Hai loại khẩu trang có thể ngăn hiệu quả Covid-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một hiện tượng đã xảy ra gần như toàn cầu, chiếc khẩu trang nhỏ bé “tầm thường" bỗng trở thành hàng hiếm hoặc không thể tìm mua trên một vài quốc gia. Một vụ đánh cắp 4/12 thùng khẩu trang bao gồm 6.000 chiếc tại bệnh viện thành phố Kobe Nhật Bản. Vụ trộm xảy ra trong bối cảnh Nhật đang bị thiếu khẩu trang do dịch viêm phổi corona (Covid-19). Một chủng virus viêm phổi cấp xuất hiện tại Vũ Hán Trung Quốc đã khiến cả thế giới chao đảo.

Người đứng đầu WHO (tổ chức y tế thế giới) ông Tedros tuyên bố: "Chúng tôi quyết định nâng mức cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm và ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên mức “rất cao” ở cấp độ toàn cầu". Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết: "Virus corona không tự lây truyền qua không khí mà chúng được bao bọc bên trong môi trường là các dịch cơ thể của người bệnh khi ho, hắt hơi, nói chuyện". Do đó, con đường lây lan nhanh nhất của virus corona là khi tiếp xúc với giọt bắn chứa virus từ người bệnh. (Theo Zing.vn)

Đây là lý do khiến khẩu trang trở nên đắt đỏ và khan hiếm ở những quốc gia đang bùng phát dịch và những quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao.

Khẩu trang y tế (khẩu trang 3 lớp)

Là loại khẩu trang y tế dùng một lần, có thiết kế thông dụng nhằm bảo vệ người sử dụng khỏi tác nhân gây hại cho sức khỏe tiềm ẩn từ môi trường như ô nhiễm khói bụi… Mặt khác, nó còn tạo ra rào cản vật lý giữa miệng và mũi của người đeo giúp giảm sự tiếp xúc của nước bọt và dịch tiết từ đường hô hấp của bạn cho người khác và ngược lại.

Khẩu trang y tế có cấu tạo 3 lớp bao gồm: (1) lớp ngoài cùng chống thấm nước, (2) lớp lọc cấu tạo từ vải lọc kháng khuẩn cao cấp (màng PE), không thấm nước (3) lớp hút ẩm. Theo FDA (Hoa Kỳ), khẩu trang y tế cần có hiệu suất lọc khuẩn - Bacterial Filtration Efficiency (BFE) > 95%. Nếu BFE> 99% là lựa chọn tốt nhất.

Khẩu trang y tế đủ để giữ lại các giọt bắn có kích thước > 5μm. Tuy nhiên, khẩu trang 3 lớp không lọc hoặc chặn các hạt rất nhỏ (kích thước < 5μm) trong không khí, có thể truyền qua ho, hắt hơi hoặc một số thăm khám hay thủ thuật y tế.

Khẩu trang cũng không đảm bảo bảo vệ hoàn toàn khỏi virus, vi trùng và các chất gây ô nhiễm khác vì sự lỏng lẻo giữa bề mặt của khẩu trang và khuôn mặt của bạn. Cần giữ cho khẩu trang ôm kín mặt bạn nhất có thể.

Khẩu trang không được sử dụng nhiều lần. Nếu nó bị hỏng hoặc bẩn, hoặc nếu việc thở qua khẩu trang trở nên khó khăn, bạn nên tháo ra, vứt bỏ nó một cách an toàn và thay thế bằng một cái mới.

Để loại bỏ khẩu trang của bạn một cách an toàn, hãy tháo dây đeo khẩu trang, đặt nó vào một túi nhựa và bỏ vào thùng rác. Rửa tay sau khi vứt bỏ khẩu trang đã sử dụng là rất quan trọng.

Khẩu trang N95

Khẩu trang N95 là một thiết bị bảo vệ hô hấp được thiết kế chuyên biệt để ôm sát khuôn mặt và lọc các hạt trong không khí rất hiệu quả.

Thiết kế của N95 được kiểm tra rất cẩn thận. Nó chặn ít nhất 95% các hạt có kích thước rất nhỏ (0,3μm). Nếu được đeo đúng cách và phù hợp, khả năng lọc của N95 cao hơn của khẩu trang thông thường.

Rất khó để khẩu trang N95 có thể đạt hiệu quả như mong đợi. Bởi vì điểm mấu chốt là bạn cần làm cho nó ôm sát khuôn mặt. Để kiểm tra sự phù hợp, bạn nên đeo và điều chỉnh dây đai sao cho N95 vừa khít với khuôn mặt của bạn và không cảm giác có luồng hơi thoát ra khi bạn thử thở mạnh.

N95 không được thiết kế cho trẻ em hoặc người có râu, bởi nó không thể ôm sát khuôn mặt. Do đó có thể không giúp bảo vệ đầy đủ.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) thường không khuyến nghị sử dụng N95 để sử dụng tại nhà hoặc trong cộng đồng. Tuy nhiên, chúng có thể phù hợp với những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng do cúm hoặc các bệnh về đường hô hấp khác.

Những người mắc bệnh hô hấp mãn tính, tim hoặc các tình trạng y tế khác gây khó thở nên có sự tư vấn của chuyên gia y tế trước khi sử dụng N95. Bởi vì khẩu trang N95 có thể khiến người đeo khó thở hơn do tích tụ thán khí (CO2). Một số loại khẩu trang có van thở ra có thể làm cho việc thở ra dễ dàng hơn và giúp giảm tích tụ nhiệt nhưng lại không đảm bảo điều kiện vô trùng nếu cần thiết.

Nếu khẩu trang N95 của bạn bị hỏng hoặc bẩn, hoặc nếu việc thở trở nên khó khăn, bạn nên tháo nó ra, vứt bỏ đúng cách và thay thế nó bằng một cái mới. Đừng quên rửa tay sau khi vứt khẩu trang.

Một số thương hiệu sản xuất N95, và chúng có đủ kích cỡ khác nhau. Khi mua loại khẩu trang này, hãy chắc chắn rằng bao bì ghi "N95" - một số sẽ chỉ nói "khẩu trang phòng độc" nhưng nếu chúng không được đánh dấu là N95, bạn sẽ không nhận được mức bảo vệ đầy đủ.

Tuy nhiên, ngay cả khi được trang bị phù hợp, N95 cũng không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh hoặc tử vong.

Thành phố Oita của Nhật Bản cũng tặng 30.000 khẩu trang cho Vũ Hán. 
Nhà máy sản xuất khẩu trang tại Băng Cốc... (Photo by JONATHAN KLEIN/AFP via Getty Images)

Những câu hỏi xung quanh vấn đề sử dụng khẩu trang

  • Khẩu trang có diệt vi khuẩn hay virus?

Không. Khẩu trang chỉ có lớp lọc các giọt bắn từ lớn đến rất nhỏ tùy theo vật liệu chế tạo lớp lọc. Ví dụ như khẩu trang 3 lớp có lớp lọc, có thể lọc các giọt bắn có kích thước > 5 μm, khẩu trang N95 lọc các giọt có kích thước rất nhỏ <0,3 μm.

  • Khẩu trang than hoạt tính có tác dụng gì?

Khẩu trang than hoạt tính (khẩu trang y tế than hoạt tính), được sản xuất từ loại vải lọc có chứa than hoạt tính. Nó được sử dụng trong quá trình sản xuất khẩu trang làm từ carbon đã qua xử lý ở nhiệt độ hơi nước (từ 9000-1000 độ C), trong môi trường yếm khí để tạo ra được carbon có cấu trúc của mao mạch khá lớn, nhằm giảm khối lượng riêng, tăng bề mặt tiếp xúc. Thông thường, các loại khẩu trang than hoạt tính sẽ chứa than hoạt tính hoặc có thể được chế trực tiếp từ sợi than hoạt tính.

Do vậy, khẩu trang hoạt tính được đánh giá mang đến nhiều tính năng ưu việt, không chỉ có khả năng ngăn ngừa bụi bẩn mà còn ngăn được một số loại hóa chất và khí độc hại như CO2, SO2, H2S,..., giảm thiểu tối đa các tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Vậy thì hiệu quả của nó đối với virus cũng tương đương khẩu trang y tế thông thường.

  • Khẩu trang vải có thể có tác dụng?

Khẩu trang vải có thể dùng ngăn giọt bắn lớn của người xung quanh như ho, hắt hơi, nhầy mũi, khạc nhổ bám vào. Do vậy, nếu như bạn không thể mua khẩu trang y tế thì có thể đeo khẩu trang vải thông thường trong cộng đồng.

Tuy nhiên, khẩu trang y tế hay còn gọi là khẩu trang hoạt tính là khẩu trang dùng 1 lần, khẩu trang vải có thể sử dụng nhiều lần nên bạn cần phải có vài chiếc để thực hiện giặt thường xuyên ít nhất là 1 lần/ngày, phơi khô, hấp hoặc tiệt trùng nếu có điều kiện.

  • Khẩu trang phủ muối, có thể tự làm tại nhà?

BS Lương Quốc Chính - Bệnh viện Bạch Mai đã có bài viết trên trang cá nhân nhận định rằng, các loại khẩu trang hiện nay có mục đích chính là lọc khuẩn/ virus chứ không phải là kháng khuẩn/ virus. Câu chuyện khẩu trang phủ muối chỉ dừng lại ở ý tưởng rằng muối sẽ có tác dụng làm khô các hạt nhỏ dưới dạng aerosols (< 10 μm) hoặc droplets (10 - 100 μm) để ngăn chặn và bất hoạt virus theo những cơ chế phức tạp. Trong những nghiên cứu này, muối được phủ ở màng lọc chứ không phải toàn bộ các lớp của khẩu trang...

Khẩu trang có đặc tính không thấm nước cho nên có ngâm cũng không có tác dụng. Ngoài ra nước muối làm cho khẩu trang bị ẩm tạo môi trường tốt cho virus tồn tại, sống dai hơn. Thêm vào đó, tâm lý chủ quan vào khả năng diệt virus khi đeo khẩu trang muối mà lơ là các biện pháp khác càng nguy hại hơn.

  • Xịt dung dịch sát khuẩn lên khẩu trang, có nên hay không?

Không nên xịt dung dịch sát khuẩn lên khẩu trang như cồn để khử trùng, nhằm tái sử dụng khẩu trang nhiều lần. Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, hại nhiều hơn lợi. Nếu đeo khẩu trang ngay sau khi xịt cồn, khẩu trang còn ướt có thể ảnh hưởng đến khả năng hít thở của người đeo. Một số trường hợp có thể gặp phải tình trạng dị ứng, mẩn đỏ khi đeo.

  • Khẩu trang Nano phủ bạc là gì?

Trần Thị Ngọc Dung, trưởng phòng Công nghệ Thân môi trường, Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam nói: “Lõi lọc của khẩu trang kháng khuẩn có chứa Nano bạc được cố định trên lớp than hoạt tính. Lõi lọc này giúp ngăn ngừa vi khuẩn, virus từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể qua mũi miệng và ngược lại. Lõi lọc Nano có thể tự làm sạch khỏi các vi khuẩn, virus bị giữ lại trên đó nhờ lượng Nano bạc có trong lõi lọc. Người sử dụng chỉ cần giặt vỏ vải của khẩu trang hàng ngày và lắp lại lõi lọc là lại có một chiếc khẩu trang sạch để sử dụng. Thời gian sử dụng của khẩu trang có thể lên tới trên 1 tháng và có thể bổ sung Nano bạc vào lõi lọc để kéo dài thời gian sử dụng.”

Nhóm nghiên cứu tại Viện cũng đã thực hiện nhiều lần các nghiên cứu để khẳng định nano bạc tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn E.coli, Coliform, S.aureus, P. aeruginosa, Aci.baumannii, Vibrio cholerae, Enterococcus, Neisseria Gonorrhoeae, nấm gây bệnh Candida albicans,...

Đặc biệt, gần đây họ đã thực hiện được một số nghiên cứu cho thấy khả năng ức chế virus của nano bạc với một số chủng virus như Dengue - gây bệnh sốt xuất huyết và virus ASF gây dịch bệnh tả lợn châu Phi nhưng không đề cập đến Coronavirus.

  • Mặt nạ phòng độc có thể hiệu quả ngăn virus.

Có thể. Bởi vì phin lọc của mặt nạ phòng độc chứa than hoạt tính và than hoạt tính còn dùng để lọc nước, dùng được với than gỗ. Để tăng hiệu quả lọc khí người ta tẩm thêm vào than hoạt tính dung dịch chứa Crom, Đồng, Bạc… và một số chất xúc tác khác trong bộ lọc để có thể đẩy nhanh quá trình hấp thụ chất độc hại, biến nó thành vô hại trước khi vào cơ thể người. Than hoạt tính được sử dụng trong phin lọc là loại than hoàn toàn khác so với than hoạt tính bình thường.

Tuy nhiên, ngay cả trong y tế, mặt nạ phòng độc chỉ dùng cho các loại virus cực mạnh như Ebola hay khi xử trí các tai nạn có hóa chất nguy hiểm cho hô hấp do thiết kế phức tạp và không cần thiết dùng trong cộng đồng. Đối với virus Corona, các bác sĩ cũng chỉ dùng đến khẩu trang N95.

Hai đứa trẻ Trung Quốc đeo chai nhựa bảo vệ tự chế tạm thời trong khi chờ đợi để làm thủ tục lên chuyến bay tại Sân bay Thủ đô Bắc Kinh, Bắc Kinh, vào ngày 30 tháng 1 năm 2020. (Kevin Frayer / Getty Images)
  • Lúc nào thì nên đeo khẩu trang?

Theo CDC Hoa Kỳ, bạn nên đeo khẩu trang khi bạn ở chung cùng người khác (ví dụ: dùng chung phòng hoặc xe) hoặc vật nuôi và trước khi bạn vào các cơ sở khám chữa bệnh.

Bộ Y tế đã có khuyến cáo trong các trường hợp nào cần sử dụng và không cần sử dụng khẩu trang: khi không có triệu chứng đường hô hấp và không buộc tụ tập đông người thì không cần đeo khẩu trang".

Các biện pháp phòng ngừa virus Corona kết hợp với đeo khẩu trang được USCDC khuyến cáo là rất quan trọng

1. Che miệng khi ho và hắt hơi

Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi bạn ho hoặc hắt hơi. Vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác.

2. Rửa tay thường xuyên

Rửa tay ngay lập tức bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây hoặc làm sạch tay bằng dung dịch rửa tay chứa cồn có chứa 60 đến 95% cồn, phủ lên tất cả các bề mặt của bàn tay và chà xát chúng với nhau cho đến khi chúng cảm thấy khô. Tốt nhất nên sử dụng xà phòng và nước nếu tay bẩn rõ ràng.

3. Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay không rửa sạch.

4. Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân

Bạn không nên dùng chung bát đĩa, ly uống nước, cốc, dụng cụ ăn uống, khăn hoặc giường với người khác hoặc vật nuôi trong nhà. Sau khi sử dụng những vật dụng này, chúng nên được rửa kỹ bằng xà phòng và nước.

5. Lau chùi tất cả các bề mặt có nguy cơ cao chứa virus

Các bề mặt có nguy cơ cao bao gồm quầy tiếp khách, mặt bàn, tay nắm cửa, đồ đạc trong phòng tắm, nhà vệ sinh, điện thoại, bàn phím, máy tính bảng và bàn cạnh giường ngủ. Ngoài ra, làm sạch bất kỳ bề mặt nào có thể có máu, phân hoặc chất dịch cơ thể trên chúng.

Sử dụng bình xịt làm sạch hộ gia đình hoặc lau, theo hướng dẫn trên nhãn. Nhãn chứa các hướng dẫn sử dụng an toàn và hiệu quả sản phẩm làm sạch bao gồm các biện pháp phòng ngừa bạn nên thực hiện khi sử dụng sản phẩm, chẳng hạn như đeo găng tay và đảm bảo bạn có thông gió tốt trong quá trình sử dụng sản phẩm.

SARS-CoV2 là loại virus lây truyền từ người sang người qua giọt bắn văng ra khi ho, hắt hơi, nói chuyện hay tiếp xúc với các giọt bắn có chứa virus trên bề mặt vật dụng và chạm tay chưa rửa sạch vào niêm mạc mắt, mũi, miệng. Ngoài ra virus còn có thể lây khi làm các thủ thuật y tế như phun khí dung, đặt ống nội khí quản v.v.

Dù bạn có đeo khẩu trang loại nào mà không biết sử dụng đúng cách và không kết hợp với các biện pháp phòng ngừa cơ bản khác thì việc đeo khẩu trang không chắc sẽ giúp bạn được bảo vệ.

Mỹ Tâm



BÀI CHỌN LỌC

Hai loại khẩu trang có thể ngăn hiệu quả Covid-19