Chuẩn bị túi sơ cứu cho chuyến du lịch Tết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chuyến du lịch Tết an toàn không thể thiếu một túi sơ cứu...

Tết này gia đình bạn đã lên kế hoạch cho một chuyến du lịch chưa? Nhiều gia đình chọn các chuyến dã ngoại ngắn như: rừng Cúc Phương, biển Vũng Tàu, cưỡi voi Buôn Đôn, hay đi du lịch nước ngoài. Đối với bất cứ chuyến đi nào, vật dụng không thể thiếu mà mỗi gia đình cần trang bị đó chính là một túi sơ cứu.

Tại sao bạn cần có một túi sơ cứu du lịch

Khi đi du lịch, nguy cơ xảy ra những chấn thương nhỏ như các vết cắt, trầy xước, côn trùng đốt, gai đâm, bong gân hoặc căng cơ do té ngã, bỏng do nhiệt khi tắm biển, dị ứng do sứa cắn…đều có thể xảy ra với xác suất cao hơn nhiều lần so với sinh hoạt thường ngày, nhất là đối với trẻ em.

Chúng ta sẽ không kịp mua các loại thuốc hay vật dụng sơ cứu cần thiết khi chấn thương xảy ra ở giữa nơi xa xôi, hoang vắng, và không gần hiệu thuốc. Các tổn thương có thể nặng lên hay gây nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời.

Hơn nữa, chúng ta có thể tiết kiệm chi phí y tế đối với những tổn thương nhỏ, mà chỉ cần thuốc hay các vật dụng đơn giản có sẵn trong túi sơ cứu là có thể giải quyết được ngay. Đặc biệt khi đang ở nước ngoài, nơi mà chi phí y tế rất đắt đỏ và các thủ tục y tế rắc rối. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể giúp đỡ người khác nếu họ không trang bị túi sơ cứu.

Những vật dụng cần có trong túi sơ cứu

Dựa vào những vật dụng mà Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo và điều kiện tại Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu một số thuốc và vật dụng đơn giản mà chúng ta có thể dễ dàng mua tại các nhà thuốc trên toàn quốc. Với mỗi nhóm thuốc, chúng tôi chọn một hay vài loại thuốc thông dụng nhất, có thể dùng được cho cả trẻ em và người lớn để túi sơ cứu gọn nhỏ mà vẫn đầy đủ.

Thuốc
      1. Thuốc giảm đau hạ sốt: Paracetamol.
      2. Thuốc giảm đau có kháng viêm: Ibuprofen, Diclofenac (dùng trong các trường hợp bong gân, căng cơ).
      3. Thuốc kháng dị ứng: Chlorpheniramine, Epipen cho người có tiền căn dị ứng nặng.
      4. Các thuốc điều trị đau dạ dày: Aluminium phosphate, Ranitidine, hay các loại thuốc kê đơn khác khác (nếu có tiền sử đau dạ dày).
      5. Thuốc trị tiêu chảy: men tiêu hóa, gói bù nước (hydrite), Imodium.
      6. Thuốc chống say tàu xe.
      7. Các loại thuốc mà mỗi thành viên trong gia đình đang dùng để điều trị bệnh của mình, ví dụ như: thuốc trị hen suyễn, tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, động kinh…Nên chia sẵn thành các cữ thuốc để khỏi quên do lịch trình tour dày đặc.
      8. Thuốc chống côn trùng cắn: chủ yếu có tác dụng làm cho vết cắn đỡ ngứa.
      9. Kem hydrocortisone để giảm kích ứng do phát ban.
      10. Kem chống nắng SPF 15 trở lên.

     

Hình 1: Nên chia thuốc thành nhiều túi nhỏ theo loại bệnh để dễ sử dụng khi khẩn cấp...
Hình 2: Bỏ gọn thuốc vào 1 túi zip lớn và nhớ luôn mang theo bên mình...
Dụng cụ xử lý vết thương cơ bản
  1. Găng tay
  2. Chai nước rửa tay nhanh.
  3. Oxy già để làm sạch và khử trùng vết thương, hay Povidine iod 10% (chai nhỏ 10ml).
  4. Bông, băng gạc y tế, băng keo y tế.
  5. Băng thun để quấn chấn thương cổ tay, mắt cá chân, đầu gối và khuỷu tay…Chốt an toàn để buộc chặt nẹp và băng.
  6. Kéo đầu tròn để cắt băng, gạc hoặc quần áo, nếu cần thiết.
  7. Nhíp để loại bỏ mảnh vụn nhỏ, vật lạ, ong chích trên da.
  8. Nhiệt kế để đo nhiệt độ trong trường hợp bị bệnh.
Hình 3: Các dụng cụ xử lý vết thương, nên mua loại nhỏ nhất do chỉ sử dụng ngắn ngày...
Chuẩn bị túi sơ cứu như thế nào

Túi sơ cứu cần gọn nhỏ và đơn giản. Nên sử dụng loại túi không thấm nước. Có thể để riêng dụng cụ chăm sóc vết thương và thuốc ở hai túi zip khác nhau, không cần mua các loại túi chuyên dụng để tiết kiệm chi phí.

Nên chia các thuốc thành các gói nhỏ, ghi rõ công dụng để nhanh chóng lấy ra sử dụng khi cần (ví dụ thuốc kháng dị ứng, hạ sốt…).

Vì túi sơ cứu chỉ cần dùng trong tình huống cấp cứu và cần thay thế khi hết hạn, do đó bạn không cần mua loại thuốc quá đắt tiền và số lượng mỗi loại chỉ vài viên hay gói (tùy theo số lượng thành viên trong gia đình).

Bảo đảm rằng các dụng cụ và thuốc luôn đầy đủ. Huấn luyện cho các thành viên trong gia đình biết cách sử dụng túi, kể cả trẻ em. Cần kiểm tra túi sơ cứu trước khi khởi hành và thay thế đồ dùng quá hạn, nếu trước đây bạn đã có 1 túi sơ cứu rồi. Để sẵn trong túi số điện thoại của các đơn vị cấp cứu 115, 114, 113.

Bạn nên đặt túi sơ cứu ở đâu?

Khi đi du lịch, bạn nên để túi trong vali, balo hay túi xách tay và mang theo túi bất kì nơi đâu bạn đến (trong xe, tàu, máy bay, thuyền…).

Bạn có thể dễ dàng mua thuốc và vật dụng sơ cứu chúng tôi liệt kê ở trên tại bất kỳ nhà thuốc nào gần nhất. Ngoài ra bạn có thể xin hay mua thêm túi zip các kích cỡ tại nhà thuốc. Chỉ cần 5 phút và với chi phí khoảng 200 - 300 ngàn đồng, bạn có thể sở hữu một túi sơ cứu cho chuyến du lịch an toàn và vui tươi của gia đình.

Lưu ý: Có một số vật dụng không thể mang lên máy bay như kéo, nhíp...

Tài liệu tham khảo
https://www.webmd.com/first-aid/first-aid-kits-treatment
https://www.mfasco.com/blog/health-topics/why-Is-a-first-aid-kit-important.html
https://wwwnc.cdc.gov/travel/page/pack-smart

Thùy Trang



BÀI CHỌN LỌC

Chuẩn bị túi sơ cứu cho chuyến du lịch Tết