Con bạn có nguy cơ bị béo phì? Probiotic có thể cải thiện béo phì ở trẻ em

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo báo cáo Fitch Solutions Macro Research, người Việt đang tăng cân với tốc độ chóng mặt, vượt qua nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là trẻ em...

Theo báo cáo Fitch Solutions Macro Research, Việt Nam có tốc độ béo phì cao nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á - ở mức 38%. Tỷ lệ này đặc biệt tăng nhanh ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhất là ở các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội. Số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành TPHCM vượt 50%, ở Hà Nội vượt 41%.

Theo Fitch Solutions Macro Research, tình trạng kinh tế trong khu vực cải thiện đã kéo theo những thay đổi không tốt về lối sống. Ngày càng nhiều người dùng thức ăn nhanh, nước ngọt, ít ăn rau, lười vận động, tỷ lệ trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử cũng ngày càng gia tăng. Trong tương lai, chúng sẽ có nguy cơ đối diện với nhiều bệnh tật như: tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn nội tiết... thậm chí là ung thư và tử vong.

Một giải pháp mới cho tình trạng béo phì

Trong Hội nghị Nội tiết Châu Âu lần thứ 22, ngoài các biện pháp thay đổi lối sống và chế độ ăn trong điều trị béo phì, một phương án mới đã được đề cập là sử dụng probiotic, đặc biệt chủng lợi khuẩn Bifidobacteria.

Bifidobacteria là một chủng vi khuẩn phổ biến trong hệ vi sinh vật đường ruột. Ngoài tác dụng thông thường của probiotic, nó còn giúp cung cấp chất xơ và phân hủy carbohydrate từ các chất dinh dưỡng trong đường ruột. Chúng thậm chí còn giúp tạo ra các axit béo chuỗi ngắn, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sức khỏe đường ruột, làm giảm cảm giác đói và hỗ trợ giảm cân nặng.

Probiotic giúp kiểm soát cân nặng

Các tác giả đã nghiên cứu 100 trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 6 đến 18 bị béo phì và kháng insulin - một tình trạng nguy cơ khởi phát bệnh tiểu đường type 2.

Theo tác giả chính của nghiên cứu là PGS.TS dinh dưỡng Flavia Prodam của trường Đại học Piemonte Orientale cho biết, ngoài chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải, trẻ em được chia làm hai nhóm: một nhóm dùng probiotic, nhóm còn lại dùng giả dược.

Kết quả nghiên cứu sau 8 tuần cho thấy, nhóm trẻ dùng probiotic giảm cân, tăng nhạy cảm với insulin và giảm nồng độ vi khuẩn E. coli nhiều hơn so với nhóm dùng giả dược. Tác giả lưu ý probiotic ở đây chủ yếu là lợi khuẩn Bifidobacteria. Đáng chú ý là hiệu quả của chúng vẫn tiếp tục kéo dài vài tuần sau khi các bé ngừng dùng nó.

Theo TS Christopher Moran là giám đốc Hiệp hội Dinh dưỡng và Tiêu hóa Nhi khoa ở Boston cho biết: “Nó là một phát hiện bất ngờ đối với các nghiên cứu về probiotic. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi ngừng dùng, probiotic sẽ biến mất khỏi đường ruột và thường không có tác dụng kéo dài”.

Cách giúp trẻ có thêm probiotic

Chúng ta có thể tìm thấy probiotic trong các sản phẩm từ sữa như sữa chua, kefir, sữa dê, pho mát, hay thực phẩm lên men như kim chi, miso và dưa bắp cải...

Ngoài ra, một số thực phẩm chức năng hay men vi sinh đóng gói cũng chứa một hoặc nhiều chủng lợi khuẩn, nhưng bạn cần đọc kỹ thành phần để có thể biết sản phẩm đang dùng chứa chủng lợi khuẩn nào và chúng còn hoạt động hay không.

Tiến sĩ Prodam chia sẻ, các loại thực phẩm như “lúa mì, hành tây, chuối, tỏi và tỏi tây” cũng có thể giúp làm tăng lượng vi khuẩn Bifidobacteria trong đường ruột của trẻ.

Còn TS Moran cho biết thêm, cho dù trẻ có ít một số chủng lợi khuẩn nhất định do di truyền hay môi trường, nhưng đừng quá lo vì thành phần hệ vi sinh vật đường ruột “phụ thuộc trực tiếp các loại thực phẩm cụ thể ăn vào, bao gồm cả thực phẩm đã chế biến”.

TS Moran nhấn mạnh: “Ăn một chế độ đa dạng và tránh những thực phẩm chế biến sẵn là điều quan trọng nhất. Bạn càng ăn nhiều thực phẩm đã qua chế biến, thì càng ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh vật của đường ruột. Điều đó có thể dẫn đến béo phì, viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa, bệnh Crohn và một số tình trạng viêm đường tiêu hóa khác”.

Một số điều còn chưa rõ về probiotic

Nghiên cứu này chỉ là bước đầu trong việc đánh giá vai trò của probiotic trong hỗ trợ điều trị béo phì. Cần nhiều nghiên cứu bổ sung nhằm hiểu rõ hơn về cách thức bổ sung probiotic, liều lượng khi sử dụng trong điều trị.

Để được dùng như là thuốc hoặc phương pháp điều trị cho các tình trạng cụ thể, probiotic trước tiên phải được chứng minh là an toàn và hiệu quả thông qua các thử nghiệm lâm sàng và được FDA chấp thuận.

Theo lời khuyên của PGS.TS tiêu hóa nhi khoa Geoffrey Preidis của trường Đại học Y khoa Baylor và Bệnh viện Nhi Texas: “Nguy cơ các tác dụng phụ của probiotic có thể cao hơn chúng ta nghĩ. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ của con mình trước khi bắt đầu bất kỳ chế độ probiotic nào”.

Minh Sang
- Theo CNN.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Con bạn có nguy cơ bị béo phì? Probiotic có thể cải thiện béo phì ở trẻ em