Mang vớ để giảm chứng mất ngủ vào mùa đông? Tránh 4 loại tất có hại cho sức khỏe

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cởi tất khi ngủ sẽ làm giảm nhiệt độ của bàn chân, khiến bạn khó vào giấc hơn, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và làm cơ thể khó phục hồi sau một ngày dài làm việc.

Một phụ nữ trung niên gặp rắc rối với chứng mất ngủ, cô thường thức dậy vào nửa đêm và không thể hào hứng với bất cứ điều gì, điều này gây ra rất nhiều phiền toái và khó chịu.

Khi phàn nàn với bạn mình, người bạn nói với cô rằng đó có thể là chứng mất ngủ do mãn kinh gây ra, và khuyên cô nên thử đi tất khi ngủ, đồng thời đưa ra ví dụ rằng người Nhật thường có thói quen đi tất khi ngủ vào mùa đông.

Sau khi thử nó, vấn đề về giấc ngủ của cô thực sự đã được cải thiện, nhưng tại sao một đôi tất lại có tác dụng kỳ diệu như vậy?

Đi tất có thể giúp chúng ta dễ ngủ hơn

Theo một nghiên cứu được công bố trên một tạp chí của Mỹ bởi nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Rush ở Chicago, cởi tất khi ngủ sẽ làm giảm nhiệt độ của bàn chân, khiến con người khó vào giấc hơn.

Ngược lại, đi tất khi ngủ có thể giữ cho bàn chân có nhiệt độ tương đối cao, nhiệt độ cao giúp chúng ta nhanh chóng vào giấc và nâng cao chất lượng giấc ngủ, từ đó cho phép cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi hoàn toàn.

Một nghiên cứu khác cho thấy mang vớ khi ngủ có thể giúp bạn dễ ngủ, ngủ sớm hơn 15 phút và giảm số lần thức dậy vào ban đêm. Nếu bạn đã từng thử đi tất khi ngủ, bạn có thể cảm nhận được lợi ích này, đặc biệt là vào mùa đông.

Lý do là bởi nhiệt độ trung bình của cơ thể rơi vào khoảng 37°C vào ban ngày, trong khi nhiệt độ cốt lõi của con người thường giảm khoảng 1.2°C vào ban đêm khi ngủ.

Nếu cơ thể quá lạnh khi ngủ, não sẽ gửi tín hiệu để thắt các mạch máu, từ đó hạn chế dòng máu ấm đến bề mặt da, làm chậm tốc độ giảm nhiệt độ cốt lõi của cơ thể, khiến bạn khó vào giấc hơn.

Có rất nhiều lợi ích khi mang tất

Đi tất có rất nhiều lợi ích, ngoài việc giữ ấm cho bàn chân, chúng còn có thể ngăn cách bàn chân khỏi các vi sinh vật trong giày, tránh gây ra các bệnh như nấm da chân.

Bên cạnh đó, đi tất có thể làm giảm ma sát giữa da bàn chân và giày, ngăn ngừa bàn chân bị phồng rộp và trầy xước, đặc biệt là khi đi bộ đường dài, đồng thời có thể ngăn ngừa vết chai trên bàn chân do sừng hóa da.

Đối với những người bị dị ứng với cao su, da và các chất liệu giày khác, tất có thể ngăn chặn sự tiếp xúc và ma sát giữa bàn chân và giày, đồng thời giảm nguy cơ viêm da tiếp xúc.

Lợi ích được biết đến nhiều nhất của việc đi tất là có thể ngăn lòng bàn chân bị lạnh, có thể gây ra nhiều bệnh.

Lớp mỡ ở lòng bàn chân tương đối mỏng, khả năng chống lạnh kém.

Khi bị nhiễm lạnh, các mao mạch ở niêm mạc đường hô hấp trên sẽ co lại theo phản xạ, khiến cơ thể giảm đáng kể sức đề kháng, dẫn đến sự xâm nhập của các loại vi trùng, virus ẩn nấp trong vòm họng…

Ngoài ra, mang một đôi tất thể thao co giãn và phù hợp cũng tạo áp lực thích hợp lên mắt cá chân, giảm mỏi cơ, ngăn ngừa bong gân, té ngã và các chấn thương thể thao khác.

4 loại tất có hại cho sức khỏe

Một đôi tất tốt có thể giữ ấm, thấm mồ hôi, hấp thụ sốc, ức chế vi khuẩn, giảm ma sát và bảo vệ khớp, nhưng nếu bạn đi những đôi tất không phù hợp, không đạt chất lượng trong thời gian dài sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về sức khỏe cho cơ thể.

Dưới đây là bốn loại tất có hại cho sức khỏe khuyên bạn không nên đi

1. Đi tất quá chật

Tất quá chật có thể chèn ép mắt cá chân và gây ra các vết đỏ.

Đặc biệt đối với người cao tuổi, do máu ở chân lưu thông kém, huyết áp thậm chí có thể tăng cao do tất bị chèn ép cục bộ ở mắt cá chân, trường hợp nặng có thể gây ra bệnh tim.

2. Khả năng chống mài mòn của tất kém

Nếu tất chỉ mang được một hoặc hai lần, điều đó có nghĩa là khả năng chống mài mòn của nó quá kém.

Thông thường những đôi tất đủ tiêu chuẩn sẽ bổ sung chất liệu sợi có độ bền cao ở gót chân và ngón chân, đồng thời sử dụng công nghệ dệt tốt hơn để đảm bảo tất có khả năng chống mài mòn tốt hơn.

Tất làm từ chất liệu không tốt có khả năng chống mài mòn kém, không những dễ bị thủng lỗ mà còn có thể làm trầy xước chân.

3. Tất không linh hoạt

Nếu tất không có khả năng co giãn tốt, độ ma sát giữa bàn chân và tất sẽ tăng lên, khiến tất không bám theo chân khi đi bộ hoặc tập thể dục.

Nếu bàn chân của bạn đổ mồ hôi, thì bạn có thể cảm thấy trơn trượt, làm tăng nguy cơ chấn thương do té ngã.

4. Tất đổi màu nghiêm trọng

Nếu màu của tất bị phai ngay sau khi giặt hoặc nhuộm sang quần áo khác trong quá trình giặt, thì nó không chỉ làm bẩn quần áo khác mà còn có thể chứa hoặc giải phóng các chất hóa học độc hại, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe.

Tóm lại, đi tất khi ngủ có thể giúp chúng ta vào giấc nhanh hơn và cải thiện chất lượng giấc ngủ ở một mức độ nhất định. Nó cũng đóng vai trò giữ ấm, đệm, giảm ma sát, ngăn ngừa bệnh tật và giảm chấn thương khi chơi thể thao.

Tuy nhiên, tất không phù hợp sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe về lâu dài. Vì vậy, khi đi giày, bạn nên chọn loại tất phù hợp, có độ đàn hồi và bền màu tốt.

Theo Secret China
Hoàng Tuấn biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mang vớ để giảm chứng mất ngủ vào mùa đông? Tránh 4 loại tất có hại cho sức khỏe