Đây là lý do khiến người Việt bị kỳ thị ở nước ngoài trong dịch COVID-19 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hơn hai tháng gieo rắc cái chết và nỗi hoang mang, virus Corona không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, tàn phá nền kinh tế thế giới mà còn là “tác nhân” gây ra nạn kỳ thị: Người Vũ Hán bị người dân các tỉnh thành khác ở Trung Quốc xua đuổi kỳ thị vì nơi đây “sản sinh” ra COVID-19, rồi người châu Á tự kỳ thị lẫn nhau. Và rồi người phương Tây e dè và tránh xa bất cứ ai “sở hữu” hai thứ này trong mùa dịch: Da vàng và Khẩu trang.

Virus Corona không còn là “của riêng” Trung Quốc nữa, mà là vấn nạn của toàn thế giới. Ngay sau khi WHO tuyên bố “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu'' ngày 30/1/2020, người ta đã chứng kiến sự lên ngôi của một món hàng vô cùng bình dị nhưng lại trở nên vô cùng đắt giá, và thường xuyên trong tình trạng cháy hàng giữa thời buổi “chống dịch như chống giặc”: Khẩu trang.

Nỗi khổ của người Việt xa xứ

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 loang ra khắp thế giới, cùng với con số người Việt trở về từ vùng dịch bị cách ly ngày càng gia tăng, chưa khi nào mặt hàng khẩu trang tại Việt Nam lại trở nên khan hiếm và đắt đỏ đến vậy.

Ngày càng có nhiều người dân đất Việt coi khẩu trang như là một biện pháp hiệu quả, giúp ngăn ngừa virus Corona, cho nên dù đắt mấy vẫn chấp nhận mua để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Có lẽ vì vậy mà giá khẩu trang tại các shop online bị “đẩy giá” chóng mặt, từ 35.000đ/hộp (ngày thường) lên tới 300-350.000đ/hộp (mùa dịch) mà vẫn không đáp ứng đủ cho người mua.

Trái ngược với tình hình trong nước, những người Việt xa xứ nói riêng và người châu Á nói chung đang sinh sống ở phương trời Tây lại nặng trĩu lòng bởi màu da và cái khẩu trang trong mùa dịch. Cái nguyên do ấy đang khiến họ trở thành những người “bất đắc dĩ” mỗi khi di chuyển tại các nơi công cộng.

Ngay khi một loạt các nước Ý, Pháp, Đức, Úc… công bố các ca nhiễm và tử vong vì virus Corona, cộng đồng người châu Á trong đó có người Việt đã phải hứng chịu sự phân biệt đối xử khá “khó chịu”. Chia sẻ của Hằng Nguyễn, một kiều bào đang sống tại Đức cho thấy rõ điều này:

“… Tôi hiểu vậy là corona đã thực sự tới Đức rồi. Nhưng điều tôi bất ngờ hơn cả đó là khi lên tàu tới trường học, tôi cảm nhận một vài ánh mắt nhìn mình. Tàu rất đông, mà không hiểu sao quanh tôi lại thưa người. Một đứa trẻ đã dùng khăn quàng che miệng và mũi khi đi qua tôi để tới cửa ra khỏi tàu”.

“...Tôi hiểu nỗi lo của mọi người, nhưng sự việc đã lên đỉnh điểm khi một buổi tối trên đường, một người đàn ông nhổ nước bọt về hướng tôi và lẩm nhẩm “Chinese!”.

Không những kỳ thị màu da mà việc đeo khẩu trang còn trở thành “cái cớ” cho những người phương Tây rất dễ “nổi khùng”. MXH có nhắc đến trường hợp hai người Đức gốc Việt đã bị đánh mắng vì đeo khẩu trang: “Bị bệnh ở nhà đi, ra ngoài làm gì”.

Không chỉ riêng người Việt, một phóng viên người Anh gốc Hoa của tờ The Guardian cũng phải chịu cảnh bị “ghẻ lạnh” khi cho biết một người đàn ông đã nhanh chóng rời khỏi chỗ trên xe buýt khi anh ngồi xuống bên cạnh. Sarah Kim, cựu cộng tác viên của tờ Forbes chia sẻ khi trên đường về nhà, một nhóm đàn ông đã nhìn cô và hét “Nhìn thấy con Nhật kia không? Hãy tránh xa nó ra nếu mày không muốn bị dính virus Corona”. Bố mẹ cô là người Hàn Quốc và sinh ra cô tại Mỹ. Cô sống ở Brooklyn (New York) và đã lâu chưa ra nước ngoài.

Khác biệt suy nghĩ

Khi tờ Courrier Picard (Pháp) đăng hình ảnh một người phụ nữ Trung Quốc đeo khẩu trang với tiêu đề “Yellow Alert” (Cảnh báo vàng), đã ra gây một cơn thịnh nộ khiến tờ báo này bị coi là phân biệt chủng tộc trắng trợn và tồi tệ nhất.

Tờ báo nhanh chóng xin lỗi và cho biết họ không có "định kiến phân biệt chủng tộc người châu Á". Tuy nhiên những ánh mắt, cử chỉ kỳ thị mà những người gốc Á phải chịu đựng trong thời gian qua không dễ dàng hoàn tác. Đây chỉ đơn thuần là vụ mới nhất trong làn sóng bài Trung Quốc khi virus Corona lan rộng khắp thế giới.

Ngày 20/1/2020, Trung Quốc thừa nhận virus Corona chủng mới hoành hành tại thành phố Vũ Hán sau 3 tuần che giấu kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào cuối tháng 12/2019. Việc che giấu thông tin đã khiến Trung Quốc bỏ lỡ thời điểm vàng, “giúp” virus Corona phát tán toàn thế giới.

Ngày 23/1/, chính quyền Bắc Kinh ra lệnh phong tỏa toàn bộ thành phố Vũ Hán và yêu cầu bất kỳ người dân nào cũng phải đeo khẩu trang khi đi ra đường. Khi dịch bệnh bùng phát dữ dội ở Vũ Hán, hẳn nhiên trong trường hợp quá nhiều người phơi nhiễm, thì việc đeo khẩu trang là rất cần thiết.

Tuy nhiên, cách các hãng truyền thông đưa tin về các biện pháp phòng dịch COVID-19 giữa các quốc gia là khá khác nhau, trong đó có việc đeo khẩu trang đã gây ra những hiểu lầm, hay gia tăng sự phân biệt đối xử.

Nhìn chung tại Việt Nam, hầu hết mọi người đều có tâm lý chung là đeo khẩu trang không phải vì bị nhiễm bệnh mà là để đề phòng bị lây bệnh. Ngược lại, chính phủ của các quốc gia phương Tây đều không khuyến cáo người dân đeo khẩu trang nếu bản thân không có triệu chứng và đang ở trong môi trường có nguy cơ thấp. Điều đó có nghĩa là người dân chỉ đeo khẩu trang khi có dấu hiệu nhiễm bệnh.

Theo Bộ Y tế Pháp, việc mang ''khẩu trang phẫu thuật'' (tức loại khẩu trang ''ba lớp'' thông thường) chủ yếu có giá trị phòng bệnh cho người khác, khi bản thân mình mang mầm bệnh.

Một sự khác biệt nữa là người phương Tây chú trọng giáo dục đề cao tính trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Điều đó có nghĩa là nếu ai đó nhiễm bệnh thì ở nhà, tự cách ly, không đến nơi công cộng.

Ngược lại, chính sự giáo dục đề cao cá nhân, coi trọng vật chất của người Trung Quốc hiện nay đã dẫn đến tình cảnh các đại sứ quán Trung Quốc phải kêu gọi công dân của mình khi đi du lịch nước ngoài, phải tuân thủ kiểm tra sức khỏe tại sân bay.

Lời “hiệu triệu” này xuất phát từ vụ việc một phụ nữ từ Vũ Hán - tâm chấn của COVID-19 - đã “khoe” rằng cô đã có triệu chứng giống cảm cúm trước khi du lịch tới Pháp và đã uống thuốc hạ sốt để tránh bị kiểm tra thân nhiệt tại sân bay.

Khẩu trang thực sự có cần thiết không?

Tại Việt Nam, những ngày cuối tháng Giêng (dịp Tết cổ truyền), nhiều hiệu thuốc Việt Nam đều “cháy hàng” khẩu trang và cồn sát trùng. Lý do là người Trung Quốc sang Việt Nam du lịch đã mua hết sạch. Và cùng với lượng người Việt ồ ạt mua tích trữ sau đó, khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm và đắt đỏ.

Khi tin tức về virus Corona xâm nhập vào nước Pháp, nhiều hiệu thuốc tại nước này cũng thông báo hết mặt hàng khẩu trang. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế nước này - bà Agnès Buzyn đã khuyên rằng, khẩu trang thật sự không cần thiết và không có khả năng chống lại virus. Bộ Y tế Pháp khuyến cáo người dân rửa tay và sử dụng gel vệ sinh thường xuyên, sử dụng khăn giấy dùng một lần và che miệng bằng khuỷu tay khi ho.

Tại Mỹ, các nhà thuốc bán lẻ lớn trên toàn quốc cũng thông báo đã bán hết mặt hàng khẩu trang trong bối cảnh lo ngại virus Corona đã lan rộng tới khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Một số nhà bán lẻ tại Mỹ cho biết, việc người dân vội vã mua khẩu trang là do nỗi lo sợ về sự nguy hiểm của virus Corona và bệnh cúm. Một số khác lại nói rằng, khách đến mua khẩu trang là để gửi về cho bạn bè và người thân ở Trung Quốc.

Dù vậy, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) không khuyến nghị sử dụng khẩu trang khi dịch bùng phát, ngoại trừ những người bị nhiễm virus Corona hoặc những người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân.

Trả lời Washington Post, Colleen Kraft, Phó Giám đốc Y tế Bệnh viện ĐH Emory, người đã giúp điều trị các trường hợp nhiễm virus Ebola cho biết: "Nếu bạn đi dạo mà đeo khẩu trang thì cũng không có tác dụng gì. Nhưng nếu bạn ở trong tình huống bị phơi nhiễm nặng thì khẩu trang rất hữu ích". Ông cũng cho biết cách phòng ngừa tốt nhất là rửa tay thường xuyên và cố gắng không chạm vào mặt hoặc bề mặt bị ô nhiễm.

Marybeth Sexton, Giáo sư tại trường Y của Bệnh viện ĐH Emory cũng cho biết, khẩu trang phẫu thuật có thể hạn chế khả năng hít phải các hạt dịch truyền nhiễm văng bắn ở khoảng cách gần. Nhưng khẩu trang phải được đeo đúng cách và cũng phải được tháo ra đúng cách để không cho phép các hạt dịch lan rộng.

Sự phí phạm không đáng có

Bà Sylvie Briand, Giám đốc Vụ Đối phó Toàn cầu với các Nguy cơ Lây nhiễm của WHO cho biết, với người không nhiễm virus đeo khẩu trang có thể tạo ''cảm giác an toàn giả tạo''. Dù vậy, khi số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc tăng cao đột biến, nỗi lo sợ nhiễm bệnh đã đẩy cơn sốt khẩu trang y tế lên đến đỉnh điểm. Khá nhiều người suy nghĩ chỉ cảm thấy an toàn khi đeo khẩu trang y tế ra đường, dẫn đến cuộc “săn lùng” bằng mọi giá, khiến ngay cả nhân viên y tế cũng không có đủ khẩu trang để dùng.

Ngày 4/3, Facebook của bác sĩ Trần Xuân Bách (Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư) đã đăng bài viết: Khẩu trang dùng trong khám, chữa bệnh thời chống dịch?. Anh cho biết là anh và đồng nghiệp được phát mỗi người 5 chiếc khẩu trang vải 2 lớp: “Bẩn thì giặt, không được dùng xong vứt đi, dùng trong mọi hoàn cảnh, cả trong và ngoài lúc tham gia khám, chữa bệnh”.

Theo bác sĩ Bách, “sự khan hiếm khẩu trang y tế trong các bệnh viện đã là một sự việc có thật”, và anh khẩn thiết: “Để tất cả nhân dân cùng biết và dành khẩu trang y tế cho nhân viên y tế và những người đang nằm viện, đang chăm sóc người đang nằm viện, đang mắc bệnh đường hô hấp”.

Xin đừng phát chẩn khẩu trang y tế ngoài vỉa hè, giữa chợ, giữa công viên nữa! Hãy phát xà phòng, nước rửa tay và cung cấp đủ nước sạch để rửa tay thường xuyên là đủ ổn rồi.

Xin đừng bắt tất cả các cháu học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo, nhân viên các công sở… phải dùng khẩu trang y tế khi đến trường học, nơi làm việc nữa! Khẩu trang vải thông thường là đủ ổn rồi.

Xin đồng bào đừng đeo khẩu trang y tế mỗi khi ra khỏi nhà nữa! Khẩu trang vải thông thường là đủ ổn rồi.

Không nên vì chống giặc mà mỗi người dân tích trữ riêng cho mình vài ba viên đạn trong khi súng của bộ đội lại đang hết đến những viên đạn cuối cùng. Như ở đây là đã bắt đầu phải dùng đến đạn nhựa ở súng đồ chơi trẻ con. Đừng để bộ đội đánh giặc bằng đạn giấy.

Các bạn biết thương các nhân viên y tế, dành cho họ những vũ khí để họ chống dịch thì họ mới đủ khả năng bảo vệ các bạn và gia đình của bạn thoát dịch!

Thảm họa sinh thái bởi khẩu trang dùng một lần

Đeo khẩu trang để tránh nhiễm virus Corona đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người trên thế giới, nhưng lượng rác thải được tạo ra bởi các vật phẩm sử dụng một lần có khả năng trở thành thảm họa sinh thái.

Khi nhu cầu về khẩu trang phẫu thuật tăng vọt trên khắp thế giới, các nhà sản xuất Trung Quốc đang sản xuất khoảng 116 triệu mỗi ngày, tăng gấp 12 lần trong tháng qua. Với hơn 90.000 người ở Trung Quốc bị nhiễm bệnh và ít nhất 3.200 người tử vong, cuộc khủng hoảng virus Corona đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về khối lượng chất thải y tế. Trong khi số lượng lò đốt mà Trung Quốc xử lý chất thải y tế không được công bố, các chuyên gia cho biết nó vẫn không thay đổi nhiều trong thập kỷ qua.

Khẩu trang và các thiết bị bảo vệ khác, đặc biệt là các vật dụng được sử dụng bởi nhân viên y tế và người nhiễm virus Corona được coi là chất thải lâm sàng và phải được khử trùng trước khi đốt ở nhiệt độ cao tại các cơ sở chuyên dụng. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở xử lý chất thải y tế - được xây dựng sau đại dịch SARS 17 năm trước - đã gần hết tuổi thọ hoạt động.

Làm thế nào để xử lý hàng triệu, thậm chí hàng tỉ khẩu trang bị loại bỏ? Trung Quốc là nước gây ô nhiễm và xả rác lớn nhất thế giới - khoảng 2 triệu tấn chất thải y tế (2018) - nhưng vẫn chưa đưa ra một tiêu chuẩn kiểm soát ô nhiễm cụ thể đối với chất thải lâm sàng mà hiện chỉ được họ phân loại đơn giản là chất thải nguy hại.

Theo Southern Metropolis Daily, chỉ riêng trong ngày 24/2, Vũ Hán đã xả ra hơn 200 tấn chất thải y tế, tăng từ 109 tấn chỉ 5 ngày trước đó. Trong khi đó, cơ sở xử lý chất thải y tế chuyên dụng duy nhất của thành phố chỉ có khả năng xử lý tối đa 50 tấn/ngày.

Điều đó phần nào giải thích lý do tại sao các nhà chức trách ở Vũ Hán - thành phố có 11 triệu dân và là nơi cư trú của 75% những người bị lây nhiễm và tử vong vì virus Corona - đã choáng váng bởi khối lượng chất thải y tế xả ra khổng lồ chỉ trong vài tháng gần đây.

Tại các bệnh viện ở khắp Vũ Hán, những đống khẩu trang khổng lồ và các thiết bị bảo hộ bị vứt bỏ không còn là hình ảnh xa lạ. Tại bệnh viện Puren, chỉ trong bốn ngày đã xả ra khoảng 3 tấn rác thải.

Hiện Vũ Hán đang gấp rút xây dựng thêm các nhà máy xử lý chất thải y tế gần các bệnh viện, và 17 cơ sở lưu trữ tạm thời chất thải y tế, với sức chứa hơn 1.000 tấn cũng đã được xây dựng.

Việc xử lý chất thải y tế là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Đây là lời cảnh tỉnh cho chính quyền Trung Quốc trong việc cố gắng kiểm soát dịch bệnh và hạn chế những thiệt hại kinh tế do virus Corona gây ra.

Xuân Trường



BÀI CHỌN LỌC

Đây là lý do khiến người Việt bị kỳ thị ở nước ngoài trong dịch COVID-19