Cao huyết áp, tiểu đường và gút không được ăn gì? (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỗi khi cơ thể không khỏe, bạn thường nghe nói rằng không được ăn một số thực phẩm nào đó. Thực tế, khi bạn không chú ý kiêng kỵ trong vấn đề ăn uống khi có bệnh, thì nó có thể làm bệnh tật nặng thêm.

Bài viết này sẽ liệt kê tất cả những vấn đề kiêng kỵ trong ăn uống đối với bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường và bệnh gút.

Người bệnh cao huyết áp nên hạn chế ăn gì?

Hầu hết bệnh nhân cao huyết áp không có triệu chứng cụ thể, một số ít người sẽ bị đau đầu, chướng bụng, cứng cổ.

Các triệu chứng chỉ xảy ra khi một người rơi vào trạng thái tinh thần căng thẳng, tức giận hoặc vận động gắng sức, nhưng chúng cũng nhanh chóng biến mất sau khi nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, huyết áp cao kéo dài có thể gây hại cho các cơ quan như tim, não, thận và dẫn đến các biến chứng tương ứng. Chính vì vậy, bệnh cao huyết áp còn được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”!

Do đó, việc hình thành và duy trì một chế độ ăn uống hợp lý có thể góp phần ngăn ngừa, kiểm soát và làm chậm sự xuất hiện của các biến chứng do tăng huyết áp.

Thực tế, trong chế độ ăn lành mạnh đối với bệnh nhân cao huyết áp, không có loại thực phẩm cụ thể nào bị cấm.

Tuy nhiên, bạn nên tránh các loại thực phẩm cũng như đồ uống có hàm lượng natri cao và nhiều chất béo, vốn có thể gây co mạch và gây hưng phấn não. Những thực phẩm mà người cao huyết áp cần hạn chế bao gồm:

  • Thực phẩm nhiều natri

Natri là thành phần đa lượng không thể thiếu trong cơ thể, đóng vai trò sinh lý quan trọng như điều hòa nước và áp suất thẩm thấu, duy trì cân bằng axit - bazơ; tham gia sản xuất và sử dụng năng lượng; vận động cơ bắp; duy trì huyết áp bình thường và chức năng tim mạch.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng chế độ ăn nhiều natri trong thời gian dài là một yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp.

Hơn nữa, chế độ ăn nhiều natri cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư dạ dày.

Các loại thực phẩm chứa nhiều natri bao gồm thịt xông khói, thịt ba chỉ, giăm bông, dưa muối, tôm khô, tảo bẹ… Ngoài ra còn có một số gia vị cũng chứa nhiều natri như nước tương, bột ngọt, dầu hào, giấm…

Nếu những gia vị này đã được thêm vào trong quá trình nấu ăn, thì bạn hãy nhớ giảm lượng muối. Đặc biệt cảnh giác với nhiều thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn cũng chứa muối natri, chẳng hạn như bánh quy, nước ngọt, bia…

  • Thực phẩm giàu chất béo, đặc biệt là mỡ động vật

Chất béo trong thực phẩm chủ yếu có nguồn gốc từ thực vật và động vật, là một trong ba chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, có liên quan mật thiết đến sức khỏe con người.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tổng tỷ lệ chất béo trên năng lượng không vượt quá 30% có thể giúp duy trì trọng lượng cơ thể. Nếu tổng tỷ lệ chất béo trên năng lượng giảm xuống dưới 24%, thì huyết áp có thể hạ xuống.

Bệnh nhân cao huyết áp nên hạn chế hoặc tránh ăn mỡ động vật, giảm ăn chất béo bão hòa.

Mặt khác, cách nấu thức ăn có thể làm thay đổi hàm lượng chất béo. Hàm lượng chất béo trong thức ăn chiên, rán sẽ rất cao, do đó bạn nên chọn các cách chế biến khác để thay thế.

  • Rượu, thức ăn cay và thực phẩm tinh chế

Hàm lượng kali cao trong rượu vang và các đồ uống có cồn khác cùng một số chất phytochemical có thể giúp duy trì huyết áp bình thường và giảm viêm, nhưng uống nhiều rượu có thể làm tăng nhịp tim, gây co thắt mạch máu, tăng viêm và thúc đẩy sự lắng đọng của muối canxi, cholesterol… trên thành mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp.

Thức ăn cay và thức ăn chế biến nhuyễn với ít chất xơ dễ gây ra khó đại tiện, từ đó dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp đột ngột khi cố gắng đại tiện và cũng có thể gây xuất huyết não.

Vì vậy, bệnh nhân cao huyết áp nên tránh uống quá nhiều rượu bia, thức ăn cay và thức ăn tinh chế.

--> Cao huyết áp, tiểu đường và gút không được ăn gì? (Phần 2)

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Cao huyết áp, tiểu đường và gút không được ăn gì? (Phần 1)