Chất tạo ngọt nhân tạo có thể gây hại cho tim?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chất làm ngọt nhân tạo là một biện pháp có thể giúp người thừa cân nhanh chóng đạt được mục tiêu giảm trọng lượng cơ thể, nhưng các nhà nghiên cứu Pháp cho rằng chúng cũng có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

Phát hiện này bắt nguồn từ việc theo dõi sức khỏe tim mạch của hơn 103.000 đàn ông và phụ nữ ở Pháp trong gần một thập kỷ.

Tác giả nghiên cứu Mathilde Touvier cho biết: “Chúng tôi quan sát thấy rằng lượng chất làm ngọt nhân tạo hấp thụ cao hơn có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch lớn hơn”.

Bà Mathilde Touvier là giám đốc nhóm nghiên cứu dịch tễ học dinh dưỡng tại Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia Pháp cùng Đại học Sorbonne Paris Nord, cả hai cơ sở này đều đặt tại Pháp.

Khoảng 80% người tham gia nghiên cứu thuần tập NutriNet-Santé là phụ nữ, với độ tuổi trung bình là 42. Nghiên cứu bắt đầu vào năm 2009 để điều tra mối liên hệ giữa dinh dưỡng và sức khỏe.

Ngay từ đầu, gần bốn trong số 10 người tham gia cho biết họ thường xuyên sử dụng chất làm ngọt nhân tạo, bao gồm Nutrasweet (aspartame), Splenda (sucralose) và Sunett hoặc Sweet One (acesulfame kali).

Họ đã thêm chúng vào thực phẩm hoặc đồ uống và cũng tiêu thụ chúng trong các sản phẩm chế biến.

Những người nói rằng họ đã sử dụng chất làm ngọt như vậy thường trẻ hơn, ít hoạt động, dễ bị thừa cân hoặc béo phì, nhiều khả năng hút thuốc hơn, và cũng có khả năng cao là đang áp dụng chế độ ăn kiêng.

Họ cũng có xu hướng ăn nhiều thịt đỏ, sữa, muối và đồ uống không đường. Họ uống ít rượu hơn, tiêu thụ ít trái cây, rau quả, tinh bột và chất béo, cũng như ít calo tổng thể hơn, hồ sơ chế độ ăn uống cho thấy.

Sức khỏe tim mạch của những người tham gia sau đó được theo dõi và so sánh trong thời gian trung bình là 9 năm.

Trong thời gian đó, hơn 1.500 vấn đề về tim đã xảy ra, bao gồm đau tim, đột quỵ, tức ngực hoặc đau dữ dội (đau thắt ngực), thậm chí bao gồm cả nhu cầu phẫu thuật để mở rộng động mạch bị tắc (nong mạch vành).

Sau khi ngăn chặn mức tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo để chống lại bệnh tim, các nhà nghiên cứu kết luận rằng chất làm ngọt trước có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh sau.

Hội đồng kiểm soát calo (The Calorie Control Council), đại diện cho ngành công nghiệp chất làm ngọt nhân tạo, đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Touvier và nhóm của bà nhấn mạnh rằng nghiên cứu của họ không chứng minh rằng chất làm ngọt trực tiếp làm suy yếu sức khỏe của tim, mà chỉ có mối liên hệ giữa hai điều này.

Connie Diekman, nhà tư vấn dinh dưỡng và thực phẩm ở St. Louis, người từng là chủ tịch của Academy of Nutrition and Dietetics cho biết, chúng ta phải cân nhắc trước khi đưa ra kết luận chắc chắn.

Diekman nói: “Thách thức với hầu hết các nghiên cứu, là chúng vẫn chưa thể đưa ra được nguyên nhân và kết quả rõ ràng.

Khi xem xét các chất làm ngọt không dinh dưỡng, thật khó để xác định mức độ sức khỏe tổng thể của các đối tượng là một yếu tố dẫn đến kết quả bệnh”.

Ví dụ, nghiên cứu nói trên chỉ kiểm tra và đánh giá thông qua mô tả của chính những người tham gia về chế độ ăn uống và thói quen sức khỏe của họ.

Diekman lưu ý: “Các tác giả dựa vào đó để tuyên bố rằng những người tiêu thụ nhiều chất làm ngọt không dinh dưỡng có chỉ số BMI cao hơn, hút thuốc nhiều hơn, ít hoạt động thể chất hơn, ăn nhiều natri và thịt đỏ hơn, cũng như ít trái cây và rau”.

Diekman nhấn mạnh rằng “toàn bộ chế độ ăn kiêng là thứ phải được đánh giá”. Trong khi các tác giả của nghiên cứu nói trên cho biết họ đã tính đến các yếu tố như vậy khi xác định rủi ro, thì Diekman vẫn có những e ngại:

“Liệu chúng ta có thể thực sự xác định được một biến số duy nhất đã ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe không? Câu trả lời là không."

Tuy nhiên, nếu chất làm ngọt nhân tạo gây rắc rối cho tim, thì tại sao lại như vậy?

Tác giả chính của nghiên cứu Charlotte Debras, một ứng viên tiến sĩ tại cả Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia Pháp cùng Đại học Sorbonne Paris Nord, đã đề xuất một số khả năng.

Cô nói, một là nó thúc đẩy hội chứng chuyển hóa, bao gồm một loạt các tình trạng làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Trong số đó có huyết áp cao, lượng đường trong máu cao, mỡ thừa ở eo và cholesterol cao.

Debras cho biết: “Một con đường tiềm năng khác có thể liên quan đến sự tương tác của chất làm ngọt nhân tạo với các thụ thể vị ngọt trong ruột,” có thể ảnh hưởng đến cả mức insulin và sự hấp thụ đường.

Cô nói thêm rằng chất làm ngọt nhân tạo cũng có thể làm thay đổi cấu trúc của vi khuẩn được tìm thấy trong ruột, làm tăng tình trạng viêm nhiễm trên toàn hệ thống và gây ra sự cố mạch máu.

“Nhưng đây là những giả thuyết, đặc biệt là từ các nghiên cứu thực nghiệm, cần được xác nhận,” Debras nói.

Trong khi đó, Diekman cho biết những phát hiện của các nhà nghiên cứu Pháp không thay đổi các khuyến nghị về chế độ ăn uống của cô.

Theo đó, cô khuyên rằng: “Hãy tập trung vào một kế hoạch ăn uống lành mạnh tổng thể.

Ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật, thực phẩm động vật ít chất béo hơn và nếu bạn thích ngọt, hãy nghĩ về khẩu phần, tần suất tiêu thụ và cố gắng thay đổi các loại chất tạo ngọt mà bạn sử dụng.

Không một loại thực phẩm hoặc thành phần nào thực sự 'xấu'. Đó là cách tất cả những điều này kết hợp với nhau trong kế hoạch ăn uống hàng ngày của bạn”.

Theo Theo Epoch Times tiếng Anh
Bảo Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chất tạo ngọt nhân tạo có thể gây hại cho tim?