Khi còn trẻ, đừng coi thường những cơn đau

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đau là một cảm giác khó chịu, xuất hiện cùng lúc với sự tổn thương của các mô tế bào. Cảm giác đau phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của từng người. Cảm giác về mỗi một loại đau là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe và cần sớm tìm ra nguyên nhân để chữa trước khi quá muộn...

Đau mãn tính: vấn nạn của thời đại

Năm 2015, báo cáo từ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) chỉ ra hơn 25 triệu người (40% dân số) trưởng thành phải vật lộn với cơn đau hàng ngày. Trong đó, hơn 14 triệu người (hơn 10%) bị hành hạ bởi những cơn đau nghiêm trọng, và theo báo cáo là tương đương với mức độ 4.

Khi gặp phải cơn đau mức độ 3 hoặc 4, tình trạng sức khỏe của người này tồi tệ hơn, cần sử dụng nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe hơn và thường bị khuyết tật nhiều hơn so với nhóm đau nhẹ.

Bác sĩ Josephine P. Briggs, giám đốc của Trung tâm Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp Quốc gia đã phải thốt lên: “Số người bị đau dữ dội và mãn tính thật đáng kinh ngạc”.

Nhưng từ trước đó (2012-2013) tại Việt Nam, một nhóm nghiên cứu đã khảo sát 1100 người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên tại thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu về cơ cấu, tỷ lệ và các yếu tố liên quan đến đau mạn tính. Kết quả nghiên cứu cũng rất bất ngờ: tỷ lệ đau mãn tính tại trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là 30,7%, tức là cứ 10 người thì có hơn 3 người bị đau mãn tính. Đáng chú ý là hơn một nửa số bệnh nhân đau từ mức vừa đến mức dữ dội; và phần lớn bệnh nhân chịu ảnh hưởng này từ cảm xúc (86,3%) và công việc (77,5%).

Đau mãn tính là bất kỳ cơn đau nào kéo dài từ 3 đến 6 tháng trở lên. Đa số nguyên nhân gây cơn đau mãn tính là do ung thư, viêm khớp, tổn thương thần kinh, nhiễm trùng, có vấn đề về lưng, đau cơ xơ hóa, đau nửa đầu và những cơn đau đầu khác, chấn thương hoặc phẫu thuật trong quá khứ...

Quản lý đau: những vấn đề bỏ ngỏ

Tại Việt Nam, vấn đề quản lý đau mãn tính vẫn chưa được nhiều người quan tâm, dù nó không chỉ gây tổn hại về mặt tâm lý và thể chất mà còn cả về tài chính cho người bệnh. Hàng tháng, bệnh nhân đau mạn tính phải bỏ ra một chi phí nhất định chỉ để làm giảm cơn đau mãn tính đeo bám dai dẳng.

Theo nghiên cứu đã đề cập ở trên, tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 31% bệnh nhân bị đau mãn tính đi khám bệnh. Những bệnh nhân còn lại tự đi mua thuốc và tự điều trị. Rất có thể chi phí điều trị là nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân phải bỏ qua và cố gắng chịu đựng cơn đau của mình. Ngoài ra, một yếu tố cũng không kém phần quan trọng đó là mặc dù có đến gần 1/3 dân cư thành phố bị đau mạn tính nhưng số cơ sở y tế và bác sĩ chuyên về đau vẫn còn khá khiêm tốn.

Điều này càng phổ biến ở người trẻ khi sức chịu đựng của họ tốt hơn. Nhưng về lâu về dài, sự thiếu hụt trong quản lý này có thể sẽ dẫn đến tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn và cơn đau cũng theo đó ngày càng khó kiểm soát hơn. Hậu quả là tình trạng nghiện thuốc giảm đau và thuốc phiện bất hợp pháp đã tăng mạnh khi các cơn đau nặng gia tăng do việc kê toa thuốc phiện cho bệnh nhân là rất giới hạn.

Một nghiên cứu được công bố năm 2011 tại Hoa Kỳ, ước tính rằng chi phí để điều trị đau hàng năm tại Mỹ là từ 560 tỷ USD đến 635 tỷ USD (năm 2010). Khoản tiền này nhiều hơn chi phí điều cho bệnh tim (309 tỷ USD) và bệnh tiểu đường (188 tỷ USD). Chi phí tiêu tốn cho điều trị đau tại Việt Nam chắc hẳn cũng là một con số không nhỏ.

Bác sĩ kiêm nhà triết học Albert S. Schweitzer đã nói: “Đối với loài người, đau còn khủng khiếp hơn cả cái chết”. Đừng coi thường nó ngay khi bạn còn trẻ, và quan trọng hơn: bạn cần chuẩn bị gì để không phải gặp nó trong tương lai?

Mỹ Tâm

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Khi còn trẻ, đừng coi thường những cơn đau