Châu Âu phong tỏa, du lịch đóng cửa, doanh nghiệp biểu tình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khắp nơi tại Châu Âu, dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ buộc chính phủ các nước phải áp dụng các biện pháp cứng rắn. Áo và Hy Lạp phong tỏa toàn quốc, Pháp áp đặt lệnh giới nghiêm, Vương quốc Anh đóng cửa tất cả hành lang du lịch. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp biểu tình...

Theo trang thống kê trên Worldometers, tính đến 18/1/2021, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở châu Âu kể từ đầu dịch tới nay đã vượt 27,6 triệu ca, trong đó có trên 630,000 người tử vong. Với số ca nhiễm liên tục đạt đỉnh mới và các biến thể mới liên tục xuất hiện, các quốc gia châu Âu đã lần lượt đưa ra các biện pháp cứng rắn với hy vọng có thể ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Pháp: Áp đặt lệnh giới nghiêm toàn quốc sau 18 giờ từ ngày 16/1

Virus COVID-19 đã gây ra cái chết cho hơn 70.000 người Pháp, khiến quốc gia này trở thành nước có số ca tử vong cao thứ bảy trên thế giới. Không chỉ vậy, biến thể COVID-19 tại Anh đang chiếm khoảng 1% các trường hợp mắc mới. Điều này khiến chính phủ Pháp vô cùng lo lắng.

Jean Castex, Thủ tướng Pháp nói trong một bài phát biểu, “Những biện pháp giới nghiêm là cần thiết trong tình hình hiện nay. Mặc dù dịch bệnh có vẻ tồi tệ, nhưng tình trạng nước Pháp vẫn còn tương đối tốt hơn so với nhiều quốc gia xung quanh. Nhưng tôi đã phải chọn các biện pháp này vì bối cảnh, đặc biệt là với sự đột biến của virus. Chúng ta phải cảnh giác tối đa”.

Lệnh giới nghiêm toàn quốc sẽ có hiệu lực từ 6 giờ chiều, sớm hơn 2 tiếng so với lúc trước là 20 giờ, và kéo dài đến 6 giờ sáng hôm sau. Ngoài ra, từ thứ Hai (18/01), bất kỳ ai đi du lịch đến Pháp bên ngoài Liên minh Châu Âu sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính và tự cách ly trong một tuần khi đến nơi.

Các cửa hàng và doanh nghiệp đã tìm cách giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra do lệnh giới nghiêm bằng cách mở cửa sớm - sớm nhất là 7:30 sáng. Người dân Pháp cũng đã điều chỉnh sang giờ mới để đảm bảo đường phố vắng người vào chiều tối, mặc dù có mưa tuyết xảy ra ở nhiều nơi trên nước Pháp.

Trước đó, chính phủ Pháp bị chỉ trích là chậm chạp trong việc triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19.

Áo: Gia hạn lệnh phong tỏa COVID-19 đến tháng Hai

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, Áo với 8,9 triệu dân đã thống kê được hơn 390.000 ca nhiễm COVID-19 và hơn 7.200 ca tử vong.

Hôm Chủ Nhật (17/1), Áo đã gia hạn lệnh phong tỏa COVID-19 lần thứ ba, kéo dài đến tháng Hai, với hy vọng giảm tỷ lệ lây nhiễm bất chấp một loạt các biến thể nCoV dễ lây lan hơn. Lệnh phong tỏa cho phép các cửa hàng, viện bảo tàng và dịch vụ cá nhân như tiệm làm tóc mở cửa trở lại từ ngày 8/2, nhưng lĩnh vực ăn uống và du lịch sẽ đóng cửa cho đến ít nhất là tháng Ba.

Ngày 16/1, đã có hàng nghìn người tuần hành ở Vienna để phản đối lệnh phong tỏa. Chỉ một ngày sau đó, Thủ tướng Sebastian Kurz đã phát biểu trong một cuộc họp báo với sự tham gia của các nhà lãnh đạo khu vực và các quan chức y tế nhằm thể hiện quan điểm thống nhất phong tỏa “Chúng ta có hai đến ba tháng khó khăn trước mắt”.

Hy Lạp: Gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc vô thời hạn từ ngày 18/1

Hy Lạp ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 7/11/2020 và đã gia hạn 5 lần do số ca nhiễm và tử vong mới tiếp tục gia tăng. Đến ngày 18/1/2021, chính phủ thông báo gia hạn vô thời hạn các biện pháp phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới.

Các biện pháp phong tỏa toàn quốc bao gồm lệnh giới nghiêm ban đêm, lệnh hạn chế đi lại trong nước và lệnh lưu trú tại nhà đều sẽ có hiệu lực giống như lần đầu tiên áp dụng vào đầu tháng 11/2020.

Các cửa hàng bán lẻ và trung tâm thương mại đã đóng cửa kể từ ngày 3/1 sẽ mở cửa trở lại vào ngày 18/1 với giới hạn ra vào nghiêm ngặt, và chỉ được phép đón những khách có thông báo cho phép rời khỏi nhà thông qua tin nhắn di động.

Anh: Đóng cửa tất cả các “hành lang du lịch” từ ngày 18/1

Bắt đầu từ 4 giờ sáng ngày 18/1, chính phủ Anh sẽ dỡ bỏ miễn trừ cách ly đối với tất cả các quốc gia. Những người muốn du lịch đến Anh sẽ phải cung cấp chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus Corona trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Ngay cả khi có xét nghiệm âm tính, khách du lịch cũng phải tự cách ly trong 10 ngày, trừ khi họ có kết quả xét nghiệm âm tính sau 5 ngày.

Các biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng có nhiều chủng virus đột biến hơn. Đã có ít nhất 11 người Anh xét nghiệm dương tính với chủng virus đột biến Brazil được phát hiện gần đây.

Thủ tướng Boris Johnson thông báo rằng, "Những gì chúng tôi đang làm bây giờ là thực hiện các bước cần thiết để phòng tránh các biến thể mới, với tình huống hiện nay chúng ta đang đối mặt là tỷ lệ lây nhiễm trong nước rất cao cùng một chương trình tiêm chủng rộng rãi.

Ở giai đoạn quan trọng này, điều chúng ta không muốn là các biến thể mới từ nước ngoài xâm nhập vào với những tính chất bất định. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã thiết lập hệ thống ngăn chặn người đến từ những nơi có các biến thể mới đáng ngại và thiết lập các biện pháp cứng rắn hơn mà tôi đã vạch ra”.

Các hạn chế đi lại dự kiến ​​sẽ được áp dụng cho đến ít nhất là ngày 15/2. Chính phủ Anh cũng cảnh báo rằng họ sẽ tiếp tục cấm các chuyến bay từ các quốc gia các biến thể COVID-19 mới được phát hiện.

Ý, Ba Lan: Hàng ngàn nhà hàng Ý và nhiều doanh nghiệp Ba Lan vẫn hoạt động trong nỗ lực phản đối các quy tắc phong tỏa

Hôm 17/1, theo tin tức từ Breitbart, hàng ngàn nhà hàng ở Ý đã tham gia cuộc biểu tình phản đối các quy định nghiêm ngặt về ngăn chặn virus corona của ĐCSTQ. Chiến dịch bất tuân dân sự hàng loạt này - được phát động dưới hashtag #IoApro (#IOpen) - đã kéo theo sự tham gia của ​​50.000 nhà hàng vẫn tiếp tục mở cửa bất chấp lệnh giới nghiêm buổi tối.

Theo trang tin Notes from Poland, ngày 15/1, một chiến dịch tương tự khác ở Ba Lan cũng đã diễn ra với hashtag #otwieraMY. Đã có hơn 70 nhà hàng, khách sạn, phòng tập thể dục và khu nghỉ mát trượt tuyết bắt đầu đón khách trở lại sau khi đối mặt với tình trạng thiếu hụt khách du lịch lên tới 70% trong mùa đông năm nay.

Thiện Đức, Tiểu Vy



BÀI CHỌN LỌC

Châu Âu phong tỏa, du lịch đóng cửa, doanh nghiệp biểu tình