Cảnh giác với sự cường điệu về hiệu quả chống Covid-19 của vitamin C

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi các ca nhiễm Covid -19 đang tăng lên hằng ngày thì những bài viết nói về công dụng của Vitamin C trên truyền thông cũng không ngừng tăng lên. Vitamin C có khả năng cải thiện hệ miễn dịch hiệu quả, nhưng liệu Vitamin C có phải là ‘’Thần dược’’ giúp cơ thể chống chọi lại dịch bệnh Covid-19 hay không?...

1. Nguồn gốc của vitamin C

Vitamin C, hay axit ascorbic, là một loại vitamin tan trong nước nổi tiếng với vai trò hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Bởi vì cơ thể bạn không thể tạo ra vitamin C, bạn cần bổ sung nó từ những thực phẩm bạn ăn hàng ngày.

2. 7 lợi ích của vitamin C đối với cơ thể

  • Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh có thể tăng mức độ chống oxy hóa trong máu của bạn. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim.
  • Bổ sung vitamin C đã được chứng minh có thể làm giảm huyết áp ở cả người lớn khỏe mạnh và những người bị huyết áp cao.
  • Ngoài ra vitamin C còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim do giảm các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, nồng độ cholesterol triglyceride hoặc LDL (có hại) cao và mức cholesterol HDL (có lợi) thấp.
  • Thực phẩm giàu vitamin C và các chất bổ sung có liên quan đến việc giảm nồng độ axit uric trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh gút.
  • Vitamin C có thể cải thiện sự hấp thu non-heme iron (một loại sắt được hấp thụ kém, chẳng hạn như sắt từ thực vật). Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ thiếu sắt.
  • Vitamin C có thể tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách giúp các tế bào bạch cầu hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường hệ thống phòng thủ cho làn da của bạn và giúp vết thương mau lành hơn.
  • Mức vitamin C thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ rối loạn trí nhớ và suy nghĩ như mất trí nhớ, trong khi lượng vitamin C cao từ thực phẩm và chất bổ sung đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện và bảo vệ khả năng ghi nhớ.

3. Bổ sung vitamin C như thế nào?

Nhiều loại trái cây và rau quả cung cấp vitamin C như trái cây họ cam quýt, cà chua, khoai tây, dâu tây, ớt chuông xanh và đỏ, bông cải xanh, rau mầm Brussels và kiwi, và nhiều loại thực phẩm khác.

Bạn có thể thưởng thức những thực phẩm này sống hoặc nấu chín, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là trái cây và rau quả có thể mất đi một lượng lớn vitamin C khi đun nóng hoặc lưu trữ trong thời gian dài. Để có được nhiều chất dinh dưỡng nhất, hãy ăn ngay có thể sau khi mua và xem xét cân nhắc có nên hấp hoặc nấu thực phẩm trong lò vi sóng trong thời gian ngắn để hạn chế mất chất dinh dưỡng hay không.

Những người ăn chay có thể đặc biệt thích thú khi biết rằng vitamin C giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn non-heme iron, loại chất sắt có từ thực vật như đậu, rau bina. Để có được lợi ích này, hãy kết hợp thực phẩm giàu vitamin C với thực vật giàu chất sắt trong cùng một bữa ăn. Ví dụ, kết hợp đậu đen và salsa hoặc tạo ra món salad rau bina có hương vị với dâu tây và cam quýt.

Ngoài ra, bạn có thể uống vitamin C bổ sung. Tuy nhiên, bác sĩ Bruce Bistrian, trưởng khoa dinh dưỡng lâm sàng tại Trung tâm y tế Beth Israel Deaconess trực thuộc Harvard cho rằng: "Tốt hơn là nên bổ sung vitamin C từ thực phẩm, bởi vì bạn cũng nhận được các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Ăn 5 phần trái cây và rau quả được đề nghị mỗi ngày tốt sức khỏe nói chung, và bạn sẽ nhận đủ lượng vitamin C cần thiết".

4. Những hiểu lầm về khả năng ngăn ngừa Cúm và Coronavirus của vitamin C như quảng cáo

- Vitamin C có giúp ngăn ngừa cảm lạnh thông thường? Mặc dù vitamin C dường như làm giảm mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh và thời gian phục hồi 8% ở người lớn và 14% ở trẻ em, nhưng nó không ngăn chặn được chúng. Nhưng đối với dân số nói chung, uống vitamin C hàng ngày không làm giảm nguy cơ bị cảm lạnh. Một số nghiên cứu cho thấy dùng vitamin C có thể có lợi ích, nhưng họ cần liều 8.000 mg mỗi ngày. Với liều > 400 mg, vitamin C được bài tiết qua nước tiểu. Liều hàng ngày từ 2.000 mg trở lên có thể gây buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và nó có thể ảnh hưởng đến kết quả các xét nghiệm về lượng đường trong máu.

- Tương tự, vitamin C cực kỳ khó có thể giúp mọi người chống lại SARS-CoV-2. Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư về y tế dự phòng và các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Tennessee, Hoa Kỳ, nói với New York Times Parenting rằng bổ sung vitamin C không tránh được cảm lạnh thông thường ở hầu hết mọi người, và thậm chí có ít bằng chứng cho thấy nó giúp miễn dịch chống lại SARS-CoV-2, loại virus gây ra COVID-19.

- Một số nhà khoa học đang thử nghiệm liệu vitamin C có thể làm giảm bớt các triệu chứng và cải thiện kết quả cho bệnh nhân mắc COVID-19 - nếu được dùng với liều lượng đủ cao. Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán đã đưa ra một thử nghiệm lâm sàng với 140 bệnh nhân vào tháng 2 để kiểm tra xem liệu liều siêu cao của Vitamin C, được truyền vào tĩnh mạch, có thể điều trị nhiễm virus hiệu quả hơn so với giả dược hay không. Nhóm thử nghiệm sẽ được truyền 2 lần/ngày trong 7 ngày, với mỗi lần tiêm truyền chứa 12g vitamin C. (Lưu ý: Khuyến cáo hàng ngày cho một người đàn ông trưởng thành chỉ là 90mg). Theo ClinicalTrials.gov, thử nghiệm sẽ được hoàn thành vào tháng 9 và vẫn chưa có kết quả nào.

5. Điểm mấu chốt là

  • Vitamin C là một loại vitamin tan trong nước được bổ sung từ chế độ ăn uống hoặc chất bổ sung.
  • Nó có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe ấn tượng, như tăng mức độ chống oxy hóa, hạ huyết áp, bảo vệ chống lại các cơn gút, cải thiện sự hấp thụ sắt, tăng khả năng miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh tim và chứng mất trí nhớ.
  • Tuy nhiên, đối với hiệu quả ngăn ngừa Cúm hay Coronavirus mới, theo tiến sĩ Schaffner: "Nếu có một lợi thế, nó sẽ rất khiêm tốn”.

Tất cả những thông tin trên chỉ có tính chất tham khảo, nếu muốn bổ sung vitamin C bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế.

Mỹ Tâm

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.livescience.com/coronavirus-vitamin-c-myth.html
  2. https://www.eatright.org/food/vitamins-and-supplements/types-of-vitamins-and-nutrients/how-vitamin-c-supports-a-healthy-immune-system
  3. https://www.healthline.com/nutrition/vitamin-c-benefits#The-bottom-line
  4. https://www.health.harvard.edu/cold-and-flu/can-vitamin-c-prevent-a-cold
  5. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/29099763



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh giác với sự cường điệu về hiệu quả chống Covid-19 của vitamin C