Dịch cúm A 2022: Triệu chứng, biểu hiện, cách điều trị cúm A là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng hợp những thông tin cần biết nhất về dịch cúm A năm 2022: Cúm A là gì? Triệu chứng, biểu hiện, cách điều trị thế nào? Dấu hiệu nhiễm bệnh ở trẻ em?

Từ đầu tháng 7/2022, nhiều bệnh viện phía Bắc có lượng người đến khám cúm A tăng mạnh, trong đó có tình trạng nặng, tổn thương phổi phải nhập viện.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 1/4 số lượng bệnh nhi đến khám mắc cúm A. Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn vào những lúc cao điểm tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân cúm A mỗi ngày. Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương thời gian qua cũng ghi nhận hơn 100 bệnh nhi mắc cúm A phải nhập viện theo dõi.

Về mặt lý thuyết, cúm A là bệnh lý thường xuất hiện vào mùa đông, khi thời tiết lạnh. Tuy nhiên, thực tế năm nay đang cho thấy số lượng người mắc cúm A tăng lên sớm hơn, thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây truyền. Đáng nói, một số trường hợp còn diễn biến nặng, nguy kịch.

Cúm A là gì?

  • Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Bệnh Cúm A gây ra bởi các chủng của virus Cúm A, bao gồm: H1N1, H5N1, H7N9. Hầu hết những người nhiễm bệnh có thể khỏi bệnh mà không cần dùng đến điều trị thuốc. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhập viện và tử vong vì nhiễm virus này.
  • Bệnh cúm A có thể lây truyền từ một ngày trước khi phát triển các triệu chứng đến 7 ngày sau khi bị bệnh. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ có khả năng lây nhiễm trong thời gian dài hơn.
  • Bệnh cúm A thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường do những triệu chứng tương tự; tuy nhiên bệnh diễn tiến nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và có nguy cơ cao bùng phát thành dịch và đại dịch.

Triệu chứng, biểu hiện của cúm A

Không giống như cảm lạnh thông thường, các triệu chứng của cúm thường xuất hiện đột ngột. Các dấu hiệu phổ biến của nhiễm cúm bao gồm: ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể.

  • Ho, khó thở
  • Đau đầu, mệt mỏi, đau nhức xương
  • Sưng hạch hầu họng, viêm, đau nhức vòm họng.
  • Sốt cao trên 38.5 độ
  • Tê bì chân tay
  • Buồn nôn.

Bệnh cúm A có thể lây truyền từ một ngày trước khi phát triển các triệu chứng đến 7 ngày sau khi bị bệnh. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ có khả năng lây nhiễm trong thời gian dài hơn.

Dấu hiệu cúm A ở trẻ em

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc cúm và nguy cơ cao gặp các biến chứng cúm do hệ miễn dịch còn chưa phát triển toàn diện. Đặc biệt, ở những trẻ có bệnh nền như hen suyễn, có bất thường về thần kinh, trẻ có bệnh mãn tính, tim mạch, bệnh về máu, nội tiết, thận, gan hoặc bệnh lý rối loạn chuyển hóa, thừa cân, sử dụng corticoid, aspirin hoặc hóa trị liệu kéo dài, trẻ nhiễm HIV thường có nguy cơ gặp những biến chứng cao hơn so với những đứa trẻ bình thường.

Ba mẹ cần chú ý 4 dấu hiệu cúm a trở nặng sau đây để có thể kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện:

  • Sốt cao từ 39 độ trở lên, không đáp ứng thuốc hạ sốt;
  • Trẻ li bì, mệt mỏi, kém ăn, bỏ ăn, nôn trớ, chân tay lạnh;
  • Co giật;
  • Khó thở, thở nhanh.

Trẻ bị cúm A uống thuốc gì cho nhanh khỏi?

Khi trẻ bị cúm A, cha mẹ không nên tùy tiện sử dụng các loại thuốc, tốt hơn hết, phụ huynh nên tham khảo và hỏi ý kiến của bác sĩ về tình trạng bệnh của trẻ để có những liệu pháp dùng thuốc kịp thời.

Trong trường hợp trẻ bị ho khan, ho liên tục kéo dài, đặc biệt là ho nhiều về đêm có thể tham khảo viên ngậm ho hoặc các bài thuốc trị ho từ dân gian như chanh đào ngâm mật ong, hoa hồng trắng chưng đường phèn, ngâm chân cho bé trong nước gừng...

Đối với trường hợp trẻ bị sổ mũi, có thể dùng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mũi để làm sạch dịch nhầy, giúp thông mũi và dễ thở hơn. Có thể nhỏ mũi cho bé nhiều lần trong ngày để làm thông đường thở cho bé.

Cúm A có nguy hiểm không?

Cúm A có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già.

Đôi khi, các triệu chứng cúm A có thể tự khỏi mà không cần các can thiệp điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện, bệnh nhân nên tới khám với bác sĩ để tránh những biến chứng nghiêm trọng xảy ra.

Đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu dễ dẫn tới nguy cơ bị các biến chứng liên quan đến cúm như trẻ em, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai. Những đối tượng này cần theo dõi triệu chứng và có hướng điều trị kịp thời khi bị nhiễm cúm A, vì trong một vài trường hợp cúm có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân cúm nếu không được điều trị có thể gây ra nhiễm trùng tai, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau bụng, đau ngực,hen suyễn, viêm phổi,viêm phế quản và gây ra các vấn đề về tim mạch.

Cúm A lây qua đường gì?

Các virus cúm A lan truyền chủ yếu từ người này sang người thông qua ho hoặc hắt hơi qua các hạt bụi, giọt nước li ti dính virus của người bệnh. Đôi khi người ta có thể bị nhiễm bệnh do chạm vào một bề mặt cứng có virus cúm và chạm lại vào miệng hoặc mũi của họ.

Cúm A là một bệnh lây nhiễm, có khả năng lây lan trên diện rộng. Bệnh chủ yếu lây qua hai con đường là:

  • Qua giọt bắn: khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi sẽ bắn ra những giọt dịch chứa virus từ đường hô hấp. Khi người lành hít phải sẽ bị nhiễm virus cúm A.
  • Qua tiếp xúc với đồ vật, bề mặt có chứa các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra bám vào, sau đó đưa tay lên mũi, miệng.

Cách điều trị cúm A

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh cúm A. Tuy vậy, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc hạ sốt, vitamin (đặc biệt là vitamin C) hỗ trợ tăng sức đề kháng.

Lưu ý những loại thuốc, vitamin này cần được kê đơn từ bác sĩ, tránh trường hợp tự ý mua thuốc, đặc biệt là không được sử dụng aspirin, dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.

Trong một số trường hợp, các triệu chứng cúm A có thể tự khỏi khi được nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Tuy nhiên, tùy vào mức độ, tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng vi-rút để chống lại nhiễm trùng như: Zanamivir (Relenza), Oseltamivir (Tamiflu), Peramivir (Rapivab).

Những loại thuốc này được dùng để làm giảm khả năng vi-rút cúm lây lan từ tế bào này sang tế bào khác và làm chậm quá trình lây nhiễm của nó. Mặc dù hiệu quả, nhưng chúng có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn và nôn. Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng này hoặc tình trạng sức khỏe trở nên xấu đi thì nên ngừng sử dụng thuốc.

Điều trị bằng thuốc không kê đơn cũng có thể làm giảm các triệu chứng cúm. Tuy nhiên bệnh nhân cần chú ý cung cấp đủ nước và dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

Điều trị cúm A ở nhà

Ngoài ra, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp tại nhà nhằm phục hồi sức khỏe nhanh hơn như:

  • Tự cách ly để hạn chế lây nhiễm lan rộng.
  • Nghỉ ngơi, thư giãn trong môi trường sạch sẽ, an toàn.
  • Bổ sung nhiều nước
  • Cung cấp cho cơ thể một chế độ ăn đủ dinh dưỡng, ăn các ăn các thức ăn lỏng và dễ hấp thu để bù nước do mất nước khi sốt.
  • Rửa tay sạch thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn
  • Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng.
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài, ở nơi đông người. Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khủy tay hoặc giấy ăn để tránh lây nhiễm.

Với những bệnh nhân mắc cúm A, các triệu chứng ở mức độ nhẹ, không biến chứng có thể được chăm sóc và điều trị tại nhà.

CHẾ ĐỘ SINH HOẠT SỬ DỤNG THUỐC PHÒNG BỆNH XỬ LÝ
Nghỉ ngơi hợp lý kết hợp cùng ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa.

Uống nhiều nước và hạn chế ăn uống các thực phẩm lạnh.

Chỉ sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Hạn chế đến những nơi đông hoặc tiếp xúc với nhiều người, nếu có phải sử dụng khẩu trang y tế. Trong trường hợp, sau khoảng 7 ngày các triệu chứng không thuyên giảm mà tiến triển nặng hơn, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Mắc cúm A bao lâu thì khỏi?

Thông thường bệnh nhân cúm A thường khỏi sau 1 tuần điều trị. Trong một số trường hợp, chủ yếu ở những người có sức đề kháng kém, người cao tuổi, người có bệnh lý nền mãn tính, phụ nữ có thai có thể diễn tiến thành viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến tử vong.

Bị cúm A rồi có bị lại không?

Đối với các chủng virus cúm nói chung và cúm A nói riêng, người mắc bệnh kể cả sau khi được chữa khỏi vẫn có khả năng tái nhiễm.

Lý giải cho việc này là vì khả năng miễn dịch của người đã bệnh kém, kể cả khi khỏi bệnh nếu tiếp xúc với nguồn lây vẫn có khả năng mắc bệnh trở lại. Ngoài ra, cúm là loại virus có khả năng biến đổi mạnh mẽ và liên tục theo thời gian. Nếu không được tiêm vắc xin phòng cúm mỗi năm, các chủng cúm mới có thể tấn công và đe dọa sức khỏe, tính mạng người bệnh bất cứ lúc nào.

Tình hình dịch cúm A ở Hà Nội

Tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, chỉ chưa đầy một tháng, BV đã phải chỉ định cho gần 100 bệnh nhi mắc cúm A nhập viện theo dõi.

Ông Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Trung ương cho biết: “Nhiều trường hợp lúc đầu mắc cúm, sau đó khoảng vài ngày bắt đầu viêm phổi do vi khuẩn. Một biến chứng cũng nguy hiểm gần đây cũng xuất hiện nhiều hơn, đó là viêm não sau khi mắc cúm. Chúng tôi cũng đã ghi nhận một số trường hợp, sau khi mắc cúm khoảng 3-5 ngày thì có các biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương. Đơn cử như trẻ có biểu hiện lơ mơ, li bì, co giật…”.

Tại BV Đa khoa Đống Đa, trong vài tuần vừa qua, bệnh nhân nhập viện vì cúm A tại khoa Truyền nhiễm tăng vọt, có trường hợp phải theo dõi đặc biệt.

"Các bệnh nhân cúm A nhập viện đều trong tình trạng sốt rất cao, mệt mỏi. Đặc biệt có bệnh nhân bị viêm phổi, bệnh nhân tập trung vào các nhóm người như trẻ em, người cao tuổi có bệnh lý nền” - bác sĩ Nguyễn Thái Minh thông tin.

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường, ở người mắc cúm A, hay gặp nhất là tình trạng viêm phổi, đặc biệt bệnh nhân có thể viêm phổi dạng tiến triển nhanh, có thể suy hô hấp dẫn đến tử vong. Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Thu Hường khuyến cáo, cúm A là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, giống như Covid-19.

Quảng Ninh: Bệnh nhân mắc cúm A có xu hướng tăng

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng gần 900 ca mắc cúm A, bên cạnh đó còn có một số bệnh liên quan đến đường hô hấp như sốt xuất huyết cũng có nguy cơ bùng phát.

Hơn một tuần trở lại đây, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy Quảng Ninh ghi nhận số lượng bệnh nhân mắc cúm A tăng đột biến so với cùng kỳ, bình quân mỗi ngày ghi nhận khoảng từ 20-30 bệnh nhân nhập viện do cúm A.

Chị Nguyễn Thị Ánh Chi, trú tại phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long cho biết trước khi vào viện, có triệu chứng ho, sốt từ nhẹ đến nặng, khi sốt cao chị dùng thuốc nhưng không hạ, mà duy trì mức trên 39 độ khiến chị phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu. Chị đã tự test COVID-19 tại nhà cho kết quả âm tính.

Còn với anh Ngô Quốc Thắng, phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long có triệu chứng mỏi cơ, đau cơ, không ho sốt. Đến Bệnh viện Bãi Cháy anh xét nghiệm bị mắc bệnh cúm A.



BÀI CHỌN LỌC

Dịch cúm A 2022: Triệu chứng, biểu hiện, cách điều trị cúm A là gì?