Hạ huyết áp bằng dầu cá chứa Omega-3, nhưng 7 kiểu người nên tránh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ phổ biến đối với các bệnh mãn tính lớn như bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường và bệnh thận. Dầu cá chứa axit béo không no omega-3 đã được nhiều nghiên cứu khẳng định có tác dụng hạ huyết áp. Vậy tác dụng của dầu cá có thực sự hứa hẹn? Ai không phù hợp để dùng nó?

Một nghiên cứu vào năm 2021 được công bố trên tạp chí quốc tế The Lancet chỉ ra rằng số người bị huyết áp cao trên toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 30 năm qua.

Theo Cẩm nang Học tập và Phòng ngừa Tăng huyết áp do Cục Quản lý Nâng cao Sức khỏe, thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan ban hành, tăng huyết áp có thể được chia thành bốn giai đoạn theo mức huyết áp được ghi lại. Khi huyết áp tâm trương hoặc tâm thu vượt quá giá trị bình thường, người đó được coi là mắc bệnh cao huyết áp.

Tâm thu (mmHg) Tâm trương (mmHg)
Huyết áp bình thường <120 <80
Tiền cao huyết áp 120-139 80-89
Tăng huyết áp giai đoạn 1 140-159 90-99
Tăng huyết áp giai đoạn 2 ≥160 ≥100

Tăng huyết áp có thể được chia thành nguyên phát và thứ phát, trong đó loại thứ hai chỉ chiếm khoảng 1%-5% bệnh nhân. Những trường hợp này phần lớn là do thay đổi sinh lý hoặc bệnh tật, chẳng hạn như các triệu chứng cao huyết áp do bệnh thận gây ra. Nguyên nhân của tăng huyết áp nguyên phát vẫn chưa được biết và có thể là do di truyền hoặc bao gồm các yếu tố liên quan đến lối sống.

Tăng huyết áp là tín hiệu cảnh báo của cơ thể

Trong chương trình “Health 1+1”, Jonathan Liu, giáo sư tại một trường cao đẳng công lập Canada, nói rằng huyết áp cao là “kẻ giết người thầm lặng” và các biến chứng của nó bao gồm bệnh mạch vành, bệnh mạch máu ngoại vi, suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ và suy thận. Theo quan điểm của y học cổ truyền Trung Quốc, huyết áp cao là tín hiệu cảnh báo của cơ thể.

Ông Liu giải thích rằng y học cổ truyền coi huyết áp cao là sự phản ánh của các rối loạn nội tạng. Nếu điều trị sớm để điều hòa tạng phủ, bệnh sẽ tự khỏi. Ông cho biết y học cổ truyền tin rằng huyết áp cao chủ yếu liên quan đến hệ thống gan và hệ thống lá lách-dạ dày.

1. Hệ thống gan

Y học cổ truyền tin rằng một số bệnh nhân cao huyết áp có dương khí quá mức, đặc điểm là người đó thường nóng nảy, lo lắng, đau đầu và chóng mặt. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự của bệnh là do chức năng gan thận suy yếu.

2. Hệ lách - dạ dày

Thức ăn cần được lá lách và dạ dày tiêu hóa trước khi chuyển hóa thành năng lượng. Nếu lá lách và dạ dày yếu, thức ăn không thể tiêu hóa và biến thành năng lượng hữu ích, các tế bào sẽ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng. Trong trường hợp này, cơ thể cần gửi nhiều máu hơn để cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho tế bào, do đó khiến huyết áp tăng lên.

Giáo sư Liu chỉ ra rằng y học cổ truyền chia bệnh nhân tăng huyết áp thành bốn loại, mỗi loại yêu cầu các loại thuốc và phương pháp điều trị khác nhau.

 

  • Thể chất đàm ẩm

 

Đặc điểm: Béo phì, dính miệng, rêu lưỡi dày, da dầu, tức ngực, kém thích ứng với mùa mưa hoặc môi trường ẩm ướt.

Xu hướng mắc bệnh: Đột quỵ, bệnh tim, v.v.

Thực phẩm nên tránh: Đồ béo, ngọt, nhiều dầu mỡ, đồ sống, lạnh, đồ uống có đá, rượu bia.

 

  • Tình trạng thiếu âm

 

Đặc điểm: Người gầy, miệng họng khô, tay chân nóng, đại tiện khô, chất lưỡi đỏ.

Xu hướng mắc bệnh: Dễ mệt mỏi và mất ngủ.

Thực phẩm nên tránh: Thực phẩm cay, tỏi, tỏi tây, hạt tiêu Tứ Xuyên, quế, gừng khô, đinh hương.

 

  • Tình trạng thiếu khí

 

Đặc điểm: Dễ mệt mỏi, thở dốc, dễ đổ mồ hôi, cơ bắp rã rời, lưỡi hơi hồng, có vết răng ở mép lưỡi.

Xu hướng mắc bệnh: Bị cảm lạnh, bệnh nội tạng và các bệnh khác.

 

  • Thể huyết ứ

 

Đặc điểm: Da và lưỡi sậm màu, bầm máu trên bề mặt lưỡi, rối loạn sắc tố/đốm đen trên mặt.

Xu hướng mắc bệnh: U xơ tử cung, tăng sản vú, u nang, dễ bị đau.

Thực phẩm nên tránh: Mận sấy khô (mận khô), quả lựu, quả hồng, khổ qua, mận, đậu phộng.

8 yếu tố kích hoạt huyết áp cao

Huyết áp cao là một căn bệnh phổ biến và có thể bị lối sống hiện đại ảnh hưởng, khiến nó trở nên tồi tệ hơn. Những thói quen xấu gây ra bệnh này là gì? Giáo sư Liu trích dẫn những lý do sau đây:

  • Hút thuốc lá: Chất nicotin trong thuốc lá có thể khiến thành mạch máu xơ cứng và mất tính đàn hồi. Đồng thời, nicotin sẽ tác động lên hệ thần kinh khiến tim đập nhanh, co mạch và làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ tăng huyết áp và thuyên tắc mạch.
  • Rượu: Uống quá nhiều rượu sẽ ảnh hưởng đến tế bào cơ tim, gây tăng huyết áp tức thời.
  • Ăn mặn: Khi hàm lượng natri trong cơ thể tăng quá nhiều, để giảm nồng độ ion natri, cơ thể sẽ cố gắng tăng hàm lượng nước trong máu, điều này sẽ làm tăng lượng máu từ tim ra. Sự gia tăng thể tích này thông qua việc bơm thêm máu từ tim sẽ tác động lên thành mạch máu, do đó khiến huyết áp tăng lên.
  • Thực phẩm quá ngọt và/hoặc quá nhiều dầu mỡ: Lượng đường và dầu tinh luyện dư thừa sẽ chuyển hóa thành chất béo và tích trữ trong cơ thể, đồng thời làm tăng lipid máu, khiến mạch máu mất tính đàn hồi, tăng nguy cơ xơ cứng động mạch và huyết áp cao.
  • Béo phì: Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp. Nồng độ lipid trong máu cao hơn có thể gây ra một số biến chứng, chẳng hạn như bệnh tim và tiểu đường.
  • Tập thể dục không đủ: Bài tập aerobic luôn hữu ích trong việc duy trì tính đàn hồi của thành tim mạch. Thiếu tập thể dục và/hoặc thói quen sinh hoạt không tốt có thể dễ dàng dẫn đến huyết áp cao.
  • Thói quen sinh hoạt không điều độ: Ăn ngủ không điều độ có thể gây căng thẳng tinh thần. Khi bị căng thẳng, nhịp tim thường tăng nhanh, làm tăng mức tiêu thụ oxy của cơ tim, gây tăng huyết áp.
  • Tâm trạng không ổn định: Tâm trạng lên xuống thất thường liên tục có thể dẫn đến cao huyết áp.

Lời khuyên chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp

Giáo sư Liu nói rằng cách chính để giảm huyết áp cao là điều chỉnh lối sống của một người. Hãy bắt đầu với những thay đổi sau:

  • Tập thể dục vừa phải;
  • Áp dụng chế độ ăn ít muối, với lượng muối tốt nhất là dưới 6g;
  • Áp dụng chế độ ăn ít chất béo, giàu trái cây và rau quả;
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Duy trì trạng thái cân bằng tâm lý phù hợp; cố gắng không cáu kỉnh, bực bội hoặc ghen tị;
  • Bỏ hút thuốc và uống rượu;
  • Uống bổ sung omega-3.

Ai nên tránh dùng dầu cá?

Giáo sư Liu cho biết omega-3 có thể làm tăng tính đàn hồi của mạch máu và bảo vệ mạch máu khỏi bị hư hại. Omega-3, axit béo EPA và DHA chứa trong dầu cá, không chỉ điều chỉnh lipid máu, chống viêm, cải thiện chức năng nhận thức và thúc đẩy tái tạo thần kinh, mà axit alpha-linolenic (ALA) trong dầu cá còn có thể ngăn ngừa sự lắng đọng mảng bám ở mạch máu, do đó làm giảm nguy cơ tắc nghẽn tim mạch.

Mặc dù omega-3 có tác dụng kích hoạt máu tốt theo y học cổ truyền, giáo sư Liu cảnh báo rằng một số loại người không phù hợp với việc tiêu thụ dầu cá. Đó là:

  • Những người bị rối loạn đông máu, chẳng hạn như bệnh ưa chảy máu và những người dùng thuốc chống đông máu.
  • Những người có máy tạo nhịp tim và những người dễ có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim.
  • Người bị dị ứng với dầu cá, hải sản.
  • Bệnh nhân xơ gan hoặc ở giai đoạn trung gian của bệnh gan mãn tính. Những người này nên tránh nó do rối loạn chức năng đông máu của họ.
  • Bệnh nhân tiểu đường.
  • Những người bị huyết áp thấp (hạ huyết áp) hoặc đang dùng thuốc hạ huyết áp.
  • Bệnh nhân bị polyp đại trực tràng.

Theo Amber Yang & JoJo Novaes từ The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hạ huyết áp bằng dầu cá chứa Omega-3, nhưng 7 kiểu người nên tránh