Hãy giải tỏa cơn giận một cách lành mạnh! (Phần II)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ trước khi hét to, nhưng đừng nghĩ quá lâu...

...tiếp phần I

Lời khuyên của MacLeod là: “Đừng để cơn giận dữ bùng phát”.

Cô nói: “Hãy cố gắng hết sức để tìm ra nguyên nhân của cơn tức. Nếu chỉ chờ đợi cho nó bùng phát lên một cách vô lý và không chịu chia sẻ một lời nào, thì tức là bạn đã từ chối cho người khác cơ hội để giúp bạn gỡ bỏ cơn tức giận”.

Trong khi một số người cố gắng che giấu sự tức giận của họ, thì một số khác lại dường như lạm dụng cảm xúc đó, đặc biệt là những ai thiếu tự tin và yếu thế trong xã hội. Khi đó, sự tức giận sẽ không chỉ là một cảm xúc tạm thời, mà nó có thể trở thành một thói quen, và hình thành lối sống luôn giận dữ.

Theo lời bác sĩ tâm lý Thomas Harnin ở Bắc Carolina, chuyên gia điều trị nóng giận ở nam giới, rất nhiều người đàn ông thường xuyên tức giận vì họ nghi ngờ giá trị của bản thân. Và để tránh sự nghi ngờ của người khác, họ luôn ở trạng thái phòng thủ.

“Họ luôn cảm thấy mình thua thiệt và sẽ phản ứng mạnh mẽ để chống lại bất cứ dấu hiệu, hay lời nói nào, có vẻ như đe dọa tới vị thế của họ.” - bác sĩ Thomas nói.

Để dàn xếp cơn tức giận, bạn cần phải biết làm chủ nó và biết cách giải quyết vấn đề. Nếu bạn dễ mất tự chủ vì những chuyện nhỏ nhặt, buồn phiền, hay thường xuyên chuyển cơn tức giận thành hình vi bạo lực, thì nghĩa là bạn đã không thực sự là chính mình, cảm xúc tiêu cực đó sẽ tàn phá chính bạn.

Để dàn xếp cơn tức giận, bạn cần phải biết làm chủ nó và biết cách giải quyết vấn đề... (Pixabay)

“Giận dữ có thể thích hợp trong một số trường hợp nhất định, nhưng nếu nó trở thành thói quen, một cách tự động đáp trả lại với thế giới, thì nó lúc đó đã trở thành thịnh nộ (một mức độ cao hơn của tức giận)”.

Mặc dù cơn thịnh nộ được coi là một sự siêu giận dữ, nhưng đối với bác sĩ Balestrieri, nó chính là một cơn hoảng loạn cấp tính.

“Về bản chất nó vẫn là cơn tức giận, nhưng nếu vượt quá khả năng kiểm soát, thì đó thông thường là phản ứng của việc sợ hãi. Đó là lý do vì sao họ luôn phản ứng mạnh với bất cứ thứ gì tác động đến họ”.

Hãy nói ra cơn giận của bạn

Một khi cơn nóng giận không được giải quyết ổn thoả, thì nó có thể gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ và sức khoẻ của bản thân. Các nhà nghiên cứu đã liên kết các thái cực của sự tức giận (cả cơn thịnh nộ và cảm giác bị đè nén) với bệnh tim và ung thư. Một nghiên cứu cho thấy, sau khi lên cơn tức giận khoảng 2 tiếng, thì nguy cơ đau tim tăng lên cao gấp 8,5 lần so với lúc ở trạng thái bình thường.

Theo y học cổ truyền Trung Hoa, mỗi cơ quan nội tạng đều có mối liên hệ tới một cảm xúc khác nhau, sự tức giận liên kết với gan và túi mật. Nếu bạn có thể kiểm soát tính nóng giận, khí huyết lưu thông sẽ tốt, ý chí cũng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ Trung Y cho biết, việc thể hiện cơn nóng giận quá mức có thể gây hại cho Can (hệ gan), từ đó dẫn đến các triệu chứng như căng cơ, đau đầu và rối loạn tiêu hóa.

Bằng cách này hay cách khác, bất kỳ sự tức giận nào đang giữ trong lòng cũng sẽ bộc phát ra. Khó khăn nằm ở chỗ: làm cách nào để giải toả nó ra, tìm cách truyền tải thông điệp của mình, nhưng đừng để cho nó kích động cơn giận dữ bị bùng phát.

Theo Rev. Sheri Heller, một nhà trị liệu tâm lý người chuyên chữa những sang chấn tâm lý nặng, và cũng là chuyên gia tín ngưỡng, có trụ sở làm việc tại thành phố New York: "Tức giận là một bản năng mà chúng ta sinh ra đã có, nhưng học cách xử lý nó đúng cách là một kỹ năng cần phải học mới có được".

Heller nói tức giận có thể chuyển hoá thành “tức điên”, nhưng nó cũng có thể trở thành một nguồn năng lượng tốt.

Bước đầu tiên trong việc xử lý cơn giận là “biết rõ bản thân”. Khám phá những gì làm bạn bị bối rối và tại sao bạn lại như vậy, khi đó nó sẽ không làm bạn bị bất ngờ khi các chủ đề nhạy cảm tái xuất hiện.

Tiếp theo, cần nhận thức được rằng, sự tức giận là một tín hiệu cho thấy có gì đó không đúng. Mặc dù giữ được sự bình thản trước mọi việc trông có vẻ cao quý và thông tuệ, nhưng điều đó là bất khả thi và phi tự nhiên. Heller nói rằng, biết bỏ qua chuyện nhỏ thì đúng là tốt, nhưng ngay cả Chúa Giêsu cũng tức giận khi nhìn thấy những người đổi tiền trong nhà thờ, và khi biết các tông đồ của mình bị bỏ rơi.

“Trong tiềm thức mỗi người, ai cũng có bản ngã nhận ra mình là ai. Bạn có thể bỏ qua cái tôi cao ngạo của bản thân, nhưng vẫn sẽ không thể chấp nhận được việc bị sỉ nhục, đó là nhược điểm và khó khăn của con người”.

Mặc dù sau khi bộc phát cơn giận dữ thì chúng ta thường sẽ có cảm giác thoả mãn hơn, nhưng hãy thử nói ra cơn giận của bạn sau khi bạn đã bình tĩnh lại. Vì khi giận dữ mất kiểm soát, lời bạn nói ra có thể đã phá hỏng mục đích mà bạn mong muốn. Cơn giận dữ luôn thôi thúc bạn phải có hành động giải toả, nhưng nếu bạn bộc phát ngay nó sẽ khó dừng lại. Cơn giận dữ sẽ che lấp những gì chúng ta muốn truyền đạt và thường dẫn đến việc làm hoặc nói những điều mà sau này chúng ta sẽ hối tiếc.

Khi giận dữ mất kiểm soát, lời bạn nói ra có thể đã phá hỏng mục đích mà bạn mong muốn... (Pixabay)

Có thể rất khó để kìm hãm lại cảm xúc mạnh mẽ như vậy, đặc biệt là nếu bạn quen với việc hoạt náo mọi thứ. Nhưng học cách kiềm giữ cơn thịnh nộ của bạn, chỉ trong một thời gian ngắn thôi, là rất quan trọng cho những cuộc đối thoại mang tính chất xây dựng.

“Sự khiêm nhường có sức mạnh to lớn, bởi vì nó cho phép chúng ta bỏ đi tâm vị kỷ của bản thân”, theo ông Heller nói.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng việc tức giận sao cho đúng cách là cần thời gian để rèn luyện. Bác sĩ Balestrieri nói rằng chúng ta cần phải thừa nhận sai lầm của mình và tìm cách sửa cho đúng.

“Không ai là hoàn hảo với bất kỳ cảm xúc nào”, cô nói. “Biết tự tha thứ cho bản thân là rất quan trọng, tuy nhiên khi bản thân gây ra hậu quả, chúng ta cần phải đi dọn dẹp càng nhanh càng tốt”.

Thanh Long
- Theo The Epoch Times.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Hãy giải tỏa cơn giận một cách lành mạnh! (Phần II)