Chất điện giải, những điều bạn cần biết!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hầu hết mọi người đều biết rằng có thể bổ sung chất điện giải từ một số loại đồ uống, và không nên để nồng độ chất điện giải trong cơ thể quá cao hoặc quá thấp.

Nhưng thế nào là cung cấp đủ chất điện giải? Nếu thiếu hụt chất điện giải, cơ thể sẽ phản ứng ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những câu hỏi trên.

Chất điện giải là gì?

Chất điện giải là các khoáng chất hoặc hợp chất tích điện hoà tan trong dịch cơ thể như máu, mô, nước tiểu, v.v. Một số loại chất điện giải tiêu biểu như: canxi, clorua, magie, phốt phát, kali, natri, bicacbonat... và chúng tồn tại dưới dạng ion tích điện.

Mức độ chất điện giải dao động khi lượng nước trong cơ thể thay đổi. Lý tưởng nhất là lượng nước cấp vào phải bằng lượng nước cơ thể thải ra. Ví dụ, đổ quá nhiều mồ hôi mà không uống đủ nước sẽ khiến nồng độ chất điện giải trong cơ thể tăng lên.

Ngoài ra sử dụng một số loại thuốc (steroid, thuốc nhuận tràng...), nôn mửa, gặp vấn đề tiêu hoá, vấn đề hô hấp mãn tính, thận, gan, pH máu cao cũng khiến mất cân bằng chất điện giải.

Tầm quan trọng của chất điện giải?

Chất điện giải rất quan trọng vì chúng tham gia vào một số hoạt động cần thiết cho sự sống, bao gồm:

  • Điều chỉnh mức chất lỏng trong huyết tương và cơ thể
  • Di chuyển chất dinh dưỡng vào tế bào
  • Vận chuyển chất thải ra khỏi tế bào
  • Giữ mức axit/bazơ (pH) của cơ thể ở mức bình thường (7,35-7,45)
  • Kích hoạt quá trình co cơ, bao gồm cả nhịp tim
  • Truyền tín hiệu thần kinh từ cơ, tim và các tế bào thần kinh đến các tế bào khác
  • Hỗ trợ đông máu
  • Hỗ trợ hình thành mô mới

Nhìn chung, chất điện giải có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, thúc đẩy hoạt động cơ và các quá trình khác trong cơ thể.

Các triệu chứng khi mức độ điện giải thấp

Các triệu chứng khi bị thiếu chất điện giải phụ thuộc vào loại khoáng chất nào bị thiếu hụt.

- Canxi: Canxi thấp có thể không gây ra các triệu chứng nguy hiểm, nhưng nếu nó thấp mãn tính, tóc, da và móng tay sẽ xuất hiện những thay đổi. Ngoài ra thiếu canxi sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm nấm, chuột rút ở chân và lưng, và khó chịu cơ bắp.

- Clorua: Yếu cơ, chán ăn, mất nước là những triệu chứng khi bị thiếu clorua. Nguyên nhân có thể do nôn mửa, tiêu chảy, đổ nhiều mồ hôi...

- Magie: Magie thấp có thể gây ra nhịp tim bất thường, hoặc chuột rút và co thắt cơ.

- Phốt pho/phốt phát: Nồng độ phốt phát thấp có thể gây suy hô hấp, suy tim, yếu cơ, co giật và hôn mê. Chế độ dinh dưỡng kém, sử dụng hoặc sử dụng một số loại thuốc lợi tiểu, và nghiện rượu có thể gây ra mức phốt phát thấp.

- Kali: Lượng kali thấp có thể khiến nhịp tim bất thường và ảnh hưởng đến khả năng lưu trữ glycogen (cung cấp năng lượng cho cơ bắp) của cơ thể. Kali rất thấp có thể gây chuột rút, co thắt, yếu cơ và các vấn đề về hô hấp.

- Natri: Hàm lượng natri thấp làm cho nước di chuyển vào các tế bào. Biểu hiện thường thấy là khát, nhưng cũng có thể đi kèm với tình trạng lú lẫn, đau đầu, hôn mê và thay đổi tính cách.

Bổ sung chất điện giải như thế nào

Có thể bổ sung chất điện giải từ thực phẩm, đồ uống và chất bổ sung. Truyền nước với chất điện giải là một trong những lựa chọn điển hình mà người bệnh hay sử dụng.

Một trong những đồ uống tốt nhất để bổ sung điện giải là nước dừa, vì trong đó có chưa đến 5 loại khoáng chất.

Thực phẩm giàu chất điện giải bao gồm bơ, chuối, ớt chuông, cà rốt, cần tây, trái cây họ cam quýt, dưa chuột, bơ sữa, kiwi, dứa và dưa hấu.

Hãy biến những thực phẩm nói trên thành một phần trong chế độ ăn uống của chúng ta càng nhiều càng tốt. Ngoài ra thực phẩm chức năng cũng có thể bổ sung chất điện giải.

Đặc biệt lưu ý nếu chọn nước điện giải hoặc đồ uống thể thao được bán trên thị trường. Nhiều sản phẩm phổ biến có hàm lượng đường cao cũng như màu sắc và hương vị nhân tạo không tốt cho sức khỏe.

Với những ai thích tự chế biến đồ uống, có thể tự tạo nước bù điện giải phù hợp với sở thích của bản thân. Hãy sử dụng nước lọc và thêm nước trái cây tươi hoặc thảo mộc. Hoặc đơn giản là sử dụng chanh, đường và muối với tỉ lệ phù hợp để tạo ra một loại nước điện giải tốt cho sức khoẻ mà không cần phải thêm bất kì một nguyên liệu cầu kỳ hay thành phần nhân tạo nào.

Thực tế, bạn chỉ cần một chế độ ăn uống điều độ là đủ để duy trì và cân bằng chất điện giải trong cơ thể. Nếu là một vận động viên cần sức bền, tập luyện với thời gian vài giờ, đổ nhiều mồ hôi, thì bạn cần bổ sung chất điện giải thường xuyên hơn.

Quang Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chất điện giải, những điều bạn cần biết!