Cách phân biệt giữa triệu chứng của dị ứng mũi và cảm lạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trẻ em có khả năng miễn dịch yếu dường như thường xuyên bị cảm lạnh, thực tế thì, một số trẻ không phải bị cảm lạnh mà là do dị ứng.

Do dị ứng bẩm sinh, một khi tiếp xúc với các chất kích thích trong môi trường sẽ gây nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi thậm chí là ho. Một số tác nhân gây kích ứng bên ngoài như khói thuốc, ô nhiễm không khí cũng sẽ gây ra những thay đổi tương tự.

Vì thường xuyên tiếp xúc với các dị nguyên và chất kích thích lạ, cộng với khả năng miễn dịch kém, nên một số trẻ có xu hướng bị nhiễm trùng nhiều hơn so với những trẻ em khác.

Tình trạng này cũng khiến nhiều bậc phụ huynh nhầm lẫn giữa triệu chứng của dị ứng mũi và cảm lạnh, khiến trẻ lâu khỏi hơn.

Cái gọi là dị ứng có nghĩa là cơ thể sản xuất dư thừa các globulin miễn dịch đối với một hoặc nhiều chất ban đầu vô hại, sau đó tương tác với một số chất trong môi trường để tạo ra các chất hóa học vượt ngưỡng và gây khó chịu về thể chất.

Vì vậy, dị ứng mũi về cơ bản là kết quả của việc hệ thống miễn dịch của con người “hiểu nhầm” các chất lạ.

Ngoài suy giảm miễn dịch, nhiều bệnh nhân còn bị rối loạn hệ thần kinh tự chủ, thường do các yếu tố bên ngoài gây ra, chẳng hạn như không khí lạnh đột ngột, đột ngột ra khỏi phòng điều hòa (các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhiệt độ chênh lệch quá 7 độ sẽ gây dị ứng nhiệt độ), mùi đặc biệt, thậm chí thay đổi tâm trạng có thể làm tăng hoạt động phó giao cảm và làm cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Một số bệnh nhân, do khả năng miễn dịch kém, thường xuyên bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp, phá hủy các tế bào biểu mô của niêm mạc.

Sự sắp xếp của các tế bào sau khi bị viêm và tổn thương là không đều, các dây thần kinh bên dưới lộ ra, khiến chúng nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ. Cùng với ô nhiễm không khí, nó đã tác động gián tiếp làm nghiêm trọng thêm vấn đề này.

Vì cảm lạnh là do virus xâm nhập vào đường hô hấp, trong khi dị ứng là do chất gây dị ứng hoặc một số chất kích thích dẫn đến, nên cảm lạnh có thể gây sốt, nhưng dị ứng thì không.

Nước mũi của người bị dị ứng luôn trong. Trong khi đó, người cảm lạnh có nước mũi trong như nước ở giai đoạn đầu, nhưng sau vài ngày, nó có thể chuyển sang màu đục, vàng thậm chí là xanh.

Niêm mạc mũi nhợt nhạt hơn khi bị dị ứng mũi và đỏ hơn khi cảm lạnh. Dị ứng mũi sẽ tái phát nhiều lần, kéo dài trong thời gian dài; không giống như cảm lạnh, bệnh thường thuyên giảm trong vòng một tuần.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khi xuất hiện triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi và hắt hơi thì khả năng cao là do cảm cúm.

Vì trẻ bắt đầu tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài sau nửa năm chào đời, hệ thống tự miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Thêm vào đó, một số kháng thể từ mẹ đã biến mất, do đó, trẻ đặc biệt dễ bị cảm lạnh.

Điều này giải thích lý do tại sao trẻ học mẫu giáo thường hay ốm vặt hơn. Nguyên nhân là do sức đề kháng chưa hoàn thiện, một trẻ nhiễm virus có thể lây lan cho nhiều trẻ khác.

Nói chung, đây là môi trường khá lý tưởng đối với sự sinh sôi và phát triển của các mầm bệnh.

Ngược lại, người càng lớn tuổi khi xuất hiện triệu chứng hắt hơi, sổ mũi thì khả năng cao là do dị ứng.

Tần suất bị cảm lạnh ở người lớn thường khoảng ba đến bốn lần mỗi năm. Nếu người trưởng thành hoặc trẻ lớn có các triệu chứng tương tự với cảm lạnh thì cần xem xét đến yếu tố dị ứng.

Do đó, nếu bạn bị sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi nhiều lần thì phần lớn là do nhiệt độ chênh lệch quá lớn giữa buổi sáng và buổi tối hoặc do mùi hôi đặc biệt.

Nhìn chung, dị ứng không những không gây sốt, không khô hay ngứa rát cổ họng, mà người bệnh còn ăn ngon miệng và tinh thần cũng rất tỉnh táo.

Những bệnh dị ứng này thường có tính chất gia đình và thường liên quan đến bệnh hen suyễn hoặc viêm da dị ứng, quan sát kỹ sẽ thấy do lưu thông kém quanh hốc mũi nên thường có quầng thâm, niêm mạc lỗ mũi phì đại và nhợt nhạt.

Theo lý luận của y học cổ truyền, cảm lạnh là do khí tà bên ngoài, bất kể đó là phong hàn hay phong nhiệt.

Ví dụ, cảm mạo do “phong hàn” thường gây nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu, đau mình, sợ lạnh, không ra mồ hôi. Cảm “phong nhiệt” thường khiến thân nhiệt sợ gió, nhức đầu, sưng mắt, khạc ra đờm đặc trắng, họng sưng đau.

Bảo Vy
Theo Secret China

Phó giáo sư của Đại học Y Trung Hoa và là giám đốc của Phòng khám Y học Cổ truyền Trung Hoa ở Đài Trung, Đài Loan. Bài viết này được xuất bản với sự cho phép của tác giả.



BÀI CHỌN LỌC

Cách phân biệt giữa triệu chứng của dị ứng mũi và cảm lạnh