Từ gan nhiễm mỡ đến ung thư gan phải trải qua những giai đoạn nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khả năng ung thư do gan nhiễm mỡ là rất thấp, nhưng bạn không nên vì thế mà chủ quan. Bởi theo như các bác sĩ dự đoán: "Nếu bạn không chăm sóc sức khỏe cẩn thận trong vòng 20 năm tới, các bệnh chuyển hóa liên quan đến gan nhiễm mỡ có thể trở thành một trong những yếu tố chính gây ung thư".

Bài viết này sẽ giải đáp cho bạn bệnh ung thư do gan nhiễm mỡ sẽ trải qua những giai đoạn nào, tác hại của gan nhiễm mỡ gây ra cho cơ thể và cách đẩy lùi gan nhiễm mỡ, hy vọng sẽ giúp bạn hiểu đúng và biết cách phòng tránh.

Các giai đoạn từ gan nhiễm mỡ đến ung thư gan

Gan có chức năng tự phục hồi mạnh mẽ. Tuy gan nhiễm mỡ là bệnh có thể chữa khỏi, nhưng không phải lúc nào bệnh cũng có thể hồi phục được.

Khi gan nhiễm mỡ giai đoạn đầu, chúng ta có thể điều trị bằng cách kiểm soát chế độ ăn uống, luyện tập, thay đổi lối sống không lành mạnh, để gan trở lại bình thường thông qua quá trình tự phục hồi.

Ung thư do gan nhiễm mỡ sẽ không dễ dàng xuất hiện. Nhưng nếu để gan đã ở trạng thái “béo”, lâu ngày có thể sinh ra viêm gan nhiễm mỡ, sau đó dẫn đến xơ gan, ung thư gan.

Thông thường, quá trình đi từ gan nhiễm mỡ đến ung thư gan, sẽ trải qua ba giai đoạn phát triển, bao gồm: viêm gan nhiễm mỡ - xơ gan - ung thư gan, nhưng nó không phải là tuyệt đối.

Gan nhiễm mỡ thường được chia thành gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu.

Theo một bài báo trên Tạp chí Khoa học Sinh học Quốc tế, gan nhiễm mỡ không do rượu đang dần trở thành dạng gan nhiễm mỡ chính do sự thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống.

Tiến triển của gan nhiễm mỡ không do rượu có nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn viêm gan nhiễm mỡ không do rượu là giai đoạn then chốt khiến bệnh phát triển không lành mạnh, có thể trực tiếp tiến triển thành ung thư gan.

Vì vậy, sau khi bị gan nhiễm mỡ cần phải chú ý đầy đủ. Nếu không, bệnh sẽ có thể nhanh chóng chuyển từ gan nhiễm mỡ thành ung thư gan.

Với mức sống ngày càng được nâng cao, tỷ lệ mắc gan nhiễm mỡ cũng gia tăng, nhưng nhiều người lại không để ý. Thực tế, gan nhiễm mỡ không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ung thư, mà còn có thể gây hại cho các cơ quan khác của cơ thể và gây ra các bệnh toàn thân.

Gan là cơ quan giải độc. Khi bị bệnh, gan không thể thực hiện chức năng một cách bình thường, các cơ quan và hệ thống khác đều sẽ bị ảnh hưởng, từ đó kéo theo nhiều bệnh tật khác nhau.

1. Làm hỏng mạch máu

Gan là cơ quan chuyển hóa. Bệnh nhân gan nhiễm mỡ có quá trình chuyển hóa mỡ bất thường dẫn đến tăng lipid máu. Mỡ trong máu quá nhiều sẽ bị đọng lại trong mạch máu gây hẹp lòng mạch, từ đó dẫn đến các bệnh tim mạch như bệnh tim mạch vành.

Nghiên cứu của The Lancet cho thấy, những bệnh nhân bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên gần 50%; và với mức độ trầm trọng hơn, nguy cơ mắc các biến cố bệnh tim mạch cũng tăng lên tương ứng, đặc biệt là ở giai đoạn xơ gan.

2. Tăng nguy cơ bệnh tiểu đường

Gan là cơ quan cốt lõi duy trì sự cân bằng lượng đường trong máu của cơ thể.

Trong quá trình hoạt động bình thường của gan, nếu cơ thể tiêu thụ quá nhiều đường, nó sẽ được dự trữ trong gan dưới dạng glycogen, sau đó được chuyển hóa và giải phóng khi cơ thể cần nó.

Gan của bệnh nhân gan nhiễm mỡ bị suy giảm khả năng xử lý đường huyết, không giữ được đường huyết ổn định khiến lượng đường chạy vào máu quá nhiều; từ đó gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh tiểu đường tuýp 2.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguy cơ bệnh nhân gan nhiễm mỡ mắc tiểu đường tuýp 2 cao gấp 2.19 lần so với người bình thường. Đặc biệt khi gan bị xơ hóa nặng thì nguy cơ cao gấp 3.42 lần.

3. Làm hỏng hệ tiêu hóa

Gan là cơ quan tiêu hóa của cơ thể con người, khi gan nhiễm mỡ xuất hiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tiêu hóa của gan.

Trực tiếp nhất là ảnh hưởng đến quá trình bài tiết và sản xuất mật, từ đó làm giảm chức năng của hệ tiêu hóa, gây ra hàng loạt các triệu chứng tiêu hóa như đầy bụng, buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy…

Làm thế nào để đảo ngược gan nhiễm mỡ?

Gan nhiễm mỡ tuy ít gây khó chịu nhưng lại có tác hại lớn đến các chức năng của cơ thể và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Nếu phát hiện gan nhiễm mỡ thì bạn cần phải chú ý.

Thực tế, gan nhiễm mỡ có thể được hồi phục thông qua quá trình tự điều chỉnh trong giai đoạn đầu. Chúng ta có thể tận dụng chức năng tự sửa chữa mạnh mẽ này của gan để khôi phục lại trạng thái bình thường.

Sau đây là một số cách đẩy lùi gan nhiễm mỡ:

1. Kiểm soát cân nặng của bạn

Béo phì là nguyên nhân chính gây ra gan nhiễm mỡ không do rượu.

Sau khi được chẩn đoán mắc gan nhiễm mỡ, những người thừa cân nên có ý thức giảm cân trong vòng 6 - 12 tháng. Kiểm soát cân nặng trong giới hạn bình thường có thể giảm mức độ gan nhiễm mỡ và cải thiện chức năng gan.

Làm thế nào để đánh giá xem trọng lượng của một người là thừa cân? Bạn có thể tham khảo tiêu chuẩn chỉ số BMI: cân nặng (tính bằng kilogam) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét).

Chỉ số BMI bình thường của người trưởng thành (Châu Á) phải từ 18.5 - 23.9. Nếu nhỏ hơn 18.5 là thiếu cân, nếu lớn hơn hoặc bằng 24 là thừa cân, lớn hơn hoặc bằng 28 là béo phì.

Dữ liệu lâm sàng cho thấy, khi bệnh nhân gan nhiễm mỡ có chỉ số BMI lớn hơn 30 kiểm soát được cân nặng của mình trong giới hạn bình thường (BMI = 18.5 - 23.9), thì có thể giảm mức độ gan nhiễm mỡ và cải thiện chức năng gan.

2. Điều chỉnh chế độ ăn uống của bạn

Muốn đẩy lùi gan nhiễm mỡ thì điều quan trọng là phải điều chỉnh chế độ ăn. Bạn nên bắt đầu từ hai khía cạnh, một là kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể, hai là tối ưu hóa chế độ ăn.

Bệnh nhân gan nhiễm mỡ nên kiểm soát lượng calo trong ba bữa ăn trong ngày. Lượng calo hợp lý nhất là 40% cho bữa sáng và trưa, 20% cho bữa tối. Thực hiện theo chế độ: "Ăn sáng thật no, ăn trưa vừa đủ, và ăn tối ít hơn".

Về cơ cấu khẩu phần ăn, bệnh nhân gan nhiễm mỡ nên bỏ thói quen ăn quá no. Cơ cấu ba bữa cần chú ý kết hợp thịt và rau, cân đối dinh dưỡng, đa dạng thành phần.

Đối với thịt thì có thể chọn cá và thịt nạc. Dầu ăn chủ yếu là dầu thực vật, protein tiêu thụ chủ yếu là protein thực vật.

Bệnh nhân gan nhiễm mỡ có thể uống thêm trà xanh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, chất polyphenol trong trà xanh có thể điều hòa lipid máu, giảm hàm lượng mỡ trong tế bào gan, tác động trực tiếp đến gan nhiễm mỡ.

Rượu bia rất có hại cho gan, bệnh nhân gan nhiễm mỡ nên kiểm soát tửu lượng của mình. Tốt nhất là không nên uống rượu bia.

3. Vận động thích hợp

Để ngăn ngừa và đẩy lùi gan nhiễm mỡ, tập thể dục là cách chính.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí "Clinical Gastroenterology and Hepatology" cho thấy, tập thể dục cường độ trung bình trong ít nhất 150 phút hoặc tập thể dục cường độ cao trong ít nhất 75 phút, có thể giảm nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu 44%.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ngồi hơn 8 tiếng mỗi ngày có thể làm tăng 44% tỷ lệ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu.

Ngoài ra, bệnh nhân gan nhiễm mỡ nên tập thể dục cường độ trung bình hơn 4 lần một tuần, chẳng hạn như đi bộ nhanh, đạp xe, chơi bóng bàn…

Ngay cả khi lượng vận động không đủ để giảm cân, nó cũng có tác dụng tốt đối với gan nhiễm mỡ.

Muốn đẩy lùi gan nhiễm mỡ, bạn chỉ cần nhớ câu thần chú gồm: ngậm miệng (kiểm soát chế độ ăn), mở chân (tăng cường vận động).

"Gan nhiễm mỡ có thể được kiểm soát hiệu quả thông qua chế độ ăn uống và luyện tập trong giai đoạn đầu. Đừng coi gan nhiễm mỡ là chuyện tầm thường, khi phát triển thành viêm gan nhiễm mỡ sẽ có nguy cơ dẫn đến ung thư. Nguyên tắc là 'điều trị trước khi phát bệnh'.”

Cũng có ý kiến ​​cho rằng, không chỉ cần phòng bệnh trước khi bệnh xảy ra, mà chúng ta còn phải kiểm soát bệnh ở giai đoạn đầu, mục đích là để ngăn chặn bệnh phát triển và diễn biến xấu đi, từ đó giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

Bảo Vy
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Từ gan nhiễm mỡ đến ung thư gan phải trải qua những giai đoạn nào?