Khơi dậy lòng trắc ẩn cho trẻ em trong khủng hoảng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn biết không, lòng trắc ẩn - mong muốn giúp đỡ nhưng người khác khi thấy họ đang chịu đau khổ - phát triển sớm trong những năm đầu đời...  

COVID-19 tuy đã tạm lắng tại Việt Nam, nhưng cơn địa chấn do nó gây ra vẫn còn đang cắm rễ rất sâu và rộng trong xã hội. Cuộc khủng hoảng này không chỉ là mối lo về tính mạng, về sức khỏe, mà nó còn len lỏi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống của từng nhà - ông bà lo lắng để giữ gìn sức khỏe, cha mẹ lo sợ bị mất việc và thu nhập bị giảm do suy thoái kinh tế, những đứa trẻ cũng không thể đứng ở bên lề…

Nhiều người sẽ cho rằng, cuộc khủng hoảng hay tình huống nguy hiểm sẽ chỉ luôn sinh ra sự hoảng loạn, nhưng các nghiên cứu chỉ ra điều ngược lại: chúng ta có xu hướng chia sẻ và hành động đoàn kết hơn với nhau trong những cơn hoạn nạn.

Nói theo cách khác, cuộc khủng hoảng này có thể trở thành cơ hội tốt để các bậc cha mẹ dạy cho trẻ nhỏ những bài học về lòng trắc ẩn? Vì thật ra, đức tính này phát triển từ rất sớm, mong muốn giúp đỡ những người khác khi thấy họ đang chịu đau khổ xuất hiện ngay từ những tháng đầu đời của trẻ nhỏ.

Mới từ 5 tháng, trẻ đã có xu hướng thích giúp đỡ, thay vì trở thành những người gây cản trở. Từ 8 đến 10 tháng tuổi, khi nhìn thấy mọi người va đầu gối vào đâu đó, hoặc ngón tay bị đau, trẻ đã bắt đầu thể hiện sự đồng cảm - thông qua nét mặt, giọng điệu, và cử chỉ. Những biểu hiện này phản ánh sự quan tâm và mong muốn thấu hiểu sự đau buồn của người khác. Đến 14 tháng tuổi, các bé đã biết và thích giúp đỡ người khác, đơn giản là bằng cách lấy giúp những đồ vật ngoài tầm với của bố mẹ, ông bà.

Tuy nhiên, trong cơn khủng hoảng, làm thế nào để cha mẹ có thể giúp con cái họ nhận ra bản năng cảm thông này?

Trả lời câu hỏi trên, các nhà khoa học đã gợi ý ba cách sau cho các bậc cha mẹ, để giúp con mình phát triển lòng trắc ẩn.

1. Thể hiện lòng trắc ẩn với trẻ em

Trong cơn khủng hoảng, ví dụ như đại dịch COVID-19, nhiều trẻ em và cả cha mẹ đều có cảm giác không chắc chắn về mọi việc. Cảm giác này đến từ những biến động và thay đổi cứ liên tục xảy ra.

Các bé nhớ trường lớp, bạn bè và các môn thể thao yêu thích... Đối với những trẻ rất nhỏ, chưa có đủ ngôn từ để thể hiện sự lo lắng hay sợ hãi, hoặc những trẻ lớn hơn, nhưng lai chưa kịp điều chỉnh cảm xúc để vượt qua những thời khắc khó khăn, thì vô số biến động trong khủng hoảng có thể là quá sức.

Chúng có thể có những biểu hiện bất thường như cáu kỉnh, nổi nóng và giận dữ hơn so với bình thường. Thật ra, đó là vì chúng đang lo lắng và sợ hãi. Nhưng thay vì ứng xử với trẻ như những đối tượng không hợp tác, cha mẹ có thể xem xét xem: Liệu hành vi của con mình có phải là dấu hiệu của sự sợ hãi hay không?

Nếu có, cha mẹ có thể đem đến cho con sự ấm áp và dịu dàng, ngay cả khi chúng rất vô lý, thì cảm xúc của trẻ sẽ xoa dịu. Cha mẹ có thể mở rộng lòng trắc ẩn bằng cách tạo không gian để giúp con cái nhận thức rõ hơn và xử lý cảm xúc tốt hơn. Thừa nhận và tinh tế để nhận ra cảm xúc của trẻ có thể đóng vai trò như một “liều thuốc”, và giúp chúng thấy rằng: khoảnh khắc khó khăn này cuối cùng rồi sẽ qua đi.

Cha mẹ cũng có thể thường xuyên kể lại cho con nghe những câu chuyện ý nghĩa - từ những người mà bé biết, những nghĩa cử mà họ làm khi phải đối diện với khó khăn. Chẳng hạn như những người hàng xóm chia sẻ quần áo, thức ăn, chăn ấm cho người vô gia cư hay người nghèo trong đại dịch. Hay đơn giản hơn, cha mẹ nhắc nhở các bé quan tâm hỏi thăm ông bà thường xuyên hơn, nhắc nhở người thân trong gia đình hãy giữ gìn sức khỏe.

Những cuộc nói chuyện này cho trẻ sự kết nối với những ai luôn sẵn lòng giúp đỡ những người khác, và cho trẻ thấy sức mạnh của lòng trắc ẩn trong khó khăn. Đây chính là cơ hội cho trẻ em cảm nhận sự cảm thông và học cách bày tỏ. Những trải nghiệm đầu tiên này sẽ giúp cho chúng hoàn thiện nhân cách trong tương lai.

2. Dạy trẻ học cách trắc ẩn với bản thân

Đổi lại, giống như trẻ em nhận được lòng trắc ẩn từ cha mẹ, chúng cũng có thể học cách tự cảm thông với chính bản thân mình. Khi trẻ lo sợ hay gặp khó khăn trong đại dịch, cha mẹ có thể khuyến khích chúng lắng nghe cơ thể và tâm trí, cố gắng nhận thức rõ ràng hơn, chấp nhận và mở lòng mình hơn.

Ví dụ với trẻ lớn, cha mẹ có thể dạy chúng tự tạo ra những khoảng lặng để cảm thông với bản thân, tự cảm thụ sự đau khổ trong những giây phút căng thẳng. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể hướng dẫn chúng tạm dừng lại, bình tĩnh một chút và chú ý đến cơ thể đang căng cứng, tim đang loạn nhịp và những ý niệm đang nhảy múa ở trong đầu. Có thể chỉ dẫn để các bé nhận ra rằng, tự bé đang có một khoảnh khắc khó khăn và trẻ em trên toàn thế giới cũng như vậy. Dạy chúng hít thở thật sâu và tự cho mình những lời an ủi, như “Bình tĩnh nào tôi ơi”.

Để trẻ nhỏ rèn luyện sự cảm thông với bản thân, bố mẹ có thể cùng con lên kế hoạch cho các hoạt động thú vị, những thứ đáng mong chờ sau một ngày học tập vất vả ở nhà hay trường học, hoặc sau khi nhận ra kế hoạch nghỉ hè bị hủy bỏ.

Tự cảm thông dạy cho trẻ em học cách xử lý và đối phó với những cảm xúc lúc khó khăn. Điều này sẽ giúp các em thấy được rằng: bất kỳ ai, vào một lúc nào đó, chắc chắn cũng có thể có những cảm xúc tồi tệ. Quá tập trung vào đau khổ của cá nhân có thể khiến trẻ tự tư một cách ích kỷ, và ít có khả năng cảm thông với nỗi đau của người khác. Tự trắc ẩn với bản thân có thể giúp các em nghĩ về người khác và mở rộng lòng từ bi đối với họ.

3. Khuyến khích trẻ thể hiện lòng trắc ẩn với người khác

Trong đại dịch virus Corona, mặc dù trẻ em có khuynh hướng muốn giúp đỡ, nhưng thật khó để chúng biết chính xác những gì có thể làm.

Trẻ có thể bắt đầu bằng những hành động nhỏ thể hiện lòng trắc ẩn cùng với gia đình của mình - gửi những thông điệp tốt đẹp đến những người vẫn phải làm việc để phục vụ cho xã hội, thường xuyên gọi điện thoại trực tuyến cho những người ở một mình, lớn tuổi hoặc bị suy giảm miễn dịch, quyên góp tiền hay tặng quà cho người nghèo...

Nghiên cứu cho thấy rằng, những khác biệt nhỏ trong ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng khi chúng ta khuyến khích trẻ em thể hiện sự giúp đỡ. Cha mẹ có thể nuôi dưỡng động lực của trẻ nhỏ bằng cách nhờ con trở thành “người tốt bụng”, điều có thể truyền cảm hứng cho chúng tự nhận thức về lòng trắc ẩn. Tuy nhiên, khi nhiệm vụ quá khó để hoàn thành, những “người tốt bụng” nhí sẽ ít có khả năng cố gắng giúp đỡ một lần nữa, so với những trẻ chỉ đơn giản là được yêu cầu thực hiện việc giúp đỡ. Vì vậy, trong trường hợp việc cần giúp có độ khó cao mà trẻ em có thể không làm được, tốt hơn hết là hãy chỉ nói “nhờ giúp”.

Ngay cả trẻ nhỏ chắc chắn cũng nhận thức được rằng, cuộc sống ngay bây giờ đã trở nên khá khác so với trước đây, nhưng chính khủng hoảng lại trở thành cơ hội để chúng học được rằng: tất cả chúng ta, khi đối diện với khó khăn, đều cần sự thay đổi; chính khả năng thích nghi và lòng trắc ẩn sẽ giúp chúng ta thực hiện được điều đó.

Tiến sĩ Maryam Abdullah là giám đốc chương trình nuôi dạy con của Trung tâm Khoa học Greater Good. Cô cũng là chuyên gia tâm lý học trong các mối quan hệ cha mẹ-con cái và sự phát triển các hành vi xã hội của trẻ em. Bài viết này được đăng tải lần đầu trên trên Tạp chí Greater Good.

Nhật Hà
- Theo The Epoch Times.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Khơi dậy lòng trắc ẩn cho trẻ em trong khủng hoảng