Đừng chủ quan với triệu chứng tê tay thường xuyên - 5 nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tê bì là cảm giác khá phổ biến, thông thường chúng nhanh chóng biến mất sau khi bạn cử động tay chân. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này xuất hiện kéo dài, thì bạn cần chú ý vì rất có thể đó là do bệnh lý gây nên.

Tình trạng tê tay xảy ra khá phổ biến, chúng thường xuất hiện khi một người vô tình đè tay xuống dưới cơ thể khi ngủ trong thời gian dài.

Bàn tay là đầu của các chi, việc cung cấp oxy máu không đủ có thể gây tê. Tất nhiên, tình trạng này sẽ nhanh chóng khôi phục trở lại bình thường sau khi vận động, nên nhiều người không quá để tâm tới nó.

Nhưng chúng ta vẫn không nên chủ quan nếu cảm giác tê tay xuất hiện thường xuyên mà không rõ lý do.

5 nguyên nhân thường gặp gây ra triệu chứng tê tay

1. Thoái hóa đốt sống cổ

Chứng thoái hóa đốt sống cổ có thể gây ra cảm giác tê bì tay chân. Tình trạng này thường gặp ở người trung niên và cao tuổi, triệu chứng lâm sàng chủ yếu là tê bì tay chân, toàn thân suy nhược.

Bệnh thoái hóa đốt sống cổ có liên quan đến việc ngồi lâu, cúi đầu để xem màn hình điện thoại di động trong thời gian dài hoặc tư thế ngồi sai, gây chèn ép dây thần kinh cổ, từ đó làm tổn thương sức khỏe dây thần kinh.

2. Bệnh tiểu đường

Có nhiều lý do dẫn đến sự khởi phát của bệnh tiểu đường, một bệnh chuyển hóa cơ bản mãn tính. Trong đó bao gồm các yếu tố di truyền, chế độ ăn nhiều đường, làm việc và nghỉ ngơi không đều đặn, v.v. đều có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao, từ đó gây hại nghiêm trọng cho cơ thể.

Nếu mức đường huyết trong cơ thể không được kiểm soát và ổn định kịp thời, thì một lượng lớn đường sẽ được giải phóng trong máu, gây tê tay chân và viêm các dây thần kinh.

Do đó, bệnh nhân tiểu đường cần chú ý kiểm soát lượng đường huyết của họ trong phạm vi hợp lý, đồng thời xây dựng thói quen kiểm tra đường huyết mỗi ngày, để nắm bắt sự thay đổi của lượng đường trong máu.

3. Giai đoạn cuối thai kỳ

Phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng đặc biệt, do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể nên người mang thai giai đoạn cuối kỳ sẽ thường xuyên bị tê tay chân nhiều hơn, kèm theo cảm giác nóng và ngứa ran, châm chích; đặc biệt, ngón trỏ và ngón giữa có biểu hiện rõ rệt nhất.

Vì vậy, phụ nữ mang thai trong thời kỳ này cố gắng mát-xa cho tay và chân nhiều hơn, giúp giảm bớt áp lực do những thay đổi của cơ thể gây ra.

4. Lưu thông máu kém

Giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài mà không cử động sẽ gây ra tắc nghẽn tuần hoàn máu cục bộ, tăng áp lực khiến máu lưu thông không đều. Khi tay chân bị thiếu máu cục bộ và thiếu oxy trong thời gian ngắn, thì bạn sẽ có cảm giác tê bì.

Tình trạng này nhìn chung không đặc biệt nghiêm trọng, vận động tay chân thích hợp có thể nhanh chóng thuyên giảm.

5. Dùng thuốc quá liều

Dù là Đông y hay Tây y, tuy có tác dụng giảm đau và điều trị các triệu chứng khó chịu của cơ thể, nhưng nếu dùng quá liều hoặc tăng liều một cách mù quáng thì cũng sẽ mang đến những tổn hại không đáng có.

Ví dụ, dùng quá liều một số loại thuốc kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ gồm tê môi và chân tay; vì vậy hãy chú ý dùng thuốc hợp lý theo lời khuyên của bác sĩ.

Ngăn ngừa và cải thiện tình trạng tê tay

1. Bài tập kéo giãn cổ

Nếu tê tay chân do các vấn đề về đốt sống cổ, bạn có thể ngẩng cao đầu, vươn cổ cao để giảm đau. Trong quá trình thực hiện, bạn có thể nâng hai tay lên ngang eo khi hít sâu, rồi từ từ hạ tay xuống khi thở ra.

2. Xoa bóp huyệt khúc trì

Huyệt khúc trì nằm ở phần cuối của nếp gấp khuỷu tay; xoa bóp hàng ngày có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, điều hòa khí huyết, thư giãn gân cốt, hoạt huyết thông kinh. Ngoài ra, xoa bóp huyệt khúc trì còn giúp ngăn ngừa huyết áp.

Cách thực hiện như sau: Nhấn vào huyệt và xoa bóp từ 3 đến 5 phút, ấn cả hai tay, có thể giúp giảm tê lòng bàn tay một cách hiệu quả.

3. Khám sức khỏe định kỳ

Nhiều người không có thói quen đi khám khi bị bệnh, thay vào đó, họ sử dụng các bài thuốc dân gian hoặc cho rằng bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày, nhưng đôi lúc sự chủ quan có thể dẫn đến bệnh nặng.

Khi tay chân thường xuyên bị tê, bạn cần được bác sĩ kiểm tra kịp thời và tìm kiếm căn nguyên bên trong cơ thể, từ đó đưa ra biện pháp phòng ngừa và điều trị sớm.

(*) Ảnh chủ đề: Marco Verch Professional Photographer Flickr - CC BY 2.0

Bảo Vy
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Đừng chủ quan với triệu chứng tê tay thường xuyên - 5 nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này