Diễn đàn: Bao nhiêu người sẽ chết khi đại dịch quét qua Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một đặc điểm bùng phát dịch hiện nay ở Trung Quốc: xuất hiện lượng lớn các ca tái nhiễm. Triệu chứng khi tái nhiễm nghiêm trọng hơn rất nhiều so với lần nhiễm đầu tiên do hệ miễn dịch hoạt động không hiệu quả. ĐCSTQ thông báo chủng Omicron có biểu hiện nhẹ như cúm thông thường và hạ mức nguy hiểm xuống mức B. Tuy nhiên, thực tế chủng virus này ở Trung Quốc lại gây ra những tổn thương nặng ở phổi, tạo ra rất nhiều trường hợp có “hội chứng phổi trắng” và dẫn đến tử vong nhanh.

Vào cuối năm 2022, đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát ở Trung Quốc đại lục với số ca nhiễm và số ca tử vong ở mức kỷ lục. Hiện tại, ở nhiều thành phố của Trung Quốc, xe tang phải xếp hàng dài trước các nhà tang lễ. Hành lang của các nhà tang lễ đã xếp đầy các thi thể, tất cả các lò hỏa táng đều đã quá tải, muốn xếp lịch hỏa táng phải hẹn trước một tuần hoặc thậm chí là mười ngày.

Các chuyên gia về phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc cho biết, tỷ lệ lây nhiễm ở nhiều thành phố lớn đã vượt quá 50% và sẽ đạt đến 80% vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Theo một bài báo của NetEase trong mục "Tầm nhìn quản lý" được đăng vào ngày 31 tháng 12, dựa trên những thông tin được công bố và nhiều nguồn ước tính khác nhau cho thấy, chỉ trong vòng hơn 20 ngày sau khi chính sách “Zero Covid” được dỡ bỏ, có thể đã có 600 triệu người ở Trung Quốc bị nhiễm bệnh.

Theo thông báo của công ty dữ liệu y tế Airfinity của Anh đưa ra vào ngày 30 tháng 12, ước tính mỗi ngày ở Trung Quốc có 11.000 người chết vì dịch bệnh. Đến cuối tháng 4 năm 2023, ước tính sẽ có khoảng 1,7 triệu người chết vì dịch bệnh ở Trung Quốc.

Dịch bệnh ở các nước khác đã tạm thời lắng xuống. Người dân có thể vui vẻ tụ tập, cùng nhau xem World Cup, vậy tại sao chỉ có mỗi Trung Quốc lại xảy ra tình trạng bi đát như vậy? Ngoài việc cạn kiệt nguồn lực y tế và sự quá tải của các nhà tang lễ, một số hiện tượng lạ đã xuất hiện trong đợt bùng phát dịch bệnh lần này ở Trung Quốc, chẳng hạn như ở các quốc gia khác biến chủng Omicron có tỷ lệ bệnh nặng và tỷ lệ tử vong tương đối thấp, nhưng chủng virus này ở Trung Quốc lại gây ra những tổn thương nặng ở phổi, tạo ra rất nhiều trường hợp có “hội chứng phổi trắng”.

Xuất hiện rất nhiều trường hợp có hội chứng phổi trắng. Vì sao dịch bệnh tại Trung Quốc lại bùng phát dữ dội như vậy?

Trên "Diễn đàn tinh hoa" của NTDTV, tiến sĩ Lâm Hiểu Húc, cựu chuyên gia về virus của Quân đội Hoa Kỳ cho biết rằng bởi vì chính quyền ĐCSTQ không cung cấp đủ mã trình tự gen của virus nên thế giới bên ngoài chỉ có thể phỏng đoán về tình hình dịch bệnh hiện tại ở Trung Quốc.

Khả năng thứ nhất là có sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của chủng Omicron. Các dữ liệu do ĐCSTQ cung cấp cho WHO cho thấy có biến thể phụ XBB của chủng Omicron lưu hành tại Trung Quốc, nhưng biến thể XBB này sẽ không gây ra hiện tượng phổi trắng trên diện rộng như vậy. Vì vậy ngay cả khi ĐCSTQ cung cấp trình tự gen của virus cho WHO, chúng ta cũng sẽ không thể quan sát hết được bức tranh dịch bệnh tại quốc gia này.

Khả năng thứ hai là ngoài chủng Omicron này, còn có những biến chủng virus khác không? Ví dụ như biến thể Delta, hay chủng virus gốc xuất hiện đầu tiên tại Vũ Hán. Khả năng thứ ba là cần xem xét lại chất lượng vaccine của Trung Quốc. Vaccine do Trung Quốc sản xuất là loại vaccine virus bất hoạt từ ​​chủng virus gốc. Nếu xảy ra bất cứ vấn đề nào trong quá trình sản xuất loại vaccine này thì chương trình tiêm chủng đại trà sẽ khiến chủng virus gốc lây lan trên diện rộng.

    • video: [Tin Nổi Bật] Nhà tang lễ Quảng Châu không kịp thiêu xác, nhân viên nhiễm dịch vẫn đi làm

Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc nói rằng năm ngoái chính quyền Trung Quốc từng khoe rằng họ có thể tiêm 100 triệu liều vắc xin mỗi tuần. Cho nên, khi sản xuất vaccine với số lượng lớn như vậy, liệu tất cả các tiêu chuẩn an toàn của nhà máy có được đảm bảo hay không?

Trong quá trình sản xuất, ví dụ như chỉ cần có một chút vấn đề với chất thử độ bất hoạt của virus, thì nhà máy sẽ sản xuất ra một lô vaccine không đảm bảo chất lượng. Nếu bạn không thể bất hoạt hoàn toàn virus, thì sẽ có một lượng nhỏ virus sống trong lọ vaccine. Khi tiêm loại vaccine này cho ai đó, thì chính là bạn đang tiêm virus sống vào cơ thể họ. Trước đây vaccine của Trung Quốc cũng từng xảy ra vấn đề. Đó có phải là do sự cố trong quá trình sản xuất không? Cũng là một khả năng có thể xảy ra.

Tiến sĩ Đổng Vũ Hồng, một chuyên gia về virus, đã nói trên "Diễn đàn tinh hoa" rằng công nghệ để sản xuất vaccine bất hoạt tương đối khó thực hiện.

Virus ở trong ống nghiệm, nếu bạn bất hoạt virus quá mức, hoặc nếu bạn tiêu diệt hoàn toàn virus, khả năng tạo ra kháng thể của vaccine sẽ giảm mạnh và vaccine sẽ không còn tác dụng. Nhưng nếu bạn bất hoạt virus không đủ, sẽ có những con virus vẫn còn sống. Khi đó chúng sẽ có thể sẽ gây bệnh cho con người.

Vì rất khó kiểm soát được chất lượng của loại vaccine này. Tiến sĩ Đổng Vũ Hồng cho biết loại vaccine bại liệt được sử dụng trước đây cũng là vắc xin bất hoạt. Các nhà nghiên cứu từng thử đưa loại vaccine bại liệt này vào tế bào để nuôi cấy thì phát hiện được những tế bào trên có thể giải phóng ra virus sống. Cho nên việc virus còn sống hay không chỉ là tương đối. Chỉ cần virus tiếp xúc với tế bào, chỉ cần trong vaccine có axit nucleic và có một chút khả năng sao chép, thì virus có thể nhân lên.

Vì vậy, trong những trường hợp này, rất dễ xảy ra sự cố trong quá trình sản xuất và nếu việc kiểm soát chất lượng không tốt, hoặc có vấn đề ở bất kỳ khâu nào trong quá trình sản xuất. Điều này tương đương với việc đưa rất nhiều virus ra môi trường xung quanh và cơ thể của người dân Trung Quốc.

Tái nhiễm COVID-19 trở thành thảm họa Chuyên gia cảnh báo: Không nên tác động đến hệ miễn dịch

Một đặc điểm của đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay tại Trung Quốc là có một số lượng lớn các ca tái nhiễm. Gần đây một số người công tác trong ngành y đã chia sẻ trên mạng rằng, các giường bệnh trong bệnh viện đều đã chật kín. Đa số các bệnh nhân này đều là những bệnh nhân dương tính hai lần. Triệu chứng khi tái nhiễm nghiêm trọng hơn. Bởi vì hệ miễn dịch của những bệnh nhân này hoạt động không hiệu quả, nên phải truyền thêm globulin để tăng cường khả năng miễn dịch. Có những bệnh nhân sốt cao liên tục trên 40 độ, các triệu chứng nặng hơn rất nhiều so với lần nhiễm đầu tiên.

Tái nhiễm Covid-19 là khái niệm dùng để chỉ những trường hợp người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh nhưng sau đó lại nhiễm lại. Tái nhiễm Covid-19 không phải là hiện tượng hiếm gặp. Tổ chức Y tế thế giới cho biết hiện tượng tái nhiễm thường xảy ra ít nhất sau 90 ngày kể từ đợt nhiễm đầu tiên, nhưng nếu tìm thấy bằng chứng cho thấy bệnh nhân nhiễm một biến chủng virus khác, thì những trường hợp này cũng được đánh giá là tái nhiễm.

Tiến sĩ Đổng Vũ Hồng đã nói trên "Diễn đàn tinh hoa" rằng virus SARS-CoV-2 là một loại virus rất khó điều trị nhưng lại dễ tái nhiễm. Một bài báo đăng trên tạp chí "Nature" vào tháng 10 năm ngoái dựa trên báo cáo của một nghiên cứu quy mô lớn từ Cơ sở dữ liệu của Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ trong đó 440.000 người tái nhiễm được so sánh với hàng triệu người chưa bị tái nhiễm. Nghiên cứu phát hiện rằng những người tái nhiễm có tỷ lệ tử vong cao hơn gấp 2 lần và tỷ lệ các ca bệnh nặng tăng gấp 2,3 lần so với những người chỉ bị nhiễm một lần.

Tiến sĩ Đổng Vũ Hồng cho biết, người từng bị nhiễm virus sẽ có những tổn thương trong cơ thể, bao gồm cả tình trạng rối loạn mãn tính chức năng của các tế bào trong hệ miễn dịch do protein gai của virus gây ra, sau đó sẽ tạo ra tình trạng viêm mãn tính.

Di chứng hậu Covid khiến cơ thể người ở trong trạng thái yếu ớt hơn, đồng thời chức năng của hệ miễn dịch bị rối loạn khiến cơ thể dễ bị tái nhiễm virus. Ngoài ra còn có những vấn đề về vaccine. Gần đây ở Nhật Bản có một nghiên cứu mới thực hiện giải phẫu tử thi những trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine, sau đó giải mã trình tự gen của những người này. Kết quả cho thấy có sự biến đổi gen ở những người tử vong sau khi tiêm vaccine. Ngoài ra, trong phổ gen của các tế bào miễn dịch biểu hiện ra các gen của tình trạng viêm mạn tính khiến cơ thể dễ bị nhiễm virus hơn. Vì vậy những loại vaccine này đang bảo vệ hay đang gây hại cho con người vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

  • video: Ngày 26/12/2022 Lò thiêu chất đầy hài cốt, các nhân viên làm việc tăng ca vẫn không hết.

Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc nói trên "Diễn đàn tinh hoa" rằng ở một mức độ nào đó, những người làm trong ngành y tế thường khuyên chúng ta không nên tùy tiện tác động đến hệ miễn dịch.

Bởi vì virus là một loại vi sinh vật mà chúng ta vẫn chưa hiểu hết. Một yếu tố quan trọng nữa là chúng ta vẫn chưa nắm được toàn bộ về hệ miễn dịch của cơ thể. Kiến ​​thức của chúng ta về hai yếu tố trên (virus và hệ miễn dịch) thực sự vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, nhìn chung, đối với những loại vaccine hiện tại, đặc biệt là công nghệ vaccine mRNA, chúng ta vẫn không có những dữ liệu thực nghiệm về các tác hại lâu dài của chúng. Vì vậy tiến sĩ Lâm Hiểu Húc cho rằng con người đang tạo ra nguy cơ cho chính mình.

Khi đợt dịch bệnh này bùng phát, chúng ta giống như đang đánh một canh bạc lớn. Vấn đề tại Trung Quốc thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Ở đó không còn chỉ là một canh bạc, mà còn thể hiện tư tưởng “nhân định thắng thiên” của ĐCSTQ.

Họ tuyên bố rằng "Chúng ta phải đánh bại con virus này, chúng ta phải chiến thắng dịch bệnh này", vì vậy trong toàn bộ quá trình, họ đã dùng rất nhiều biện pháp phản khoa học.

Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc nói rằng vì chính phủ ĐCSTQ muốn thực hiện chính sách “ai dương thì cứ dương”, sau đó nhanh chóng đạt đến đỉnh điểm thì có thể mau chóng giải quyết vấn đề. Nhưng cách làm này là vô cùng ấu trĩ.

Anh nói rằng, không biết chuyên gia nào đã cho chính quyền ĐCSTQ lời khuyên, hoặc có thể là do họ hoàn toàn không nghe theo lời khuyên của các chuyên gia. Chúng ta đều biết rằng sẽ có việc tái nhiễm virus, đặc biệt đối với virus Covid-19 sẽ càng dễ bị tái nhiễm hơn. Bởi vì có rất nhiều biến thể khác nhau đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ có từng đợt, từng đợt lây nhiễm virus mới, và khả năng trốn thoát hệ miễn dịch của các loại virus xuất hiện sau sẽ ngày càng mạnh hơn trước.

Vì vậy chúng ta sẽ không thể ngăn chặn được việc tái nhiễm. Như thế thì làm sao chúng ta có thể hy vọng rằng sau khi toàn bộ người dân Trung Quốc nhiễm bệnh xong thì mọi thứ sẽ ổn, và sau đó họ có thể trở lại sản xuất và sinh hoạt bình thường, làm sao có thể đơn giản như vậy?

Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc chỉ ra rằng tình hình hiện tại ở Trung Quốc có thể là đỉnh điểm của nhiều đợt lây nhiễm virus kết hợp với nhau trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này rất đáng sợ. Nếu như ở các nước khác, cứ cách 6 tháng hoặc vài tháng hết đợt lây nhiễm này rồi đến đợt lây nhiễm khác như vậy thì ít nhất người dân vẫn có quá trình thích nghi. Còn như “cơn sóng thần” dịch bệnh đột nhiên xuất hiện ở Trung Quốc hiện tại là do có nhiều loại virus đang ở đỉnh điểm cùng một lúc. Cho dù chúng đều thuộc chủng Omicron, một số biến thể phụ có thể đồng thời đạt đến đỉnh dịch thì khoảng cách giữa các đỉnh dịch cũng rất ngắn. Cho nên người dân vừa mới bị nhiễm một loại virus, cơ thể còn chưa hồi phục hoàn toàn, lại nhiễm một loại virus khác, sẽ khiến cho tình hình càng thêm trầm trọng. Hậu quả của quá trình này sẽ rất tàn khốc, chắc chắn sẽ khiến tỷ lệ các ca bệnh nặng và tỷ lệ tử vong tăng vọt. Đây là hậu quả chết người do chính sách vô lý và phản khoa học do ĐCSTQ gây ra.

Việc ĐCSTQ tùy tiện thử nghiệm thuốc trên cơ thể người dân có thể kích thích sự đột biến của virus

Trong khi Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn do sự bùng phát đồng thời của nhiều loại virus khác nhau trong một thời gian ngắn, các chuyên gia của "Diễn đàn tinh hoa" cũng bày tỏ lo lắng về việc coi thường tính mạng con người, xem người Trung Quốc như chuột bạch và nhân cơ hội này thúc đẩy việc thử nghiệm các loại thuốc mới trên cơ thể người của ĐCSTQ.

Trên "diễn đàn tinh hoa", tiến sĩ Lâm Hiểu Húc đã chỉ ra rằng: trên thực tế, điều mà người dân Trung Quốc nên phải lo lắng không phải là thuốc Paxlovid của Pfizer, mà chính là loại thuốc Azvudine do Trung Quốc sản xuất. Đây là một loại thuốc điều trị Covid đường uống sản xuất trong nước được ĐCSTQ chính thức tung ra thị trường.

  • video: TQ Bệnh Viện Đã Quá Tải, Người Dân Giành Giật Mua Thuốc, Nhà Hỏa Táng Cháy Suốt Ngày Đêm

Thực ra mục đích ban đầu của loại thuốc này là để điều trị virus HIV. Công ty Roche đã có bằng sáng chế của Azvudine từ lâu, nhưng Roche chưa bao giờ đưa loại thuốc này vào thị trường. Đó là bởi vì phân tử nhỏ Azvudine có độc tính rất cao. Hiện tại người ta đã biết rõ rằng những phân tử này có thể gây ung thư, gây ra độc tính di truyền và độc tính trên hệ sinh sản. Khi con người sử dụng loại thuốc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chức năng gan và chức năng thận, đồng thời còn gây tổn thương hệ tiêu hóa và hệ thần kinh nên bản thân loại thuốc này rất độc.

Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc nói rằng khi sử dụng Azvudine để điều trị bệnh AIDS, hiệu quả rất tốt. Nhưng khi sử dụng loại thuốc này để điều trị virus SARS-CoV-2, tác dụng của thuốc lại rất kém. So với Paxlovid của Pfizer, tác dụng điều trị của Azvudine có thể thấp hơn ít nhất 100 lần. Vì vậy, loại thuốc này được tung ra thị trường với một mục đích khác. Đó là ĐCSTQ muốn phản đối vaccine và thuốc của phương Tây, đồng thời tuyên truyền một cách giả tạo về loại thuốc phân tử nhỏ do Trung Quốc sản xuất. Nhưng loại thuốc này sẽ gây hại rất lớn cho người dân Trung Quốc. Đặc biệt là ở những người đang mắc các bệnh nền, khi sử dụng loại thuốc này, chức năng gan thận của họ sẽ càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc nói rằng việc sử dụng loại thuốc này còn gây ra một vấn đề khác. Bởi vì mọi người đều biết rằng phác đồ điều trị bệnh AIDS là liệu pháp kết hợp nhiều loại thuốc.

Azvudine không phải là một loại thuốc duy nhất được sử dụng. Loại thuốc này sẽ được kết hợp cùng với hai loại thuốc khác. Bây giờ nếu chúng ta chỉ sử dụng một loại thuốc để điều trị virus SARS-CoV-2 thì một vấn đề nghiêm trọng ở đây chính là loại thuốc này chắc chắn sẽ kích thích sự biến đổi của virus. Vì vậy, việc càng có nhiều người sử dụng loại thuốc này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang cố gắng thúc đẩy sự biến đổi của virus. Khi đó, chúng ta sẽ không biết được virus có thể phát triển theo hướng nào. Có khả năng virus sẽ biến đổi theo hướng gây bệnh nặng hơn hoặc biến đổi theo hướng kháng thuốc hơn. Điều này rất đáng sợ. Đó sẽ là một thảm họa nghiêm trọng do chính con người tạo ra.

Bao nhiêu người sẽ chết khi đại dịch quét qua Trung Quốc?

Sau khi kết thúc Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong xã hội Trung Quốc bắt đầu xảy ra hiện tượng đào thoát. Ngoài hàng chục nghìn nhân viên Foxcon bỏ trốn, các công ty nước ngoài, công ty Hồng Kông, công ty Đài Loan, thậm chí một số người giàu ở Trung Quốc cũng đang bỏ chạy khỏi Trung Quốc đại lục.

Trong giai đoạn này, dịch bệnh đã bùng phát trên diện rộng ở Trung Quốc. Một quan chức trong chính quyền của Bắc Kinh trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự do cho biết: dịch bệnh ở Bắc Kinh không phải bùng phát sau khi xảy ra "phong trào giấy trắng". Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tức là vào giữa và cuối tháng 10, tình trạng lây nhiễm trong các bệnh viện lớn ở Bắc Kinh đã rất nghiêm trọng và đến đầu tháng 12 thì tình hình dịch bệnh hoàn toàn không thể kiểm soát được. Sau cuộc “đào thoát vĩ đại”, Trung Quốc đã phải đón nhận cơn sóng thần dịch bệnh.

Theo dự đoán của các chuyên gia Trung Quốc, vào dịp Tết Nguyên đán, tỷ lệ lây nhiễm trên khắp Trung Quốc sẽ lên đến 80%, nếu tính theo dân số 1,4 tỷ người thì sẽ có 1,1 tỷ người nhiễm bệnh.

Theo dữ liệu do Hoa Kỳ công bố, tính đến tháng 1 năm nay, tổng số ca mắc mới ở Hoa Kỳ là gần 101 triệu, tổng số người chết là 1,1 triệu và tỷ lệ tử vong là khoảng 1%. Nếu áp dụng tỷ lệ tử vong của Hoa Kỳ với Trung Quốc, nếu có 1,1 tỷ người bị nhiễm bệnh thì sẽ có hơn 10 triệu người sẽ chết. Tuy nhiên nếu chúng ta xét rằng những yếu tố như điều kiện chăm sóc y tế, thuốc men và vaccine của Hoa Kỳ tốt hơn gấp nhiều lần so với Trung Quốc.

Trung Quốc hiện tại đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc men và cạn kiệt nguồn lực y tế, nhiều bệnh nhân đang phải chờ chết tại nhà. Vì vậy trong cơn sóng dịch bệnh này, số người chết ở Trung Quốc sẽ còn cao hơn nhiều, có thể vượt quá con số 20 triệu hoặc cao hơn nữa.

Chương trình truyền hình "Diễn đàn tinh hoa" do NTDTV và The Epoch Times thực hiện là một diễn đàn truyền hình cao cấp dành cho người Trung Quốc và những công chúng quan tâm.

Chương trình sẽ quy tụ những người ưu tú từ mọi tầng lớp xã hội trên thế giới, tập trung vào các vấn đề nóng hổi, ​​phân tích các xu hướng chung của thế giới, đồng thời cung cấp cho người xem những thông tin về các sự kiện xã hội thời sự và những quan sát sâu sắc về các sự thật lịch sử.

Theo The Epoch Times Chinese
Song Hoài biên dịch

  • video: Vào ngày 31 tháng 12, tại Thẩm Dương, Liêu Ninh, một số lượng lớn xác chết được cất giữ trong nhà để xe dưới lòng đất.



BÀI CHỌN LỌC

Diễn đàn: Bao nhiêu người sẽ chết khi đại dịch quét qua Trung Quốc?