Cứ 7 người trưởng thành thì có 1 người không biết đang bị bệnh thận mãn tính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bệnh thận mãn tính (CKD) là một trong những bệnh mãn tính phổ biến nhất hiện nay. Có điều, rất nhiều người không hay biết mình đang mắc phải căn bệnh nguy hiểm này, và biện pháp hữu hiệu nào để ngăn ngừa căn bệnh này?

Tổ chức Thận Quốc gia ghi nhận rằng, mặc dù căn bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 37 triệu người ở Mỹ (cứ 7 người lớn thì có 1 người mắc), khoảng 90% trong số này không hề biết mình mắc bệnh thận mãn tính.

Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, việc khám sức khỏe định kỳ giảm sút đáng kể, do vậy, các bệnh lý như CKD có thể tiến triển mà không bị phát hiện. Điều này có thể gây ra hiệu ứng domino, dẫn tới đợt cấp của một loạt các vấn đề sức khỏe khác.

Bệnh thận có thể là một “trường hợp khẩn cấp thầm lặng”

CKD xuất hiện khi thận của bạn bị tổn thương tới mức độ không thể lọc máu hiệu quả được nữa.

Thận có chức năng quan trọng là cân bằng khoáng chất và chất điện giải cần thiết trong cơ thể bạn, như kali hay canxi. Thận cũng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất hồng cầu, giải phóng chất thải hòa tan trong nước ra khỏi cơ thể và duy trì cân bằng độ acid-bazơ, theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường và Tiêu hóa và Bệnh thận (NIDDK).

“Mọi người cần lưu tâm tới căn bệnh này bởi vì nó là một trong những ‘kẻ giết người thầm lặng’. Rất nhiều người nghĩ nó giống như bệnh tim”, Tiến sĩ Erkeda DeRouen cho biết.

DeRouen nói rằng, rất nhiều người bị mắc CDK ở một vài mức độ có thể sống nhiều năm mà không hề phát hiện có gì bất thường, vì không phải lúc nào các triệu chứng của nó cũng được xác định rõ ràng.

Nó không giống như bạn bị phát ban hoặc một triệu chứng nào đó dễ nhận biết. Thông thường, các triệu chứng bệnh thận sẽ không tự biểu hiện cho đến khi thận đã bị tổn thương nghiêm trọng hay bạn đã bị suy thận.

Những dấu hiệu và triệu chứng này có thể rất đa dạng, từ phù chân và mệt mỏi, đến đau xương hoặc có máu trong phân. Nó có thể khiến bạn nhầm lẫn bởi vì rất nhiều triệu chứng này giống với các tình trạng bệnh mãn tính khác.

“Nó có thể nghiêm trọng bởi vì bạn không chú ý tới các triệu chứng cho đến khi tình trạng bệnh thận của bạn đã quá muộn, như đau nặng hay phù chân hoặc bụng”, cô nói thêm.

COVID-19 làm tăng các yếu tố nguy cơ đối với CKD

Một khảo sát gần đây phát hiện 61% người Mỹ đã từng bị tăng cân trong suốt thời gian đại dịch. Tăng cân là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường. Patel và DeRouen nói rằng, rất nhiều yếu tố tác động tới CKD, như bệnh tiểu đường chẳng hạn.

DeRouen cho rằng suốt 1 năm đại dịch, rất nhiều người đã lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tích cực để kiểm soát các bệnh mãn tính như CKD. Sự thay đổi hiện tại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe do đại dịch gây ra quá đột ngột.

Việc hoãn khám sàng lọc định kỳ cùng với sự gia tăng khám sức khỏe từ xa đồng nghĩa người bệnh tương tác ít hơn với bác sĩ. Thêm nữa, bác sĩ khám qua online cũng không nắm rõ lịch sử sức khỏe của họ và có thể bỏ qua những dấu hiệu của CKD.

Ai có nguy cơ mắc CKD cao hơn?

Theo DeRouen, người cao tuổi là đối tượng cần cảnh giác với bệnh CKD, và đặc biệt người da nâu và da đen có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn các nhóm người khác. DeRouen cho biết, các cơ sở y tế đang đánh giá lại cách xác định ai có nguy cơ cao hơn mắc CKD.

DeRouen nói thêm:“Ví dụ, người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ GFR cao hơn, nhưng có thể đó chỉ là do khối lượng cơ bắp của họ lớn hơn”.

Cần thăm khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh CKD

Để phát hiện sớm căn “bệnh thầm lặng” này trước khi nó chuyển sang giai đoạn tiến triển, chúng ta cần quan tâm tới sức khỏe bản thân hơn. Các chuyên gia y tế khuyến nghị rằng, “quan tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng giống như chăm sóc phòng ngừa bênh”, nghĩa là, thay vì phải đi gặp bác sĩ khi cơ thể bạn có những triệu chứng nghiêm trọng của bệnh, bạn cần đi khám thường xuyên và kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Bằng cách thường xuyên trao đổi với bác sĩ của bạn, họ sẽ biết cần kiểm tra những gì và khi nào cần thực hiện các xét nghiệm sàng lọc thích hợp.

Nếu huyết áp của bạn cao, họ có thể thực hiện một loạt kiểm tra máu và xem xét những yếu tố nguy cơ khác của CKD.

Một xét nghiệm máu và nước tiểu là cách chẩn đoán CKD. Bác sĩ của bạn sẽ kiểm tra độ lọc cầu thận (GFR,) sử dụng một xét nghiệm máu để đo thận của bạn lọc bao nhiêu máu mỗi phút.

Họ cũng sẽ thực hiện một xét nghiệm urine albumin. Xét nghiệm này để kiểm tra mức urine của albumin, một loại protein đi qua nước tiểu khi các bộ lọc trong thận của bạn bị hỏng.

Tiến sĩ Kinjal Patel chuyên khoa thận cho rằng, CKD chỉ ra “vấn đề sức khỏe cộng đồng của tất cả các bệnh mãn tính, không lây nhiễm” như huyết áp cao, cholesterol cao và tiểu đường - chúng xuất hiện cùng nhau và ảnh hưởng tới nhau.

Các bệnh này tác động tới nhau, do đó duy trì chăm sóc sức khỏe dự phòng và thăm khám thường xuyên là cần thiết để quản lý tình trạng sức khỏe của bạn. Không phải tất cả những người bị mắc CKD - đặc biệt những trường hợp nhẹ - sẽ cần phải gặp bác sĩ thận, nhưng nếu thường xuyên thăm khám bác sĩ chuyên khoa có thể giúp bạn phát hiện một số bệnh mãn tính này sớm hơn.

Bởi vậy, các bác sĩ khuyến nghị, mọi người cần coi chăm sóc ban đầu là chăm sóc phòng ngừa để có thể phát hiện bệnh sớm, trước khi nó chuyển sang giai đoạn tiến triển.

Để kiểm soát và ngăn ngừa CKD, bạn nên ăn thực phẩm lành mạnh (có thể tham khảo tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng), giảm uống rượu và thực phẩm chiên rán, nhiều chất béo, kiểm soát huyết áp, hoạt động thể chất hay tập luyện mỗi ngày. Tất cả hành vi lối sống lành mạnh này có thể giúp bạn kiểm soát bệnh thận và ngăn chặn nó tiến triển.

Một cách đơn giản mà hiệu quả cao là uống nhiều nước, và luyện tập thường xuyên, có thể đơn giản là dành thời gian đi bộ mỗi ngày.

Hà Thành
Theo healthline



BÀI CHỌN LỌC

Cứ 7 người trưởng thành thì có 1 người không biết đang bị bệnh thận mãn tính