Khẩu trang có hiệu quả trong việc ngăn chặn virus không? Loại nào tốt nhất?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiệu quả của việc đeo khẩu trang trong phòng chống dịch vẫn được nhiều quốc gia đặt dấu hỏi. Một báo cáo nghiên cứu quy mô lớn gần đây đã chỉ ra rằng, đeo khẩu trang có thể làm giảm các bệnh nhiễm trùng, và hiệu quả đáng kể hơn đối với người cao tuổi.

Thử nghiệm khẩu trang quy mô lớn do Đại học Yale và Stanford ở Hoa Kỳ thực hiện

Một nghiên cứu quy mô lớn về khẩu trang chống dịch do Đại học Yale, Đại học Stanford và Tổ chức Sáng kiến ​​Xóa đói giảm nghèo (IPA) đồng tiến hành, đã tìm hiểu xem khẩu trang có thể ngăn chặn hiệu quả virus và hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid-19 hay không.

Nghiên cứu được thực hiện tại 600 ngôi làng ở Bangladesh, và số lượng người tham gia là khoảng 340.000 người.

Các nhà nghiên cứu đã cung cấp khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế cho một nửa số làng, đồng thời sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để khuyến khích và thúc đẩy mọi người đeo khẩu trang đúng cách, trong khi những người ở nửa làng còn lại không đeo khẩu trang. Cuộc thử nghiệm kéo dài trong 8 tuần.

Tại các nơi công cộng ở khu vực phân phối khẩu trang, nhà nghiên cứu sẽ cử người đến quan sát tỷ lệ người đeo khẩu trang và cách đeo có đúng hay không.

Trong giai đoạn cuối của thí nghiệm, có hai phương pháp được sử dụng để phát hiện các trường hợp nhiễm Covid-19, bao gồm:

  • Một là tìm những người có các triệu chứng nhiễm virus;
  • Hai là tiến hành xét nghiệm máu cho một số người tham gia để xác nhận xem có dấu vết của nhiễm Covid-19 trong huyết tương hay không.

Khẩu trang có tác dụng ngăn ngừa đáng kể đối với người trên 50 tuổi

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm virus có triệu chứng ở những người đeo khẩu trang khác nhau, nhìn chung, thấp hơn 9.3% so với trước khi thử nghiệm.

Trong số đó, tỷ lệ lây nhiễm có triệu chứng đối với những người đeo khẩu trang y tế giảm 11.2%, trong khi đeo khẩu trang vải hầu như không giảm.

Khả năng bảo vệ của khẩu trang tăng lên theo tuổi tác. Trong số những người từ 50 đến 60 tuổi đeo khẩu trang y tế, tỷ lệ nhiễm trùng có triệu chứng giảm 23%; ở những người trên 60 tuổi, tỷ lệ này giảm 35%.

Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng đeo khẩu trang y tế không hiệu quả đối với những người dưới 50 tuổi.

Các nhà nghiên cứu cũng nói thêm, từ kết quả thử nghiệm này, chúng ta không nên tự kết luận rằng "khẩu trang y tế chỉ có thể ngăn chặn khoảng 10% tỷ lệ nhiễm virus", bởi vì trong thử nghiệm này, các biện pháp thúc đẩy và khuyến khích đeo khẩu trang chỉ làm tăng tỷ lệ người đeo khẩu trang trong cộng đồng lên 42%.

Trong khi đó, ở những khu vực có chính sách nghiêm ngặt hơn đối với việc đeo khẩu trang, các nhà nghiên cứu cho rằng khả năng bảo vệ của khẩu trang y tế trước virus có thể cao hơn 10%.

Tỷ lệ lọc của khẩu trang vải là 37%, khẩu trang y tế là 95%, sau khi rửa bằng xà phòng và nước 10 lần tỷ lệ lọc vẫn là 76%.

Khẩu trang y tế rẻ hơn khẩu trang vải và có khả năng bảo vệ cao hơn, do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng đeo khẩu trang y tế là một trong những lựa chọn tốt để phòng chống dịch.

Trong bối cảnh tỷ lệ phân phối vắc xin của Bangladesh chỉ đạt 5%, kết quả như vậy dường như ngụ ý rằng vắc xin không phải là câu trả lời duy nhất cho việc phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có những hạn chế của nó. Trước hết, các nhà nghiên cứu phải được sự đồng ý của các đối tượng trước khi họ có thể lấy máu để xét nghiệm.

Ngoài ra, nghiên cứu này chỉ sàng lọc các biến thể Alpha, do đó, đối với các biến thể Delta hiện đang phổ biến trên thế giới, hiệu quả của khẩu trang chống lại dịch bệnh vẫn chưa được biết rõ.

Hoàng Tuấn
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Khẩu trang có hiệu quả trong việc ngăn chặn virus không? Loại nào tốt nhất?