Hội chứng sợ kim tiêm và hệ quả đáng tiếc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu đau mãn tính là sự ám ảnh dành cho người lớn tuổi thì kim tiêm là cơn ác mộng đối với trẻ em. Tưởng chừng như thoáng qua và vô hại, nhưng nó có thể đem đến nhiều vấn đề sức khỏe của trẻ trong tương lai...

Ngày nay, mọi quá trình từ chẩn đoán, điều trị, theo dõi, thậm chí phòng bệnh phần lớn đều sử dụng kim tiêm. Trẻ em vì vậy phải chịu đau từ rất sớm, có thể là chỉ vài ngày sau khi sinh do chích ngừa. Điều này lặp đi lặp lại trong suốt những năm đầu của trẻ và nếu không biết cách xử lý thì chúng sẽ ám ảnh và sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về sau.

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Canadian Medical Association Journal năm 2010 về đau ở trẻ em ở Canada cho thấy, chích ngừa là nguyên nhân hàng đầu gây đau không do bệnh lý ở trẻ em, đồng thời nó khiến trẻ lo sợ trước những thủ thuật trong tương lai, nỗi sợ kim tiêm và hành vi tránh chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả việc không tuân thủ lịch tiêm vaccine.

Hội chứng sợ kim tiêm

Đến bệnh viện để khám bệnh, trẻ quấy khóc, la hét, thậm chí bỏ chạy khi phát hiện ra mình đang ở gần cổng viện hoặc ngay khi nhìn thấy những thiên thần áo trắng. Mỗi lần bị tiêm trước đây đều khắc thêm ấn tượng vì đau, điều này cũng ám ảnh cả người nhà của trẻ.

Nỗi sợ chí mạng này được gọi là hội chứng sợ kim tiêm và nó thực sự là một vấn đề nghiêm trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Canada, tỷ lệ này chiếm 25% người trưởng thành, còn tại Mỹ thì 15% dân số (tương đương với hơn 50 triệu người) đang phải chịu đựng hội chứng này. Nguyên nhân là đến từ cơn đau do bị tiêm lúc còn nhỏ hoặc trong giai đoạn thiếu niên.

Hội chứng này có thể khiến trẻ em bị suy nhược, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh và thậm chí có thể ngất xỉu. Nỗi sợ hãi này tích lũy qua mỗi lần trẻ phải nhìn thấy bơm kim tiêm, phải tiếp xúc với bác sĩ, phải tiếp xúc với bệnh viện. Nhưng nguy hiểm và đáng nói hơn, nỗi sợ này đã gây ra hàng ngàn trường hợp tử vong không đáng có.

Tại Hoa Kỳ, hội chứng sợ kim tiêm đã khiến nhiều gia đình từ chối hoặc chậm trễ đưa trẻ đến cơ sở y tế. Nguyên nhân này chiếm tới số người từ chối tiêm vaccine cúm hàng năm, hậu quả dẫn đến hơn 200.000 trường hợp phải nhập viện, trong đó có 36.000 ca tử vong do cúm.

Tại Việt Nam, chúng ta chưa có số liệu cụ thể. Nhưng là một nước thu nhập trung bình, trình độ học vấn không cao, thuốc thì dễ dàng tìm kiếm tại quầy thuốc... thì liệu tỷ lệ mắc hội chứng này tại Việt Nam có thể hơn 10% dân số không?

Lối thoát nào dành cho trẻ?

Đây không phải là một điều quá khó nếu chúng ta biết chuẩn bị để giảm thiểu đau cho trẻ trước, trong, và sau khi tiêm. Điều này không chỉ giúp bé tránh được những nguy cơ không cần thiết trong tương lai, mà còn thể hiện tình yêu thương của cha mẹ đối với thiên thần bé nhỏ, đồng thời cũng là cách thể hiện “lương y như từ mẫu” của người thầy thuốc.

Đối với cha mẹ, các biện pháp này vô cùng đơn giản và gần gũi: cho trẻ bú mẹ, uống một ít nước đường, vỗ về trẻ, khiến trẻ mất tập trung đôi chút. Còn đối với thầy thuốc thì chỉ cần có một tấm lòng yêu thương trẻ là có thể thực hiện được.

Tình yêu thương chính là sợi chỉ gắn kết trẻ với cha mẹ, và bác sĩ đồng thời là liều thuốc tốt nhất giúp trẻ giảm đau khi đối mặt nỗi sợ hãi chích vaccine.

Thiện Đức

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Hội chứng sợ kim tiêm và hệ quả đáng tiếc