Đừng chủ quan khi bị khô miệng đột ngột vào giữa đêm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đã khi nào bạn bị giấc giữa đêm chỉ vì khát nước và cổ họng khô hay chưa? Mặc dù đây có thể chỉ đơn giản là do cơ thể thiếu nước, nhưng mặt khác, cũng có khả năng đó là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm.

Làm gì nếu bị khô miệng khi ngủ vào ban đêm?

Thực tế, hầu hết tình trạng khô miệng là do sinh lý; chủ yếu là mồ hôi ra nhiều, uống quá ít nước hoặc quá nhiều rượu khiến cơ thể bị hao nước, cũng có thể là do nhiệt độ cao và môi trường xung quanh quá khô v.v.

Khô miệng do các yếu tố sinh lý này có thể thuyên giảm sau khi bổ sung nước và tăng độ ẩm môi trường, các triệu chứng cũng sẽ không kéo dài quá lâu.

Tuy nhiên, nếu bạn thấy triệu chứng khô miệng không thuyên giảm sau khi bổ sung nước hoặc thay đổi môi trường, thì bạn phải hết sức cảnh giác, bởi đây có thể là do yếu tố bệnh gây ra.

5 bệnh tiềm ẩn từ triệu chứng khát nước vào giữa đêm

Một số người dù đã bổ sung nước nhưng các triệu chứng khô miệng vẫn không thể thuyên giảm; chúng thậm chí còn tái phát và đặc biệt biểu hiện nặng nhất vào ban đêm. Nếu là vậy, thì có khả năng là do 5 căn bệnh dưới đây gây ra:

- Viêm nha chu: Những người mắc bệnh răng miệng thường không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu.

Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân không thể ngậm miệng vào ban đêm, điều này có thể làm mất độ ẩm trong miệng khi thở, gây ra triệu chứng khô miệng.

- Cường giáp: Triệu chứng điển hình nhất của nhóm người này là thần kinh giao cảm bị hưng phấn, quá trình trao đổi chất trong cơ thể sẽ tăng nhanh. Lượng mồ hôi sẽ tăng lên rất nhiều, thân nhiệt cơ bản của người bệnh cũng tăng lên, đặc biệt họ thường sợ nóng, đổ mồ hôi trộm trong sinh hoạt, người bệnh sẽ thường xuyên bị khô miệng, khi ngủ vào ban đêm thì các triệu chứng rõ ràng hơn.

- Bệnh gan: Bệnh gan có thể dẫn đến sự chuyển hóa bất thường của các chất độc, và việc tích tụ một lượng lớn chất độc có thể khiến cơ thể bị khô bất thường.

Ngoài khô miệng, bệnh gan cũng có thể khiến người bệnh có triệu chứng đắng miệng, uống nước không thấy thuyên giảm.

- Hội chứng Sjögren: Như tên gọi, nó khiến cơ thể khô bất thường và là một chứng rối loạn miễn dịch.

Sau khi mắc bệnh, chức năng hệ miễn dịch của người bệnh bị suy giảm rất nhiều, có thể ảnh hưởng đến chức năng của các tuyến ngoại tiết như tuyến lệ, tuyến nước bọt.

Điều này sẽ gây ra chứng khô miệng, khô mắt; nếu bệnh không được điều trị kịp thời, thì nó thậm chí sẽ ảnh hưởng đến việc ăn uống bình thường của người bệnh trong giai đoạn sau.

- Bệnh tiểu đường: Các triệu chứng điển hình nhất của bệnh tiểu đường là khát nước nhiều hơn, uống nước nhiều hơn và tiểu nhiều hơn; người bệnh sẽ có những biểu hiện rõ ràng về tiểu buốt, tiểu rắt trong cuộc sống hàng ngày.

Lượng đường trong máu cao làm xuất hiện hiện tượng đa niệu, đương nhiên nó sẽ dẫn đến tình trạng mất nước và khô cơ thể, buộc bạn phải tăng lượng nước uống mỗi ngày, cuối cùng hình thành một vòng luẩn quẩn.

Ngăn ngừa khô miệng

Trước hết cần làm rõ nguyên nhân gây khô miệng, nếu là do yếu tố bệnh thì cần điều trị kịp thời, sau khi điều trị khỏi bệnh nguyên phát thì triệu chứng khô miệng tự nhiên có thể thuyên giảm.

Ví dụ như hạn chế nói quá nhiều, tránh khạc nhổ, tích cực điều trị các bệnh mãn tính của bản thân và điều trị các vấn đề gây khó thở để tránh thở bằng miệng.

Thứ hai, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nên chú ý ăn nhiều thực phẩm có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, bồi bổ cơ thể như củ sen, mướp, củ cải, dưa hấu…

Đồng thời bạn nên ăn ít thức ăn cay nóng, kích thích như thịt cừu, đồ chiên rán, hành gừng tỏi, tiêu, tránh tình trạng dạ dày bốc hỏa do ăn quá nhiều những thứ này.

Chế độ ăn nhẹ có lợi có thể cải thiện tình trạng khô miệng và các bệnh khác, cũng là lựa chọn tốt để giải nhiệt và làm ẩm phổi.

Cuối cùng, bạn cần phải đảm bảo uống ít nhất 1500 ~ 1700ml nước mỗi ngày (mức khuyến nghị đối với người trưởng thành), uống đủ nước có thể giúp cơ thể không bị khô.

Nói chung, bạn đừng quá lo lắng nếu bị khô miệng vào giữa đêm, bởi hầu hết các trường hợp đều là do nguyên nhân sinh lý. Bạn thử khắc phục bằng cách bổ sung nước nhiều hơn và kiểm tra hiệu quả.

Nếu vẫn không cải thiện và tình trạng kéo dài, thì có lẽ đã đến lúc bạn cần đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.

Bảo Vy
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Đừng chủ quan khi bị khô miệng đột ngột vào giữa đêm