Không dùng thuốc, cơ thể có khả năng tự khỏi bệnh không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Yu Okamoto, bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng người Nhật, đã nói trong cuốn sách "90% bệnh tật sẽ tự chữa lành" rằng, sức mạnh tự chữa lành có thể giải quyết 90% cơn đau của con người, miễn là cơ thể đảm bảo được sự cân bằng. Vậy sức mạnh tự phục hồi là gì? Làm thế nào để nó hoạt động bình thường?

Từ tiêu chảy đến huyết áp tăng (hoặc giảm) đều là biểu hiện của khả năng tự chữa bệnh

Ông Hứa Đằng Hồng, bác sĩ điều trị của Phòng khám Y học Trung Quốc Hoài Nguyên, cho biết khả năng tự chữa bệnh là cơ chế tự điều chỉnh và trở lại trạng thái bình thường, đồng thời duy trì sự cân bằng và ổn định của cơ thể.

Tương tự, trạng thái cơ thể càng ổn định thì khả năng tự phục hồi càng tốt, vì vậy bệnh nhẹ cũng nhanh chóng được chữa khỏi và không dễ mắc bệnh nặng.

Sức mạnh tự phục hồi có phạm vi rộng, bao gồm chuyển hóa, miễn dịch, khả năng sửa chữa, khả năng bù đắp, huyết áp, đường huyết, nội tiết, hệ thần kinh v.v. Nó có thể duy trì sự ổn định của cơ thể.

Có rất nhiều phản ứng vật lý trong cuộc sống, tất cả đều là biểu hiện của khả năng tự phục hồi:

Não gửi tín hiệu khiến con người cảm thấy đói muốn ăn và cảm thấy mệt mỏi để nghỉ ngơi.

Thông qua hắt hơi, sổ mũi, đổ mồ hôi và ho ra đờm, các chất độc và dị vật trong cơ thể sẽ được đào thải ra ngoài.

Nói chung, nếu bạn bị cảm lạnh, hãy nghỉ ngơi và uống nước ấm để đẩy nhanh chu trình trao đổi chất của cơ thể, và bạn có thể nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Bong gân, căng cơ hoặc viêm cơ và gân... có thể tự phục hồi sau khi nghỉ ngơi hợp lý, nhưng cần nhiều thời gian hơn để cơ thể sửa chữa.

Tuy nhiên, vì con người phải tiếp tục vận động và làm việc, cho nên bằng biện pháp điều trị từ bên ngoài, cơ thể có thể trở lại bình thường nhanh hơn, đồng thời giảm thiểu cảm giác đau và khó chịu.

Tiêu thụ thức ăn không tốt sẽ gây ra nôn mửa và tiêu chảy, để duy trì một môi trường tốt trong hệ thống tiêu hóa, cơ thể sẽ loại bỏ những thứ gây viêm.

Bác sĩ Hứa Đằng Hồng đưa ra ví dụ, một số bệnh nhân bị tiêu chảy do thói quen ăn uống không tốt cho dạ dày, sau khi tự uống thuốc trị tiêu chảy thì bụng đau hơn, nguyên nhân là do chất bẩn trong đường ruột không được loại bỏ hết.

Thực tế, các triệu chứng có thể được cải thiện bằng cách sử dụng một số bài thuốc bắc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm sạch và thúc đẩy nhu động ruột.

Tuy nhiên, trường hợp tiêu chảy nặng cũng có thể dẫn đến mất nước, lúc này bạn cần phải tìm cách để kìm lại. Phải xác định nguyên nhân gây tiêu chảy, nôn trớ, nếu là do siêu vi thì điều trị kịp thời.

Một số người khi mệt vẫn tiếp tục làm việc, sinh hoạt; nhưng lúc này tim bắt đầu đập nhanh, huyết áp tăng cao. Đây là hiện tượng cơ thể không chịu được gánh nặng do mệt mỏi, nên tiết ra một số hormone chống stress như adrenaline để bù đắp khẩn cấp.

Ở giai đoạn đầu, hiện tượng này không thuộc bệnh cao huyết áp, chỉ cần bạn nghỉ ngơi thì huyết áp sẽ từ từ hạ xuống, đây cũng là biểu hiện của khả năng tự phục hồi.

Bác sĩ Okamoto Hiroshi tin rằng 90% số bệnh sẽ tự khỏi. Trong khi đó, ông Hứa Đằng Hồng nói: "Có thể hơn 90%, tôi nghĩ rằng nó đã bị đánh giá hơi thấp".

Muốn khả năng tự chữa lành phát huy tối đa, thì tiền đề là bệnh còn ở giai đoạn đầu, thể chất và tinh thần ổn định.

Tín hiệu bệnh tật: cơ thể mất thăng bằng và khả năng tự phục hồi suy giảm

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố trong cuộc sống hàng ngày khiến cơ thể mất cân bằng và khiến khả năng tự phục hồi kém đi.

Ví dụ, làm việc quá sức, ít vận động, chất lượng giấc ngủ kém, chế độ ăn uống thiếu khoa học, thường ăn nhiều dầu và nhiều đường, hay thói quen uống đồ lạnh.

Khi cơ thể bị quá tải, về lâu dài sẽ xảy ra các hiện tượng như nhịp tim hay huyết áp không ổn định. Cơ thể không ổn định lâu ngày sẽ dẫn đến suy giảm khả năng tự chữa bệnh và sinh bệnh tật.

Ví dụ như nạp quá nhiều dầu, đường có thể khiến cơ thể gặp khó trong việc điều chỉnh đường huyết. Thời gian qua đi sẽ mất đi khả năng điều tiết lượng đường trong máu, khi đó sẽ xuất hiện tình trạng kháng đường, chuyển hóa kém và cuối cùng sinh ra bệnh tiểu đường.

Trong cơ thể thường có các tế bào ung thư lưu thông, khi cơ thể ở trạng thái tốt, tế bào lympho T, đại thực bào và một số tế bào miễn dịch có thể tiêu diệt tế bào ung thư và giữ cho tế bào ung thư dưới một số lượng nhất định.

Nhưng khi cơ thể mất cân bằng, hệ thống miễn dịch và hệ tuần hoàn trao đổi chất trở nên kém, không những khó tiêu diệt tế bào ung thư mà còn trở thành cơ thể có tính axit tạo điều kiện cho tế bào ung thư tăng sinh, từ đó dẫn đến các bệnh ung thư khác nhau.

Khi cơ thể mất cân bằng, các tín hiệu do não gửi đến sẽ bị sai lệch. Ví dụ, dưới áp lực căng thẳng, bụng rõ ràng không đói, nhưng nó cứ khiến người ta phải ăn, cuối cùng dẫn đến tăng cân.

Làm thế nào để nâng cao sức mạnh tự phục hồi? Cải thiện trạng thái tinh thần là chìa khóa

Uống thuốc khi bị bệnh có thể hỗ trợ khả năng tự phục hồi và làm cho cơ thể nhanh lành hơn.

Đồng thời phải điều chỉnh chế độ sinh hoạt, tránh mệt mỏi quá độ, tránh thức khuya, vận động hợp lý.

Về chế độ ăn uống, cần cân đối dinh dưỡng, tránh ăn quá no, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường, nước đá và các thực phẩm khác.

Bác sĩ Hứa Đằng Hồng cho biết, con người hiện đại ngày nay rất khó để làm được những thói quen trên.

Do đó, bạn có thể giúp cơ thể khôi phục sự ổn định và nâng cao khả năng tự phục hồi bằng cách dùng thực phẩm bổ sung, dùng các sản phẩm chăm sóc và xoa bóp các huyệt đạo.

Duy trì trạng thái tinh thần tốt cũng là một chìa khóa để nâng cao khả năng tự phục hồi, bao gồm việc điều tiết cảm xúc thích hợp và giải tỏa căng thẳng.

Bác sĩ Hứa Đằng Hồng nhấn mạnh rằng cảm xúc, căng thẳng và các vấn đề khác có ảnh hưởng lớn đến con người hiện đại.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng cảm xúc căng thẳng có liên quan mật thiết đến bệnh ung thư, ví dụ như mắc bệnh ung thư gan, ung thư phụ khoa cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Một báo cáo tại Hội nghị thường niên Châu Á của Hiệp hội Ung thư Y tế Châu Âu chỉ ra rằng bệnh nhân ung thư với mức độ trầm cảm cao hơn có phản ứng với hóa trị liệu kém hơn so với bệnh nhân ung thư không bị trầm cảm.

Có nhiều cách để giải tỏa cảm xúc và căng thẳng. Bạn có thể la hét, tìm ai đó để trò chuyện, tập thể dục, thở bằng bụng, ăn hoặc làm những điều bạn thích... nhưng bạn không nên điều chuyển tâm trạng theo cách khiến cơ thể mệt mỏi hơn bởi áp lực công việc.

Khi bạn có tâm trạng thoải mái, hệ thống nội tiết sẽ tiết ra một số chất chống viêm. Do đó, khi cảm thấy buồn bực, bạn có thể tham gia vào các hoạt động tích cực có thể khơi dậy cảm xúc vui vẻ trong bạn.

Sự thay đổi tâm trạng cũng bao gồm việc tha thứ và bao dung cho người khác.

Mayo Clinic, bệnh viện số một Hoa Kỳ, đã từng đăng một bài báo viết rằng, việc tha thứ để trút bỏ oán hận có thể mang lại những lợi ích như tăng cường hệ thống miễn dịch, hạ huyết áp, cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm lo lắng hay căng thẳng, đồng thời cải thiện sức khỏe tinh thần.

Bảo Vy
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Không dùng thuốc, cơ thể có khả năng tự khỏi bệnh không?