Giới hạn của khám bệnh trực tuyến trong đại dịch virus Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khám bệnh trực tuyến - thăm khám bệnh nhân từ xa bằng điện thoại hoặc cuộc gọi video - đã trở nên phổ biến hơn từ khi lệnh cách ly xã hội để phòng chống đại dịch Covid-19 được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới...

Cần thiết trong thời điểm dịch bệnh hoành hành

Có nhiều ý kiến khác nhau về khám bệnh trực tuyến. Một số ý kiến cho rằng, sự thăm khám trực tiếp là chìa khóa cho mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân. Tất nhiên, điều này rất cần thiết để giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác.

Tuy nhiên, với tình hình đại dịch Covid-19 đang hoành hành nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, hàng trăm triệu người trên khắp thế giới bị buộc phải cách ly ở nhà. Điều này cũng khiến hình thức khám chữa bệnh truyền thống buộc phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Và thực tế vài tháng qua cho thấy, số lượng người dân lựa chọn phương thức khám bệnh trực tuyến ngày càng tăng do lo ngại nguy cơ lây nhiễm virus Corona Vũ Hán chủng mới.

Vài tháng qua, các phòng khám y tế tư nhân trên khắp Hồng Kông khá vắng khách do tâm lý lo sợ dịch bệnh. Hơn nữa, bất cứ ai bị sốt, thậm chí sốt nhẹ, đều không được nhận vào phòng khám mà phải được chuyển thẳng đến bệnh viện. Điều này đã thúc đẩy các cơ sở y tế tư nhân phát triển dịch vụ khám bệnh trực tuyến để tiếp tục phục vụ bệnh nhân của họ.

Bệnh viện thì chật kín, bệnh viện thì hạn chế hoạt động trong những ngày SARS-CoV-2 hoành hành... (STR / AFP qua Getty Images)

Hội đồng Y khoa Hồng Kông đã ghi nhận việc khám bệnh bằng điện thoại gia tăng trong tháng 12/2019, ngay cả trước khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát. Họ đã gửi các hướng dẫn sử dụng ứng dụng này cho tất cả các bác sĩ đăng ký tham gia tư vấn từ xa. Trong đó, các bác sĩ được hướng dẫn cách xử lý đơn thuốc, hồ sơ y tế và đánh giá bệnh nhân. Các ca khám bệnh trực tuyến và khám trực tiếp được tính phí ngang nhau.

Chỉ phù hợp cho thăm khám các bệnh đơn giản

Tuy nhiên, thăm khám trực tuyến có một số giới hạn. Giữa tháng 3, tiến sĩ Nichola Salmond tại Trung tâm Sức khỏe gia đình tối ưu ở miền Trung Hồng Kông đã bắt đầu các buổi tư vấn bằng ứng dụng Zoom, một ứng dụng hội họp trực tuyến qua màn hình lớn. Mỗi ngày cô khám cho một vài bệnh nhân theo cách này. Cô cho rằng, điều này đáp ứng các quy định về cách ly xã hội và có hiệu quả đối với những người có tình trạng bệnh đơn giản hoặc chỉ tái khám để xin đơn thuốc lặp lại, nhưng có thể khó khăn trong các trường hợp đòi hỏi phải xem xét kỹ vấn đề.

Gần đây, sau khi khám qua video cho một bệnh nhân bị sốt, tiến sĩ Salmond đã chẩn đoán thiếu niên này viêm amidan. Cô Salmond cho rằng: “Phần khám bệnh là khó nhất. Mẹ cô gái không có que đè lưỡi [bằng gỗ] và không thể làm cô bé mở miệng đủ rộng. Nếu bệnh nhân ở phòng khám thì chuyện này dễ dàng hơn”.

(Minh họa) Kiểm tra sức khỏe cũng khó mà thực hiện phổ thông như trước đây... (Ảnh: thptnguyenthiminhkhai.hcm.edu.vn)

Việc khám bệnh trực tuyến cũng rất khó khăn đối với một số nhóm bệnh như bệnh cơ xương khớp, phát ban và khối u ác tính... Tiến sĩ Salmond cho biết: “Bệnh nhân có thể gửi hình ảnh chỗ phát ban, nhưng bác sĩ sẽ khó cảm nhận nó như thế nào. Đây là một khó khăn khi khám trực tuyến, nhưng không phải là không thể. Còn đối với khối u ác tính, chúng tôi cần sử dụng kính lúp đặc biệt”.

Bệnh viện quốc tế Matilda đã giới thiệu dịch vụ tư vấn qua video vào đầu tháng 2, với mức giá giảm 160 đô la Hồng Kông (20 đô la Mỹ) cho lần khám đầu tiên. Họ sử dụng RingMD, một hệ thống chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số, liên kết các bác sĩ với bệnh nhân thông qua một nền tảng trực tuyến an toàn. Bệnh nhân quét mã QR để biết thời gian hẹn và xác nhận cuộc hẹn. Khi bác sĩ kết nối trực tuyến với bệnh nhân, họ có quyền truy cập vào hồ sơ bệnh án của bệnh nhân từ bệnh viện thông qua hệ thống an toàn.

Không phải ai cũng có thể tiếp cận

Tiến sĩ Hans Schrader, là bác sĩ gia đình và giám đốc điều hành tại Matilda cho biết: “Đối với chúng tôi việc sử dụng phần mềm rất dễ dàng, nhưng bệnh nhân vẫn đang làm quen với nó. Những bệnh nhân cao tuổi cảm thấy hơi khó khăn, có quá nhiều nút bấm, quá nhiều bước nhỏ khiến họ khó tiếp cận”.

Dịch vụ này chỉ được cung cấp cho những bệnh nhân ở Hồng Kông vì luật pháp y tế khác nhau ở các khu vực pháp lý khác nhau và chỉ được dành riêng cho các bệnh nhân cũ. Điều này tuân thủ theo hướng dẫn của Hội đồng Y khoa Hồng Kông, trong đó nêu rõ: “Chỉ nên áp dụng khám bệnh trực tuyến trong trường hợp bệnh nhân là thân chủ cũ của bác sĩ".

Tiến sĩ Schrader cho rằng thăm khám qua video có những lợi thế nhất định so với một cuộc gọi điện thoại: “Khi bạn thấy ngôn ngữ cơ thể của họ, hoàn cảnh của họ, bạn có sự tương tác tốt hơn và hiểu vấn đề đó ảnh hưởng đến họ như thế nào. Nó đầy đủ hơn một cuộc trò chuyện qua điện thoại". Tuy nhiên, ông cho biết ông đã thực hiện tư vấn qua điện thoại nhiều gấp 10 lần so với tư vấn qua RingMD vì gọi điện thoại nhanh hơn và dễ dàng hơn.

Không thể hoàn toàn thay thế thăm khám trực tiếp

Tiến sĩ Namrata Arora, bác sĩ đa khoa tại một trung tâm thực hành, cho hay phòng khám của cô đã có sẵn hệ thống khám bệnh trực tuyến, nhưng chỉ từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bệnh nhân mới sử dụng nó thường xuyên hơn. “Một tháng trước, khám bệnh trực tuyến chiếm 50% số cuộc tham vấn của chúng tôi”, cô Arora cho hay.

Tiến sĩ Arora thường thực hiện các tư vấn qua điện thoại, bổ sung chẩn đoán bằng hình ảnh bệnh nhân gửi, nhưng cô đang lên kế hoạch tư vấn qua video. “Sẽ có một sự khác biệt lớn nếu bạn có thể dành thời gian để tìm hiểu bệnh nhân và tìm hiểu về tình trạng xã hội, sở thích của họ, ví dụ như họ có hút thuốc hay uống rượu hay không, tất cả đều ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc niềm tin của họ về bản thân” - tiến sĩ Nichola Salmond nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Tiến sĩ Arora cho rằng: “Có một số thách thức trong chẩn đoán khi khám bệnh trực tuyến - bạn có thể không nghe được phổi của bệnh nhân, không đo được nhiệt độ hoặc không đếm được nhịp tim của bệnh nhân. Vì vậy, chúng tôi mất nhiều thời gian hơn để tìm hiểu tiền sử của họ”.

Cô nhấn mạnh chìa khóa cho mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân luôn là thăm khám bệnh trực tiếp. Điều khó khăn khi thăm khám qua điện thoại chính là cần tìm những manh mối, mà chỉ với một cuộc hội thoại sẽ không thể diễn tả hết.

Tiến sĩ Schrader hy vọng hầu hết bệnh nhân sẽ lựa chọn thăm khám trực tiếp khi đại dịch Covid-19 chấm dứt. Khám bệnh trực tuyến có thể được sử dụng trước và sau cuộc hẹn thăm khám trực tiếp.

Tiến sĩ Salmond tin tưởng rằng khi công nghệ phát triển, khám bệnh trực tuyến cũng sẽ cải thiện chất lượng. Bệnh nhân sẽ có thể tự theo dõi sức khỏe tốt hơn, ví như kiểm tra huyết áp hoặc đo lượng đường và chia sẻ các kết quả đó với bác sĩ gia đình của họ. Cách thức này có một vị trí nhất định vì tính thuận tiện và hiệu quả của nó, nhưng vẫn không thể thay thế khám bệnh trực tiếp. “Mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân thực sự quan trọng, đặc biệt nếu đó là một bệnh nhân mới”, Tiến sĩ Schrader khẳng định.

Mỹ Tâm
- Theo The SCMP .

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Giới hạn của khám bệnh trực tuyến trong đại dịch virus Vũ Hán