Chất béo trong khẩu phần ăn - Những điều lưu ý

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ưu tiên cho chất béo không bão hoà và hạn chế những chất béo chuyển hoá, chất béo bão hoà. Lựa chọn thông minh để giữ gìn một hệ tim mạch khoẻ mạnh.

Cẩn trọng trong những dịp hội hè

Các kỳ nghỉ lễ, nhất là những kỳ nghỉ dài như tết dương lịch và âm lịch. Đây là dịp để bạn gặp gỡ bạn bè, người thân tại những bữa cơm thân mật và ngon miệng. Nhiều món ăn hấp dẫn có thể chứa nhiều chất béo. Vì vậy việc tìm hiểu chất béo nào tốt và không tốt cho sức khỏe để có sự lựa chọn thực phẩm thông minh là điều cần thiết.

Chúng ta cần một lượng chất béo nhất định trong khẩu phần ăn để cơ thể khỏe mạnh. Chất béo cung cấp năng lượng cần thiết dưới dạng calo. Chất béo giúp cơ thể chúng ta hấp thụ các vitamin quan trọng - được gọi là vitamin tan trong chất béo - bao gồm vitamin A, D và E. Chất béo cũng làm cho thức ăn có hương vị hơn và giúp chúng ta có cảm giác no bụng. Chất béo đặc biệt quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi vì chất béo trong chế độ ăn góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển thích hợp.

Chất béo cũng làm cho thức ăn có hương vị hơn và giúp chúng ta có cảm giác no bụng. (Ảnh: pxhere.com)

Tiến sĩ dinh dưỡng Margaret McDowell của Viện Dinh dưỡng quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cho biết: “Chất béo thực sự là nguồn năng lượng tập trung nhất trong thực phẩm chúng ta ăn và cơ thể chúng ta cần năng lượng đó. Chất béo thực sự là một chất dinh dưỡng thiết yếu”.

Tuy nhiên, các vấn đề nảy sinh nếu chúng ta ăn quá nhiều chất béo. Chất béo trong chế độ ăn uống có nhiều hơn gấp đôi lượng calo mỗi gam so với protein hoặc carbohydrate như đường và tinh bột. Tất nhiên, lượng calo dư thừa có thể làm tăng cân và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ung thư và các bệnh khác.

Ăn "sai" các loại chất béo có thể gây ra mối nguy cho sức khỏe. Bà McDowell nói: “Một số chất béo tốt cho cơ thể chúng ta hơn những chất béo khác. Chúng ta thực sự nên hướng tới việc ăn đúng loại chất béo”.

Chất béo tốt và chất béo không tốt

Thực phẩm có thể chứa hỗn hợp các chất béo khác nhau. Chất béo không bão hòa được coi là chất béo “tốt”. Đôi khi chúng còn được gọi là chất béo "không bão hòa đơn" và "không bão hòa đa" trên nhãn Thông tin dinh dưỡng của các loại thực phẩm. Các chất béo này có thể giúp tăng cường sức khỏe nếu dùng đúng lượng. Chúng thường ở dạng lỏng ở nhiệt độ phòng và được gọi là dầu. Bạn sẽ tìm thấy chất béo không bão hòa lành mạnh trong cá, các loại hạt và hầu hết các loại dầu thực vật, bao gồm dầu hạt cải, ngô, ô liu và cây rum.

Chất béo “xấu” là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Chúng có xu hướng ở thể rắn tại nhiệt độ phòng. Chất béo rắn bao gồm bơ, mỡ thịt, bơ thực vật dạng dính, shortening (Shortening hay còn được gọi là Mỡ trừu, là một loại chất béo ở dạng rắn, có dạng trắng đục, dẻo và được tạo nên từ quá trình Hydro hóa các axit béo, chủ yếu là từ các loại dầu thực vật. Khi ở nhiệt độ 40 – 47 độ C, Shortening sẽ nóng chảy thành chất lỏng màu vàng nhạt), dầu dừa và dầu cọ. Chúng thường được tìm thấy trong sôcôla, bánh nướng và thực phẩm chế biến và chiên giòn.

“Khi ăn quá nhiều chất béo rắn, chúng ta sẽ khiến cơ thể gặp nguy hiểm. Bà McDowell cho biết những chất béo này có xu hướng làm tăng tổng lượng cholesterol trong máu, cũng như một phần cholesterol được gọi là cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL). "Khi các mức cholesterol đó vượt quá mức cao và quá cao, đó là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch".

Tiến sĩ Catherine Loria, một chuyên gia về dinh dưỡng và sức khỏe tim mạch của NIH cho biết: “Khi có quá nhiều cholesterol trong máu, lượng dư thừa có thể bị mắc kẹt trong thành động mạch và tích tụ lại. Sự tích tụ có thể phát triển thành xơ vữa động mạch hoặc cứng động mạch, có thể dẫn đến bệnh tim mạch vành”.

Các chuyên gia nói rằng tổng lượng chất béo ăn vào cho người lớn từ 19 tuổi trở lên nên chiếm từ 20 đến 35 phần trăm lượng calo ăn vào mỗi ngày. Đối với trẻ em từ 4 đến 18 tuổi, nó phải là 25 đến 35 phần trăm.

Các chuyên gia cũng khuyên rằng chúng ta nên nhận ít hơn 10% lượng calo từ các axit béo bão hòa. Các nghiên cứu do NIH tài trợ đã chỉ ra rằng việc thay thế chất béo rắn trong chế độ ăn uống của bạn bằng chất béo không bão hòa có lợi cho sức khỏe có thể có tác động tích cực.

Ăn nhiều trái cây, rau và thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt. (Ảnh: unsplash.com)

Một nghiên cứu khác do NIH tài trợ cho thấy rằng, khi nói đến giảm cân, nguồn calo — cho dù từ chất béo, protein hay carbohydrate — không quan trọng bằng số lượng calo bạn tiêu thụ. Nhưng khi đề cập đến các yếu tố nguy cơ của bệnh tim, việc thay thế một số carbohydrate bằng protein hoặc chất béo không bão hòa có thể cải thiện đáng kể lượng cholesterol trong máu. Trong một chế độ ăn kiêng chuyên biệt được thiết kế để giảm huyết áp, việc sử dụng chất béo không bão hòa thay cho một số carbohydrate sẽ làm tăng nồng độ cholesterol “tốt” (HDL cholesterol) trong máu và làm giảm huyết áp có lợi cho sức khỏe.

Tạo thói quen đọc thông tin khi mua thực phẩm

Bà Joanne Gallivan, chuyên gia dinh dưỡng, Giám đốc Chương trình Giáo dục Bệnh Tiểu đường Quốc gia của NIH cho biết: “Chúng ta nên có thói quen đọc thông tin dinh dưỡng ghi trên gói thực phẩm. Để ăn uống lành mạnh, bà nói, chúng ta cần đọc thông tin dinh dưỡng để biết lượng chất béo và calo trong thực phẩm, số lượng trên mỗi khẩu phần và phần trăm calo đến từ chất béo”. Thông tin dinh dưỡng cũng cho biết lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa không lành mạnh.

Tuy nhiên, việc chọn lựa đồ ăn có chất béo lành mạnh và giảm tổng lượng chất béo có thể là rất khó khăn trong những ngày nghỉ. Một cách để cắt giảm chất béo trong các buổi tụ tập vào các kỳ nghỉ đơn giản là giảm khẩu phần ăn của bạn. “Chọn nhiều thịt nạc hơn, như thịt gia cầm không có da. Ăn nhiều trái cây, rau và thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt”, bà Gallivan nói.

Khi lên thực đơn, hãy cố gắng sử dụng các nguyên liệu ít chất béo hơn. Bà McDowell nói: “Sữa chua và sữa ít và không béo vẫn chứa các protein và khoáng chất quan trọng được tìm thấy trong chất béo, trong khi cơ thể bạn lại dung nạp ít chất béo bão hòa và cholesterol hơn. “Trong một số thực đơn, bạn có thể chọn sốt táo hoặc lòng trắng trứng, thay cho dầu. Nói chung, hãy nướng thay vì chiên đồ ăn”.

Tìm hiểu Thông tin dinh dưỡng dán trên thực phẩm. Bà Gallivan nói: “Thực phẩm được dán nhãn là "ít chất béo", không nhất thiết là có hàm lượng calo thấp. Bánh quy không béo, bánh quy giòn và các sản phẩm khác có thể chứa thêm đường và muối để tăng hương vị. Đường thêm vào có thể thêm calo và quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp.

Bà Gallivan nói: “Nếu bạn ăn quá một chút trong những ngày nghỉ, thì cần đảm bảo ngày hôm sau bạn quay trở lại chế độ ăn uống lành mạnh và năng động. Hãy luôn nhớ lựa chọn và cắt giảm chất béo một cách khôn ngoan”.

Đức Huy

(Theo The Epoch Times tiếng Anh)



BÀI CHỌN LỌC

Chất béo trong khẩu phần ăn - Những điều lưu ý