COVID-19: Cập nhật toàn cảnh trong 100 ngày qua

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, chúng ta đang đối mặt với nguy cơ COVID-19 đang quay lại. Sau khi ghi nhận 22 ca nhiễm mới chính thức, 1 thành phố bị giãn cách xã hội, 3 bệnh viện bị cách ly...

Virus và đột biến gen

Virus COVID-19 được cho là có nguồn gốc từ loài dơi, thuộc nhóm beta-coronavirus nhóm 2B. Nó có độ trùng khớp ít nhất 70% so với trình tự gen của SARS-CoV, virus gây ra đại dịch SARS 2003 - nên virus này còn được gọi là SARS-CoV-2.

Vào 11/01/2020, bộ gen đầy đủ của SARS-CoV-2 lần đầu tiên được cơ quan y tế Trung Quốc công bố. Từ đó đến nay, có trên 4000 bộ gen khác nhau của riêng chủng virus nCoV-2019 được liệt kê.

Đầu tháng 5/2020, một đột biến gen quan trọng của SARS-CoV-2 (Spike D614G) đã được phát hiện. Đột biến này đã chiếm ưu thế trong các chủng COVID-19 ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc. Nó đang là mối quan tâm và nghiên cứu nhiều quốc gia để xem có liên quan gì đến tỷ lệ lây nhiễm, độc lực, tính kháng nguyên và khả năng kháng điều trị trên các bệnh nhân COVID-19 ở những vùng này trên thế giới.

Đường lây virus có thay đổi

Giai đoạn đầu, SARS-CoV-2 được cho là lây lan chủ yếu qua giọt bắn, hoặc lây từ người sang người do tiếp xúc gần dưới 2m khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.

Nhưng vào 09/07/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một bản cập nhật, virus có thể lây truyền qua bụi khí (aerosol), đường lây quan trọng trong những không gian hẹp, thiếu thiết bị bảo hộ như ở quán bar. Vì vậy, họ nhấn mạnh tầm quan trọng của giãn cách xã hội và mang khẩu trang trong phòng ngừa.

Virus có thể tồn tại trên bề mặt tiếp xúc lên đến 72 giờ. Nhưng không tồn tại với nhiệt độ cao từ 70°C trở lên; còn với nhiệt độ phòng và độ ẩm 65% thì virus không thể tồn tại sau 3 giờ.

Thời gian lây nhiễm của virus tùy theo tình trạng bệnh có thể co giãn từ 8-37 ngày, trung bình 20 ngày, ở bệnh nhân nặng có thể lên 48 ngày.

Người nhiễm COVID-19 không triệu chứng: chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 40%-45%; từ những nghiên cứu, bài báo thì bao gồm dân cư từ Iceland và Ý, hành khách và thủy thủ trên tàu du lịch Diamond Princess, người vô gia cư ở Boston và Los Angeles, bệnh nhân sản khoa ở thành phố New York và thủy thủ đoàn trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và Charles de Gaulle, trong số nhiều tàu khác. Họ là nguồn lây nhiễm cao trong cộng đồng.

Đối tượng nguy cơ và tỷ lệ tử vong

Thống kê cho đến 28/07/2020, có trên 16,5 triệu người nhiễm COVID-19, trong đó có 657.276 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, hiện tại có 444 người nhiễm COVID-19, và ghi nhận có 22 trường hợp mới nhiễm trong cộng đồng từ ngày 25/07.

Theo báo cáo về SARS-CoV-2 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ:

    • Hệ số lây nhiễm cơ bản (R0): 2,5
    • Tỷ lệ lây nhiễm trước khi có triệu chứng: 40%
    • Tỷ lệ người nhiễm COVID-19 không triệu chứng: 35%
    • Thời gian khởi phát triệu chứng: Trung bình 6 ngày
    • Tỷ lệ nhập viện: 3,4%
    • Tỷ lệ tử vong: 0,4%

Tỷ lệ nhiễm COVID-19 không có khác biệt giữa nam và nữ, tuổi trung bình ghi nhận là 48 tuổi. Nhóm nguy cơ cao có tuổi trung bình từ 30-60 tuổi, tỷ lệ nhiễm có thể trên 16%. Trẻ em dưới 9 tuổi hiếm khi bị mắc bệnh (1,4%), tỷ lệ mắc bệnh ở người cao tuổi (> 70 tuổi) chỉ là khoảng 8%. Bà bầu rất hiếm gặp, chỉ ghi nhận một số ít trường hợp nhiễm.

Mặc dù, tỷ lệ mắc COVID-19 ở người già trên 70 tuổi không cao, nhưng tỷ lệ tử vong ở nhóm tuổi này lại rất cao có thể lên đến gần 50% nếu có bệnh lý đi kèm.

Phòng ngừa

Cho đến nay, phòng ngừa quan trọng nhất vẫn là hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách, rửa tay và đeo khẩu trang.

Khẩu trang y tế giúp ngăn ngừa sự lây lan của virus Corona trong cộng đồng, nó làm giảm đáng kể kháng nguyên virus trong giọt bắn khi ho, hoặc hắt hơi. Đồng thời, khẩu trang N95 không đem lại lợi ích gì hơn so với khẩu trang y tế trong việc ngừa COVID-19 ngoài cộng đồng.

Điều trị

Remdesivir là thuốc kháng virus duy nhất đến nay được FDA đưa vào sử dụng cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng, từ ngày 1/5/2020. Nó giúp rút ngắn thời gian hồi phục bệnh của bệnh nhân nặng nhiễm COVID-19.

Ngoài ra, còn những phương pháp và thuốc khác vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm như: corticoides, kháng thể đơn dòng, thuốc ức chế interleukin, thay huyết tương.

Một số biện pháp hỗ trợ bệnh nhân nặng như thở máy, lọc máu, hay ECMO.

Vaccine tiềm năng

Từ khi trình tự gen của SARS-CoV-2 được công bố vào ngày 11/1/2020, các nhà nghiên cứu đã tìm ra gần 80 thành phần có thể giúp tạo ra vaccine đến ngày 8 tháng 4 năm 2020. Riêng ở Hoa Kỳ hiện nay có khoảng 29 loại vaccine đang được phát triển. Sự khó khăn và vô cùng gian nan trong việc tạo ra vaccine và đánh giá hiệu quả của vaccine trên lâm sàng.

Do đó, điều quan trọng hiện nay là vai trò của việc phòng ngừa, như chúng ta từng đạt nhiều thành công trong đợt dịch đầu tiên của virus Corona.

Thiện Đức
- Theo emedicine.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

COVID-19: Cập nhật toàn cảnh trong 100 ngày qua