F0 tắm được không? Vệ sinh như thế nào khi bé mắc COVID-19?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vấn đề người bị F0 được tắm hay không đã trở thành chủ đề được bàn tán xôn xao trên mạng xã hội. Các chuyên gia y tế nói rằng, người mắc COVID-19 có thể tắm, nhưng cần đúng phương pháp.

Xem thêm:
- Hậu Covid bị ho, mất ngủ, đau đầu, khó thở? Nên làm gì, cách chăm sóc?
- Khó thở hậu COVID: Mức độ nguy hiểm, kéo dài bao lâu và cách chữa

Thời gian qua xuất hiện khá nhiều ý kiến trái chiều của cư dân mạng về việc liệu người bị F0 có được tắm không. Có người nói F0 tắm sẽ khiến bệnh nặng hơn, một số quan điểm lại phủ nhận và nói rằng miễn là tắm đúng cách thì sức khỏe vẫn đảm bảo.

"Bị F0 có tắm được không" gây xôn xao mạng xã hội

Trên một diễn đàn, nickname K.Q viết: “Sau 5 ngày mắc Covid-19, tôi chỉ lau người với thay quần áo vì lo tắm sẽ khiến bệnh nặng hơn. Sau đó, đọc bài chia sẻ rằng F0 có thể tắm được, tôi vui vẻ đi tắm nhưng tắm xong bị virus 'quật'. Từ trạng thái đang khoẻ lên, tôi lại sốt và ho nhiều hơn”.

Chị L.H, một F0 khác ở Hà Nội, cho biết bản thân không dám tắm gội suốt 1 tuần liền vì nghe nói nhiễm virus phải "kiêng tắm còn hơn bà đẻ". Do sợ tình trạng chuyển nặng nên chị vẫn chần chừ.

Trong khi đó, tài khoản H.T cũng kể lại trải nghiệm của chồng chị sau khi tắm trong thời gian nhiễm COVID:

"Ông xã mình bị tầm 7 ngày triệu chứng nhẹ chỉ ho và nghẹt mũi. Tối ngày thứ 7 đi tắm cái vào sốt lên 38.8, sau đó SpO2 giảm 2 ngày liên tục còn 90-92 có lúc xuống 88, 89… Mình đưa ông xã vào bệnh viện luôn trong vòng 2 ngày. Ổng chuyển nặng liên tục và có dấu hiệu bão 'cytokine'...".

Chị H.T cho biết trong phòng điều trị các bệnh nhân nặng, đa số những người được đưa vào đây đều là sau một trận tắm. Do đó, chị cũng như nhiều người tin rằng tắm gội là điều tối kỵ trong thời gian nhiễm COVID.

Vậy phải chăng F0 không nên tắm và gội đầu? Chúng ta hãy cùng tham khảo góc nhìn của các chuyên gia y tế và bác sĩ.

"Bị F0 có tắm được không" gây xôn xao mạng xã hội
Phải chăng F0 không nên tắm và gội đầu? (Pxhere)

F0 có được tắm không?

1. Quan điểm của y học cổ truyền về việc liệu "F0 được tắm hay không"

Theo ông Hoàng Nhu Nghị (Huang Xuyi), bác sĩ thường trú thuộc Viện Đông Y Từ Tế (Hoa Liên, Đài Loan), dù bạn tắm nước lạnh hay nước ấm, cả hai đều có thể tăng cường quá trình trao đổi chất trong cơ thể người. Tuy nhiên, tác dụng này chỉ giới hạn ở những người có chức năng cơ thể bình thường.

Năng lượng sẽ bị tổn hao trong quá trình tắm, bất kể là bạn dùng nước gì. Khi tắm nước lạnh, cơ thể dùng năng lượng để sinh nhiệt giúp chống lại cảm giác rét buốt. Còn khi tắm nước ấm, mồ hôi toát ra ngoài cũng sẽ động chạm đến nguồn năng lượng này.

Trải khắp cơ thể người có tồn tại một thứ, gọi là vệ khí. Nó có chức năng ngăn chặn ngoại tà xâm nhập, bảo vệ con người khỏi các loại bệnh. Ngoại tà được đề cập trong trường hợp này, chính là nước ấm hoặc nước lạnh.

Tuy nhiên, vệ khí chỉ phát huy hiệu quả khi con người có sức khỏe tốt. Đối với người có bệnh, thì nó không thể chống đỡ được sự xâm lấn của các yếu tố bên ngoài. Vì người có bệnh thì không thể có đủ chính khí.

Chính khí không đủ thì vệ khí cũng suy yếu. Lúc này, người bệnh tắm nước lạnh hay ấm đều sẽ dễ bị tà khí xâm nhập, nhiễm lạnh, cảm gió hay phong nhiệt. Các triệu chứng điển hình sẽ là hắt hơi, đổ mồ hôi, nhức đầu dữ dội, sốt.

Quan điểm của y học cổ truyền về việc tắm khi đang mắc bệnh, hoặc nhiễm virus
Trải khắp cơ thể người có tồn tại một thứ, gọi là vệ khí. Nó có chức năng ngăn chặn ngoại tà xâm nhập... (Max Pixel)

2. Quan điểm của y học hiện đại đối với vấn đề "F0 được tắm hay không"

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm thần kinh - Bệnh viện Nhi Đồng I TP.HCM, cho biết người mắc COVID không được tắm là một quan niệm sai lầm.

Đồng quan điểm, TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu - Bệnh viện Bưu Điện, cho rằng vệ sinh sạch sẽ chính là cách tốt để phòng COVID-19. Nếu không tắm, thì cơ thể mất vệ sinh, gây ngứa ngáy khó chịu, mất ngủ và khiến bệnh nặng thêm.

Bác sĩ Huynh Wynn Trần, Phó giáo sư Y khoa tại Đại học Y khoa Northstate California (Mỹ), giải thích việc tắm hay không cũng giống một ngôi nhà cháy. Khi lửa nhỏ, một cơn gió xuất hiện sẽ làm tắt lửa; nhưng khi lửa lớn cùng với gió sẽ làm lửa bùng lên.

Vì vậy, người bị F0 có thể tùy vào mức nặng nhẹ của bệnh để tự quyết định. "Theo đó, bạn mắc bệnh nhẹ (cảm thấy cơ thể khỏe, sinh hoạt bình thường), bạn có thể tắm. Nếu bạn mắc bệnh nặng (như ho nhiều, khó thở…) thì không nên cố tắm".

Trong khi đó, ThS.BS Kiều Xuân Thy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3, không tán đồng ý kiến cho rằng tắm gội sẽ làm bệnh nặng hơn hoặc nước lạnh khiến cơ thể yếu hơn, vì nó chưa phù hợp cả về khoa học và lý luận học cổ truyền.

Bác sĩ Thy giải thích, bệnh nhân F0 xuất hiện các triệu chứng như ốm, sốt, cơ thể tiết nhiều mồ hôi cùng với bã nhờn… nếu họ phải kiêng tắm thì sẽ trở thành một ổ vi khuẩn, dễ sinh ra nhiều bệnh tật khác.

Quan điểm của y học hiện đại đối với vấn đề F0 phải kiêng tắm
Người mắc COVID không được tắm là một quan niệm sai lầm. (Pxhere)

F0 nên tắm như thế nào?

Như vậy, người bị nhiễm coronavirus không cần phải hạn chế tắm. Tuy nhiên, cách tắm để tránh làm bệnh nặng hơn cũng rất quan trọng. Các bác sĩ cho biết, một số người tắm xong bệnh trở nặng là do tắm sai phương pháp.

Bác sĩ Khanh nói rằng, khi trời lạnh, người bệnh có thể tắm nước ấm, không nên tắm bồn trong thời gian mắc virus, cũng không ngâm toàn thân vào bồn. Do tắm lâu sẽ khiến lỗ chân lông mở, cho phép ngoại tà xâm nhập và gây bệnh nhiều hơn.

Sau khi tắm xong, bạn nên mặc ngay áo quần trong phòng tắm. Đặc biệt, bạn nên tránh ra ngoài rồi mới mặc, vì như vậy dễ nhiễm lạnh.

Còn theo TS.BS Trung, người bị nhiễm covid không nên tắm quá lâu, thời điểm tắm nên vào buổi sáng hoặc chiều sớm. Đặc biệt, bạn nên tránh tắm vào ban đêm và lúc đang sốt.

Ngoài ra, phòng tắm phải là nơi kín gió, tắm xong thì cần sấy khô tóc để tránh biến chứng.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, phó giám đốc Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), lưu ý người bệnh không nên tắm lúc đang mệt, chỉ tắm khi bản thân thấy đủ khỏe. Thời gian tắm nên khoảng 5 - 10 phút.

Ông cũng khuyên rằng kể cả người không ốm bệnh cũng cần tránh tắm khuya. Khi tắm nên xối nước từ phần chân tay trước rồi mới lên người, đầu và cổ để tránh giảm thân nhiệt đột ngột.

F0 nên tắm như thế nào?
Những tin đồn nói rằng tắm sẽ làm triệu chứng nặng hơn thực chất là do tắm sai phương pháp. (gratuit - CC BY 3.0)

Vậy người bị F0 có được gội đầu không?

Về điều này, TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho biết việc gội đầu là bình thường đối với người bị F0. Do cơ thể bị suy nhược nên sẽ ra nhiều mồ hôi, tắm gội sạch sẽ giúp tóc không bị dính.

Tuy nhiên, bệnh nhân nên gội cách ngày, khoảng 2 - 3 ngày/lần. Mặt khác, bác sĩ Lan cũng khuyên rằng người nhiễm coronavirus không nên đặt nặng về việc lựa chọn các loại lá, thảo dược phù hợp để gội, mà có thể gội bằng bất kỳ loại dầu gội thông thường nào.

ThS.BS Thy nói rằng việc tắm rửa trong thời gian mắc COVID không thể tùy tiện, mà cần thực hiện một cách khoa học, hợp lý và linh hoạt.

Các F0 trước khi tắm nên uống một ly nước ấm, tắm xong cũng cần uống thêm một ly. Bởi khi tắm nước ấm, cơ thể sẽ thải nhiệt và mất nước, uống nước ấm giúp bổ sung nước trở lại.

Ngoài ra, bệnh nhân F0 nên chia thời gian gội đầu và tắm thành hai khung riêng biệt. Mục đích là để giảm thời gian tiếp xúc với nước, khiến cơ thể bị nhiễm lạnh. Ví dụ, bạn có thể tắm vào buổi sáng và gội đầu vào buổi chiều.

Vào trời lạnh, thay vì tắm, bạn nên dùng khăn nhúng nước ấm để lau người. Nếu tóc ướt thì bạn dùng khăn bông để lau khô và sấy. Không nên đứng gần quạt hay nơi có gió lùa để hạn chế nguy cơ cảm nhiễm.

Vậy người bị F0 có được gội đầu không?
Bệnh nhân nên gội cách ngày, khoảng 2 - 3 ngày/lần. (Pxhere)

Bé bị F0 có nên tắm không?

1. Cơ chế năng lượng hoạt động trong cơ thể của bệnh nhân F0

Thạc sĩ - Dược sĩ Trương Minh Đạt, Giám đốc Trung tâm Sức khoẻ Nhi khoa Century - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y Dược, nói rằng đối với trẻ có đề kháng tốt, thì việc tắm là không thành vấn đề.

Tuy nhiên, với một số trẻ có sức đề kháng kém và đang trong quá trình hồi phục, thì tắm có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con, khiến quá trình điều trị phức tạp hơn.

Khi virus corona xâm nhập vào vật chủ (cơ thể người), nó sẽ xâm chiếm và phá hủy tất cả các mô ở cơ quan mà nó bám vào (chủ yếu là hệ hô hấp).

Lúc này, cơ thể dồn phần lớn năng lượng để chống lại và tiêu diệt virus. Đây cũng chính là hệ thống miễn dịch của cơ thể đang khởi tác dụng.

Bên cạnh đó, các tế bào chết do virus cũng cần sử dụng năng lượng, vitamin và khoáng chất để tái tạo và thay thế. Ngoài ra, năng lượng này còn được dùng trong việc chuyển hóa cơ bản của cơ thể.

Do đó, bệnh nhân COVID thường trở nên rất mệt mỏi do quá nhiều năng lượng bị tiêu hao.

Cơ chế năng lượng hoạt động trong cơ thể của bệnh nhân F0
Virus sẽ xâm chiếm và phá hủy tất cả các mô ở cơ quan mà nó bám vào. (Max Pixel)

2. Tắm hay không tắm cho bé?

Theo dược sĩ Đạt, tắm cho bé sẽ đem đến cả hai khía cạnh cả tích cực lẫn tiêu cực.

Về mặt tích cực, trẻ nhỏ lâu không tắm có thể tích tụ nhiều mồ hôi, bã nhờn và các chất cặn bẩn khác trên cơ thể, từ đó gây ngứa ngáy, khó chịu và thậm chí viêm da. Như vậy, tắm thường xuyên sẽ giúp loại bỏ bã nhờn, giúp trẻ bớt cảm giác khó chịu.

Tuy nhiên, so với mặt tích cực, khía cạnh tiêu cực có vẻ nhiều hơn đáng kể. Trong quá trình tắm, cơ thể sẽ bị mất nhiệt, nên tạo ra khoảng lạnh nhất định cho bé.

Do cơ thể bị lạnh, trong khi năng lượng ban đầu được sử dụng cho việc tăng cường sức đề kháng, tái tạo tế bào, nay phải phân chia một phần để giữ ấm nên sẽ bị hao hụt. Cộng với việc trẻ đang ốm, ăn uống kém, mệt mỏi khiến cơ thể ngày càng suy nhược.

Lúc này, phần năng lượng dùng cho tăng cường sức đề kháng bị kém đi, khiến khả năng chống chọi với virus của trẻ giảm xuống, đồng thời năng lượng tái tạo tế bào mới cũng bị ít lại. Cuối cùng, khiến quá trình hồi phục chậm hơn.

Bên cạnh đó, tắm cũng khiến lỗ chân lông trên da bé mở ra. Điều này vô tình cho phép khí lạnh dễ dàng xâm nhập vào, làm bé dễ bị cảm lạnh.

Tắm hay không tắm cho bé?
Việc tắm cho bé sẽ đem đến cả hai khía cạnh gồm cả tích cực lẫn tiêu cực. (Pixabay)

3. Cách vệ sinh cho bé bị COVID đúng cách

Như vậy, thay vì tắm, bạn có thể rửa ráy cho bé. Đầu tiên chuẩn bị chậu nước ấm, sau đó bạn lấy khăn vắt khô lau người cho trẻ để loại bỏ bã nhờn và mồ hôi. Đặc biệt bạn nên lau rửa kỹ vùng kín để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.

Tóm lại, không nên tắm cho trẻ trong thời gian mắc COVID. Thời gian được phép tắm cho bé có thể là từ 7 - 10 ngày sau khi nhiễm virus.

Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào thể trạng của bé. Nếu bé chưa khỏe thì tiếp tục lau rửa cho bé; còn nếu bé có thể ăn uống bình thường, hoạt bát, thì có thể tắm lại, dược sĩ Đạt nói thêm.

Kết:

Nhìn chung, bạn có thể dựa vào góc nhìn y học cổ truyền hoặc Tây y hiện đại để tự đưa ra cho mình câu trả lời về việc liệu "F0 được tắm hay không". Tuy nhiên, việc tắm vào thời gian mắc bệnh cũng cần đúng phương pháp. Do đó, bạn cần ghi nhớ các lưu ý nói trên.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

F0 tắm được không? Vệ sinh như thế nào khi bé mắc COVID-19?