Thường xuyên bị khô miệng, khát nước vào nửa đêm? Để ý 5 căn bệnh này

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thi thoảng khát nước vào nửa đêm không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài sẽ lại là một vấn đề khá nghiêm trọng.

Có những người uống rất nhiều nước mỗi ngày, nhưng họ vẫn cảm thấy khát. Nhất là trong lúc nửa đêm, đang ngủ ngon bỗng thấy miệng khô rát, cần uống nước để giải tỏa.

Cơ thể người khi ngủ có vẻ khá tĩnh, nhưng nhiều cơ quan bên trong vẫn đang lặng lẽ hoạt động. Nếu gặp thời tiết nóng, thì quá trình trao đổi chất sẽ diễn ra nhanh hơn. Lúc này, cơ thể cần nước nên não sẽ phát tín hiệu báo khát.

Thực tế, thỉnh thoảng bị khô miệng vào nửa đêm không phải là điều gì quá to tát. Tuy nhiên, đây sẽ lại là vấn đề khá nghiêm trọng nếu nó diễn ra trong thời gian dài.

Các nghiên cứu lâm sàng phát hiện ra rằng, một số bệnh như tiểu đường và cường giáp cũng đi kèm với triệu chứng khô miệng vào nửa đêm.

Tóm lại, nếu bạn thường xuyên gặp hiện tượng này, thì cần cảnh giác với 5 bệnh dưới đây.

Năm bệnh thường gây khô miệng và khát nước vào nửa đêm

1. Cường giáp

Cường giáp thường có đặc điểm là hoạt hóa thần kinh giao cảm và chuyển hóa nhanh hơn bình thường.

Từ quan sát bên ngoài, bạn dễ dàng nhận thấy bệnh nhân cường giáp đổ mồ hôi nhiều hơn so với người bình thường, thân nhiệt cơ bản cũng cao hơn.

Vì đổ mồ hôi nhiều nên những người này thường bị khô miệng. Đặc biệt vào ban đêm, họ sẽ luôn bị khát và muốn uống nước.

Do đó, nếu bạn hay có triệu chứng khô miệng về đêm và khát nước, thì nên đến bệnh viện để kiểm tra xem liệu có phải là do bệnh cường giáp gây ra hay không.

2. Bệnh gan

Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy quá trình chuyển hóa chất độc ở người mắc bệnh gan diễn ra bất thường.

Do chất độc không được đào thải ra ngoài, chúng sẽ làm cơ thể bị khô khi tình trạng kéo dài trong thời gian lâu, buộc bệnh nhân phải bổ sung nhiều nước hơn. Đặc biệt là vào ban đêm, cơn khát thường có xu hướng tăng lên.

Người bình thường có thể làm dịu cơn khát bằng cách uống một lượng nước thích hợp. Tuy nhiên, nếu bị bệnh gan, thì dù uống bao nhiêu nước họ vẫn cảm thấy khát.

Khi tình trạng trên xảy ra, lời khuyên cho bạn là nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe của gan. Từ đó đánh giá xem liệu gan đang tiềm ẩn những nguy cơ mắc bệnh hay không.

3. Bệnh tiểu đường

Các triệu chứng thường gặp của bệnh nhân đái tháo đường là đa niệu và tiểu nhiều. So với người bình thường thì những bệnh nhân này có lượng đường trong máu cao hơn.

Do đường huyết của bệnh nhân tiểu đường tăng cao nên sẽ gây bài niệu thẩm thấu. Ngoài ra, khi họ uống nước và tiểu nhiều, chu trình này sẽ khiến cơ thể mất nước nhanh hơn, nhất là về đêm, họ dễ cảm thấy khô miệng.

Mặt khác, cảm giác khát của bệnh nhân đái tháo đường khác với người bình thường. Nhìn chung tình trạng sẽ kéo dài, rất khó giải tỏa cơn khát dù đã uống nhiều nước.

Do đó, nếu bạn khát nước về đêm mà vẫn thấy khát sau khi bổ sung nước thì nên đến bệnh viện kiểm tra khả năng dung nạp glucose, nhằm phát hiện liệu có phải là đang mắc bệnh tiểu đường hay không.

4. Hội chứng Sjögren

Hội chứng Sjögren là một bệnh hệ thống miễn dịch thấp khớp. Biểu hiện chủ yếu là tổn thương tuyến lệ và tuyến nước bọt, dẫn đến khô miệng, khô mắt và các triệu chứng khác.

Thông thường, tình trạng khô miệng ở người mắc hội chứng Sjögren có thể thuyên giảm bằng cách uống nước vào ban ngày. Nhưng vào ban đêm, bệnh nhân khó bổ sung nước sau khi chìm vào giấc ngủ, nên họ thường xuyên thấy khát.

5. Đái tháo nhạt

Khi cơ thể hấp thụ quá nhiều nước, phần dư thừa sẽ bị đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu, từ đó duy trì hoạt động sinh lý hàng ngày.

Hormone kiểm soát lượng nước tiểu trong cơ thể được gọi là hormone chống bài niệu, có tác dụng cô đặc và kiểm soát lượng nước tiểu ở trạng thái cân bằng.

Ở bệnh nhân đái tháo nhạt, hormone chống bài niệu sẽ mất cân bằng khiến lượng nước tiểu tăng lên, cơ thể mất nhiều nước và có triệu chứng khát nước nửa đêm rõ rệt.

Uống nước trước khi đi ngủ có gây phù nề không?

Có người phát hiện buổi sáng thức dậy cả hai mắt đều bị "sưng tấy", thậm chí có người còn sưng cả mặt.

Chính vì vậy, để tránh bị phù, nhiều người cố tình nhịn khát, không uống nước buổi tối. Ấy thế mà ngày hôm sau vẫn bị phù như cũ. Nguyên nhân là gì?

Thực tế, chứng phù nề ít ​​liên quan đến việc uống nước trước khi đi ngủ. Lý do dẫn đến tình trạng phù nề ở cơ thể người chủ yếu là do da và mô da tích trữ quá nhiều chất lỏng.

Lượng nước của cơ thể sẽ không được lưu trữ trong dịch mô vượt quá tiêu chuẩn. Chúng có xu hướng được hấp thụ bởi ruột non và hệ thống tuần hoàn của con người. Sau đó, hệ thống hô hấp và hệ thống tiết niệu sẽ hoạt động cùng nhau để điều hòa, nhằm duy trì sự cân bằng nước.

Nguyên nhân gây ra phù nề có thể là do bạn đã ăn quá nhiều muối, quá ít chất đạm, hoặc duy trì một tư thế quá lâu khi ngủ làm cản trở máu lưu thông, phù nề là điều không thể tránh khỏi.

Vì vậy, để giảm phù nề sau khi thức dậy vào buổi sáng, không phải là bạn nhịn khát trước khi đi ngủ; thay vào đó, bạn nên hạn chế thức ăn mặn và cố gắng vận động thể dục, thể thao nhiều hơn.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Thường xuyên bị khô miệng, khát nước vào nửa đêm? Để ý 5 căn bệnh này