Đốm trắng trên móng tay là gì? Nguy hiểm không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Leukonychia là tình trạng các đường hoặc chấm trắng xuất hiện trên móng tay hoặc móng chân của bạn. Đây là một vấn đề rất phổ biến. Mặc dù phần lớn sự phát triển của chúng đều vô hại, nhưng cũng có một số trường hợp là chỉ dấu cho thấy sức khoẻ của bạn đang có vấn đề.

Đối với một số người, đốm trắng có thể xuất hiện dưới dạng các chấm nhỏ lấm tấm trên móng tay. Đối với những người khác, các đốm trắng có thể lớn hơn và trải dài trên toàn bộ móng. Các đốm này có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều móng.

Nguyên nhân hình thành đốm trắng

Các nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành đốm trắng gồm:

Dị ứng

Dị ứng với sơn móng tay, chất làm bóng, chất làm cứng hoặc chất tẩy sơn móng tay có thể gây ra đốm trắng trên móng tay của bạn. Việc sử dụng móng tay acrylic hoặc gel cũng có thể làm hỏng móng tay và gây ra những đốm trắng này.

Nhiễm nấm

Hiện tượng nấm móng tay xuất hiện ban đầu dưới dạng đốm, sau đó lan ra khắp móng tay và móng chân. Việc bị nhiễm nấm sẽ khiến móng dày lên và giòn, dễ bong tróc, gây đau đớn khó chịu.

Tổn thương móng

Chấn thương ở gốc móng tay của bạn có thể gây ra các đốm hoặc chấm trắng trên móng tay khi móng phát triển.

Các nguyên nhân gây ra chấn thương phổ biến bao gồm:

  • Ngón tay bị kẹt trong một cánh cửa
  • Lỡ đập búa vào ngón tay
  • Móng tay va đập mạnh vào vật cứng

Việc sơn sửa móng tay thường xuyên cũng có thể gây ra những tổn thương dẫn đến những đốm trắng này.

Thiếu khoáng chất

Sau khi loại bỏ những nguyên nhân kể trên, rất có thể sự xuất hiện của đốm trắng trên móng tay là dấu hiệu của việc thiếu hụt canxi và kẽm.

Vậy nghĩa là đốm trắng này không nguy hiểm? Chưa chắc!

Móng tay của một người khoẻ mạnh thường có màu hồng nhạt, điều này chứng tỏ khí huyết trong cơ thể được lưu thông tốt.

Các đốm trắng thường xuất hiện ở giữa móng. Một số trường hợp, các đốm trắng có thể lan rộng và chiếm hết diện tích của móng tay. Khi phát hiện sự bất thường này, bạn cần lưu ý đến chế độ ăn uống và bổ sung dinh dưỡng phù hợp.

Ngoài ra, một số nguyên nhân ít phổ biến hơn cũng có thể tạo ra các đốm trắng trên móng tay, chẳng hạn như các bệnh liên quan đến tim, gan, thận, bệnh vẩy nến, chàm, viêm phổi cho đến nhiễm độc asen.

Thời điểm thích hợp để gặp bác sĩ?

Nói chung, đốm trắng không thường xuyên xuất hiện trên móng tay và hầu hết chúng đều vô hại, tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy một trong số các hiện tượng sau đây (sau khi loại bỏ các yếu tố tác động bên ngoài):

  • Tất cả móng tay chuyển từ hồng nhạt sang trắng.
  • Đốm trắng xuất hiện trên tất cả các móng tay.
  • Móng có một nửa màu nâu và một nửa màu trắng.

Đây chính là thời điểm mà bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn và phát hiện ra sớm tình trạng sức khoẻ.

Phần lớn các vấn đề gây ra đốm trắng trên móng tay đều có thể dễ dàng điều trị sau khi được chẩn đoán kịp thời.

Trong trường hợp móng tay, móng chân xuất hiện các đốm trắng, màu tím tái bất thường hoặc không đều màu; kèm theo các triệu chứng này là những hiện tượng như chán ăn, mệt mỏi, đau ngực, mắt thâm… Bạn nên kịp thời đến các cơ sở y tế để được thăm khám, vì đó là những dấu hiệu nguy hiểm đối với sức khoẻ.

Biện pháp khắc phục

Các biện pháp khắc phục được khuyến khích ngay khi xuất hiện đốm trắng trên móng tay, chủ yếu là việc bổ sung đầy đủ các vitamin (chẳng hạn như vitamin C) và khoáng chất cho cơ thể.

Protein và canxi là hai thành phần quan trọng cấu tạo nên móng, do đó việc bổ sung các chất dinh dưỡng này sẽ giúp móng chắc khoẻ hơn và hạn chế đốm trắng. Một số thực phẩm như cá hồi, cá ngừ, thịt bò nạc, đậu đều rất giàu protein; ngoài ra, canxi cũng có nhiều trong sữa, rau cải ngọt, yến mạch, tôm hay đậu phụ...

Một số thực phẩm khác như hàu, trứng, thịt cua, tép cũng là nguồn cung cấp dinh dưỡng thiết yếu.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Đốm trắng trên móng tay là gì? Nguy hiểm không?