Liều thứ ba của vắc xin Covid-19 có cần thiết không? Cảnh báo về hai tác dụng phụ chính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một bác sĩ người Đài Loan đột ngột qua đời sau khi tiêm vắc xin Pfizer liều thứ 3. Tại Mỹ, nguyên nhân tử vong có liên quan đến vắc xin hay không vẫn đang được làm rõ. Mặc dù Israel, Mỹ và các quốc gia khác đã bắt đầu thực hiện đợt tiêm chủng tăng cường tiếp theo, nhưng hiện dư luận vẫn còn một số tranh cãi.

Bác sĩ đột tử sau khi tiêm mũi vắc xin thứ ba

Wang Weisheng, một người nhập cư vào Mỹ và là cựu giám đốc Khoa Các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mackay ở Đài Loan, bắt đầu cảm thấy không khỏe sau khi tiêm vắc xin Pfizer liều thứ ba vào ngày 2/9.

Hai tuần sau, vào ngày 16/9, ông được gia đình phát hiện chết trên ghế sofa tại nhà.

Trước đó, Wang Weisheng không mắc bất kỳ bệnh mãn tính nào, nên gia đình nghi ngờ nguyên nhân tử vong có liên quan đến vắc xin.

Trả lời phỏng vấn với truyền thông Đài Loan, ông Su Yifeng cho biết sau khi Wang Weisheng tiêm vắc xin xong, tình trạng viêm cơ tim có thể đã xuất hiện vào đầu tháng 9, nhưng bệnh tình không được điều trị và cải thiện, cuối cùng gây ra các vấn đề về tim và tử vong.

Ông chỉ ra rằng một số tác dụng phụ của vắc xin cũng có thể tồn tại trong thời gian dài và phải tiếp tục điều tra thêm.

Thực tế, nghiên cứu cho thấy các vắc xin mRNA như vắc xin Pfizer hay Moderna, có thể gây ra một số tác dụng phụ như viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim. Trước đó, không ít người đã tử vong vì lý do tương tự.

Ủy viên an toàn của Cơ quan Thuốc Châu Âu (EMA) tuyên bố rằng, những tác dụng phụ như vậy chủ yếu xảy ra trong vòng 14 ngày sau khi tiêm chủng.

Tiêm liều vắc xin thứ 3 sẽ làm tăng nguy cơ mắc viêm cơ tim và hội chứng Guillain-Barré

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng bảo vệ của vắc xin Covid-19 bị suy yếu đáng kể từ 4 đến 6 tháng sau khi hoàn thành tiêm chủng.

Vào tháng 8, Israel là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc sử dụng vắc xin Pfizer để triển khai tiêm mũi thứ 3 trên toàn quốc. Theo sau quốc gia Do Thái này là các nước như Hoa Kỳ, Anh và một số quốc gia khác.

Tuy nhiên, liệu có nên tiêm nhắc lại mũi thứ 3 hay không vẫn là vấn đề còn nhiều tranh cãi.

Một số chuyên gia quốc tế đã công bố nghiên cứu trên tạp chí y khoa có uy tín quốc tế "The Lancet" và chỉ ra rằng, các loại vắc xin hiện nay vẫn có tác dụng bảo vệ tốt trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong, do đó không nhất thiết phải bổ sung mũi tiêm tăng cường thứ ba.

Các tác giả của bài báo bao gồm Marion Gruber, giám đốc Văn phòng Nghiên cứu và Đánh giá vắc xin của FDA, và Phil Krause, phó giám đốc, cùng một số nhà khoa học từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nghiên cứu được công bố vào ngày 13 tháng 9, nhấn mạnh rằng không có đủ bằng chứng khoa học ủng hộ việc tiêm chủng bằng các mũi tiêm nhắc lại.

Ngược lại, việc triển khai tiêm mũi thứ ba quá sớm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim cùng hội chứng Guillain-Barré (là một chứng rối loạn do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần hệ thần kinh ngoại biên), và các tác dụng phụ hiếm gặp khác.

Kết quả nghiên cứu dựa trên các báo cáo do Israel thu thập một tuần sau liều thứ ba. Nghiên cứu này được coi là quá ngắn so với thời gian quan sát.

Các chuyên gia thuộc FDA đã chỉ ra rằng, khoảng thời gian tiêm nhắc lại giữa mũi thứ hai và thứ ba quá ngắn không nhất định sẽ đem lại lợi ích lâu dài. Hơn nữa, tác dụng phụ sau liều thứ hai của vắc xin mRNA như Pfizer và Modena thường nghiêm trọng hơn liều đầu tiên.

Các chuyên gia lo lắng rằng nếu triển khai tiêm mũi tăng cường thứ ba, tác dụng phụ nghiêm trọng của chúng sẽ làm giảm niềm tin của mọi người vào vắc xin.

Zheng Yuanyu, một cựu bác sĩ điều trị tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc và là bác sĩ tại Phòng khám Shangwen, giải thích rằng một số nghiên cứu đã phát hiện thấy khả năng miễn dịch của bệnh nhân cấy ghép tạng rất yếu, và ba liều vắc xin liên tục có thể gây ra bệnh viêm cơ tim và hội chứng Guillain-Barré.

Thay vì sử dụng liều thứ ba, nghiên cứu này gợi ý rằng chúng ta nên bắt đầu phát triển một mũi tiêm tăng cường chống lại virus đột biến, có thể hiệu quả hơn trong việc chống lại dịch bệnh. Một chiến lược tương tự cũng được áp dụng cho vắc xin cúm.

Tiến sĩ Gruber và Tiến sĩ Clauser là hai lãnh đạo Văn phòng vắc xin FDA và giám sát vắc xin trong nhiều thập kỷ. Theo New York Times, họ không ủng hộ quyết định của chính quyền Biden trong việc thúc đẩy tiêm chủng tăng cường, trước khi các nhà khoa học liên bang có thể xem xét mọi bằng chứng và đưa ra các khuyến nghị.

Tiến sĩ Lin Xiaoxu, nguyên giám đốc phòng thí nghiệm của Khoa virus học thuộc Viện Nghiên cứu Quân đội Hoa Kỳ, chỉ ra rằng quyết định sử dụng vắc xin vội vàng này đã từng đem lại hậu quả trong quá khứ.

Ví dụ, trong Chiến tranh vùng Vịnh, để ngăn chặn các tổ chức khủng bố sử dụng bệnh than làm vũ khí sinh hóa, Hoa Kỳ đã khẩn cấp phát triển một loại vắc xin bệnh than cho quân đội Hoa Kỳ.

Kết quả là, những người lính được tiêm chủng này liên tiếp gặp phải các triệu chứng như rối loạn đa cơ quan, và được biết đến với cái tên "Hội chứng chiến tranh vùng Vịnh".

Xem xét các phương pháp phòng ngừa khác thay vì phụ thuộc vào vắc xin

Ngay sau khi nghiên cứu "The Lancet" được công bố, Sheena Cruickshank, giáo sư y sinh tại Đại học Manchester (Vương quốc Anh), cũng đã viết một bài báo trên trang web trao đổi học thuật The Conversation về sự cần thiết của mũi tiêm thứ ba.

Bà chỉ ra rằng sự bảo vệ miễn dịch được cung cấp bởi vắc xin bao gồm ba phần: kháng thể, tế bào T và trí nhớ miễn dịch.

Kháng thể chỉ là một trong những thước đo phản ứng miễn dịch hiệu quả. Tế bào lympho T diệt virus và bộ nhớ miễn dịch là hai thành phần cốt lõi khác. Trí nhớ miễn dịch có thể kích hoạt hệ thống tự miễn dịch để tự động nhận biết, và nhanh chóng sản xuất tế bào lympho T và tế bào B sản xuất kháng thể.

Theo thời gian, kháng thể của cơ thể giảm đi, không đủ để ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm, nhưng các tế bào T và trí nhớ miễn dịch không bị suy giảm hoặc suy yếu, và chúng vẫn đủ để tiêu diệt virus xâm nhập.

Do đó, mục tiêu chính của việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 phải là ngăn ngừa nhiễm virus gây bệnh nặng hoặc tử vong.

Bà nói thẳng rằng vẫn chưa biết liệu liều thứ ba của vắc xin do Vương quốc Anh và các chính phủ khác tung ra, có đủ để cung cấp sự bảo vệ lâu dài hoặc thậm chí cao hơn cho những người dễ bị tổn thương nhất hay không.

Hơn nữa, tiêm chủng chỉ là một trong những biện pháp phòng chống dịch, ngoài ra còn có những biện pháp phòng chống dịch khác như đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách để bảo vệ bản thân.

Tiến sĩ Dong Yuhong, một chuyên gia về virus học và bệnh truyền nhiễm châu Âu, đồng thời là trưởng khoa học gia của một công ty công nghệ sinh học, cũng chỉ ra rằng hiện tại, vắc xin có thể không phải là giải pháp cuối cùng cho bệnh dịch.

Chúng ta nên nghĩ rằng, ngoài vắc xin, liệu còn có phương pháp nào khác để tự nâng cao khả năng miễn dịch của bản thân để chống lại virus hay không.

Bảo Vy
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Liều thứ ba của vắc xin Covid-19 có cần thiết không? Cảnh báo về hai tác dụng phụ chính