Có nên ăn các loại thực phẩm biến đổi gen hay không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các cuộc tranh luận về đậu nành biến đổi gen (GM) vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Hiện tại, 90% đậu nành được trồng ở Mỹ đã bị biến đổi gen. Đậu nành GM có hại cho cơ thể không? Hãy cùng khám phá chủ đề này một cách chi tiết.

1. Cây biến đổi gen so với cây lai tạo

Có điểm khác biệt gì giữa hai thứ này không?

Biến đổi gen là sự thay đổi có chủ ý bộ gen của một sinh vật. Bằng cách chèn gen của một hoặc nhiều loài vào gen của loài khác thông qua kỹ thuật tái tổ hợp gen hiện đại (còn gọi là kỹ thuật tái tổ hợp DNA), tạo ra một giống hoàn toàn mới.

Lai tạo là một phương pháp truyền thống cách đây hàng nghìn năm, giúp thụ phấn chéo hai loài để tạo ra một loài mới trong một quá trình hoàn toàn tự nhiên. Quá trình này cần trau dồi và tích lũy theo thời gian để đạt được kết quả mong muốn. Sự lai tạo đôi khi cũng xảy ra trong tự nhiên mà không cần con người can thiệp.

Trong lịch sử, con người cũng biết cách sử dụng phương pháp lai tạo và nhân giống chọn lọc để sửa đổi các đặc tính di truyền của sinh vật và thực vật.

2. Mục đích của việc biến đổi gen

Biến đổi gen dùng để làm gì? Những người ủng hộ và khuyến khích phương pháp này đưa ra ba lý do chính:

- Tăng sản lượng lương thực. Người ta nói rằng khoảng 820 triệu người đang sống dưới mức đói và yêu cầu tăng sản lượng lương thực đã trở thành lý do quan trọng nhất để sử dụng các sinh vật biến đổi gen.

- Cải thiện giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Trong quá trình biến đổi gen, thực phẩm có thể tăng hàm lượng protein, vitamin và các nguyên tố vi lượng.

- Tăng khả năng chống chịu của cây trồng đối với thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu. Ngoài việc cung cấp khả năng kiểm soát cỏ dại và côn trùng, biến đổi gen giúp cây trồng tăng cường khả năng chống lại một lượng lớn thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu hóa học.

3. Tranh cãi xung quanh thực phẩm biến đổi gen

Tại sao thực phẩm biến đổi gen lại gây tranh cãi như vậy?

Thực tế, có nhiều biện pháp để cải thiện năng suất và sản lượng lương thực. Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng biến đổi gen không phải là cách duy nhất. Đất tốt, phương pháp canh tác thích hợp hoặc luân canh cây trồng đều có thể làm tăng sản lượng.

Thực phẩm biến đổi gen thúc đẩy tình trạng nhạy cảm hoặc dị ứng. Trong khi con người cố gắng biến đổi gen cây trồng nhằm gia tăng dinh dưỡng trong thực phẩm, nó cũng làm phát sinh các chất gây dị ứng mới. Ví dụ, methionine tăng lên trong đậu nành, do biến đổi gen, có thể gây dị ứng.

Thuốc trừ sâu mạnh hơn có thể tạo ra sâu bệnh nghiêm trọng hơn. Những người ủng hộ đậu nành biến đổi gen lập luận rằng, loại cây này cần ít thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu hơn để phát triển. Tuy nhiên, những người thách thức lập luận này cho rằng kết quả của cây trồng biến đổi gen có thể dẫn đến sự tiến hóa của siêu vi khuẩn và cỏ dại mới. Vì thực vật tiến hóa một cách tự nhiên để phát triển mạnh trong môi trường luôn thay đổi, côn trùng và cỏ dại cũng tương tự.

4. Thí nghiệm về tính an toàn của thực phẩm biến đổi gen

Mối quan tâm nhất là liệu thực phẩm biến đổi gen có gây hại gì cho con người hay không. Do thực phẩm biến đổi gen còn tương đối mới, nên chúng ta vẫn chưa có các nghiên cứu dài hạn để đưa ra kết luận chắc chắn.

Một nghiên cứu đã đánh giá tác động của thực phẩm biến đổi gen đối với động vật, trong đó các nhà nghiên cứu cho chuột ăn đậu nành biến đổi gen trong 90 ngày. Sau khi xét nghiệm các chỉ số sinh học và sức khỏe khác nhau trên chuột, người ta kết luận rằng thực phẩm biến đổi gen không nguy hiểm (không gây hại) cho con người.

Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ được thực hiện trên chuột, không phải trên người và thời gian nghiên cứu chỉ là 90 ngày. Mặt khác, cũng có một số thí nghiệm khác trên động vật chỉ ra nguy cơ tiềm ẩn gây ung thư và bệnh tự miễn dịch ở người do thực phẩm biến đổi gen gây ra. Vì vậy, các cuộc tranh luận chắc chắn sẽ tiếp tục.

Xét trên khía cạnh canh tác, thực phẩm biến đổi gen khác với thực phẩm được trồng tự nhiên. Nói chung, chúng ta nên tôn trọng tự nhiên và sử dụng các phương pháp tự nhiên để sản xuất thực phẩm, hoàn toàn dựa trên công sức và trí tuệ của con người.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo Tiến Sĩ Jingduan Yang từ The Epoch Times tiếng Anh
Hoàng Tuấn biên dịch

TS.BS. Jingduan Yang, là một bác sĩ tâm thần chuyên về y học tổng hợp và truyền thống của Trung Quốc cho các bệnh mãn tính liên quan đến tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Integrative Psychiatry", "Medicine Matters" và "Integrative Therapies for Cancer". Đồng tác giả "Facing East: Ancient Secrets for Beauty+Health for Modern Age" của HarperCollins và "Clinical Acupuncture and Ancient Chinese Medicine" của Oxford Press. Bác sĩ Yang cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Yang và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Trung tâm Y tế Phương Bắc (Middletown, New York), kể từ tháng 7 năm 2022.



BÀI CHỌN LỌC

Có nên ăn các loại thực phẩm biến đổi gen hay không?