Điện thoại di động liệu có làm thay đổi hình dạng xương của chúng ta?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liệu điện thoại di động có nguy hiểm đến mức làm biến dạng của xương của chúng ta không? Đây là một chủ đề đáng ngạc nhiên mà nhiều phương tiện truyền thông đang đề cập...

Tại Australia, David Shahar và Mark Sayers là hai chuyên gia nghiên cứu về cơ sinh học tại đại học Sunshine Coast. Trong nghiên cứu của mình hai ông tin rằng công nghệ hiện đại đang định hình bộ xương của giới trẻ.

Mỗi bộ xương, một câu chuyện

Cơ sinh học nghiên cứu các quy luật chuyển động cơ học của sinh vật sống - từ cách con người vận động cho đến cách mà côn trùng đập cánh. Các nghiên cứu của Shahar và Sayers cũng liên quan đến quá trình hình thành của bộ xương. Hơn nữa, nghiên cứu cũng có thể từ hình dáng của bộ xương mà lý giải được cách sống của một người.

Từ lâu, người ta đã biết rằng bộ xương thích ứng với lối sống của một người. Mỗi bộ xương có thể kể lại một câu chuyện về họ. Ví dụ: năm 1924, người ta tìm thấy một số bộ xương lớn bất thường trên đảo Tinian nằm ở khu vực Thái Bình Dương. Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy những hòn đá to tại các khu vực lân cận giải thích cho hình dạng khác thường của bộ xương. Chân, tay và xương quai xanh (xương đòn) đã phát triển to hơn do phải khuân vác những viên đá khổng lồ.

Điều này cho thấy, lối sống, cách thức sinh hoạt, tập quán... góp phần tạo nên cấu trúc cơ thể người, đặc biệt là bộ xương.

Chứng phình to ở bên ngoài lồi cầu xương chẩm

Năm 2016, Shahar và Sayers đã phân tích hình ảnh X-quang của 218 thanh niên Úc trong độ tuổi từ 18 đến 30. Nghiên cứu đã tìm thấy sự phát triển của xương ở phía sau hộp sọ từ 41% số người tham gia. Phần xương chẩm này đã phình thêm khoảng 1-3 cm, gọi là chứng phình to bên ngoài lồi cầu xương chẩm*.

Chứng này còn gọi là EEOP, thực chất là một sự tăng trưởng xương ở phía sau hộp sọ. Một số chuyên gia đã bình luận và mô tả nó quá lên như là “sừng của quỷ”.

Để giải thích cho hiện tượng xương phát triển bất thường, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một giả thuyết. Theo giả thuyết đó: khi một người liên tục kiểm tra điện thoại và máy tính bảng, thì sự xoay cổ về phía trước theo bản năng sẽ làm tăng sức ép lên vùng xương chẩm. Do đó, theo thời gian, nó phát triển và dần dần dài ra thêm vài milimet.

Sự phình xương này sẽ làm giới hạn hoạt động của dây chằng nuchal - một dây chằng nối giữa hộp sọ và vùng cổ. Điều này gây ra hội chứng “text neck”. Triệu chứng điển hình của hội chứng này là nhức đầu, cứng cổ, co thắt cổ và đau giữa hai bả vai. Một số người cho biết họ rất khó nhìn lên sau khi nhìn xuống trong một thời gian dài.

Hội chứng text neck và giới tính

Đến năm 2018, hai chuyên gia trên tiếp tục thực hiện nghiên cứu với cỡ mẫu 1200 người. Kết quả của nghiên cứu cho thấy: nam giới dường như có khả năng mắc chứng “text neck” cao gấp 5 lần so với nữ giới.

2 nguyên nhân có thể giải thích tỉ lệ chênh lệch này về giới tính. Thứ nhất, có thể nam giới sử dụng các thiết bị công nghệ cầm tay để chơi game và xem phim nhiều hơn; còn nữ giới thì dành nhiều thời gian hơn để tham gia các hoạt động xã hội. Thứ hai, khả năng tổng hợp collagen để thích ứng với sự gia tăng tải trọng lên dây chằng ở nữ giới tốt so với nam giới.

Tiến sĩ Shahar cho biết: "Các phát hiện đưa ra cảnh báo về sự phát triển âm thầm và sớm của tổn thương xương khớp do sai tư thế và nhấn mạnh sự can thiệp cần thiết để phòng ngừa (tổn thương xương khớp) thông qua điều chỉnh tư thế khi sử dụng các thiết bị di động".

Những vấn đề về sức khỏe khác

Không dừng lại ở đó, tác hại tiềm tàng của điện thoại đối với sức khỏe của con người ngày càng nổi lên bề mặt. Ví dụ: bức xạ từ điện thoại có thể gây ra ung thư, sử dụng thiết bị di động có thể gây ra chứng “ngón cái văn bản - text thumb”, một tình trạng viêm khớp ngón tay. Nghiêm trọng hơn, nó có thể phát triển thành hội chứng ống cổ tay.

Do đó, báo cáo của Shahar và Sayers đã mở ra cuộc tranh luận sôi nổi về chủ đề này. Nó là trường hợp đầu tiên mà các chuyên gia chỉ ra rõ cách mà công nghệ đang ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta. Shahar và Sayers cho rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều đối với những người trẻ nếu họ tiếp tục sử dụng thiết bị di động.

Tuy nhiên, nghiên cứu về EEOP hay còn gọi là mọc sừng hay gai, đã bị cánh báo chí chỉ trích. Họ chỉ ra rằng báo cáo không phải là kết luận và giống như bất kỳ bài báo khoa học nào, nó chỉ giả định. Các nhà khảo cổ học cho biết xương sọ dài hơn không có gì là mới và điều đó đặc biệt phổ biến ở nam giới. Theo các nhà phê bình, không có đủ bằng chứng cho rằng bạn có thể biến thành Hellboy bằng cách dùng điện thoại di động.

Shahar và Sayer cho rằng họ chỉ đơn giản là đi theo các dữ kiện được thiết lập và đưa chúng vào giải thích của riêng mình. Và dù chỉ trích thế nào thì cũng khó có thể phủ nhận tác động mạnh mẽ của công nghệ trong cuộc sống của chúng ta. Ý tưởng rằng các thế hệ tương lai sẽ biến đổi do tương tác liên tục với các thiết bị điện tử thực sự là một vấn đề cần được giải quyết.

*EEOP: chứng phình to bên ngoài lồi cầu xương chẩm - Enlarged External Occipital Protuberance.

Hương Xuân
- Theo Beyond Science, SCI news, Nature.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Điện thoại di động liệu có làm thay đổi hình dạng xương của chúng ta?