Lấy ráy tai nhiều tốt không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ráy tai thực chất không phải là “phân”, nó cũng không gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, một số người cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, thậm chí còn cố gắng ngoáy tai thật sâu nhất có thể, điều này vô tình rất nguy hiểm.

Ráy tai không phải là “phân”

Ráy tai, về mặt y học được gọi là "cerumen", là một chất được tiết ra bởi các tuyến da của ống tai, trộn với bụi và lông.

Có hai loại cerumen, một loại là cerumen khô, và loại còn lại là cerumen ướt; loại trước thường được gọi là ráy tai khô, và loại sau thường được gọi là ráy tai ướt.

Ráy tai khô và ráy tai ướt có liên quan đến yếu tố di truyền. Người da vàng có nhiều ráy tai khô hơn, trong khi người da trắng và da đen có nhiều ráy tai ướt hơn.

Ráy tai có làm tắc lỗ tai không?

Nhiều người nghĩ rằng “ráy tai” bẩn thì không thể không lấy ra, nhưng thực tế, “ráy tai” không hề bẩn, nó có tác dụng bảo vệ đôi tai của con người!

Chất cerumen có tính axit, có thể giữ cho ống thính giác bên ngoài luôn ở trong môi trường axit, và cùng với các sợi lông tai chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn bên ngoài.

Nếu ngoáy tai thường xuyên hoặc lấy hết ráy tai ra ngoài, thì điều này cũng tương đương với việc loại bỏ tuyến phòng thủ bên ngoài của tai.

Lúc này, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào ống tai và màng nhĩ, gây viêm nhiễm, thậm chí ảnh hưởng đến thính giác trong trường hợp nghiêm trọng.

Ngoài ra, ống tai ngoài có khả năng tự làm sạch, ráy tai thừa sẽ tự thải ra nên bạn không cần phải cố ý ngoáy tai để lấy ráy. Một số người thích dùng tăm bông khi vệ sinh, điều này có khả năng đẩy ráy tai ngày càng sâu hơn vào bên trong.

Các bác sĩ khuyên bạn không nên tự ngoáy tai, cũng không cần tìm đến bệnh viện, vì trong trường hợp bình thường thì việc này là không cần thiết.

Nói là vậy, nhưng một số người vẫn thích ngoáy hoặc lấy ráy tai, vì họ luôn cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Vậy thì nguyên nhân do đâu?

Bệnh liên quan đến tai

Khi tai bị nhiễm vi khuẩn hoặc bị viêm tai giữa, chàm và các bệnh khác… bạn sẽ có cảm giác ngứa.

Ngoài ra, nếu cổ họng bị bệnh, tai cũng có thể bị ngứa, do dây thần kinh họng và tai thông với nhau nên chúng sẽ ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu bạn ngoáy tai một cách mù quáng vào thời điểm này, thì nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

Ve tai

Nếu chăn, gối, quần áo không sạch sẽ, thì chúng sẽ là môi trường sinh sản thuận lợi của bọ ve. Từ các vật dụng này, ve rất dễ bò vào tai khi bạn nằm ngủ.

Người có cơ địa tiết nhờn mạnh cũng là điều kiện sống mà bọ ve ưa thích, vì vậy bạn nên chú ý vệ sinh cá nhân và giặt giũ thường xuyên.

Bạn cũng cần chú ý vệ sinh ống thính giác bên ngoài bằng khăn ướt đã vắt nước kỹ (cẩn thận không để nước vào).

Nói chung, việc ngoáy tai là không cần thiết, bởi ráy tay có tác dụng tốt cho sức khỏe của chính bạn. Lấy quá nhiều ráy tai sẽ khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập. Do đó, cách tốt nhất là bạn thường xuyên vệ sinh cơ thể và phòng ngủ sạch sẽ.

Cách an toàn nhất để ngoáy tai là gì?

Nếu có thể tránh được thì tốt nhất bạn đừng ngoáy tai; còn nếu không, bạn cần thao tác từ từ, không nên ngoáy mạnh vì dễ làm tổn thương tai và gây viêm nhiễm.

Một số người thích lấy ráy tai thật sâu bên trong để vệ sinh kỹ càng, nhưng điều này rất nguy hiểm và dễ làm tổn thương màng nhĩ.

Nếu cảm thấy ngứa, bạn có thể ngoáy nhẹ nhàng, cũng có thể dùng tăm bông nhỏ để vệ sinh ống tai. Lưu ý, bạn chỉ làm sạch ống thính giác bên ngoài, không nên chọc tăm bông vào sâu trong ống tai.

Tóm lại, bạn cần phải nhớ, lấy ráy tai quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến thính giác; do đó để an toàn hơn, bạn có thể đến bệnh viện và nhờ bác sĩ làm sạch.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Lấy ráy tai nhiều tốt không?