Khi đói không được ăn chuối, có đúng không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chắc hẳn nhiều người đã từng nghe nói rằng khi đói không nên ăn một số loại thực phẩm nhất định, trong đó có chuối. Nhưng liệu quan điểm này có đúng hay không?

Không thể uống sữa khi bụng đói?

Một số người không dung nạp đường lactose sẽ bị đầy hơi, hoặc đau bụng và tiêu chảy sau khi uống sữa lúc đói. Tuy nhiên, nếu bạn ăn thức ăn khác trước rồi mới uống sữa, cảm giác khó chịu sẽ bớt trầm trọng hơn.

Tại sao người không dung nạp lactose uống sữa lúc đói lại cảm thấy bụng khó chịu? Bởi khi uống sữa, lactose tập trung trong ruột dễ gây đầy hơi, đau quặn ruột, thậm chí là tiêu chảy, đau bụng và các phản ứng không tốt khác.

Nếu bạn ăn một số thực phẩm giàu tinh bột trước, lactose sẽ được pha loãng, khả năng tiêu hóa tổng thể của đường ruột sẽ được tăng cường, và cảm giác khó chịu sau khi uống sữa cũng giảm đi đáng kể, thậm chí biến mất.

Nói chung, ngoại trừ những người không thể dung nạp lactose, còn uống sữa khi đói đều không thành vấn đề.

Không thể ăn chuối khi bụng đói?

Chuối rất giàu kali, magie và các nguyên tố khác, vậy nên có quan điểm cho rằng ăn chuối lúc đói sẽ gây tiêu chảy, thậm chí ảnh hưởng đến tim mạch và thận. Nhưng thực ra, ý kiến này cũng chưa chính xác.

Chuối khi vào cơ thể cần trải qua một loạt quá trình tiêu hóa và hấp thụ phức tạp, trong đó, kali và magie có thể được cơ thể sử dụng từ từ.

Đối với những người có chức năng thận bình thường, cơ thể sẽ tự động điều chỉnh để duy trì cân bằng động, các ion kali và magie dư thừa sẽ được đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu mà không làm tăng đột ngột.

Quan điểm nói rằng ăn chuối gây tiêu chảy cũng không đúng, hàm lượng chất xơ trong chuối không cao, cứ 100g thì chỉ có 1.2g chất xơ, thấp hơn nhiều so với lê và các loại trái cây khác.

Hàm lượng chất xơ này thậm chí cũng không thể so sánh với nhiều loại rau. Do đó, tác dụng giúp nhuận tràng không có gì nổi bật.

Tuy nhiên, chuối sống chứa nhiều axit tannic, nếu ăn quá nhiều có thể dẫn đến táo bón.

Không thể uống cà phê khi bụng đói?

Đúng, những người nhạy cảm với caffeine không nên uống khi bụng đói!

Uống cà phê lúc bụng đói có thể làm tăng tốc độ hấp thụ caffeine do dạ dày rỗng. Vì vậy, những người vốn nhạy cảm với caffeine, thói quen này có thể khiến dạ dày khó chịu hơn.

Đối với rượu bia cũng vậy, bụng đói sẽ đẩy nhanh tốc độ hấp thụ chất cồn nên bạn dễ say hơn.

Vì vậy, đồ uống như trà và cà phê chỉ uống lúc bình thường. Đối với bệnh nhân viêm loét dạ dày thì tuyệt đối nên tránh uống khi đói.

Ăn hồng khi bụng đói sẽ tạo sỏi?

Quả hồng có chứa axit tannic, dạ dày ở trạng thái đói là môi trường axit cao, axit tannic dễ kết tụ dưới tác dụng của axit dịch vị, kết hợp với chất nhầy trong dạ dày tạo thành một khối cứng, hay còn gọi là sỏi dạ dày.

Tuy nhiên, hồng trên thị trường đã được khử chất làm se, hàm lượng axit tannic giảm xuống.

Mặc dù vậy, với những người có đường tiêu hóa yếu thì họ vẫn nên tránh ăn hồng khi bụng đói, nếu muốn ăn thì nên chọn những quả còn chín, không nên ăn quá nhiều mỗi lần. Người bình thường có thể ăn một lượng nhỏ hồng khi đói.

Không thể ăn vải khi bụng đói?

Điều này là đúng!

Có câu nói rằng ăn vải thiều lúc đói sẽ mắc “bệnh vải thiều”. Thực tế, căn bệnh này có tồn tại, nó là một bệnh thần kinh cấp tính, thường bùng phát theo mùa (trùng với mùa thu hoạch vải thiều), nhiều người còn kèm theo hạ đường huyết và động kinh.

Hiện nay các nghiên cứu về cơ chế của “bệnh vải thiều” vẫn chưa rõ ràng, người ta cho rằng axit hạ đường huyết A và methylene cyclopropyl glycine có trong vải thiều sẽ ức chế khả năng chuyển hóa glucose trong cơ thể.

Sau khi glycogen trong cơ thể người bị cạn kiệt, não sẽ bị thiếu năng lượng, sẽ gây ra hiện tượng hạ đường huyết.

Do đó, khi bụng đói ăn vải thiều có thể dẫn đến mắc bệnh là có cơ sở. Bởi vì dự trữ glycogen trong cơ thể vốn đã thấp khi bụng đói.

Đặc biệt những người nhạy cảm như trẻ em, người già và những người dễ bị hạ đường huyết thực sự nên tránh, tốt nhất trước khi ăn vải bạn nên ăn một số thực phẩm giàu carbohydrate để lót dạ, ngoài ra bạn cũng phải chú ý đến lượng tiêu thụ.

Kiêng ăn gì còn tùy thuộc vào tình hình thực tế

1. Lắng nghe cơ thể

Cơ địa của mỗi người đều khác nhau. Hãy chú ý quan sát hơn, hiểu rõ tình trạng thể chất của bản thân để biết bạn phù hợp với thực phẩm nào.

2. Những người mắc bệnh về hệ tiêu hóa cần đặc biệt lưu ý

Đối với những người gầy yếu, mắc các bệnh về hệ tiêu hóa hoặc các bệnh mãn tính khác nhau cần chú ý đến loại thực phẩm, thứ tự ăn và cách phối hợp.

Thực phẩm có thể gây kích ứng và làm tổn thương đường tiêu hóa, chẳng hạn như thực phẩm quá chua, quá mặn, quá dầu mỡ, quá kích thích, chứa protease hoạt tính cao, chứa nhiều tannin, axit oxalic hoặc axit tannic.

Để tránh kích thích dạ dày, hãy ăn các thực phẩm khác trước những thứ nói trên một cách hợp lý.

Ngoài thức ăn, còn điều gì cần chú ý khi bụng đói?

1. Có thể tập thể dục khi bụng đói không?

Khi bụng đói, cơ thể có lượng dự trữ carbohydrate thấp, biểu hiện chủ yếu bằng lượng glycogen trong gan thấp và mức độ glucose có sẵn trong máu cũng thấp hơn.

Nếu bạn tập thể dục vào thời điểm này, bạn có nhiều khả năng bị hạ đường huyết, nhất là đối với những người gặp vấn đề về điều hòa lượng đường trong máu như bệnh nhân tiểu đường.

Thông thường khi tập thể dục trong vòng 30 phút, hầu hết calo tiêu thụ là carbohydrate. Nếu bạn có thể đảm bảo cơ thể có một lượng đường dự trữ nhất định, thì trạng thái vận động sẽ ổn định hơn, tt có khả năng mệt mỏi.

Vì vậy, trước khi tập thể dục, bạn nên bổ sung một số carbohydrate, đặc biệt là khi vận động với cường độ cao. Nhưng nhu cầu của mọi người đối với thể thao có thể khác nhau, miễn là không bị hạ đường huyết, thì nhịn ăn cũng được.

2. Có thể uống thuốc khi bụng đói không?

Bạn nên làm theo chỉ dẫn trên hướng dẫn sử dụng và lời khuyên của các bác sĩ, dược sĩ. Có loại thuốc phải uống trước bữa ăn, có loại phải uống sau bữa ăn, tất nhiên cũng có loại uống trong bữa ăn.

Nếu không tuân theo các chỉ dẫn của người có chuyên môn, hiệu quả của thuốc sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí mang đến những tổn thất không đáng có cho sức khỏe.

3. Không lái xe khi bụng đói

Nếu thời gian nhịn ăn kéo dài, đường huyết trong cơ thể giảm xuống mức nhất định sẽ xảy ra phản ứng hạ đường huyết.

Lúc này, não bộ sẽ bị rối loạn hoạt động do “thiếu năng lượng”, gây chóng mặt, kém chú ý, phản ứng chậm, buồn ngủ, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phản ứng và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn xe hơi.

Người thường xuyên lái xe nên ăn ba bữa đều đặn mỗi ngày, và nên bổ sung thêm bữa phụ khi làm việc ngoài giờ hoặc lái xe vào ban đêm.

4. Không tắm khi bụng đói

Lúc đói thường là thời điểm lượng đường trong máu xuống thấp, cơ thể không có nhiều năng lượng. Tắm lúc đói rất dễ bị các triệu chứng của hạ đường huyết như chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa.

Ngoài ra, phòng tắm không thông thoáng, nhiệt độ cao dễ khiến người ta bị hoa mắt. Vì vậy, không nên tắm khi bụng đói, cũng không nên tắm quá lâu.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Khi đói không được ăn chuối, có đúng không?