Độc tố trong các sản phẩm thông thường và lựa chọn thay thế tốt cho sức khỏe

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi xã hội phát triển, con người muốn tìm cách để cuộc sống của mình dễ dàng và thuận tiện hơn. Nhưng theo quy luật tự nhiên của Vũ trụ, mọi thứ đều có hai mặt. Những tiện nghi hiện đại thiết yếu mà chúng ta có thì đều phải trả giá, không chỉ với môi trường mà còn với chính sức khỏe của chúng ta.

Nhiều sản phẩm có vẻ an toàn nhưng lại thực sự đang mang chất độc vào ngôi nhà và cơ thể chúng ta. Người tiêu dùng không ngoan cần nhận thức được những mối nguy hiểm này. Và hơn hết, chúng ta cần cân nhắc để lựa chọn lối sống đơn giản, tự nhiên hơn.

Các bệnh tật phổ biến liên quan đến hóa chất độc hại

Kim loại nặng, thuốc trừ sâu, dung môi, sơn, chất tẩy rửa, dầu hỏa, carbon monoxide và thuốc có thể dẫn đến ngộ độc không chủ ý tại nhà và tại nơi làm việc.

Các trường hợp ngộ độc không chủ ý ước tính gây ra 193.000 ca tử vong hàng năm với phần lớn là do phơi nhiễm hóa chất có thể phòng ngừa.

Tiếp xúc với một số hóa chất nhất định, như chì, đã được chứng minh có liên quan đến giảm phát triển hệ thần kinh ở trẻ em và làm tăng nguy cơ bị chứng rối loạn thiếu tập trung và khuyết tật trí tuệ. Thuốc trừ sâu có thể gây ra bệnh Parkinson.

Một người dân bịt mũi khi công nhân phun thuốc trừ sâu bằng máy phun sương để diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ở Banda Aceh vào ngày 30 tháng 8 năm 2022. (Ảnh/ CHAIDEER MAHYUDDIN/AFP/Getty Images)

Hơn một phần ba (35%) bệnh tim thiếu máu cục bộ, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới, khoảng 42% bệnh đột quỵ, đứng thứ hai đối với tỷ lệ tử vong toàn cầu. Nguy cơ cho thai kỳ bất lợi như trọng lượng sơ sinh thấp, sinh non và thai chết lưu, dị tật bẩm sinh… Tất cả đều có liên quan tới ô nhiễm không khí, ô nhiễm không khí gia đình, hít khói thuốc lá thụ động và chì. Ví dụ, tiếp xúc trước đây với khói thuốc lá thụ động được ước tính làm tăng nguy cơ tử vong sơ sinh 23% và dị tật bẩm sinh 13%.

Tiếp xúc với khói do nấu ăn là nguyên nhân gây ra 35% các trường hợp đục thủy tinh thể ở phụ nữ và 24% tổng số trường hợp bệnh đục thủy tinh thể.

35% các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính, bao gồm viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm tai giữa và viêm tiểu phế quản (là những nguyên nhân quan trọng nhất gây tử vong ở trẻ em) đều do hít khói thuốc lá thụ động, ô nhiễm không khí và khí nghề nghiệp. Ô nhiễm khói thuốc và ô nhiễm không khí làm giảm chức năng phổi và khuynh hướng dễ bị bệnh phổi ở bào thai và trẻ sơ sinh.

Khói thuốc lá và ô nhiễm không khí có thể dẫn đến phát triển và tăng tần suất mắc bệnh hen phế quản. Ô nhiễm không khí làm tần suất khởi phát cơn hen và làm tăng tỷ lệ nhập viện. Bệnh hen phế quản nghề nghiệp là một trong những bệnh thường gặp nhất liên quan đến ô nhiễm không khí nơi làm việc. Nó cũng gia tăng thêm bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD).

Các sản phẩm tạo mùi hương trên tóc và da

Hương thơm giúp kích hoạt tâm trí, cải thiện tâm trạng hoặc đơn giản là làm hài lòng các giác quan của chúng ta. Hiệu ứng này mạnh mẽ đến mức mùi hương thường là yếu tố quyết định khi mua hàng. Các nhà sản xuất ngành chăm sóc tóc và da đã nắm bắt được điểm này. Vì vậy, các sản phẩm chúng ta sử dụng lên cơ thể hàng ngày có vô số mùi hương.

Nhưng mùi hương có nguồn gốc tự nhiên thì không hề rẻ nên hương thơm nhân tạo được sử dụng để sản phẩm có giá cả phải chăng.

Nhiều hoá chất tạo mùi hương ẩn dưới cái tên “fragrance” (hương liệu). Chất này dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bạn thông qua quá trình hấp thụ và phá vỡ các chức năng cơ thể.

Chất hóa dẻo Phthalates là một trong những thành phần chính của nước hoa nhân tạo. Hóa chất này thường được dùng để làm cho nhựa bền hơn và hòa tan các vật liệu khác. Khi sử dụng trong các sản phẩm như xà phòng, dầu gội đầu, kem dưỡng da và keo xịt tóc, phthalate giúp mùi hương lưu lại lâu hơn.

Tiếp xúc với các hóa chất này có thể gây ra các triệu chứng tức thời và trực quan như kích ứng mắt, mũi hoặc cổ họng; hoặc các cảm giác như nhức đầu, ngứa và khó chịu. Thậm chí nó có thể gây ra các dị ứng nghiêm trọng hơn.

Phthalates được biết là có ảnh hưởng đến tuyến giáp và toàn bộ hệ thống nội tiết. Tiếp xúc lâu dài với phthalates có thể gây vô sinh đối với nam giới, dậy thì sớm ở bé gái. Đối với phụ nữ mang thai sẽ bị các nguy cơ như sinh non, trẻ sinh ra bị thiếu hụt nhận thức và trầm cảm sau sinh. Con của những bà mẹ bị phơi nhiễm cũng có tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn, dị ứng và chàm cao hơn.

Một số phthalate được phát hiện là chất gây ung thư. Nồng độ dibutyl phthalate (DBP) cao có liên quan đến ung thư vú. Một số phthalate thường thấy trong thuốc và các sản phẩm tiêu dùng khác làm tăng nguy cơ ung thư ở trẻ em.

Nghiên cứu năm 2021 về người lớn tuổi cho thấy, người có hàm lượng phthalate cao có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn.

Thật đáng buồn là công thức tạo hương thơm của một sản phẩm được coi là bí mật độc quyền của công ty sản xuất. Chính vì vậy, chúng ta gần như không thể phân biệt được liệu một sản phẩm có chứa các thành phần gây hại này hay không.

Ảnh: Nhiều hoá chất tạo mùi hương ẩn dưới cái tên “fragrance” (hương liệu). Chất này dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bạn thông qua quá trình hấp thụ và phá vỡ các chức năng cơ thể. (Ảnh: unsplash.com)

Chúng ta phải làm gì?

Hãy lựa chọn các sản phẩm không mùi nếu có thể và tránh bất kỳ sản phẩm nào mà trong thành phần có chữ “phthalate". Hoặc tìm kiếm các sản phẩm ghi rõ chúng không chứa phthalate. Nếu các thành phần được ẩn dưới từ “fragrance” thì hãy xem xét về công ty sản xuất trước khi mua.

Lựa chọn các giải pháp thay thế tự nhiên. Hãy thêm loại tinh dầu yêu thích của bạn vào các sản phẩm không mùi. Tinh dầu nguyên chất sẽ đắt tiền, nhưng một chút cũng đủ tác dụng lâu dài. Chúng có mùi thơm dễ chịu hơn so với các sản phẩm hóa học nhân tạo. Một số hương liệu tự nhiên thường có tác dụng chữa bệnh.

Một cách khác là tự làm dầu ngâm thảo mộc. Chúng có mùi hương tinh tế hơn nhiều so với tinh dầu. Đây cũng là một cách để dễ dàng chiết xuất các đặc tính trị liệu của bất kỳ loại thảo mộc nào cho sử dụng trực tiếp trên da.

Khăn ướt trẻ em

Loại khăn này đang trở nên phổ biến với tiện ích làm sạch, tẩy trang, vệ sinh vùng kín và lau vết trầy xước trên da. Người dùng đơn giản nghĩ rằng sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh thì chắc chắn sẽ an toàn.

Tuy nhiên, ngoài mùi hương nhân tạo, nhiều nhãn hiệu khăn lau trẻ em có chứa một hợp chất gọi là Bronopol - một chất sát khuẩn được dùng thay cồn. Ở nhiệt độ cao, Bronopol có thể giải phóng nitrit và một chút formaldehyde. Chúng có thể gây kích ứng mắt và cổ họng, đồng thời gây chóng mặt và nhức đầu.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ coi formaldehyde là chất có khả năng gây ung thư cao ở người (Nhóm B1). Khi hít phải chất này sẽ gây ra các vấn đề về hô hấp. Ở nhiều quốc gia, Bronopol bị cấm trong công thức sản xuất các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Tuy nhiên, bạn hãy kiểm tra kỹ thành phần trước khi mua.

Cẩn thận hơn thì bạn có thể tự làm khăn lau. Điều này giúp bạn tiết kiệm chi phí mà còn yên tâm bảo vệ làn da của bạn và con được sạch sẽ, an toàn.

Giấy giặt và hóa chất giặt tẩy thơm

Một tiện ích trong giặt tẩy là sản phẩm nước hoặc giấy giặt thơm hay nước xả vải, với các chức năng làm mềm quần áo và tạo mùi hương. Khi cho loại nước này vào máy giặt cùng quần áo nó sẽ khiến bạn hài lòng cả xúc giác và khứu giác bởi quần áo giặt xong mềm mại và có hương thơm lan toả.

Tuy nhiên, những tờ giấy mỏng manh hay nước giặt này lại có những tác hại đáng kể. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Chất lượng không khí, Khí quyển và Sức khỏe, bột giặt dạng lỏng có mùi thơm và giấy giặt thơm có chứa các hóa chất nguy hiểm.

(Ảnh:ST)

Sau khi làm thí nghiệm phân tích khí thải từ lỗ thông hơi của máy giặt, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng việc sử dụng nước giặt và giấy giặt có mùi hương đã thải ra hơn 25 hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Trong đó chứa 7 chất gây ô nhiễm không khí nguy hiểm; 2 chất được Cơ quan Bảo vệ Môi trường xếp vào loại gây ung thư là acetaldehyde và benzen.

Vì các nhà sản xuất không bắt buộc phải tiết lộ các thành phần trong “fragrances”, nên những khí thải độc hại như vậy không được kiểm soát hoặc điều chỉnh. Điều này gây rủi ro cho sức khỏe của cá nhân và cộng đồng.

Nếu bạn đã quen sử dụng giấy giặt thơm thì bạn có thể tự làm. Nguyên liệu gồm vải, nước cất, giấm trắng và tinh dầu có thể làm sạch và rất an toàn.

Màu nhân tạo trong thực phẩm và mỹ phẩm

Giống như mùi hương, màu sắc cũng là một yếu tố quan trọng khi quyết định mua hàng. Màu sắc tươi sáng, rực rỡ thể hiện độ đậm đà của hương vị thức ăn hay hiệu quả của sản phẩm nước súc miệng. Đối với mỹ phẩm thì gam màu sáng cũng giúp cho khuôn mặt phụ nữ trông trẻ trung và rạng rỡ hơn.

Các loại màu và thuốc nhuộm nhân tạo được làm từ sản phẩm phụ của dầu mỏ hoặc nhựa than đá — một chất lỏng đậm đặc hình thành từ quá trình sản xuất than cốc và khí than từ than đá.

Năm 1906, có tới 80 loại thuốc nhuộm nhân tạo được sử dụng cho các sản phẩm tiêu dùng. Trong những năm qua, nhiều loại đã bị cấm vì có hại cho sức khỏe. Đến năm 1938, chỉ có 15 loại thuốc nhuộm tổng hợp là hợp pháp. Ngày nay, chỉ còn 7 loại trong danh sách được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt.

Nhìn chung, phụ gia tạo màu có thể chia thành ba loại. Thứ nhất, loại dùng cho cả thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Thứ hai là loại chỉ dùng cho thuốc và mỹ phẩm. Và cuối cùng là loại chỉ dùng cho mỹ phẩm.

Tuy nhiên, khi việc sử dụng các chất tạo màu tràn lan trong nhiều sản phẩm, thì đã phát sinh rất nhiều vấn đề.

Các nghiên cứu đã tìm hiểu mối liên hệ giữa màu thực phẩm nhân tạo với tỷ lệ tăng động thái quá và các triệu chứng ADHD ở trẻ em. Đặc biệt, màu vàng số 5 đã bị cấm ở một số quốc gia và đang được thử nghiệm thêm về sự liên quan đến chứng lo âu, tăng động thái quá, chứng đau nửa đầu và ung thư.

Khi thêm vào mỹ phẩm, màu nhân tạo có thể gây dị ứng, kích ứng với da và mắt. Ví dụ, màu vàng số 6, thường được tìm thấy trong son môi có liên quan đến dị ứng, tổn thương DNA, bệnh chàm và hen suyễn. Vì vậy, nó bị cấm ở Na Uy và Thụy Điển. Khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc cơ thể, bạn nên tránh màu Vàng #6, Đỏ #40 và Xanh lục #3.

Để hạn chế rủi ro, hãy tìm các biện pháp truyền thống. Bạn cũng nên giảm mua thực phẩm chế biến sẵn có chất tạo màu, mùi hay chất bảo quản. Hãy chọn các sản phẩm hữu cơ nguyên chất. Khi mua các sản phẩm chăm sóc cá nhân, hãy thử những sản phẩm từ các công ty chỉ sử dụng màu sắc và mùi hương có nguồn gốc tự nhiên.

Hãy nhớ rằng tuy các sản phẩm nhân tạo có giá thành rẻ nhưng cái giả phải trả cho sức khỏe của bạn lại rất cao.

Để có thể sử dụng các sản phẩm tự nhiên mà lại tiết kiệm tiền, bạn hãy thử chế các sản phẩm của riêng mình. Bạn sẽ không phải hối tiếc với mỗi sáng tạo mà bản thân nỗ lực.

Theo Vision Times tiếng Anh
Thanh Trúc biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Độc tố trong các sản phẩm thông thường và lựa chọn thay thế tốt cho sức khỏe