Chuyên gia khuyến nghị chưa vội tiêm vaccine đậu mùa khỉ; Mỹ phát hiện 2 loại thuốc kháng virus hiệu quả

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vaccine đậu mùa tuy có thể bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ, nhưng nó tiềm ẩn một số tác dụng phụ hiếm gặp, các chuyên gia cho biết.

Các nước đang rà soát kho dự trữ vaccine đậu mùa

Kể từ khi Anh lần đầu tiên phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ ở người vào ngày 7/5, thì tính đến nay (tức sau 20 ngày), đã có ít nhất 220 ca bệnh được ghi nhận và hàng chục ca nghi ngờ khác ở hơn 20 quốc gia.

Nhiều chuyên gia cho rằng sự bùng phát của đậu mùa khỉ có thể liên quan đến sự kiện người đồng tính gần đây ở Bỉ và Tây Ban Nha.

Trước một loạt trường hợp lây nhiễm virus đậu mùa khỉ được phát hiện ở các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ hay Châu Úc, giới chức y tế toàn cầu hiện đang đánh giá lại về nguồn dự trữ vaccine và các phương pháp điều trị có thể có.

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, nước này hiện đang dự trữ hơn 100 triệu liều vaccine đậu mùa có thể sử dụng để ngăn ngừa virus đậu mùa khỉ, theo báo Vietnamnet.

Tiến sĩ Jennifer McQuiston, Phó giám đốc CDC, cho biết Mỹ cũng có hơn 1.000 liều vaccine Jynneos, một loại vaccine mới được phê duyệt vào năm 2019, có khả năng phòng ngừa cả đậu mùa và đậu mùa khỉ.

Ngoài ra, nước này còn mua thêm 2 triệu liều kháng virus khác để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới WHO nói rằng họ đang dự trữ khoảng 31 triệu liều vaccine đậu mùa.

Virus đậu mùa khỉ đang lưu hành ở các quốc gia hiện nay thuộc chủng Tây Phi, vốn có tỷ lệ tử vong thấp với chỉ 1%. Kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên đến nay, thế giới vẫn chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào.

Tuy nhiên, những người thuộc nhóm dễ tổn thương như trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch thường có triệu chứng nặng hơn.

Các chuyên gia nhận định, dựa vào mô hình lây nhiễm của bệnh, có khả năng virus đã lưu hành bên ngoài Châu Phi trong vài tháng.

Chưa vội tiêm chủng vaccine đậu mùa khỉ

Mặc dù vaccine đậu mùa sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc virus đậu mùa khỉ, nhưng nó có tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm cơ tim. Loại vaccine này cũng có thể gây rủi ro cho người bị ức chế miễn dịch, kể cả bệnh nhân HIV hay người bị chàm.

Vì lý do này, giới chức y tế cho rằng rất khó để triển khai tiêm chủng trên diện rộng, đồng thời khuyến nghị chỉ tiêm vaccine đậu mùa cho những ai đã từng có tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm virus.

Tại Việt Nam, các chuyên gia cũng có chung nhận định rằng không cần vội vàng triển khai tiêm chủng vaccine cho người dân, nhất là khi virus hiện chỉ đang tập trung ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ, theo báo Tuổi Trẻ.

Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế, nói rằng Việt Nam chưa có người mắc bệnh đậu mùa khỉ, nên người dân không cần quá lo lắng.

Tuy nhiên, ông Nga lưu ý thêm rằng người dân không nên chủ quan, thay vào đó, họ cần biết cách bảo vệ sức khỏe của bản thân thông qua các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế.

Tán đồng với quan điểm trên, ông Bùi Vũ Bình, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn tại Đại học Y Hà Nội, cũng khẳng định rằng các chuyên gia trên thế giới không khuyến cáo tiêm mở rộng vaccine đậu mùa khỉ vào thời điểm này.

Mỹ tìm ra hai loại thuốc kháng virus đậu mùa khỉ

Ngoài những loại vaccine hiện có, các nhà khoa học tại Bệnh viện Đại học Liverpool NHS Foundation Trust (Anh) cho biết họ tìm ra một loại thuốc kháng virus có triển vọng chống lại bệnh đậu mùa khỉ, theo Zing.

Loại thuốc này có tên gọi Tecovirimat do công ty dược phẩm SIGA Technologies Inc sản xuất. Nó có thể rút ngắn các triệu chứng và thời gian lây nhiễm cho người khác. Đây cũng là loại thuốc chống virus đậu mùa và đậu mùa khỉ đầu tiên được phê duyệt ở Mỹ.

Các nhà nghiên cứu cho biết, hiệu quả của thuốc được phát hiện dựa trên nghiên cứu một ca bệnh ở Anh. Kết quả này đã được công bố trên tạp chí The Lancet Infectious Desease.

Nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân sau khi dùng thuốc có dấu hiệu thuyên giảm triệu chứng, virus đường hô hấp trên ít hơn người khác.

Mặc dù vậy, nghiên cứu vẫn bị đánh giá là có quy mô quá nhỏ và khó có thể kết luận được chắc chắn. Do đó, các nhà khoa học vẫn hy vọng sẽ có nhiều bằng chứng hơn nữa để xác định chính xác được hiệu quả của Tecovirimat.

Ngoài Tecovirimat, các nhà nghiên cứu còn cho hay họ phát hiện thêm ít nhất một bằng chứng về hiệu quả của thuốc Brincidofovir trong việc chữa bệnh đậu mùa khỉ.

Bảo Vy



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia khuyến nghị chưa vội tiêm vaccine đậu mùa khỉ; Mỹ phát hiện 2 loại thuốc kháng virus hiệu quả