Làm thế nào để giữ lấy bao dung trước dịch virus Corona?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cơn hoảng loạn bởi dịch virus Vũ Hán, chúng ta nên quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau để cùng vượt qua thời điểm khó khăn này…

Tôi vừa mới biết tin về trường Đại học Washington - nơi con trai tôi đang học, có thể sẽ phải hủy các lớp học và kiểm tra cuối kỳ để phong tỏa sự lây lan của virus Corona. Trường học đã đưa ra phản ứng này khi một ca nhiễm virus đã được xác nhận tại đó.

Mặc dù trường sẽ phải chịu nhiều hao tổn - ví dụ họ phải làm sạch toàn bộ khuôn viên - nhưng cá nhân tôi thực sự biết ơn trước hành động nhanh chóng và đặt ưu tiên của sinh viên lên hàng đầu. Đó là một trong nhiều cách mà tôi cảm nhận được quan tâm giữa cuộc khủng hoảng, và đó là những điều tôi trông mong sẽ xuất hiện trong những tuần sắp tới.

Tại sao mọi người lại mong đợi sự hợp tác và lòng trắc ẩn khi đương đầu với đại dịch? Bởi vì, trái ngược lại với niềm tin của đa số, những cuộc khủng hoảng thường bộc lộ ra phần đẹp nhất của con người. Theo một báo cáo tìm hiểu về cách mà người ta phản ứng trong sự kiện 11/9/2001, khi tòa tháp đôi bị tấn công, nhiều người đã cúi xuống để giúp người khác trốn thoát, dù đôi khi họ có thể gặp nguy hiểm rất lớn. Các báo cáo khác về hậu quả của thảm họa thiên nhiên cho thấy: những người lạ mặt sẽ lộ diện để chúng ta giúp đỡ lẫn nhau.

Dù thực tế là thảm họa xảy ra đôi khi sẽ dẫn tới việc trục lợi từ một số nhóm nhỏ - ví dụ trộm cắp tài sản khi ai đó rời khỏi nhà - nhưng những việc đó không xuất hiện phổ thông như trên các tít báo. Thay vào đó, khi chúng ta gặp phải kẻ thù chung như bệnh dịch, chúng ta thường xích nhau lại gần vì một lợi ích chung.

Hãy để ý đến những người trẻ tuổi và khỏe mạnh nghiêm túc thực hiện việc rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho, ở nhà khi ốm, hay đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Hiển nhiên là không ai muốn bị ốm, nhưng cùng với đó, không ai muốn chịu trách nhiệm khiến người khác mắc bệnh.

Trên thực tế, các nghiên cứu cũng chỉ ra việc bảo vệ người khác là một động lực to lớn để làm điều chân chính. Ví dụ: một nghiên cứu đã xem xét điều gì thúc đẩy hành vi rửa tay ở các bác sĩ và y tá trong bệnh viện. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra các biển báo “Rửa tay giúp phòng bệnh cho bệnh nhân.” đem lại hiệu quả hơn với nội dung “Rửa tay giúp bạn phòng bệnh”. Nói cách khác, việc kêu gọi nhân viên y tế trở nên vị tha hơn đối với bệnh nhân mang lại hiệu quả tốt hơn so với cách tiếp cận vì lợi ích cá nhân.

Trên thực tế, đây chính là bản tính thiện lương của con người, sẵn lòng giúp đỡ người khác khi ai đó cần chúng ta. Với những trẻ 4-5 tuổi, các bé dễ mở lòng và cho đi nếu được dạy rằng "chịu thiệt thòi sẽ đem đến lợi ích cho người khác"; lòng tốt sẽ bị trì hoãn nếu các bé được dạy “coi trọng lợi ích của bản thân”. Tương tự vậy, các bé 19 tháng tuổi thường vui vẻ đưa thức ăn cho những ai tỏ ra cần thức ăn, kể cả khi các bé đang đói bụng.

Tất nhiên không phải ai cũng hành động vị tha trong những hoàn cảnh này; vậy điều gì sẽ khiến họ vị tha hơn, và làm sao để chúng ta có thể sử dụng chúng vào lợi thế của mình? Hãy xem thử 4 cách “gia tăng vị tha” sau để chống lại virus.

1. Nhìn vào những anh hùng

Luôn có những hành động cao cả khi thảm họa xảy ra, đó là từ những người hy sinh bản thân cho lợi ích của người khác. Hãy thử nghĩ đến các y bác sĩ, những ai đang chăm sóc bệnh nhân đang bị nhiễm virus, đó là những người chịu nhiều nguy cơ nhất; hay những ai đã nhiễm virus và tự nguyện cách ly ở nhà hàng tuần để bảo vệ cộng đồng.

Khi nghe những câu chuyện trên, bạn sẽ cảm thụ được những giá trị cao cả cùng một sự ấm áp từ bên khơi lên cảm hứng, bồi đắp sự tích cực và mong muốn tự mình hành động vì người khác. Mặc dù thông thường chúng ta dễ bị sợ hãi và từ đó mắc phải sai lầm; khi chuyển sự chú ý đến những ai đang làm điều chân chính, nó sẽ khiến chúng ta trở thành những công dân tốt hơn.

Các sinh viên Trung Quốc và những người ủng hộ đã tổ chức một buổi tưởng niệm cho bác sỹ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người đầu tiên lên tiếng về dịch virus Corona ở Vũ Hán, Trung Quốc
Các sinh viên Trung Quốc và những người ủng hộ đã tổ chức một buổi tưởng niệm cho bác sỹ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người đầu tiên lên tiếng về dịch virus Corona ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: Getty)

2. Bình tĩnh và tập trung

Rất dễ để rơi vào sự sợ hãi khi thảm họa ập tới, nhưng cứ rối tung lên sẽ không giúp được ai cả, và khó có ai có thể giữ được suy nghĩ tỉnh táo trong tình trạng khẩn cấp. Bạn có thể thấy điều này diễn ra như thế nào, như khi người ta tích trữ đầu cơ khẩu trang và gây ra thiếu hụt cho những ai đang thực sự cần chúng - những người đang ốm và cần khẩu trang để tránh lây nhiễm dịch bệnh cho những người còn lại.

Làm sao chúng ta có thể bình tĩnh và quyết định sáng suốt hơn? Hãy sử dụng bất cứ công cụ nào bạn có để giữ một cái đầu lạnh - ví dụ thực tập tỉnh giác, giúp làm giảm phản ứng cảm xúc và hỗ trợ chúng ta đưa ra những quyết định tốt hơn (đã được chứng minh). Đi bộ trong công viên và để tự nhiên giúp chúng ta thư giãn tâm hồn. Nói chuyện cùng bạn bè, một người bạn điềm đạm và có thể giúp bạn bớt đi lo lắng.

Cũng không thể không kể đến những hoạt động xã hội như đi hát tại buổi hòa nhạc hoặc đi ăn tiệc, nhưng chúng sẽ bị thay đổi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Nhưng dù thế nào, chúng ta vẫn nên duy trì một không khí bình ổn và lan truyền nó tới người xung quanh, vì cảm xúc cá nhân có xu hướng “lây nhiễm” tới những mối quan hệ xã hội của mình, và vì thế chúng ta nên cố gắng để khống chế sự sợ hãi và hoảng loạn từ tự thân.

3. Bày tỏ lòng biết ơn

Một trong những điều tử tế nhất chúng ta có thể làm là nói lời “cảm ơn” cho những ai đang chiến đấu với dịch bệnh. Giống như trường hợp trường đại học của con trai tôi, việc gửi tin nhắn cảm ơn cho mọi người và các tổ chức khi họ đã làm điều đúng đắn - dù là một nhóm du lịch hoàn tiền cho chuyến đi bị hủy, dù là người hàng xóm mang cho bạn một chiếc khẩu trang, hay các chuyên gia về virus cung cấp cho bạn thông tin chân thực về tự cách ly an toàn.

Khi thể hiện lòng biết ơn tới người khác, chúng ta cho họ biết ý nghĩa công việc mà họ làm, điều này sẽ khuyến khích thêm nhiều việc tốt - không chỉ cho người làm việc tốt mà còn cả những người khác. Tạo nên một môi trường mà vị tha là có ích khi đối mặt thử thách sẽ giúp thúc đẩy niềm tin vào nhau và quan tâm đến hoàn cảnh của nhau.

4. Nhớ đến giá trị phổ quát của nhân loại và thể hiện lòng trắc ẩn

Khi chúng ta sợ hãi, bản năng đầu tiên có lẽ là đổ lỗi cho người khác hoặc đám chìm trong định kiến với các nhóm thường coi là có trách nhiệm. Theo các báo cáo tin tức đã chỉ ra, một số người gốc Á ở Hoa Kỳ thường cảm thấy mình bị xa lánh hoặc là nạn nhân của phân biệt chủng tộc, hay đơn giản là vì loại virus mới đây có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mặc dù ai cũng có thể hiểu một cách lý trí rằng, không thể đổ lỗi cho một người hay một quốc gia nào cụ thể cho sự bùng phát của đại dịch, nhưng tâm trí họ vẫn luôn tìm kiếm những lời giải thích đơn giản.

Các nghiên cứu gợi ý rằng, khi chúng ta nhận ra những giá trị phổ quát và thể hiện lòng trắc ẩn, chúng ta sẽ gần gũi nhau hơn và có thể giải quyết những vấn đề phức tạp ngoài ở bên ngoài. Bạn có thể bắt đầu tự cho mình một chút lòng trắc ẩn, một chút thiện niệm, nó giúp bạn dễ dàng nhận lỗi và hành động để sửa sai. Điều này rất quan trọng, lỗi lầm của con người có thể sẽ rất lớn khi dịch bệnh đang xảy ra, và chúng ta cần chung tay để nhìn lại bài học từ những lỗi lầm đó.

Tất nhiên, tất cả những hướng dẫn nêu trên đều không thay thế được tầm quan trọng của việc vệ sinh tốt. Chúng ta cần thường xuyên rửa tay và tránh đụng vào các bề mặt để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm cho bản thân và người xung quanh. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ làm sạch xã hội của chúng ta - nhìn vào các anh hùng, giữ bình tĩnh, biết ơn và ghi nhớ giá trị phổ quát của nhân loại. Bằng cách này, chúng ta có thể giúp thế giới trở nên an toàn hơn cho tất cả mọi người.

Jill Suttie là một bác sĩ tâm lý, đồng thời là biên tập phê bình sách của tạp chí Greater Good, cô cũng thường xuyên đóng góp cho tạp chí này. Bài viết trên được đăng lần đầu bởi tạp chí trực tuyến Greater Good.

Trần Anh

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Làm thế nào để giữ lấy bao dung trước dịch virus Corona?