Cảnh báo cha mẹ: Đừng lắc mạnh cơ thể trẻ khi chúng quấy khóc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trẻ em chưa biết nói, vì vậy khóc là cách duy nhất để chúng giao tiếp với cha mẹ. Tuy nhiên, có những lúc trẻ khóc quá nhiều khiến các bậc cha mẹ cảm thấy mệt mỏi và mất kiểm soát cảm xúc. Có người vì muốn làm trẻ ngừng khóc đã lắc mạnh thân chúng, mà không biết rằng, cách làm đó có thể vô tình đã khiến não trẻ bị tổn thương nghiêm trọng.

Trẻ khóc: Đừng lắc mạnh! Cẩn thận với hội chứng rung lắc ở trẻ

Hội chứng rung lắc trẻ em dùng để chỉ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị rung lắc dữ dội với tốc độ rất nhanh trong tích tắc, hoặc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị lắc nhanh vô số lần trong một thời gian dài, gây tổn thương não hoặc thậm chí tử vong, hoặc do đầu bị va đập và chấn thương.

Loại thương tích này chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh dưới 12 tháng, nhưng trẻ em dưới 4 tuổi cũng có thể là nạn nhân.

Đầu của trẻ sơ sinh chiếm tỷ trọng lớn và “nặng”, ngoài ra, hộp sọ của trẻ tương đối mềm và cổ không được nâng đỡ, nên dễ gây xuất huyết não hoặc chấn thương khi bị rung lắc mạnh hoặc va chạm không đúng cách.

Trẻ sơ sinh bị tổn thương não thường không có chấn thương hay các triệu chứng đặc biệt. Trong trường hợp nặng, trẻ có thể bị động kinh, thở không đều, ngừng hô hấp, không ăn được, nôn mửa, hôn mê hoặc bất tỉnh, chân tay yếu ớt.

Vậy nó sẽ mang lại những di chứng gì?

Tổn thương não có thể dẫn đến tê liệt vĩnh viễn, chậm phát triển, thậm chí tử vong; xuất huyết võng mạc do rung lắc có thể gây mù cả hai mắt.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, hầu hết hội chứng run ở trẻ là do các bé quấy khóc liên tục, trong khi người chăm sóc mất kiểm soát cảm xúc và lay mạnh thân chúng.

Vì vậy, biết cách kiểm soát cảm xúc và xoa dịu trẻ đang khóc là biện pháp phòng ngừa tốt nhất.

5 cách giúp cha mẹ tìm ra nguyên nhân để xoa dịu con trẻ quấy khóc

Dù không có thần dược nào có thể khiến trẻ nín khóc ngay lập tức, nhưng cha mẹ nên nhớ rằng trẻ khóc là do trẻ không thể “nói” được cảm giác khó chịu của mình.

Vì vậy, chỉ cần kiên nhẫn tìm ra nguyên nhân thì chúng ta mới có thể làm dịu cơn khóc của trẻ. Hãy thử các phương pháp sau:

  1. Đầu tiên hãy kiểm tra xem em bé có cần được bú hoặc thay tã hay không.
  2. Thứ hai, kiểm tra xem bé có bị ốm không như đo nhiệt độ kiểm tra tình trạng sốt của bé, kiểm tra trên cơ thể có nổi mẩn đỏ như chàm hay muỗi đốt gây ngứa ngáy, khó chịu không.
  3. Tiếp theo, kiểm tra bé có quá lạnh hay quá nóng; chẳng hạn như lưng bé có mồ hôi hay không, rồi điều chỉnh nhiệt độ phòng hoặc mặc quần áo phù hợp cho bé.
  4. Kiểm tra xem các ngón tay và ngón chân út của bé có bị sợi tóc hoặc len mịn buộc chặt và gây đau hay không.
  5. Nếu loại trừ tất cả những điều trên, rất có khả năng bé chỉ buồn ngủ và muốn nghỉ ngơi.

Nhiều em bé chưa biết cách tự ngủ, vì vậy khi buồn ngủ, trẻ thường cần một vài “vật dụng” để giúp chúng cảm thấy được an ủi.

Các "vật dụng an ủi" này bao gồm núm vú giả, âm nhạc nhẹ nhàng và êm dịu, hoặc được người lớn âu yếm.

Ôm và lắc em bé, thực ra không phải là không thể, nhưng phải đúng phương pháp. Người lớn phải dùng tay giữ chặt cổ trẻ để trẻ bớt lắc đầu, sau đó mới lắc nhẹ, tần suất không quá nhanh và biên độ không quá lớn.

Hầu hết trẻ quấy khóc đều thích ở trong một môi trường “tập đi”. Nếu không thể khiến trẻ nín khóc, cha mẹ có thể thử đặt trẻ vào xe đẩy hoặc ghế ngồi ô tô và đưa trẻ ra ngoài đi dạo.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng ngay cả khi không có phương pháp nào ở trên hiệu quả, người chăm sóc cho bé vẫn phải cố gắng kiểm soát cảm xúc của họ.

Nếu bạn chắc chắn rằng con bạn không có bất kỳ khó chịu về thể chất nào, trong khi bạn đã hoàn toàn kiệt sức về mặt tinh thần, bạn có thể đặt con mình vào một chiếc cũi an toàn, có hàng rào, sau đó nhắm mắt lại và nghỉ ngơi.

Để trẻ khóc một mình sẽ không gây hại cho cơ thể của bé, nhưng lay mạnh thân bé khi mất kiểm soát cảm xúc sẽ có nguy cơ không thể cứu vãn được.

Hoàng Tuấn
Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh báo cha mẹ: Đừng lắc mạnh cơ thể trẻ khi chúng quấy khóc