Chỉ số BMI là gì? Cách tính chỉ số BMI bao nhiêu để có vòng đo chuẩn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cách tính chỉ số BMI (Body Mass Index) là lấy cân nặng chia cho bình phương của chiều cao. Đối với người Châu Á, để có vóc dáng chuẩn, chỉ cần BMI nằm trong khoảng 18.5 - 22.9 thì được xem là lý tưởng.

Xem thêm:

Chỉ số BMI là gì?

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention - CDC: About Adult BMI), chỉ số khối cơ thể (BMI - Body Mass Index) là phép đo trọng lượng dựa trên chiều cao của một người.

Đây được xem là một phương pháp sàng lọc không tốn kém và dễ dàng, giúp bạn nhanh chóng xác định được tình trạng của cơ thể (béo phì, thừa cân, bình thường hoặc thiếu cân); từ đó biết cách điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp.

Thực tế, công thức tính chỉ số BMI không phân biệt giữa nam và nữ, nhưng nó thường chỉ áp dụng cho người lớn (trưởng thành) với độ tuổi từ 20 trở lên.

Trong khi đó, trẻ em và thanh thiếu niên không thể kiểm tra nếu chỉ dựa vào chỉ số này. Bởi ứng với mỗi độ tuổi, bé trai hay bé gái đều có tốc độ phát triển khác nhau; đồng thời lượng mỡ trên cơ thể cũng không giống nhau.

Cách tính này cũng không được dùng cho vận động viên. Điều này là do người tập thể hình hay vận động viên có các múi cơ lớn (nặng hơn mỡ), khi áp dụng công thức tính BMI, kết quả trả về sẽ thường ở mức béo phì, dẫn đến không chính xác.

Tương tự, BMI cũng không phù hợp đối với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người già hay người vừa mới ốm dậy.

bmi cho người tập gym, tập gym, vận động viên thể hình, cách tính bmi nam
Chỉ số BMI không được dùng cho vận động viên, người tập thể hình. (Max Pixel)

Cách tính chỉ số BMI

Chỉ số BMI được tính bằng cân nặng (kilogram) chia cho bình phương chiều cao (mét). Cụ thể như sau:

BMI = (Cân nặng cơ thể) / (Chiều cao x Chiều cao)

Ví dụ về cách kiểm tra mức độ cân đối của cơ thể:

Người đàn ông tên A có cân nặng 80kg, với chiều cao 170cm, thì chỉ số BMI sẽ được tính như sau:

BMI = 80 / (1.70 x 1.70) = 27.68

Để đánh giá lượng chất béo trên cơ thể tương quan với chiều cao là bình thường hay không, bạn cần dựa vào bảng phân loại BMI dưới đây.

1. Bảng BMI phân loại mức độ chất béo dựa theo tỷ lệ cân nặng trên chiều cao

Bảng dưới đây được chia làm hai cột, trong đó:

  • Thang phân loại BMI của WHO là dành cho người Châu Âu.
  • Thang phân loại BMI của Hiệp hội Đái tháo đường các nước Châu Á (IDI & WPRO) là dành cho người Châu Á (bao gồm cả Việt Nam).
Cách tính chỉ số BMI - Bao nhiêu là chuẩn, bảng bmi, kiểm tra chỉ số bmi, bmi người việt nam, bmi người châu á, bmi bao nhiêu là chuẩn
Bảng BMI phân loại mức độ chất béo dựa theo tỷ lệ cân nặng trên chiều cao. (NTDVN)

Như vậy, đối với người Việt Nam, sau khi tính toán chỉ số và dựa vào bảng trên, bạn có thể biết được BMI của mình nằm trong khoảng bao nhiêu; đồng thời đánh giá được tình trạng của cơ thể.

  • Nếu BMI nằm trong khoảng 18.5 - 22.9, có thể xem bạn đang sở hữu một thân hình chuẩn. Bạn nên tiếp tục duy trì thói quen sinh hoạt - ăn uống phù hợp để giữ gìn vóc dáng này.
  • Nếu chỉ số BMI bắt đầu từ 23 trở lên, thì cơ thể có dấu hiệu thừa cân hoặc béo phì. Lúc này, bạn cần kiểm tra lại chế độ ăn uống và tăng cường tập thể dục thường xuyên hơn; bởi thừa cân hoặc béo phì có thể mang đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
  • Ngược lại, nếu BMI dưới 18.5, bạn được đánh giá là thiếu cân (gầy) và cân được bổ sung chất dinh dưỡng kịp thời.

Quay lại ví dụ trước đó, với BMI ở mức 27.68, có thể thấy rằng người đàn ông A đang nằm trong phạm vi béo phì độ I.

2. Công thức tính BMI dành cho trẻ em và thanh thiếu niên

Như đã nói ở trên, vì một số nguyên nhân liên quan đến tốc độ phát triển và lượng mỡ ở mỗi độ tuổi, cách đo BMI ở trẻ em và thanh thiếu niên có sự khác biệt nhất định so với người lớn.

Để tính toán chính xác BMI, từ đó đánh giá liệu trẻ đang có thân hình lý tưởng hay không, cần bổ sung thêm yếu tố tuổi tác và giới tính.

Tức là, sau khi áp dụng công thức tính BMI của người lớn, người ta tiếp tục phải xác định điểm giao nhau giữa chỉ số BMI và tuổi của trẻ trên biểu đồ (hình dưới). Điều này sẽ xác định một cách chính xác về tình trạng của trẻ đang nằm trong phạm vi nào.

Cách tính chỉ số BMI - Bao nhiêu là chuẩn, kiểm tra mức độ béo phì, kiểm tra cân nặng, kiểm tra chỉ số bmi, bmi béo phì, bmi bé gái, bmi cách tính
Biểu đồ BMI theo độ tuổi.

Ví dụ:

Trẻ là nam (12 tuổi) có chiều cao 143cm, cân nặng 35kg.

BMI = 35 / (1.43 x 1.43) = 17.11

Dựa vào biểu đồ BMI theo độ tuổi, lấy độ tuổi 12 của trẻ làm trục dọc (Y). Từ cột BMI, với chỉ số 17.11 vẽ một trục ngang (X). Điểm giao nhau giữa hai trục này chính là kết quả phản ánh tình trạng cơ thể của trẻ.

Như vậy, với ví dụ trên, trẻ đang có sức khỏe dinh dưỡng tốt.

Ngoài chỉ số BMI, còn có một số cách tính chỉ số cơ thể khác

1. Công thức tính cân nặng lý tưởng / tối đa / tối thiểu dựa theo chiều cao

  • Cân nặng lý tưởng = Số lẻ của chiều cao (cm) x 9 / 10.

Ví dụ:

Bạn cao 180cm. Lúc này cân nặng lý tưởng nên là: 80 x 9 / 10 = 72kg.

Như vậy, với chiều cao 180cm, bạn nên giữ cân nặng của cơ thể ở mức 72kg là hợp lý.

  • Cân nặng tối đa = Số lẻ của chiều cao (cm).

Ví dụ:

Bạn cao 180cm. Lúc này cân nặng tối đa nên là: 80kg.

Theo kết quả trên, nếu cân nặng của người này vượt quá 80kg thì cơ thể của họ đang bước vào phạm vi tiền béo phì và béo phì.

  • Cân nặng tối thiểu = Số lẻ của chiều cao (cm) x 8 / 10.

Ví dụ:

Bạn cao 180cm. Lúc này cân nặng tối thiểu nên là: 80 x 8 / 10 = 64kg.

Như vậy, nếu chiều cao của bạn là 180cm, nhưng cân nặng của bạn dưới 64kg thì bạn đang quá gầy và cần bổ sung dinh dưỡng.

2. Tính tỷ lệ eo / mông (Waist Hip Ratio = WHR)

Tỷ lệ eo mông được tính bằng cách lấy chu vi vòng eo chia cho chu vi vòng mông. Chỉ số này phản ánh sự phân bố mỡ trên cơ thể, và thường được sử dụng kết hợp với chỉ số khối BMI để ước lượng nguy cơ dinh dưỡng và bệnh tật.

Gần đây, một số quan điểm cho rằng WHR thậm chí có thể phản ánh nguy cơ nhồi máu cơ tim chính xác hơn so với BMI.

Công thức tính tỷ lệ WHR cụ thể như sau:

WHR = [Vòng eo (cm)] / [ Vòng mông (cm)]

Trong đó:

  • Chu vi vòng eo được đo ngang rốn.
  • Vòng mông được đó qua điểm phình to nhất của mông.

Lưu ý, khi đo bạn không nên đo lẫn với áo quần trên cơ thể; mặt khác, bạn cũng không nên thắt chặt dây đo để tránh làm sai kết quả.

Đối với nam giới, tỷ lệ eo / mông (WHR) nên từ 0.95 trở xuống; trong khi đối với nữ, chỉ số này nên từ 0.85 trở xuống.

bmi lý tưởng cho nữ, công thức tính tỷ lệ eo mông, bmi chỉ số, bmi gầy độ 2,
Khi đo bạn không nên đo lẫn với áo quần trên cơ thể; mặt khác, bạn cũng không nên thắt chặt dây đo để tránh làm sai kết quả. (Public Domain Pictures)

3. Đo vòng eo

Tương tự với tỷ lệ eo mông, phương pháp đo vòng eo cũng được cho là phản ánh nguy cơ sức khỏe chính xác hơn so với BMI.

Lý do là bởi quá nhiều mỡ tập trung ở vùng bụng sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe; chẳng hạn như tiểu đường, đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Đối với nữ, vòng eo không nên lớn hơn 80cm. Trong khi đối với nam, vòng eo lớn nhất nên dừng lại ở 94cm.

Để đo vòng eo chính xác nhất, bạn dùng thước dây và vòng quanh bụng. Vị trí đặt dây nên ở vùng rốn. Khi đo, bạn nên thở ra và để bụng ở trạng thái thả lỏng. Ngoài ra, cũng không nên thắt chặt dây và đo lẫn khi đang mặc quần áo.

4. Quan sát vóc dáng: Thân hình Táo - Thân hình Lê

Thân hình "Táo" - "Lê" là nói đến sự phân bố và tập trung chất béo dư thừa trên cơ thể.

Nếu mỡ thừa tập trung nhiều vào khu vực hông và đùi, thì thân hình đó được xem là dạng quả lê, thường gặp nhiều ở phụ nữ.

Còn nếu mỡ tập trung vào vùng bụng (béo bụng), thì được xem là vóc dáng hình quả táo, riêng loại này thì nam giới thường mắc phải.

So với thân hình quả lê, người có vóc dáng quả táo tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe hơn.

So với thân hình quả lê, người có vóc dáng quả táo tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe hơn.

Một số điểm cần biết liên quan đến chỉ số BMI

Theo CDC Hoa Kỳ, mối tương quan giữa chỉ số BMI và chất béo của cơ thể khá chặt chẽ; nhưng ngay cả khi hai người có cùng chỉ số BMI, mức độ mỡ thừa trong cơ thể của họ cũng có thể khác nhau.

Ở cùng một chỉ số BMI, phụ nữ có xu hướng có nhiều chất béo trong cơ thể hơn nam giới.

Tương tự, cùng chỉ số BMI, nhưng người da đen có ít mỡ cơ thể hơn người da trắng; và người Châu Á có nhiều mỡ hơn người Châu Âu.

Trung bình những người lớn tuổi có xu hướng nhiều chất béo trong cơ thể hơn những người trẻ tuổi, bất kể họ đều có chỉ số BMI giống nhau.

Ngoài ra, kể cả khi có cùng BMI, các vận động viên vẫn có ít mỡ cơ thể hơn những người không vận động.

Hậu quả của bệnh béo phì đối với sức khỏe

Những người bị béo phì có nhiều nguy cơ mắc nhiều bệnh và tình trạng sức khỏe, bao gồm những trường hợp sau:

  • Cao huyết áp (tăng huyết áp)
  • Cholesterol LDL cao, cholesterol HDL thấp hoặc nồng độ chất béo trung tính cao (rối loạn lipid máu)
  • Bệnh tiểu đường loại 2
  • Bệnh tim mạch vành
  • Đột quỵ
  • Bệnh túi mật
  • Viêm xương khớp (sự phân hủy sụn và xương trong khớp)
  • Ngưng thở khi ngủ và các vấn đề về hô hấp
  • Viêm mãn tính và tăng căng thẳng oxy hóa
  • Một số bệnh ung thư (nội mạc tử cung, vú, ruột kết, thận, túi mật và gan)
  • Chất lượng cuộc sống thấp
  • Bệnh tâm thần như trầm cảm lâm sàng, lo âu và các rối loạn tâm thần khác
  • Đau cơ thể và khó khăn trong hoạt động thể chất

Nói chung, công thức tính BMI khá đơn giản, bạn chỉ cần lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao là có kết quả. Cần nhớ rằng, miễn BMI nằm trong khoảng 18.5 - 22.9 thì là bình thường.

Ngoài chỉ số BMI, bạn cũng có thể cân nhắc áp dụng thêm một số phương pháp tính toán khác như đã liệt kê ở trên; từ đó biết cách điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống phù hợp, tránh để thiếu chất hoặc thừa cân, béo phì.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Chỉ số BMI là gì? Cách tính chỉ số BMI bao nhiêu để có vòng đo chuẩn?