều đang trong quá trình hoàn thiện.

Tôi nhận thấy mình quá coi trọng về năng lực cá nhân, tiền bạc và thời gian của bản thân, đến nỗi bất kỳ thứ gì trong đó bị ảnh hưởng đều có thể khiến tôi nổi cơn thịnh nộ.
Tôi nhận thấy mình quá coi trọng về năng lực cá nhân, tiền bạc và thời gian của bản thân, đến nỗi bất kỳ thứ gì trong đó bị ảnh hưởng đều có thể khiến tôi nổi cơn thịnh nộ. (Pexels)

Ảo tưởng về một cuộc sống không rắc rối

Thất vọng không nhất thiết là xấu, vì đó là dấu hiệu cho thấy bạn thực sự quan tâm đến một kết quả cụ thể. Nó chỉ là vấn đề khi cảm giác thất vọng khiến bạn nản lòng, hoặc khi bạn cảm thấy thất vọng về những điều không thực sự quan trọng.

Đối với tôi, cơn thất vọng này là một hồi chuông cảnh tỉnh rằng tôi đã trở nên quá bảo vệ thời gian, tiền bạc và danh tiếng của mình, nhưng với mục đích gì? Khi chúng ta bám chặt vào thời gian và tiền bạc, liệu nó có thể đem lại sự cải thiện cho cuộc sống của chúng ta hay không? Liệu nó có thể khiến chúng ta tốt hơn hay không? Không hẳn vậy.

Khi tôi cho phép cái tôi của bản thân trở nên quá mạnh mẽ, thì kết quả sẽ ra sao? Nó tôi thích an toàn và chỉ gắn bó với những gì tôi giỏi thay vì làm những việc khó khăn nhưng có thể quan trọng. Nó cũng khiến tôi che giấu những điểm yếu của bản thân với người khác.

Bạn có thể hiểu tại sao đây không phải là những giá trị mà tôi muốn.

Đánh giá lại các ưu tiên

Dựa trên những gì tôi học được về cái tôi cũng như mong muốn mạnh mẽ để bảo vệ thời gian và tiền bạc của mình qua giai đoạn thất vọng này, tôi quyết định viết ra những giá trị mà tôi muốn trau dồi.

  • Kiên nhẫn: Tôi muốn có khả năng đối phó với những trở ngại hoặc sự không chắc chắn bằng thái độ bình tĩnh và không căng thẳng.
  • Lạc quan: Tự tin rằng một số giải pháp cuối cùng sẽ tự lộ ra nếu tôi tiếp tục theo đuổi nó.
  • Lưu tâm đến các mối quan hệ: Không cho phép những đấu tranh nội tâm làm tôi sao nhãng việc yêu thương người khác.
  • Vui vẻ: Đừng quá coi trọng bản thân đến mức sợ tổn hại danh tiếng sau mỗi lần thất bại.
  • Lòng biết ơn: Đánh giá cao những gì tốt đẹp trong cuộc sống của tôi hơn là tập trung vào các vấn đề hiện tại.
Sự thất vọng của tôi sẽ ngày càng ít hơn và mỗi khi chúng đến, chúng sẽ là thước đo hữu ích cho thấy cuộc sống của tôi có điểm nào đó chưa cân bằng với những điều thực sự quan trọng.
Sự thất vọng của tôi sẽ ngày càng ít hơn và mỗi khi chúng đến, chúng sẽ là thước đo hữu ích cho thấy cuộc sống của tôi có điểm nào đó chưa cân bằng với những điều thực sự quan trọng. (Pexels)

Thông qua những giá trị này, tôi biết mình sẽ trở thành người mà tôi muốn trở thành. Sự thất vọng của tôi sẽ ngày càng ít hơn và mỗi khi chúng đến, chúng sẽ là thước đo hữu ích cho thấy cuộc sống của tôi có điểm nào đó chưa cân bằng với những điều thực sự quan trọng.

Chuyển đổi sự thất vọng thành sự suy ngẫm

Một cuộc sống có mục đích là một cuộc sống trong đó không có gì bị lãng phí, kể cả những khoảnh khắc bạn thà quên đi. Trên thực tế, những thất bại và khó khăn đem lại nhiều bài học hơn so với thành công.

Hãy để tôi tóm tắt lại những gì nên làm khi tức giận hoặc thất vọng:

  • Đầu tiên, hãy tự hỏi điều gì đang khiến bạn thất vọng. Hãy nhớ rằng: Luôn có một “lý do” đằng sau sự tức giận của bạn, một điều gì đó quan trọng đang bị đe dọa.
  • Sau đó, hãy tự hỏi rằng liệu những giá trị này có xứng đáng chi phối hành động của bạn hay không.
  • Cuối cùng, hãy viết ra danh sách các yếu tố và đặc điểm tính cách mà bạn muốn có trong những thời điểm đấu tranh nội tâm đó.

Theo thời gian, chúng sẽ thay đổi cuộc sống của bạn. Thay vì trở thành một sự lãng phí, mỗi khoảnh khắc thất vọng sẽ là động lực thúc đẩy bạn tiến xa hơn về con người mà bạn muốn trở thành.

Theo Mike Donghia từ The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch

Mike (và vợ anh ấy, Mollie) viết blog tại This Evergreen Home, nơi họ chia sẻ kinh nghiệm sống đơn giản, có chủ ý và có quan hệ trong thế giới hiện đại này.



BÀI CHỌN LỌC

Cách đối phó với những khoảnh khắc khó chịu trong cuộc sống